Cà phê không chỉ là thức uống rất được ưa chuộng tại Việt Nam mà còn vô cùng phổ biến trên khắp thế giới. Để có thể pha chế ra một ly cà phê thơm ngon, tuyệt hảo là cả một nghệ thuật và đòi hỏi người thực hiện phải áp dụng đúng kỹ thuật. Ngoài ra, lựa chọn cà phê nhân có chất lượng cao để rang xay, pha chế cũng là một yếu tố rất quan trọng. Trong bài này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem cà phê nhân là gì và có đặc điểm như thế nào?
Cà phê nhân là gì?
Quả cà phê sau khi được thu hoạch từ vườn về sẽ trải qua quá trình phơi khô, sấy và bóc vỏ rồi mới đến các công đoạn: sàng lọc, đánh bóng, rang xay,….Những hạt cà phê sau khi đã loại bỏ vỏ được gọi là cà phê nhân, cà phê sống, cà phê xanh hay cà phê xô (green coffee hay raw coffee). Đây là những hạt cà phê thô, chưa qua rang chín. Thông thường, một quả cà phê sẽ có 2 hạt nhân.
Phân loại cà phê nhân
Nhân cà phê sẽ được phân thành nhiều loại khác nhau dựa vào dòng giống và kích thước trước khi cung cấp ra thị trường. Cụ thể:
1. Về dòng giống
Khi được phân loại theo dòng hoặc giống, cà phê nhân bao gồm 2 loại chính là Arabica và Robusta.
- Cà phê Arabica (hay còn gọi là cà phê chè): Thích hợp trồng ở những vùng có độ cao trên 1.000 mét, nền nhiệt mát mẻ. Cà phê chè có 5 chủng phổ biến là: Caturra, Bourbon, Catimor, Moka và Typica.
- Cà phê Robusta: Được trồng ở những vùng đồi núi thấp vì có khả năng chịu nhiệt tốt hơn. Đây là loại cà phê được trồng phổ biến nhất ở nước ta.
Ngoài ra còn có một loại cà phê đột biến từ Arabica và Robusta, được gọi là cà phê Culi. Thay vì có 2 nhân như cà phê thông thường, cà phê Culi chỉ có 1 nhân do hai hạt nhân dính vào nhau. Vì thế chúng còn được gọi là cà phê 1 nhân. Cà phê Culi chiếm khoảng 5% trên tổng sản lượng cà phê được hái.
2. Về kích cỡ
Cà phê sau khi bóc vỏ, chưa qua sàng lọc thường được gọi là cà phê nhân xô. Sau khi sàng lọc, cà phê nhân được chia làm 3 loại gồm:
- Cà phê nhân sàng 16, sàng 18, sàng 19 và sàng 20: Đây là những loại cà phê chất lượng cao. Cà phê nhân sàng 16 và 18 là loại phổ biến nhất để làm cà phê hạt rang.
- Cà phê nhân sàng 14 và sàng 15: Hạt cà phê này có phẩm chất thấp hơn, thường được dùng làm nguyên liệu trộn để giảm giá thành.
- Cà phê nhân sàng 13: Thường được dùng để làm cà phê hòa tan.
Đặc điểm của cà phê nhân
Cà phê nhân có đặc điểm là độ ẩm thấp (chỉ khoảng 12% - 13%) nên có thể được bảo quản trong thời gian khá lâu mà không bị mất đi hương vị. Về mùi vị, các loại cà phê nhân khác nhau sẽ có mùi vị hoàn toàn khác nhau. Cụ thể như:
- Cà phê Arabica: Có vị hơi chua và mùi thơm nồng nàn hơn Robusta. Thành phần cafein có trong cà phê nhân Arabica cũng tương đối thấp.
- Cà phê Robusta: Cà phê nhân Robusta có mùi giống với đậu phộng tươi. Còn sau khi rang chín sẽ có mùi giống với cao su bị đốt cháy. Loại cà phê này có vị đắng mạnh và lượng cafein khá cao. Cà phê nhân Robusta mềm và dễ vỡ hơn so với hạt cà phê nhân Arabica.
- Cà phê Culi: Culi Arabica và Culi Robusta đều mang những đặc điểm của chủng loại gốc nhưng có mùi thơm và hương vị nồng nàn hơn. Vì thế, cà phê Culi luôn được tách ra riêng để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê thành phẩm.
Trên đây là một số thông tin về sản phẩm cà phê nhân mà đội ngũ biên tập viên chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng sau khi tham khảo bài biết, các bạn đã biết cà phê nhân là gì và cà phê nhân có đặc điểm như thế nào. Từ đó, hiểu rõ hơn về loại nông sản nổi tiếng hàng đầu của nước ta.
Tham khảo thêm: Cà phê rang xay là gì?