Về cơ bản, có thể chia diễn biến cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 thành hai giai đoạn. Giai đoạn Phe Trục chiếm lợi thế và giai đoạn Phe Đồng Minh có được chiến thắng cuối cùng. Sự phân chia hai giai đoạn này có thể có sự khác nhau theo thời gian ở mỗi mặt trận nhưng đều giống nhau về mặt diễn biến: Phe Trục có lợi thế ban đầu nhưng Phe Đồng Minh mới là những người giành chiến thắng.
Diễn biến của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2
Giai đoạn 2 - Thắng lợi của Phe Đồng Minh
► Ở chiến trường châu Âu
- Ở Ý, sau khi thất bại tại các mặt trận, tháng 5 năm 1943 quân Đồng Minh tổ chức tấn công quốc gia này. Đến tháng 7 năm 1943 thì vua Ý lúc bấy giờ là Vittorio Emanuele III lật đổ chính quyền phát xít và cầm tù Mussolini. Đến tháng 9 năm 1943, Hitler cho quân Đức tiến vào giải thoát Mussolini đồng thời chiếm lại một phần lãnh thổ Ý. Trong 2 năm sau đó, Ý trở thành chiến trường giữa quân đội phát xít và quân đội Đồng Minh. Phải đến ngày 25 tháng 4 năm 1945, sau sự suy sụp của Khối Trục, Ý mới hoàn toàn được giải phóng. Đến ngày 28 tháng 4, Mussolini được quân Đức hộ tống định trốn sang Thuỵ Sĩ nhưng bị quân du kích kháng chiến gần biên giới bắt được, kết án tử hình và thi hành án ngay lập tức nhà độc tài.
- Ở mặt trận Xô - Đức, sau những thắng lợi bước đầu, Hồng quân Liên Xô bắt đầu đẩy mạnh thế trận và liên tục phát động tấn công trên tất cả các mặt trận, buộc quân Đức phải bị động đối phó. Đến đầu năm 1944, trình độ tác chiến và chỉ huy Liên Xô đã ngang bằng với quân Đức trong khi họ chiếm ưu thế hoàn toàn về mặt quân số, chất lượng vũ khí, phương tiện cơ giới. Do đó, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã có thể triển khai một cuộc tổng tiến công đồng loạt trên khắp các mặt trận nhằm đẩy quân Đức ra khỏi đất nước. Đến ngày 24 tháng 11 thì quân Xô Viết giải phóng được phần đất cuối cùng của mình đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để tiến đến Berlin.
Một nhóm quân Đức Quốc xã hạ vũ khí đầu hàng Quân đội Liên Xô tại Moskva
- Sau cuộc chiến, Hồng quân Liên Xô đang trên đà thắng lợi đã mở đường để giải phóng Na Uy, Áo, Hungary, Tiệp Khắc đồng thời loại bỏ các quốc gia Phần Lan, Hungary, Romania và Bulgaria ra khỏi Khối Trục.
- Bên cạnh đó, trong thời gian quân Liên Xô tấn công Đức, quân Đồng Minh cũng cố gắng mở một mặt trận thứ hai ở Tây Âu. Tuy nhiên hầu hết những nỗ lực đều thất bại cho đến khi chiến dịch Normandy bắt đầu. Vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, các lực lượng quân Đồng Minh phương Tây, với sự yểm trợ của 6.500 khu trục hạm và tàu đổ bộ, hơn 13.000 máy bay các loại, đã đổ bộ thành công vào bờ biển Normandie của Pháp. Chiến dịch thành công nhưng quân Đồng Minh bị thiệt hại khá nặng và chỉ tiến được rất chậm.
- Đến ngày 16/3/1945, lực lượng Liên Xô gồm 2,5 triệu quân, 41.600 súng cối và đại bác, 3.255 dàn pháo phản lực, 6.250 xe tăng và pháo tự hành cùng 7.500 máy bay mở chiến dịch tấn công vào Berlin. Lúc này, để phòng thủ, quân Đức bố trí gần 1 triệu quân, 10.000 đại bác và súng cối, 1.500 xe tăng và pháo tự hành cùng 2.300 máy bay chiến đấu. Tuy nhiên sau 2 tuần chiến đấu, vào ngày 30/4/1945 thì Hồng quân Liên Xô chiếm được trụ sở quốc hội Đức, Hitler tự sát trong hầm ngầm và đến ngày 9/5/1945 thì các lực lượng còn lại của Đức Quốc xã chính thức đầu hàng. Lúc này, mặt trận châu Âu chính thức kết thúc với phần thắng thuộc về phe Đồng Minh.
Hồng quân Liên Xô cắm cờ Xô Viết trên nóc nhà quốc hội Đức
► Ở chiến trường Bắc Phi
Từ tháng 11 năm 1942, do Liên Xô đang phải chịu sức ép ngày càng lớn từ phía Đức nên quân Đồng Minh quyết định mở thêm một chiến trường thứ hai và địa điểm được chọn là Bắc Phi. Sau đó, 10 vạn liên quân Anh - Mỹ đổ bộ lên Bắc Phi tại Casablanca, Oran, Algérie. Cuộc đổ bộ khiến cho Hitler và Mussolini cố gắng tái củng cố Bắc Phi với ý định chống cự đến cùng. Tuy nhiên, do hầu hết lực lượng dự bị của Đức đều đã điều động đến Liên Xô nên quân Đức ở đây khá yếu ớt. Đến tháng 5 năm 1943 thì toàn bộ lực lượng Phe Trục tại Bắc Phi bị đánh bại hoàn toàn và quân phát xít bị đẩy ra khỏi châu Phi.
► Ở chiến trường châu Á - Thái Bình Dương
Mặt trận Châu Á - Thái Bình Dương xảy ra ở cả trên đất liền và trên biển. Trên đất liền, quân đội Nhật Bản đụng độ với liên quân Đồng Minh gồm Anh và Ấn Độ (tại Myanmar), Trung Quốc (tại Trung Quốc). Trên biển, liên quân Đồng Minh (với lực lượng chủ yếu là Mỹ) cố gắng giành giật từng hòn đảo với quân đội Nhật đồng thời bảo vệ Úc và các quốc gia lân cận.
- Ở mặt trận châu Á - Thái Bình Dương, quân đội Nhật Bản quyết định tấn công đảo Midway nhằm mở rộng quyền kiểm soát của mình trên Thái Bình Dương đồng thời loại bỏ hoàn toàn Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến. Tuy nhiên, quân Nhật thất bại và thiệt hại nặng nề sau trận đánh này. Trận Midway cũng trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương.
- Vào ngày 7 tháng 8, chiến dịch Guadalcanal - chiến dịch phản công đầu tiên của quân Đồng Minh đối với Đế quốc Nhật Bản bắt đầu. Trận chiến kết thúc với việc Nhật Bản mất tới 24.000 lính và rất nhiều chiến hạm các loại. Đồng thời quân Nhật sau trận chiến này cũng bị đánh bật khỏi Guadalcanal, thất bại trong mục đích mở rộng sự kiểm soát đồng thời đe dọa đến con đường vận chuyển hàng hoá từ Mỹ đến Úc và New Zealand. Sự thành công của chiến dịch cũng là khởi đầu cho quá trình tổng phản công của lực lượng Đồng Minh.
- Vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật Bản tiến hành đảo chính, lật đổ lực lượng quân Pháp ở Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia) đồng thời biến toàn bộ nơi này trở thành thuộc địa của Nhật. Trong khi đó, quân Đồng Minh bắt đầu tấn công Myanmar và giành lại quốc gia này vào đầu tháng 9 năm 1945. Sau thời gian này, quân Đồng Minh dự định tấn công Thái Lan, Malaysia, Singapore nhưng chưa kịp tổ chức thì Nhật đã đầu hàng.
- Cũng vào ngày 20/10/1944, quân Đồng Minh bắt đầu chiến dịch tấn công giải phóng Philippines. Tuy nhiên phải đến khi chiến tranh kết thúc thì Philippines mới được giải phóng hoàn toàn.
- Sau khi giành được lợi thế ở mặt trận Thái Bình Dương, quân Đồng Minh quyết định dời chiến trường lên đất Nhật. Tại đây, họ chiếm được hai hòn đảo Iwo Jima và Okinawa để làm bàn đạp cho các cuộc tiến công, ném bom chiến lược vào Nhật Bản.
- Từ tháng 6 năm 1944, quân Đồng Minh đã bắt đầu chiến dịch ném bom lẻ tẻ vào lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên phải đến tháng 12 năm 1944, khi các tuyến phòng thủ của Nhật Bản đã bị đẩy lùi sâu về lãnh thổ thì các cuộc ném bom quy mô lớn mới diễn ra. Bên cạnh đó, người Nhật vẫn hạ quyết tâm đánh một trận cuối cùng với kế hoạch tử chiến của toàn dân Nhật. Kế hoạch này được đề ra với mục đích buộc phía Mỹ và các lực lượng Đồng Minh phải ngồi vào bàn đàm phán với các điều kiện có lợi cho Nhật.
- Gần cuối chiến tranh, quân Đồng Minh đã có kế hoạch đổ bộ vào Nhật Bản để chấm dứt cuộc chiến. Tuy nhiên, vụ thử nghiệm thành công bom nguyên tử tại sa mạc Alabama đã khiến cho Mỹ suy nghĩ lại. Và để kết thúc cuộc chiến một cách nhanh chóng đồng thời thử nghiệm hiệu quả thực tế của loại vũ khí này, quân đội Mỹ đã quyết định thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.
- Ngày 6 tháng 8 năm 1945, thảm hoạ vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử loài người xảy ra khi chiếc máy bay B - 29 mang tên Enola Gay ném quả bom nguyên tử Little Boy xuống thành phố Hiroshima giết chết ngay lập tức 90.000 người. Đến ngày 9 tháng 8, quả bom thứ hai được ném xuống thành phố Nagasaki làm chết ngay lập tức 70.000 người và khiến 60.000 người khác bị thương. Hai quả bom đã san bằng gần như hoàn toàn cả 2 thành phố.
Đám mây hình nấm do quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki tạo ra
- Cũng vào ngày 8 tháng 8, Liên Xô chính thức tuyên chiến với Nhật và bắt đầu chiến dịch Mãn Châu. Cuộc chiến kéo dài đến ngày 28 tháng 8 thì kết thúc với sự thắng lợi của Hồng quân Xô Viết và sự thất bại của Đạo quân Quan Đông. Liên Xô giải phóng thành công gần 1 triệu km2 lãnh thổ mãn Châu, Bắc Triều Tiên và Nội Mông.
- Trước tình hình 2 đại cường quốc tấn công từ 2 hướng, vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 Nhật Bản chính thức ký vào văn kiện đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Văn kiện này chính thức thừa nhận cuộc chiến ở Thái Bình Dương đã chấm dứt với sự thất bại của Đế Quốc Nhật đồng thời cũng là sự thất bại hoàn toàn của Phe Trục trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ 2. Phe Đồng Minh gồm hầu hết các quốc gia trên thế giới ở thời điểm đó chính thức giành chiến thắng sau cuộc chiến kéo dài tới sáu năm và một ngày kể từ khi Đức xâm chiếm Ba Lan.
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân và diễn biến cuộc Đại chiến thế giới lần thứ 2 mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Cuộc chiến thảm khốc nhất, rộng lớn nhất và tai hại nhất trong lịch sử nhân loại kết thúc nhưng vẫn để lại đằng sau những hậu quả mà loài người chưa từng được thấy trước đó. Thậm chí, một số hậu quả vẫn còn kéo dài cho đến tận ngày nay.