Nếu thế giới biết tới người phụ nữ Việt Nam trong hình ảnh chiếc áo dài truyền thống thì người phụ nữ Trung Quốc lại thường được nhắc đến cùng với trang phục sườn xám. Và ở nhiều nơi, đây cũng được xem là biểu tượng của người con gái phương Đông xinh đẹp, dịu dàng và đầy nét nữ tính. Vậy trang phục sườn xám là gì, có từ bao giờ và ý nghĩa của nó như thế nào trong nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc? Hãy cùng Phương Nam 24h tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này.
Sườn xám là gì?
Sườn xám (hay xường xám) là một chiếc váy truyền thống ôm sát cơ thể dành cho phụ nữ. Đây là trang phục phổ biến cho phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu ở Trung Quốc và đặc biệt là tại thành phố Thượng Hải (chính vì vậy mà nó còn được gọi là áo dài Thượng Hải hay Thượng Hải trường bì bào) vào những năm 20 và 30 của thế kỷ 20. Tên gọi tiếng Việt của loại trang phục này bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Quảng Đông của từ Hán - Việt “trường sam”’ (nghĩa là áo dài).
Có rất nhiều thuật ngữ trong tiếng Anh để chỉ sườn xám. Trong đó phổ biến nhất là cheongsam. Ngoài ra còn có những tên gọi khác như qípáo (kỳ bào), chinese dress (quần áo Trung Quốc), mandarin dress (quần áo Quan Thoại),....
Trang phục sườn xám có từ khi nào?
Đến nay vẫn còn khá nhiều tranh cãi về nguồn gốc của sườn xám. Chủ yếu trong số đó có 3 lập luận chính:
- Lập luận thứ nhất cho rằng nguồn gốc thực sự của sườn xám bắt đầu từ triều đại Tây Chu ( năm 1046 TCN - năm 771 TCN). Theo đó, bộ sườn xám hiện đại có rất nhiều điểm tương đồng với loại váy thẳng cắt hẹp mà phụ nữ Trung Quốc mặc vào thời gian này.
- Lập luận thứ hai cho rằng sườn xám có nguồn gốc trực tiếp từ trang phục của người Mãn mặc khi cai trị Trung Quốc trong triều đại nhà Thanh.
- Lập luận thứ ba lại cho rằng sườn xám là sự kết hợp giữa trang phục trường bào truyền thống của Trung Quốc và các loại trang phục phương Tây như áo ghi lê và váy một mảnh.
Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng có một sự thật mà hầu hết các học giả đều công nhận, đó là sườn xám thực sự có mặt ở Trung Quốc vào triều đại nhà Thanh. Khi người Mãn Châu cai trị Trung Quốc, họ lập ra một hệ thống hành chính gọi là Bát Kỳ, tương đương với giai cấp quý tộc. Những người thuộc hệ thống Bát Kỳ sẽ được gọi là Kỳ Nhân và mặc trang phục Mãn Châu khác với dân thường. Trang phục này bao gồm cả áo choàng dài được gọi là trường bào (hay kỳ bào theo tên của hệ thống bát kỳ) cho nam giới và nữ giới, đó cũng chính là hình thức ban đầu được biết tới của sườn xám.
Ý nghĩa của trang phục sườn xám là gì?
Được xem là biểu tượng cho sự giải phóng phụ nữ trong thời gian đầu, sườn xám đạt đến thời kỳ hoàng kim trong giai đoạn Trung Hoa Dân Quốc, khi chính quyền phong kiến bị lật đổ và những nhà nữ quyền bắt đầu kêu gọi giành lại quyền lợi và sự công bằng cho người phụ nữ. Năm 1929, sườn xám được chọn là quốc phục của Trung Quốc và đến năm 1930 thì trang phục này trở nên thịnh hành ở nhiều nơi.
Hiện nay, mặc dù sườn xám không còn phổ biến như trước nhưng đây vẫn là trang phục mang tính biểu tượng của người phụ nữ Trung Quốc. Sườn xám vẫn được mặc như đồng phục ở một số trường học, công sở hay trong các nghi lễ quan trọng, các bữa tiệc cưới, buổi trà đạo,…đồng thời là quần áo của các nữ ngoại giao, phu nhân Trung Quốc khi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó do là loại quần áo bó sát cơ thể nên sườn xám rất kén người mặc. Nó đòi hỏi người phụ nữ phải có cơ thể cân đối, vòng eo thon nhỏ, đôi chân dài. Chính vì vậy mà đôi khi sườn xám cũng được xem là biểu tượng cho sắc đẹp của người phụ nữ và thường được nhiều người nổi tiếng lựa chọn để mặc khi xuất hiện trước công chúng.
Trên đây là những thông tin về trang phục sườn xám và ý nghĩa của sườn xám đối với nền văn hóa truyền thống Trung Quốc mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Hy vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã có thêm những kiến thức thú vị về lịch sử, văn hóa của đất nước Trung Hoa rộng lớn. Nếu đang có nhu cầu cần sử dụng sườn xám để biểu diễn nghệ thuật, đi chơi, chụp ảnh,…bạn có thể liên hệ với các shop cho thuê trang phục truyền thống sườn xám uy tín để được cung cấp mẫu đồ đẹp, chất lượng tốt với giá hợp lý.