Ngày nay, nhu cầu mua xe nhiều nhưng không phải ai cũng có điều kiện để tậu cho mình một chiếc xe mới. Nhiều người lựa chọn mua xe máy đã qua sử dụng để tiện cho việc di chuyển cũng như phù hợp với túi tiền có hạn của mình. So với một chiếc xe máy mới thì xe cũ có mức giá rẻ và đa dạng mẫu mã, thiết kế nhiều kiểu kể cả những xe cổ hay khó kiếm. Tuy nhiên, để sở hữu một chiếc xe máy cũ xịn, đẹp và chất lượng thì bạn cần nắm được một số điều lưu ý khi mua. Những kinh nghiệm cần biết khi mua xe máy cũ giúp bạn có thể chọn cho mình một chiếc xe theo sở thích, phù hợp với túi tiền nhưng vẫn đảm bảo công năng hoạt động hiệu quả.
Có nên mua xe máy cũ hay không?
Rất nhiều người băn khoăn vấn đề có nên mua xe máy cũ không vì mặc dù tiết kiệm được một số tiền đáng kể nhưng lại lo ngại về chất lượng xe. Thực tế, xe nhanh hỏng hay không, có hao xăng hay không không hoàn toàn phụ thuộc vào việc xe cũ hay mới mà là do cách sử dụng của mỗi người. Nếu xe cũ nhưng được bảo dưỡng định kỳ đầy đủ, vệ sinh kỹ lưỡng thì dù có chạy 100.000 km vẫn rất êm và bốc. Do đó, nếu không có nhiều kinh phí, bạn hoàn toàn có thể mua xe máy cũ, chỉ cần chú ý vấn đề chọn xe và mua ở nơi uy tín.
Kinh nghiệm khi mua xe máy cũ
1. Xác định khoản chi phí và nhu cầu hiện tại của bạn
Đầu tiên, bạn cần đặt ra những câu hỏi cho mình, chẳng hạn như: Hiện tại bạn có thể chi bao nhiêu tiền cho một phương tiện đi lại? Bạn có nhu cầu sử dụng xe nhiều không? Nên mua xe máy cũ hãng nào? Bạn đã tìm hiểu những ưu, nhược điểm của dòng xe đó chưa? Chi phí mà bạn có thể bỏ ra để bảo dưỡng chiếc xe đó là bao nhiêu? Sau đó tự trả lời và khoanh vùng những tiêu chí phù hợp nhất. Như vậy là bạn có thể tìm ra chiếc xe mình mong muốn. Ở thị trường nước ta, Honda và Yamaha là hai hãng xe máy được đánh giá cao nhất về chất lượng, mẫu mã, sự đa dạng các dòng xe. Ngoài ra, SYM hay Suzuki, Piaggio cũng là các hãng xe máy lớn tại Việt Nam. Bạn cần lưu ý rằng, ngay cả một chiếc xe mới cũng có những nhược điểm, vì vậy đừng quá cầu toàn, quan trọng là chiếc xe bạn mua sẽ phục vụ được gì cho bạn.
2. Nên mua xe cũ ở đâu?
Trước đây, bạn có thể mua xe máy cũ từ người quen, các cửa hàng hoặc tiệm cầm đồ. Với mạng Internet ngày càng phát triển như hiện nay, bạn có thể mua xe cũ từ mạng xã hội, các trang rao vặt hay cửa hàng online,....Tuy nhiên, dù mua xe trực tiếp hay qua mạng thì vẫn có nhiều rủi ro nếu bạn không cẩn thận trong việc kiểm tra xe cũng như những vấn đề về giá cả, công suất hoạt động,....
- Mua xe máy cũ từ người quen: Thị trường xe máy cũ vô cùng phức tạp, vì vậy, tốt nhất là bạn nên mua từ người thân hoặc người quen biết. Điều này không chỉ mang lại sự an tâm mà còn giúp bạn dễ dàng tìm hiểu nguồn gốc và quá trình sử dụng của chiếc xe. Trước khi mua xe, bạn cần chịu khó hỏi thăm bạn bè, người thân hoặc nhờ họ hỏi những người khác để có nhiều nguồn bán tin cậy hơn cũng như biết rõ tình trạng xe máy. Bên cạnh đó, mua xe cũ từ người quen biết còn có thể nhận được mức giá ưu đãi. Đây được xem là phương án an toàn nhất nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm mua xe máy cũ.
- Mua từ cửa hàng mua bán xe máy cũ: Có không ít người thắc mắc rằng có nên mua xe máy cũ ở cửa hàng hay không. Nếu mua tại các cửa hàng xe cũ, bạn cần chọn nơi uy tín. Cửa hàng này nên có giấy tờ kinh doanh rõ ràng cùng hợp đồng mua bán xe cũ với người chủ trước. Bên cạnh đó, bạn cần kiểm tra các bước từ tổng quát đến từng động cơ xe để đảm bảo mua được sản phẩm tuy cũ nhưng chất lượng.
- Mua xe máy cũ qua mạng Internet: Thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc mua bán xe qua Internet ngày càng phổ biến. Các website mua bán, rao vặt cũng có rất nhiều những giao dịch xe máy. Kinh nghiệm khi mua xe máy cũ là bạn cần xác minh được thông tin người bán trước khi đi gặp và kiểm tra xe ở ngoài. Đặc biệt, không nên tham những chiếc xe rẻ vì rất dễ bị lừa gạt dẫn đến “tiền mất tật mang”. Bạn có thể tham gia các hội nhóm hay những trang web rao vặt thương mại điện tử nổi bật nhất hiện nay để tìm mua xe máy cũ với nhiều dòng và thương hiệu khác nhau.
Kinh nghiệm mua xe máy cũ là khi xem qua các trang web, bạn nên chọn những tin đăng có hình ảnh, giá cả và địa chỉ cụ thể. Công việc trước tiên là tìm được càng nhiều xe càng tốt. Trong số đó hãy chọn ra một số chiếc có thông tin rõ ràng và đáng tin cậy, đồng thời xem xe đó có nằm trong khả năng tài chính của bạn hay không. Cẩn thận hơn trong việc lựa chọn xe sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro không đáng có sau này.
3. Xác định nguồn gốc
Khi mua xe máy cũ, bạn cần yêu cầu chủ xe cho xem giấy đăng ký, hóa đơn mua xe gốc và chứng minh thư. Đối chiếu xem thông tin trên hóa đơn có khớp với giấy đăng ký, giấy đăng ký có khớp chứng minh thư hay không. Tốt nhất là bạn nên mua xe chính chủ. Trường hợp không phải xe chính chủ, bạn hãy yêu cầu người bán xe cho xem giấy mua bán có xác nhận của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, bạn cần xác định thật kỹ xem liệu giấy tờ có phải là giả hay không. Việc làm trên sẽ giúp bạn đảm bảo nguồn gốc rõ ràng của xe, đồng thời giúp tránh mua phải xe trộm cắp. Ngoài ra, việc xác định nguồn gốc xe còn hỗ trợ bạn trong việc định được tuổi thọ chính xác của xe, từ đó đưa ra giá phù hợp. Nếu không muốn những rắc rối sau này với chiếc xe của bạn thì hãy nhớ thật kỹ những kinh nghiệm khi mua xe máy cũ này nhé.
4. Đánh giá tổng thể xe
Từ lâu, công nghệ độ xe của giới buôn xe đã đạt đến trình độ cao. Nếu bạn nhìn một chiếc xe bên ngoài vẫn còn mới thì không nên vội tin vào sự bóng bẩy đó. Người bán hoàn toàn có thể biến một chiếc xe cũ thành một chiếc xe mới, thậm chí còn đẹp hơn ban đầu. Đây là kinh nghiệm mua xe máy cũ mà bạn cần trang bị trước.
Khi xem xe bạn cần kiểm tra thân xe, vỏ xe, khung, động cơ,...có phải đồng bộ và hợp nhất không. Bạn cần chú ý nhìn tổng thể chiếc xe, kiểm tra xem nước sơn có đồng đều màu hay không? Kiểm tra kỹ cả những góc khuất của xe. Nếu những góc đấy không đều màu thì có khả năng xe đã được tân trang sơn sửa lại. Bên cạnh đó, những chi tiết xe máy này không chỉ cùng một loại mà còn phải có độ mới tương tự nhau. Bạn không nên mua một chiếc xe đã thay hết các linh kiện vì như vậy sẽ không đảm bảo an toàn cũng như tuổi thọ của xe.
5. Đánh giá động cơ và khả năng vận hành của xe
Không ít bạn thắc mắc rằng có nên mua xe máy cũ không và dựa vào đâu để biết xe chạy bền hay không? Khi mua xe cũ, việc đánh giá động cơ là rất cần thiết. Vì vậy, sau khi nhìn tổng thể, bước tiếp theo là đánh giá động cơ và chạy thử. Về hình thức, động cơ phải đảm bảo tính nguyên vẹn, đồng nhất.
Mua xe máy cũ nên kiểm tra những gì? Về khả năng vận hành, động cơ phải khởi động dễ dàng, không bị chết giữa chừng, tiếng nổ đều và không bị giật, không có tiếng kêu lạ. Khi vặn tay ga, động cơ đáp ứng nhanh, ga lên đều, xe không bị ì, động cơ nổ giòn và tăng đều, không có tiếng kêu lạ. Với xe số, việc sang số phải nhẹ và dễ dàng, hộp số không bị kẹt khi tăng hay giảm số.
Bạn có thể kiểm tra độ ăn xăng bằng cách ngửi khói xả xem có nặng mùi xăng hay không. Khói xả nồng nặc mùi xăng là dấu hiệu máy đã bị rã, cho hiệu suất đốt xăng thấp. Nếu lượng khói xám ít thì động cơ vẫn còn hoạt động tốt.
6. Kiểm tra các chi tiết khác
Khi nổ máy hãy bấm còi nhiều lần, nếu nghe tiếng kêu yếu hoặc khó bấm có nghĩa bộ điện đã có vấn đề. Bạn cần kiểm tra bộ giảm xóc bằng cách bóp chặt phanh trước và nhún mạnh để thử độ nhún, nếu có tiếng kêu “lục cục” thì có nghĩa là giảm xóc đã yếu hoặc đã bị thay. Bên cạnh đó, bạn cần lật yên xe để kiểm tra 2 đầu ốc trên của giảm xóc sau có bị trầy xước hay không. Dùng tay miết nhẹ vào lốp xe nếu có xi đen dính vào tay có nghĩa là lốp đã được làm lại.
Đối với các loại xe ga cần kiểm tra kỹ ắc quy vì phần này có giá cao nên dễ bị tráo đổi. Bạn có thể yêu cầu thợ mở thùng xe dưới yên để kiểm tra phần máy bên trong, nếu người bán không đồng ý thì cần xem xét lại.
7. Kiểm tra kỹ giấy tờ xe
Kiểm tra giấy tờ cà vẹt xe, kiểm tra số khung xe máy xem có khớp không cũng như các thông tin liên quan đến bảo hành và bảo hiểm xe,....Bạn phải kiểm tra kỹ để tránh trường hợp mua phải xe ăn cắp hoặc xe vẫn đang trong giai đoạn trả góp, chưa được thanh toán hết số tiền nợ.
8. Thương lượng giá cả
Trước khi đi mua xe, bạn hãy hỏi những người có kinh nghiệm về xe cũ, tốt nhất là thợ sửa xe lâu năm để đưa ra một bảng giá làm chuẩn chung. Không nên mua nếu bạn thấy xe có giá bán quá cao hoặc quá thấp so với giá trị thực tế. Với trường hợp giá quá cao, bạn có thể lựa chọn cách khôn khéo để trả giá. Trường hợp giá thấp, có thể chiếc xe không có nguồn gốc hợp pháp hoặc bị hỏng một bộ phận quan trọng nào đó trong động cơ mà mắt thường khó thể thấy được.
Ngoài ra, bạn có thể định giá dựa trên số km mà xe đã chạy. Những con số km trên đồng hồ có ý nghĩa rất lớn trong việc định giá xe máy cũ. Vậy thì nên mua xe máy cũ chạy bao nhiêu km? Theo số liệu chia sẻ của các nhà sản xuất thì một chiếc xe máy có tuổi thọ khoảng 200.000 km nếu vận hành trong điều kiện thời tiết và đường sá tại Việt Nam. Do đó, nếu xe đã đi được 200.000 km thì gần như đã hư hỏng nhiều và có giá trị vô cùng thấp. Ví dụ như chiếc xe đi được khoảng 90.000 km sẽ mất khoảng 50% giá trị và cứ như thế, càng đi nhiều, càng bị khấu hao nhiều. Căn cứ vào việc xe đã đi được bao nhiêu km bạn có thể khấu hao bao nhiêu % và dễ dàng xác định được giá trị còn lại của xe.
Trên đây là các thông tin mà đội ngũ biên tập viên chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Những lưu ý khi mua xe máy cũ giúp bạn có thêm nhiều bài học trong việc chọn xe sao cho không bị chặt chém về giá cả và xe đảm bảo vận hành tốt. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, bạn sẽ biết nên mua xe máy cũ ở đâu cùng những kinh nghiệm mua xe máy cũ để có thể sở hữu được một chiếc xe tuy không mới nhưng chất lượng, phù hợp với khả năng tài chính và mục đích của bản thân. Nếu không có nhiều kiến thức về xe máy, bạn có thể nhờ người quen hoặc các dịch vụ chuyên thẩm định xe cũ giúp mình chọn lựa một chiếc xe chất lượng nhất nhé.