Inox hay còn gọi là thép không gỉ, là một trong những loại vật liệu hiện đang được ứng dụng vô cùng phổ biến, đặc biệt là ở lĩnh vực dân dụng. Do đó mà mọi người vẫn thường sử dụng inox vào nhiều công việc, trong những hoàn cảnh, điều kiện đa dạng. Và những lúc này, các tính chất của inox sẽ trở thành yếu tố quan trọng, giúp hoàn thiện công việc một cách thuận lợi. Vậy những đặc tính của inox như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thông qua các câu hỏi mà nhiều người thường đặt ra.
1. Inox có bền không?
Inox cũng là một dạng thép hợp kim. Do đó, nó được thừa hưởng hầu hết các tính năng của thép. Và đặc tính nổi bật của thép là có độ bền tốt. Vì vậy, inox cũng có độ bền khá cao, đặc biệt là ở khả năng chống kéo, nén, chống va đập. Bên cạnh đó, inox còn có thể ngăn ngừa các quá trình ăn mòn thông thường.
2. Inox có cứng không?
Thép thông thường có độ cứng khá tốt. Bên cạnh đó, người ta cũng có thể thêm crôm vào thép để làm tăng độ cứng của nó. Và với thành phần chính chứa ít nhất là 10,5% crôm, rõ ràng inox có độ cứng tốt hơn khá nhiều so với thép thông thường.
3. Inox có độc hại không?
Inox có độ bền cao, kháng lại hầu hết các quá trình ăn mòn thông thường và không dễ dàng bị biến chất. Tức là khả năng sản sinh ra chất độc của inox rất thấp. Trong thực tế, inox vẫn thường được sử dụng để làm nồi, niêu, xoong, chảo, thìa, muỗng,...và còn được ứng dụng làm đồ hộp cho những loại thức ăn đặc thù có tính axit cao như nước tương, nước sốt,….
4. Inox có dẫn điện hay không?
Độ dẫn điện của kim loại được đánh giá bằng thông số điện trở suất. Thông số này càng lớn thì khả năng dẫn điện càng kém và ngược lại. Thông thường, chỉ số điện trở suất của thép không gỉ ở 20 độ C là 6,9 x 10-7. Tức là thép không gỉ có dẫn điện. Tuy nhiên, khả năng dẫn điện của inox tương đối kém hơn so với các kim loại như đồng, bạc, vàng,….và do đó hầu như không được ứng dụng để làm chất dẫn điện.
5. Inox có bị gỉ sét không?
Inox là hợp kim thép có chứa tối thiểu 10,5% crôm. Hàm lượng crôm này sẽ phản ứng với oxy trong không khí, tạo thành màng crôm ôxit mỏng, trải đều trên bề mặt inox. Tấm màng này rất bền, không phản ứng với oxy trong không khí hay trong nước. Do đó, nó giúp bảo vệ bề mặt bên trong khỏi quá trình oxy hóa - nguyên nhân gây ra sự gỉ sét.
6. Inox có hút nam châm không?
Khi chế tạo ra inox, các nhà luyện kim sẽ thêm vào thép ít nhất 10,5% crôm cùng với một số loại nguyên liệu bất kỳ khác nếu muốn. Điều này sẽ tạo ra nhiều loại inox với các đặc tính hóa - lý khác nhau. Do đó sẽ có loại inox hút nam châm và loại inox không hút nam châm. Cụ thể hơn:
► Các dòng inox Ferritic (inox 430, inox 410, inox 409,…); inox Duplex (LDX 2101, SAF 2304, 2205,…); inox Martensitic (inox 1.4006, inox 1.4005,…) có khả năng từ tính (hút được nam châm).
► Dòng inox Austenitic (inox 301, inox 304, inox 316,…) không có từ tính (không hút được nam châm).
7. Inox có bị axit ăn mòn không?
Để trả lời cho câu hỏi inox có bị axit ăn mòn hay không, chúng ta sẽ cần phải xét đến một số yếu tố: loại inox, loại axit, nồng độ axit, nhiệt độ axit. Cụ thể như sau:
► Với axit sulfuric: Axit sulfuric là một trong những loại axit mạnh nhất. Ở nhiệt độ phòng (20 độ C), inox 304 chỉ chịu được axit nồng độ 3%. Inox 316 có khả năng chịu được axit nồng độ 20% ở nhiệt độ phòng và axit nồng độ 3% ở nhiệt độ 50 độ C. Các loại inox 904L và inox 20 còn có khả năng chịu được axit ở nồng độ cao hơn.
► Với axit clohiđric: Theo thử nghiệm, axit clohiđric có khả năng ăn mòn hầu hết các loại inox hiện nay.
► Với axit photphoric và axit nitric: Tất cả các loại thép không gỉ đều có khả năng chống lại sự ăn mòn của hai loại axit nói trên ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên nếu ở điều kiện nhiệt độ cao và nồng độ cao thì sẽ cần loại inox hợp kim cao.
► Với axit hữu cơ: Các loại axit hữu cơ như axit axetic, axit formic thường có khả năng ăn mòn thấp hơn so với các loại axit vô cơ như axit clohiđric hay axit sulfuric. Do đó, chúng có thể được lưu giữ trong các loại inox thông thường.
8. Inox có chịu được nước biển không?
Inox có khả năng chống ăn mòn nước muối (hay nước biển) khá tốt. Tuy nhiên, chúng không hoàn toàn miễn dịch với sự ăn mòn nếu nồng độ muối cao. Trong những trường hợp này, người ta thường sử dụng các loại inox hợp kim cao như 2205, 2507, S32550,….
9. Inox có dùng được trong lò vi sóng không?
Không nên đưa bất kỳ vật thể kim loại nào vào trong lò vi sóng bởi điều này sẽ gây ra những tai nạn như nổ lò vi sóng, cháy lò, hỏng nguồn điện,….Inox cũng là một dạng kim loại do đó tuyệt đối không nên đưa những vật dụng làm bằng inox vào trong lò vi sóng.
Trên đây là các đặc tính của inox mà Phương Nam 24h muốn chia sẻ với bạn đọc. Hy vọng sau khi tham khảo xong bài viết này, các bạn đã có thêm kiến thức về inox để có thể sử dụng chúng vào đúng mục đích, trong các hoàn cảnh, điều kiện thích hợp nhằm đảm bảo hiệu quả công việc cũng như sự an toàn cho bản thân và những người xung quanh.