Rác thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hay giải trí, khám chữa bệnh, sinh hoạt hàng ngày của con người chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, rác thải là sản phẩm tất yếu của cuộc sống con người. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao thì lượng rác thải xả ra mỗi ngày cũng càng lớn. Vậy nên, để bảo vệ môi trường thì cần phải có những giải pháp xử lý rác thải hiệu quả được đưa ra. Vấn đề này đang trở nên nóng bỏng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy các giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt ở Việt Nam đang được áp dụng hiện nay là gì?
Theo các thống kê, lượng rác thải một người dân Việt Nam thải ra môi trường mỗi ngày dao động trong khoảng 0,35 kg - 0,8 kg. Trong khi đó, tổng dân số nước ta hiện nay có hơn 90 triệu người. Với những con số này thì việc xử lý rác thải thực sự là áp lực lớn đối với các đô thị đông dân. Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn vấn đề này cũng không hề đơn giản. Rác thải không được xử lý tốt gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. Vậy nên, Nhà nước ta hiện nay đã đưa ra một số giải pháp xử lý rác thải bao gồm:
1. Xây dựng và quy hoạch các bãi thu gom rác thải
Đây là một trong những giải pháp xử lý rác truyền thống đã được áp dụng tại nước ta trong nhiều năm qua. Theo đó, các loại rác thải sẽ được thu gom đến bãi quy hoạch từ trước, sau đó tiến hành phân loại và xử lý. Tuy nhiên, giải pháp này không được đánh giá cao vì nhiều bãi rác khi được xây dựng và quy hoạch chưa đảm bảo đúng yêu cầu về mức độ gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến nguồn đất, không khí cũng như đời sống của người dân xung quanh. Ngoài ra, việc xây dựng các bãi rác đúng tiêu chuẩn làm tốn một khoản ngân sách rất lớn, lên đến hàng trăm tỉ đồng.
2. Sử dụng hóa chất để xử lý rác thải
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại hóa chất như: BioStreme 9442F, EM WAT-1, Clean Air,...được sử dụng để khử mùi hôi của rác thải. Theo đó, chỉ cần pha hóa chất với lượng nước như hướng dẫn và phun xịt lên các bãi rác thì mùi hôi từ rác thải sẽ được tiêu hủy. Tuy nhiên, các hóa chất này lại ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người. Vậy nên, giải pháp này chưa được đánh giá cao.
3. Sử dụng lò đốt rác thải rắn
Hiện nay, có hai loại lò đốt được sử dụng để xử lý rác thải sinh hoạt: Một là loại lò đốt công suất nhỏ, không sử dụng năng lượng, thường được dùng để xử lý rác thải gia đình; Hai là loại lò đốt rác thải công suất lớn, có sử dụng năng lượng, được dùng để xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp hay y tế được gom thành bãi lớn.
Rác thải sau khi được đưa vào lò, dưới tác động của nhiệt độ cao sẽ phân hủy và biến thành tro tàn (được sử dụng để làm phân bón hoặc gạch xây nhà). Tuy nhiên, do công tác phân loại rác thải tại Việt Nam chưa tốt nên độ ẩm rác còn cao, khi đốt sẽ không được xử lý triệt để hoàn toàn.
4. Xử lý rác thải bằng công nghệ ép kiện và tái chế
Mục đích của giải pháp này là giảm tối đa thể tích của rác thải và tận dụng những thứ còn sử dụng được. Theo đó, rác thải tại nơi tập trung thu gom sẽ được phân loại và chia thành nhiều kiện lớn rồi đưa về các nhà máy xử lý. Tiếp đó, các loại rác thải như: chậu nhựa, chai nước, vỏ lon đồ uống,...sẽ được tái chế còn các loại rác thải khác sẽ được đưa đến hệ thống ép thủy lực để nén nhỏ lại.
5. Xử lý rác thải bằng giải pháp sinh học
Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm vi sinh được nghiên cứu để áp dụng vào việc xử lý rác thải. Theo đó, dưới tác động của các vi sinh, rác thải hữu cơ sẽ dần phân hủy và trở thành phân compost dùng trong trồng trọt. Cách thực hiện giải pháp xử lý rác thải này cũng rất đơn giản, người dùng chỉ cần tưới các chế phẩm sinh học vi sinh này lên rác thải hữu cơ đã được phân loại trước đó. Dưới tác động của các chủng vi sinh, mùi hôi của rác cũng sẽ nhanh chóng được kiểm soát.
6. Giải pháp chôn lấp rác thải
Chôn lấp là cách xử lý rác thải nông thôn phổ biến nhất hiện nay. Theo đó, rác thải sẽ được đưa đến các hố rác đã có sẵn. Khi rác đầy sẽ tiến hành lấp đất, phun dung dịch hóa chất xung quanh hố để hạn chế côn trùng cũng như mùi hôi của rác. Cuối cùng, đào một hố khác ở khu vực đã quy hoạch để tiếp tục thu gom rác. Tuy nhiên, diện tích đất để xử lý rác theo phương pháp chôn lấp hiện nay đã bị thu hẹp, hơn nữa giải pháp này còn có thể gây ra những mối nguy hại cho đất nên không còn được áp dụng nhiều.
Trên đây là những giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt ở các đô thị cũng như vùng nông thôn Việt Nam hiện nay mà đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã biết thêm một số cách để xử lý rác thải, từ đó áp dụng và góp phần nhỏ công sức của mình vào công cuộc bảo vệ môi trường.
Tham khảo thêm: Công nghệ xử lý rác thải ở Việt Nam và trên thế giới