Ở Việt Nam hiện nay đã phát hiện được khoảng 140 loài rắn khác nhau với khoảng 37 loài trong số đó được công nhận là có độc. Phần lớn loài rắn không chủ động tấn công con người và đa phần nọc độc của chúng cũng không đủ khả năng giết người. Tuy nhiên vẫn có một số ít loài khá hung hăng với lượng nọc độc đủ khả năng gây tử vong cho những nạn nhân bị chúng cắn phải. Vậy top 10 loài rắn độc nhất ở Việt Nam gồm những loài nào và nọc độc của chúng nguy hiểm ra sao?
10. Rắn lục đuôi đỏ
Rắn lục đuôi đỏ còn được biết đến với tên gọi rắn lục mép trắng, rắn lục xanh mép trắng, rắn lục tre mép trắng, là một loài rắn lục đặc hữu ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Loài này có chiều dài tối đa từ 0,6 - 0,8 mét (m), phần trên của đầu và thân màu xanh lá, hai bên đầu phần dưới mắt có màu vàng, trắng hoặc xanh nhạt. Bụng có màu xanh nhạt, vàng hoặc trắng, mặt dưới của đuôi thường có màu nâu đỏ. Đây là một trong những loài rắn lục độc nhất. Đặc biệt là với con cái vào mùa sinh sản, lượng nọc độc cũng như hoạt tính của chúng sẽ tăng lên rất cao. Nọc độc của rắn lục đuôi đỏ chứa đặc tính gây rối loạn đông máu, có khả năng gây tử vong cao. Loài này phân bố nhiều ở trên các vùng núi, rừng thuộc dãy Trường Sơn hay khu vực Tây Bắc nước ta. Tuy nhiên hiện nay rắn lục đuôi đỏ đã xuất hiện ở nhiều nơi thuộc khu vực miền Nam như Cần Thơ, Bình Dương hay TPHCM.
9. Rắn cạp nong
Rắn cạp nong hay còn được gọi là rắn đen vàng, rắn ăn tàn, là một thành viên của chi rắn cạp nia thuộc họ rắn hổ. Loài này khá phổ biến ở cả vùng đồng bằng, trung du và miền núi nước ta. Nọc độc của rắn cạp nong khá mạnh, có chỉ số LD50 (liều lượng nọc độc đủ khả năng gây chết một nửa số cá thể thí nghiệm - con số này càng thấp thì chất độc đó càng nguy hiểm) khi tiêm dưới da là 2,4 milligram (mg) cho một kilogram (kg) trọng lượng cá thể. Chất độc tấn công chủ yếu vào hệ thần kinh với các biểu hiện lâm sàng bao gồm nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt và nếu không được điều trị có thể gây tử vong do suy hô hấp. Khá may mắn, rắn cạp nong là loài tương đối nhút nhát và hiếm thấy do sống chủ yếu về đêm. Chúng khá lờ đờ, chậm chạp và thường không cố gắng cắn ngay cả khi bị khiêu khích, thậm chí tỷ lệ truyền nọc độc trong các cú cắn để phòng thủ cũng được cho là rất thấp. Tuy nhiên vào ban đêm rắn cạp nong nhanh nhẹn và nguy hiểm hơn do đó cần phải chú ý khi tiếp xúc với chúng vào thời điểm này.
8. Rắn chàm quạp
Xếp thứ 8 trong danh sách top 10 loài rắn độc nhất ở Việt Nam là rắn chàm quạp hay còn gọi là rắn khô mộc. Là loài rắn lục đặc hữu ở Đông Nam Á, chúng thường thích sống ở khu vực rừng ven biển, bụi tre, vườn cây nông nghiệp, vườn cây ăn trái hay các khu rừng, nơi có nguồn thức ăn chúng rất yêu thích là chuột. Nổi tiếng vì sự nóng tính và khả năng tấn công nhanh chóng, rắn chàm quạp chịu trách nhiệm cho 700 trường hợp bị rắn cắn hàng năm ở miền bắc Malaysia. May mắn là tỷ lệ tử vong do bị loài rắn này cắn khá thấp với chỉ từ 1 - 2%. Tuy nhiên các nạn nhân thường bị những di chứng như rối loạn chức năng, hoại tử cục bộ và phải cắt bỏ một số bộ phận.
7. Hổ mang chúa
Hổ mang chúa là loài rắn độc dài nhất trên thế giới hiện nay với chiều dài trưởng thành từ 3,18 - 4m. Nổi tiếng bởi sự hung hăng nhưng thực chất loài rắn này thường tìm cách tránh đối đầu với con người. Tuy nhiên khi bị kích động liên tục, chúng có thể trở nên cực kỳ hung dữ. Cũng tương tự như hầu hết các loài rắn hổ mang khác, khi bị kích động, hổ mang chúa nâng 1/3 cơ thể lên khỏi mặt đất, bành mang, nhe nanh và rít lớn. Sau khi nâng cơ thể lên, chúng có thể di chuyển nhanh về phía trước, tấn công bằng nhiều nhát cắn với một khoảng cách cực dài chỉ trong một lần phát động duy nhất. Nọc độc của rắn hổ mang chúa chủ yếu là độc tố thần kinh với chỉ số LD50 là 1,7mg/kg và năng suất nọc trung bình lên tới 420mg. Các độc tố ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây đau dữ dội, mờ mắt, chóng mặt, buồn ngủ và cuối cùng là tê liệt. Nghiêm trọng hơn, nó có thể khiến hệ tim mạch bị sụp đổ, gây hôn mê và tử vong do suy hô hấp. Vết cắn của hổ mang chúa thậm chí có thể gây tử vong chỉ trong vòng 30 phút.
6. Hổ mang Xiêm
Hổ mang Xiêm hay còn gọi là hổ mang Đông Dương, hổ mang đen trắng, là loài rắn được tìm thấy ở vùng đồng bằng, đồi núi ở khu vực Nam Trung Bộ và phía Nam nước ta. Hổ mang Xiêm chủ yếu hoạt động về đêm và có tính khí thay đổi khá thất thường theo thời gian. Vào ban ngày, chúng khá nhút nhát và thường lẩn trốn tìm nơi ẩn náu nếu bị đe dọa. Tuy nhiên đến ban đêm, chúng hung dữ hơn nhiều và sẽ chủ động nâng cơ thể, bành mang rồi phun nọc độc để tự vệ. Nếu việc phun nọc độc thất bại, hổ mang Xiêm sẽ tấn công và cắn đối phương như phương án phòng thủ cuối cùng. Nọc độc của chúng có chỉ số LD50 là 1,07mg/kg với thành phần chủ yếu là độc tố thần kinh, độc tố tim mạch và một số hoạt chất phân giải. Điều này dẫn đến nguyên nhân tử vong chính sau khi bị cắn là tê liệt và suy hô hấp. Bên cạnh đó, hổ mang Xiêm thường phun nọc độc vào mặt hoặc mắt nạn nhân và có thể gây mù tạm thời hoặc thậm chí là vĩnh viễn.
5. Hổ mang Trung Quốc
Hổ mang Trung Quốc, còn được gọi là hổ mang Đài Loan hoặc đơn giản chỉ là rắn hổ mang, là loài vật có khu vực phân bố khá rộng và thường được bắt gặp tại các rừng cây, bụi cỏ, đồng cỏ, rừng ngập mặn, cánh đồng trống hay thậm chí là trong khu dân cư ở phía Bắc nước ta. Đây là loài vật khá cảnh giác và hung dữ. Nếu bị dồn vào chân tường chúng sẽ nâng cao thân trên, bành mang và tấn công khi cần thiết. Nọc độc của rắn hổ mang có chỉ số LD50 khoảng 0,53mg/kg, chứa chủ yếu là độc tố thần kinh, độc tố tim mạch và độc tố hoại tử. Khi bị rắn hổ mang Trung Quốc cắn, triệu chứng cục bộ ở chỗ vết thương bao gồm: sưng, đau, đổi màu, mất cảm giác, phồng rộp và hoại tử. Trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ gây ra tức ngực, đau họng, sốt, khó nuốt, mất giọng, chân tay yếu ớt, đau nhức, khó thở và nếu không điều trị kịp thời sẽ gây tử vong do suy hô hấp.
4. Hổ mang đất
Hổ mang đất còn được gọi là rắn hổ phì, hổ mang một mắt kính, là loài có khu vực phân bố khá rộng, thường bắt gặp chủ yếu ở khu vực Nam Trung Bộ và miền Nam nước ta. Loài rắn này có khả năng thích ứng với một loạt các môi trường sống khác nhau, từ tự nhiên đến nhân tạo. Tuy nhiên chúng thường thích sống ở những khu vực có liên quan đến nước như ruộng lúa, đầm lầy và rừng ngập mặn. Hổ mang đất có tính hung dữ ở mức trung bình, nghĩa là chúng sẽ bỏ chạy khi bị quấy rầy tuy nhiên cũng chủ động tấn công khi bị đe dọa. Là một trong những loài rắn độc nhất Việt Nam, nọc độc của hổ mang đất có chỉ số LD50 là 0,28mg/kg, gồm các thành phần chủ yếu là độc tố thần kinh, độc tố tim mạch và độc tố hoại tử.
3. Rắn biển Valakadyn
Rắn biển Valakadyn, cũng được gọi là rắn biển mũi câu, rắn biển mỏ dài, là loài rắn biển phổ biến ở các vùng biển nhiệt đới tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Valakadyn chịu trách nhiệm cho khoảng 50% số trường hợp bị rắn biển cắn và 90% các ca tử vong. Nọc độc của loài rắn này được tạo thành từ các loại độc tố thần kinh mạnh và độc tố gây hoại tử. Với giá trị LD50 là 0,1125mg/kg, liều gây chết người của chúng theo ước tính chỉ là 1,5mg trong khi sản lượng chất độc trung bình mỗi vết cắn là 7,9 - 9,0mg. Tức là rắn biển Valakadyn có khả năng gây ra cái chết cho tối đa 06 người chỉ trong một lần tấn công.
2. Cạp nia Nam
Xếp thứ 2 trong danh sách các loài rắn độc nhất ở Việt Nam là rắn cạp nia Nam hay còn được gọi là mai gầm bạc, rắn hổ khoanh, cạp nong xanh hay cạp nong Malayan. Chúng phân bố trên một phạm vi khá rộng ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có nước ta. Rắn cạp nia nam có thể đạt chiều dài khoảng 1,08m, trên thân có từ 27 - 34 khoang màu trắng và một số lượng tương đương khoang màu nâu - đen, các khoang nằm xen kẽ với nhau. Đây là loài rắn cực độc với số ca tử vong lên tới 70% nếu không được điều trị và kể cả khi có kháng thanh, số trường hợp gây chết người vẫn đạt 50%.
1. Cạp nia Bắc
Cạp nia Bắc hay còn gọi là rắn vòng bạc, cạp nia Đài Loan, cạp nia Trung Quốc là loài rắn được tìm thấy nhiều ở phía Nam Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Myanmar, Lào cũng như ở phía Bắc nước ta. Chúng thường được tìm thấy trong các bụi cây, các cánh rừng, cánh đồng nông nghiệp và rừng ngập mặn,…. Cạp nia Bắc là loài khá nhút nhát. Vào ban ngày chúng thường ẩn dưới đá hoặc trong các hang, hốc. Vào ban đêm chúng chủ động hơn những vẫn thường lựa chọn phòng thủ là chủ yếu khi bị khiêu khích. Với chỉ số LD50 chỉ là 0,09mg/kg, cạp nia Bắc được xem là loài cạp nia độc nhất từng được biết đến. Với sản lượng nọc độc trung bình từ 4,6 - 18,4mg, loài rắn này có thể gây ra cái chết cho 3 người trưởng thành chỉ trong một lần cắn. Bên cạnh đó do khả năng phản ứng kém với huyết thanh, tỷ lệ tử vong do bị cạp nia cắn là rất cao, lên tới 50% kể cả khi đã được điều trị. Theo Trung tâm Kiểm soát Chất độc Quốc gia Đài Loan, 80% số ca tử vong do rắn cắn từ năm 2002 - 2012 xuất phát từ cạp nia Bắc.
Trên đây là một số thông tin mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc về Top 10 loài rắn độc nhất tại Việt Nam hiện nay. Hy vọng sau khi tham khảo xong bài viết này, các bạn đã có thêm một số kiến thức về những loài động vật nguy hiểm ở nước ta, từ đó có các biện pháp để bảo vệ an cho bản thân cũng như những người trong gia đình.