Sóng thần là một trong những thảm họa thiên nhiên có sức tàn phá rất khủng khiếp. Cho đến nay, con người vẫn chưa cách nào ngăn chặn được hiện tượng này mà chỉ có thể áp dụng một số biện pháp để giảm bớt thiệt hại sẽ xảy ra. Trong nhiều năm qua, các quốc gia châu Á gần kề Việt Nam như: Thái Lan, Philippines, Trung Quốc đều đã phải gánh chịu rất nhiều trận sóng thần khủng khiếp. Vậy ở Việt Nam có xảy ra sóng thần không?
Ở Việt Nam có sóng thần hay không?
Việt Nam là một quốc gia nằm ở bán đảo Đông Dương, có biên giới giáp với các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, nước ta còn giáp với biển Đông và có đường bờ biển dài khoảng 3.260 km không kể các đảo.
Với vị trí như vậy nên mỗi năm, Việt Nam phải gánh chịu ảnh hưởng của hàng chục cơn bão và nhiều thiên tai khác. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa từng có hiện tượng sóng thần xảy ra.
Tại sao Việt Nam không xảy ra hiện tượng sóng thần?
Những quốc gia có nguy cơ gánh chịu sóng thần nhiều nhất thường nằm trên các mảng kiến tạo của Trái đất hoặc nằm trong vành đai núi lửa, chẳng hạn như vành đai núi lửa Thái Bình Dương. Trong khi đó, Việt Nam đều không nằm trong hai khu vực có nguy cơ cao xảy ra sóng thần. Thêm vào đó, cả bốn phía đều được bao bọc bởi các nước: Trung Quốc (phía Bắc), Philippines (phía Đông), Malaysia (phía Nam), Thái Lan (phía Tây). Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Việt Nam hoàn toàn không có nguy cơ xảy ra sóng thần.
Có những tài liệu đã ghi chép rằng, nước ta từng xuất hiện một vài cơn sóng cao bất thường. Năm 1978, vùng biển Trà Cổ, Móng Cái xuất hiện sóng cao 2 - 3 mét tràn nhiều đợt vào bờ, làm nứt tường, ngã đổ các hàng phi lao ven bờ. Năm 1923 tại Nha Trang, một đợt sóng lớn cũng đã làm hư hại các chuồng ngựa đặt cách bờ biển 6 mét.
Theo PSG.TS Nguyễn Hồng Phương - Chuyên gia địa chấn của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, hai khu vực có khả năng xảy ra sóng thần, gây ảnh hưởng đến nước ta là máng biển sâu Manila phía Tây Philippines và vùng nằm trên bờ đứt gãy kinh tuyến 109 độ thuộc thềm lục địa miền Trung - Nam Trung Bộ. Trong đó, máng biển sâu Manila là khu vực có nguy cơ xuất hiện sóng thần nhiều hơn. Nếu thiên tai này xảy ra sẽ mất hết 2 giờ để di chuyển đến Việt Nam và có ảnh hưởng trực tiếp đến 13 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, mặc dù là quốc gia ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi sóng thần nhưng Việt Nam vẫn phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với thiên tai. Năm 2007, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện vật lý địa cầu được thành lập để kịp thời phát hiện và ứng phó nếu có sóng thần xảy ra.
Trên đây là những nguyên nhân lý giải vì sao Việt Nam không có sóng thần mà đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã biết được ở Việt Nam có sóng thần hay không, đồng thời hiểu rõ hơn về hiện tượng thiên nhiên này.