Huyết áp cao là bệnh thường gặp hiện nay, đặc biệt rất hay xảy ra đối với người già. Đây là căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tăng nguy cơ mắc các bệnh dễ gây tử vong như: đột quỵ, tim mạch, suy thận,.... gây ra nhiều lo lắng cho bệnh nhân. Đó chính là lý do vì sao mà bạn cần tìm hiểu những lưu ý khi bị cao huyết áp để có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình tốt hơn.
1. Giữ ấm cho cơ thể
Đối với những người bị cao huyết áp, khi thời tiết lạnh cần phải chú ý đến việc giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là phần đầu, cổ và bàn chân. Bởi vì khi thời tiết thay đổi đột ngột sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Bên cạnh dó, một lưu ý khi bị huyết áp cao đó là không nên thức dậy quá sớm, đặc biệt đối với những người cao tuổi hay người có thói quen tập thể dục vào buổi sáng sớm để tránh tình trạng đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Bởi vì sau một đêm, khả năng thích nghi với nhiệt độ bên ngoài của cơ thể đã kém đi. Khi dậy quá sớm, bước ra ngoài gặp gió lạnh, cơ thể chưa kịp thích ứng với những thay đổi này sẽ rất dễ gây nguy hiểm.
2. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một trong những lưu ý cho người cao huyết áp đó là nên quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể được hấp thu các chất cần thiết nhất. Điều này sẽ giúp người bệnh cải thiện trạng thái huyết áp và mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Người bị cao huyết áp nên ăn gì?
- Trái cây có múi như: cam, quýt, chanh, bưởi,... chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp bệnh nhân có được một trái tim khỏe, hỗ trợ trong việc hạ huyết áp.
- Cá hồi và cá thu chứa nhiều axit béo omega - 3 có tác dụng trong việc giảm viêm và giảm huyết áp. Ngoài ra, trong loại thực phẩm này còn chứa nhiều vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi, giúp xương chắc khỏe và điều hòa huyết áp.
- Hạt bí ngô giàu kẽm và magie cũng có tác dụng trong việc hỗ trợ giảm huyết áp.
- Các loại đậu như: đậu hà lan, đậu gà, đậu lăng,... cung cấp nhiều chất xơ và protein.
- Các loại quả mọng như: dâu tây, việt quất, mâm xôi,... chứa nhiều oxit nitric giúp giãn mạch máu, thúc đẩy quá trình lưu thông máu, giảm huyết áp, ngăn ngừa bệnh tim và tăng chức năng não bộ.
- Rau dền và củ dền chứa một lượng lớn magie hỗ trợ cho quá trình vận chuyển máu giúp giảm huyết áp trong cơ thể.
Ngoài ra, các loại thực phẩm khác như: hạt dẻ, cà rốt, cần tây, cà chua, bông cải xanh, củ cải đường, cải bó xôi, chuối, tỏi, lựu, sữa chua, hạt chia, tỏi, socola đen và dầu oliu cũng có các thành phần rất tốt cho việc hỗ trợ giảm huyết áp. Để có được kết quả tốt nhất, người bệnh có thể kết hợp các loại thực phẩm này và tạo ra những món ăn ngon, làm phong phú bữa ăn hàng ngày.
Người bị cao huyết áp không nên ăn gì?
- Trong muối có nhiều natri là nguyên nhân dẫn đến bệnh cao huyết áp và bệnh tim.
- Thịt nguội và thịt xông khói cũng là thực phẩm mà những người cao huyết áp nên hạn chế ăn bởi chúng đều đã được ướp da vị, bảo quản với muối.
- Dưa chua sử dụng muối để chế biến nên cũng là thực phẩm không tốt cho sức khỏe của những người bị cao huyết áp.
- Đường góp phần làm tăng cân ở người lớn cũng như trẻ em, gây ra tình trạng thừa cân, béo phì và tăng nguy cơ cao huyết áp.
- Thực phẩm đã qua chế biến thường chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, natri, đường, carbohydrate ít chất xơ làm cho tim bị yếu đi.
- Rượu, bia, các đồ uống có cồn chứa nhiều đường và calo có thể làm người bệnh bị thừa cân, béo phì và cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp.
3. Quá trình dùng thuốc
Những người cao huyết áp cần chú ý điều gì trong quá trình uống thuốc? Câu trả lời là người bệnh phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý tăng hoặc giảm liều lượng để tránh việc không những không mang lại hiệu quả mà còn có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Ví dụ, một số người sau khi uống thuốc một thời gian thấy tình trạng bệnh đã đỡ hoặc gặp phải một số tác dụng phụ thì tự ý giảm liều lượng hoặc ngưng thuốc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng huyết áp đột ngột tăng cao và gây ra đột quỵ. Hoặc cũng có những bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc vẫn chưa thấy chuyển biến tốt đã tự ý tăng liều lượng. Kết quả là họ gặp phải một số tác dụng phụ như: ho, khó thở, mất ngủ,... hay có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
4. Quá trình vận động
Lưu ý khi bị huyết áp cao, người bệnh nên tập thể dục đều đặn từ 30 - 45 phút mỗi ngày để cơ thể khỏe hơn. Tuy nhiên, chỉ nên luyện tập ở mức độ vừa phải như: đi bộ, tập dưỡng sinh,.... Đây đều là những bài tập nhẹ nhàng nên sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến huyết áp, ngược lại còn hỗ trợ hiệu quả trong việc nâng cao sức khỏe.
5. Sử dụng máy đo huyết áp cá nhân
Những bệnh nhân có huyết áp thay đổi thất thường nếu được thì nên trang bị cho mình một chiếc máy để đo huyết áp vào buổi sáng và buổi tối lúc trước khi uống thuốc. Điều này sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát được tình trạng huyết áp của mình để có thể kịp thời đến bệnh viện ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
6. Chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Người bệnh bị cao huyết áp cần thiết lập cho mình chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không nên thức khuya và làm việc căng thẳng, mỗi ngày nên ngủ ít nhất 7 tiếng và đi ngủ đúng giờ. Hoạt động này nên được diễn ra đều đặn để huyết áp trong cơ thể luôn duy trì ở mức ổn định.
Trên đây là những điều cần lưu ý khi bị cao huyết áp mà đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h muốn chia sẻ đến bạn. Có thể thấy cao huyết áp là căn bệnh khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi và thường xuất hiện một cách bất ngờ. Vậy nên, việc biết về những lưu ý này là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Hi vọng rằng qua bài viết, bạn đã có cho mình những kiến thức trong việc hỗ trợ điều trị tình trạng tăng huyết áp, có thể thực hiện bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày để mang đến một cơ thể khỏe mạnh hơn.