Không biết từ khi nào, việc trưng hoa mai trong nhà, ngoài sân vào dịp Tết đến, xuân về đã trở thành một truyền thống đối với những gia đình sống ở miền Nam nước ta. Những cánh hoa mai vàng nở rộ khoe sắc thắm, mang đến cảm giác náo nức, tươi vui, sự giao hòa thiêng liêng giữa trời và đất trong thời khắc khi năm cũ qua đi và một năm mới đang đến rất gần. Vậy tại sao hoa mai lại được lựa chọn để trưng trong nhà vào dịp Tết? Hãy cùng tham khảo câu chuyện kể về sự tích cây mai vàng ngày Tết mà Phương Nam 24h chia sẻ.
Sự tích về cây mai vàng nở hoa ngày Tết
Ngày xưa có một gia đình người thợ săn sống với nhau rất hạnh phúc. Gia đình nhỏ có hai người con gái chính vì vậy nên dù là một thợ săn rất giỏi nhưng người cha không bao giờ có ý định truyền nghề cho con. Tuy nhiên, người con gái nhỏ tên là Mai vốn tính tình nhân hậu lại rất muốn theo cha học săn bắt. Cô luyện võ, múa côn, tập kiếm,...và đến khi thành thạo thì được cùng theo cha vào rừng săn thú. Lần đầu đi theo cha, cô gái nhỏ đã săn được một con lợn rừng rất to.
Năm Mai 14 tuổi, trong làng xuất hiện một con quái vật đầu người mình báo chuyên ăn thịt trẻ con khiến dân làng phải khiếp sợ. Cô gái nhỏ cùng người cha quyết tâm đi giết quái vật để giúp đỡ cho dân làng. Khi đi, cả người mẹ và người chị đều rất lo lắng, sợ Mai sẽ gặp bất trắc nhưng người cha chỉ có ý định dắt cô con gái nhỏ đi theo học hỏi chứ không để cô đích thân ra tay giết quái vật. Với tài nghệ của mình thì sau nhiều giờ đồng hồ giao chiến, người cha đã giết được con quái vật.
Sau khi giết được quái vật, cả làng đã mở tiệc ăn mừng. Tuy nhiên vài năm sau, sức khỏe của người cha ngày càng yếu dần đi. Mặc dù đã được chăm sóc tận tình nhưng vẫn không có tiến triển. Bỗng một ngày, trong làng lại xuất hiện một con quái vật đầu người mình trăn. Con quái vật này rất khỏe, nó có thể quấn chết một con bò mộng chỉ trong chớp mắt và cũng thích ăn thịt trẻ con. Lúc này, bà con lại đến nhờ cha con nhà Mai đi tiêu diệt quái vật.
Vì lo lắng cho sức khỏe của người cha không còn tốt như trước nên người mẹ và người chị không muốn để hai người đi. Lúc này, người cha cũng ngỏ ý hỏi liệu Mai có muốn giúp bà con không? Nếu lần này đi thì nhất định cô sẽ phải đích thân chiến đấu với quái vật. Với lòng nhân hậu của mình, cô gái nhỏ đã nhận lời.
Không can ngăn được, người mẹ và người chị đành lo chuẩn bị mọi thứ cho hai cha con lên đường. Trước đó, người mẹ đã may sẵn áo mới cho hai cha con ăn Tết nên bây giờ bà bèn hỏi Mai muốn mặc áo màu gì? Cô đáp là rất thích màu vàng nên mẹ đã nhuộm cho cô một chiếc áo như ý. Hôm sau, Mai mặc chiếc áo cùng cha lên đường và hứa sẽ tiêu diệt bằng được con quái vật.
Sau hơn một tháng trời ròng rã, cha con Mai mới vào đến nơi có con quái đầu người mình rắn. Nghỉ ngơi được dăm ba ngày, hai người liền đi tìm quái vật để tiêu diệt. Hai cha con đánh nhau với nó hai ngày liền mà không diệt nổi. Trong khi đó, sức của người cha thì cứ yếu dần. Mai liền thưa với cha về cách đánh quái vật. Sau khi nghe, người cha cảm thấy cách đánh quái vật của Mai rất hay, tỉ lệ thành công cao nhưng cũng rất nguy hiểm. Tuy nhiên với sự quyết tâm của mình, Mai đã thuyết phục được cha. Hôm sau, cô vào rừng, đánh nhau với quái vật. Và lúc cô chặt được đầu con quái vật cũng là lúc người cô bị đuôi của nó quấn chặt, siết đến chết.
Thương tiếc cho cô bé, ông Táo đã cưỡi cá chép và cầu trời xin cho Mai sống lại. Tuy nhiên vì thời gian chết đã quá lâu nên ông trời không thể cứu sống Mai mà chỉ có thể cho cô sống lại và trở về với gia đình trong vòng 9 ngày (từ ngày 28 đến ngày mồng 6 Tết). Dân làng cũng đã lập một miếu thờ để tưởng nhớ công ơn và lòng dũng cảm của cô gái nhỏ.
Nhiều năm về sau khi cha, mẹ và người chị mất đi, Mai không còn về thăm nhà vào 9 ngày Tết nữa mà biến thành một cây hoa màu vàng ở ngay ngôi miếu mà dân làng lập ra. Cây này ra hoa vàng từ ngày 28 đến ngày mồng 6 thì lụi tàn y như lúc Mai về thăm nhà. Chính vì vậy, dân làng gọi cây này là hoa Mai. Mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân trong làng thường ra ngắt cành của cây hoa Mai về để trưng trong nhà với mong muốn xua đuổi ma quỷ, có một cái Tết đoàn viên đầm ấm và vui vẻ.
Trên đây là sự tích về cây hoa mai ngày Tết mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Mang những ý nghĩa tốt đẹp như vậy nên chắc hẳn các bạn cũng đã biết lý do tại sao việc hoa mai được lựa chọn để trưng trong nhà, ngoài trời vào dịp Tết đã trở thành một truyền thống lâu đời của dân tộc ta.