Đã 32 năm kể từ khi kết thúc FIFA World Cup 1986, giải đấu mà cả người hâm mộ bóng đá Argentina lẫn người hâm mộ bóng đá Anh đều sẽ không thể nào quên. Bởi đây chính là nơi đã khai sinh ra bàn thắng mà sau này vẫn được nhiều người trên thế giới gọi là “Bàn tay của Chúa” trong khi người Anh thì lại gọi đó là “Bàn tay của Quỷ”. Vậy thực chất bàn tay của Chúa là gì? Hãy cùng tìm hiểu một số thông tin thú vị xung quanh bàn thắng ma nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá thế giới này.
Bàn tay của Chúa là gì?
"Bàn tay của Chúa" là tên gọi một bàn thắng rất đặc biệt do huyền thoại bóng đá thế giới Diego Maradona - Cựu danh thủ người Argentina và là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới mọi thời đại - Ghi trong trận tứ kết của vòng chung kết FIFA World Cup 1986 giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Argentina. Bàn thắng này đặc biệt ở chỗ nó không phải được ghi bằng chân, đầu hay ngực mà là bằng…tay. Càng đặc biệt hơn khi bàn thắng này lại được công nhận trong sự ngỡ ngàng của hơn 114.000 khán giả và cả các cầu thủ Argentina lúc đó.
Diễn biến pha bóng “Bàn tay của Chúa”
Bàn thắng diễn ra vào phút thứ 51 của trận đấu. Lúc này, Maradona vừa dẫn bóng vào từ phía cánh trái, ông chuyền một đường chuyền thấp tới đồng đội của mình là Jorge Valdano ở ngay mép khu vực 16m50. Valdano nhận bóng nhưng không khống chế kịp và quả bóng lại bay vào chân tiền vệ đội tuyển Anh Steve Hodge.
Hodge cố gắng phá bóng ra ngoài nhưng ông lại bị chệch hướng và quả bóng bay về phía khung thành, nơi thủ môn Peter Shilton đã lao ra khỏi cầu môn để chuẩn bị đấm bóng ra ngoài. Maradona lúc này cũng đang lao tới đã nhảy lên để tranh cướp bóng cùng thủ môn người Anh. Với chiều cao chỉ vỏn vẹn 1m65, huyền thoại người Argentina rõ ràng không thể chiến thắng được khi “không chiến” với một trong những thủ thành giỏi nhất lúc bấy giờ - người cao tới 1m85 cùng sải tay cực dài. Và vì thế, ông quyết định dùng … tay trái đập bóng vào lưới đội tuyển Anh.
Pha bóng diễn ra dưới con mắt sững sờ của hơn 114.000 cổ động viên cùng cầu thủ của cả hai đội tuyển lúc bấy giờ. Tuy nhiên trọng tài chính của trận đấu Ali Bin Nasser (người Tunisia), sau khi thảo luận với trọng tài biên Bogdan Dochev (người Bulgaria) vẫn quyết định công nhận bàn thắng này, dù các cầu thủ Anh đã cố gắng tranh luận đến cùng.
Nguồn gốc cái tên “Bàn tay của Chúa”
Trong buổi họp báo sau trận đấu, Maradona khi được hỏi về bàn thắng này đã thốt ra một câu nói rất nổi tiếng: “un poco con la cabeza de Maradona y otro poco con la mano de Dios” có nghĩa là: “Tôi đã ghi bàn bằng cái cái đầu của Maradona và bàn tay của Chúa”. Kể từ đó những người hâm mộ bóng đá nói chung cũng gọi bàn thắng này bằng cái tên “hand of god” hay “Bàn tay của Chúa”.
Kết quả trận đấu giữa hai đội tuyển
Trận đấu kết thúc với tỷ số 2 - 1 nghiêng về tuyển Argentina, giúp đội bóng Nam Mỹ đi tiếp vào vòng trong. Và một điều rất thú vị là ngay trong trận đấu này, Maradona còn ghi thêm một bàn thắng tuyệt đẹp khi một mình ông dùng tốc độ và kỹ thuật siêu việt dẫn bóng chạy 55m, vượt qua 4 cầu thủ Anh cùng với thủ môn Peter Shilton để ghi bàn thắng thứ 2. Đây được bình chọn là “bàn thắng thế kỷ” - Bàn thắng đẹp nhất mọi thời đại.
World Cup 1986 cũng là mùa giải mà Argentina đã giành chức vô địch sau chiến thắng 3 - 2 trước đội tuyển Đức ở trận chung kết.
Những phản ứng của cộng đồng sau trận đấu
Đối với người dân Argentina, giờ phút đó Diego Maradona đã thực sự trở thành một vị “thánh”. Sau khi trận đấu kết thúc, hàng ngàn người ở Buenos Aires (thủ đô Argentina) đã hô vang khẩu hiệu: “Kẻ trộm cướp đồ của kẻ trộm thì sẽ được tha thứ 100 năm”. Bởi cách đó chỉ 04 năm, 649 nhân viên quân sự Argentina đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở đảo Falklands với Anh đồng thời họ cũng mất quyền kiểm soát ở các hòn đảo này. Và với người dân Argentina, bàn thắng này giống như một cách để “lấy lại công bằng”.
Bản thân Maradona cũng thừa nhận là mình đã lên kế hoạch sử dụng tay “ngay từ đầu” bởi với chiều cao 1m65, không có cách nào để ông có thể chiến thắng trong một pha không chiến với thủ thành người Anh cao tới 1m85 đồng thời còn được sử dụng cả hai tay. Ông nói: “Không có một cách nào để tôi có thể vượt qua anh ta chỉ với một cái đầu”. Và thậm chí trong trận đấu, khi thấy các đồng đội không đến chia vui, ông đã nói với họ: “Hãy ôm tôi, hoặc trọng tài sẽ không công nhận bàn thắng”.
Còn với người dân nước Anh, đã hơn 30 năm trôi qua kể từ khi khoảnh khắc “Bàn tay của Chúa” trở thành huyền thoại nhưng họ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi thống hận. Người hâm mộ bóng đá Anh gọi bàn thắng là “Bàn tay của quỷ” và Maradona chỉ là một kẻ láu cá. Những người hâm mộ “Tam Sư” đều cho rằng nếu không có bàn thắng ấy, các cầu thủ sẽ không mất bình tĩnh để dẫn đến bàn thua thứ hai. Và thậm chí đội tuyển Anh còn có thể đi xa hơn với sự chỉ huy của HLV thiên tài - Sir Bobby Robson, Vua phá lưới Gary Lineker cùng đội trưởng xuất sắc Bryan Robson. Tuy nhiên tất cả đã trở thành quá khứ sau bàn thắng “ma thuật” ấy.
Chính bản thân các cầu thủ, HLV của đội tuyển Anh cũng như trọng tài biên Bogdan Dochev đến nay vẫn không hề tha thứ cho Maradona:
- Cuộc sống của trọng tài biên người Bulgaria Bogdan Dochev bị hủy hoại gần như hoàn toàn sau trận đấu. Ông bị ghẻ lạnh, xa lánh, phải sống ẩn dật. Và Dochev qua đời vào năm 2017 với nỗi ám ảnh về “Bàn tay của Chúa” đi theo ông suốt cuộc đời.
- Với HLV người Anh Sir Bobby Robson, ông tuyên bố: “Đó không phải là Bàn tay của Chúa. Đó chỉ là bàn tay của một kẻ quấy rối. Đức Chúa Trời chẳng liên quan gì đến nó cả…. Ngày hôm đó, Maradona đã bị thu nhỏ lại trong mắt tôi vĩnh viễn.
- Bản thân “nạn nhân” Peter Shilton đến nay cũng vẫn nhắc lại rằng: “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho Maradona, tôi sẽ không bao giờ bắt tay anh ta. Điều đó không bao giờ xảy ra trong cuộc đời tôi”. Ông thậm chí còn đăng trên tweet 3 bức ảnh: Pha bóng “Bàn tay của Chúa”, hình ảnh Maradona rơi nước mắt ở Nga và bức ảnh chụp ông đang mỉm cười kèm dòng chữ: “Chúa đã nhìn vào tôi sáng nay” khi Argentina để thua Croatia 0 - 3 trong vòng chung kết FIFA World Cup 2018.
Trên đây là một số những thông tin thú vị về pha bóng “Bàn tay của chúa” - Bàn thắng ma đã vĩnh viễn đi vào lịch sử bóng đá thế giới. Có thể nói, đây cũng chính là một trong những điều làm nên sự hấp dẫn, sức hút to lớn của bóng đá đương đại. Tuy nhiên, giờ đây có vẻ như điều đó lại đang giảm dần đi bởi sự xuất hiện của công nghệ VAR. Và có một điều khá thú vị đó là, Maradona hiện nay lại rất ủng hộ VAR. Chính bản thân huyền thoại người Argentina cũng phải thừa nhận rằng, nếu công nghệ VAR được ứng dụng ở thời điểm đó thì bàn thắng ảo diệu của ông đã không được công nhận.