Khi đi phỏng vấn, các ứng viên không phải là những người duy nhất cần chuẩn bị. Bởi việc lựa chọn ra được người thích hợp nhất cho vị trí công việc giữa hàng chục hay thậm chí hàng trăm người ứng tuyển là điều rất khó khăn. Do đó, nhà tuyển dụng cũng sẽ cần phải chuẩn bị một cách đầy đủ, kỹ càng để có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm, tính cách của từng người. Sau đây mời các bạn hãy cùng tham khảo những câu hỏi nhà tuyển dụng nên hỏi ứng viên để có thể đánh giá được thái độ, năng lực làm việc của người đó một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Hiện nay, các nhà tuyển dụng thường dẫn cuộc phỏng vấn đi theo một mô-típ cũ với các câu hỏi truyền thống như: hãy cho tôi biết về anh/chị, điểm mạnh/điểm yếu của anh/chị là gì, tại sao anh/chị muốn làm việc cho công ty chúng tôi,….Đây đều là những câu hỏi đã quá quen thuộc, thường được các ứng viên chuẩn bị trước ở nhà và vì thế sẽ khó có thể giúp nhà tuyển dụng đánh giá được khả năng, trình độ cũng như đạo đức nghề nghiệp của các ứng viên. Do đó để có thể tránh được tình trạng trên, bạn nên sử dụng một số câu hỏi hay và độc đáo sau đây:
- 1. Bạn đánh giá khả năng đóng góp của mình cho công ty như thế nào?
- 2. Theo bạn, tại sao chúng tôi nên chọn bạn thay vì người khác?
- 3. Nếu có thể bắt đầu lại sự nghiệp, liệu bạn có đưa ra một lựa chọn khác?
- 4. Quản lý cũ của bạn sẽ trả lời ra sao khi nói về vấn đề bạn cần cải thiện?
- 5. Mô tả về người quản lý tuyệt vời nhất mà bạn từng làm việc chung
- 6. Điều gì sẽ tạo động lực cho bạn trong công việc?
- 7. Điều gì có thể làm cho bạn bị suy sụp khi làm việc?
- 8. Bạn cảm thấy mình sẽ như thế nào trong 10 năm nữa?
1. Bạn đánh giá khả năng đóng góp của mình cho công ty như thế nào?
Đây là một dạng câu hỏi giúp bạn phân chia được các ứng viên thành hai nhóm: nhóm những người làm việc nhiệt tình, sẵn sàng cống hiến hết mình cho công việc và nhóm những người chỉ làm việc đúng với mức lương mà công ty trả cho họ. Với nhóm đầu tiên, họ muốn nổi bật và sẽ sẵn sàng làm mọi việc để mình tỏa sáng. Do đó, các ứng viên thuộc nhóm này sẽ đưa ra một chỉ tiêu, con số cụ thể về khả năng đóng góp của mình cho công ty. Còn với nhóm thứ hai, họ sẽ chỉ đơn giản là đưa ra một câu trả lời chung chung, hiển nhiên để đảm bảo mình không mắc phải sai lầm.
2. Theo bạn, tại sao chúng tôi nên chọn bạn thay vì người khác?
Về mặt ngữ nghĩa, câu hỏi này khá tương tự với câu “tại sao chúng tôi nên chọn bạn” hay “thế mạnh của bạn là gì”. Tuy nhiên, nó hay và cần thiết hơn các câu trên ở việc đưa ra sự so sánh với các ứng viên khác. Khi đặt ra câu hỏi như vậy, bạn sẽ có thể chọn lựa được một ứng viên phù hợp nhất với vị trí tuyển dụng giữa những bộ hồ sơ xin việc hay những câu mô tả về điểm mạnh của bản thân “na ná” nhau.
3. Nếu có thể bắt đầu lại sự nghiệp, liệu bạn có đưa ra một lựa chọn khác?
Không ai muốn nhắc đến quá khứ với những sai lầm của bản thân. Do đó khi đặt ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu kỹ hơn về khả năng đối mặt của ứng viên. Bên cạnh đó, câu hỏi này cũng giúp bạn định hình được tham vọng tương lai của người đối diện như thế nào?
4. Quản lý cũ của bạn sẽ trả lời ra sao khi nói về vấn đề bạn cần cải thiện?
Đây là một dạng biến thể của câu hỏi “điểm yếu của bạn là gì”. Tuy nhiên, nó cũng hay hơn câu hỏi cũ ở việc có thể thu được câu trả lời chân thật nhất từ ứng viên. Bởi các ứng viên sẽ nghĩ rằng nếu như nhà tuyển dụng hỏi quản lý cũ của họ thì cũng sẽ nhận được đáp án đầy đủ. Và do đó, họ sẽ đưa ra câu trả lời rõ ràng, chính xác nhất có thể thay cho những câu trả lời chung chung, sáo rỗng.
5. Mô tả về người quản lý tuyệt vời nhất mà bạn từng làm việc chung
Đây là một trong những câu hỏi nhà tuyển dụng nên hỏi ứng viên khi phỏng vấn. Bởi nó sẽ chỉ cho bạn thấy một phần tính cách của ứng viên như: phong cách làm việc, văn hóa công sở hay cách ứng xử với người quản lý. Bên cạnh đó, điều này cũng nói lên ứng viên thuộc tuýp người nào khi làm việc.
6. Điều gì sẽ tạo động lực cho bạn trong công việc?
Câu trả lời này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về con người của ứng viên đồng thời có giải pháp phù hợp để tạo nguồn cảm hứng cũng như sự gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nếu họ trúng tuyển. Nếu một người làm việc vì tiền, có thể không nên tin cậy họ quá nhiều đồng thời hãy thỏa thuận một mức lương hậu hĩnh. Nếu một người làm việc vì niềm đam mê, có thể tin tưởng nhiều hơn đồng thời cho họ một không gian thoải mái để thỏa sức sáng tạo, làm việc. Nếu một người làm việc vì gia đình, hãy tăng các phúc lợi cho gia đình nhân viên và những người đó sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp của bạn.
7. Điều gì có thể làm cho bạn bị suy sụp khi làm việc?
Câu hỏi này cùng với câu hỏi trên sẽ giúp cho nhà tuyển dụng lựa chọn được những ứng viên phù hợp với văn hóa, cách làm việc của doanh nghiệp. Việc hỏi ứng viên về những thất bại trong quá khứ, những điều có thể khiến họ suy sụp, chán nản sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về người đó. Đồng thời, bạn cũng sẽ có thể điều chỉnh môi trường, phương pháp làm việc hay phúc lợi cho nhân viên để giúp ứng viên có thể hoàn thành công việc một cách thuận lợi, dễ dàng nếu họ trúng tuyển.
8. Bạn cảm thấy mình sẽ như thế nào trong 10 năm nữa?
Đây có thể là câu hỏi dùng để kết thúc buổi phỏng vấn, hay đúng hơn là để kết thúc việc nhà tuyển dụng đặt câu hỏi. Với câu hỏi này, bạn nên đánh giá qua cách ứng viên trả lời chứ không phải là nội dung câu trả lời. Nếu lúc đó, bạn thấy mắt của ứng viên “sáng” lên, họ trở nên hào hứng, tự tin hơn khi đưa ra câu trả lời thì đó là một người có tham vọng, biết cách làm thế nào để đạt được tham vọng đó đồng thời sẵn sàng nỗ lực để gặt hái được thành quả.
Trên đây là những câu hỏi nhà tuyển dụng nên hỏi ứng viên trong buổi phỏng vấn mà Phương Nam 24h muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng sau khi tham khảo xong bài viết này, các bạn đã biết cách đặt ra những câu hỏi hay, độc đáo để có thể hiểu rõ hơn về các ứng viên, qua đó lựa chọn được người phù hợp cho vị trí công việc mà mình đang tuyển dụng.