Sự phát triển nhanh về kinh tế đã mở ra không ít cơ hội việc làm cho người dân và số lượng doanh nghiệp hoạt động đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Cùng với đó cũng phát sinh những vấn đề liên quan đến việc đảm bảo điều kiện và an toàn đối với người lao động. Để giảm thiểu được rủi ro xảy ra tai nạn, cả doanh nghiệp và người lao động đều cần phải thực hiện nghiêm các công tác và biện pháp đảm bảo an toàn lao động đã được Pháp luật quy định.
1. Đối với các cơ quan ban ngành
Nhằm đảm bảo các cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm túc công tác an toàn lao động, các cơ quan ban ngành phải xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và ban hành chỉ đạo rõ ràng, cụ thể đối với từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, phải đảm bảo công tác kiểm tra việc thực hiện của các cơ sở thường xuyên, minh bạch và có những biện pháp xử lý thỏa đáng, đủ sức răn đe.
2. Đối với bên sử dụng lao động
Trong công tác an toàn lao động, bên sử dụng lao động đóng vai trò chủ chốt, hết sức quan trọng. Để đảm bảo quá trình hoạt động, sản xuất của đơn vị mình diễn ra an toàn, các chủ cơ sở cần nghiêm túc thực hiện những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn lao động cấp Nhà nước và cấp ngành. Cụ thể:
- Công tác tuyên truyền, giáo dục: Chủ cơ sở phải thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cho người lao động để góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định trong quá trình làm việc.
- Công tác huấn luyện an toàn: Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ chỉ huy sản xuất để nâng cao chất lượng hoạt động và loại trừ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
- Đảm bảo điều kiện lao động: Đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ hay phương tiện, dụng cụ, máy móc, nguồn điện, trang phục bảo hộ phải an toàn, phù hợp với tiêu chuẩn của ngành; Không gian làm việc rộng rãi, dụng cụ, máy móc sắp xếp khoa học để không gây cản trở cho quá trình làm việc.
- Công tác kiểm tra, giám sát: Đội ngũ quản lý phải thực hiện nghiêm chỉnh công tác giám sát quá trình lao động và kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị, máy móc thường xuyên, đảm bảo không có nguy cơ phát sinh sự cố trong quá trình làm việc.
- Công tác tổ chức, bố trí: Phân công thời gian làm việc, nghỉ ngơi, phân chia nhiệm vụ hợp lý; Thường xuyên tổ chức kiểm tra sức khỏe của người lao động ít nhất 6 tháng một lần (tùy vào yêu cầu từng ngành) để sàng lọc, bố trí công việc phù hợp.
- Công tác phòng ngừa, kiểm soát: Ban quản lý lao động phải có chuyên môn thực hiện công tác phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ xảy ra tai nạn. Từ đó, thực hiện biện pháp ứng phó. Bên cạnh đó, còn phải trang bị sẵn phương tiện kỹ thuật, y tế để đảm bảo kịp thời đáp ứng khi xảy ra sự cố.
3. Đối với người lao động
Đảm bảo an toàn lao động không chỉ là nhiệm vụ của đơn vị sử dụng mà người lao động cũng cần phải chủ động để bảo vệ chính bản thân mình. Theo đó, người lao động cần:
- Nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc sử dụng phòng hộ, bảo vệ trong quá trình làm việc.
- Luôn tập trung, cẩn thận trong quá trình lao động và tuyệt đối không thực hiện những công việc mà mình không đủ chuyên môn.
- Có quyền từ chối làm việc, rời khỏi nơi làm việc nếu nhận thấy có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và phải báo cáo ngay cho người quản lý để không bị xem là vi phạm kỷ luật.
Trên đây là những biện pháp đảm bảo an toàn lao động mà đội ngũ biên tập viên chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng rằng sau khi tham khảo bài viết này, các bạn sẽ chú ý hơn đến việc thực hiện và nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định lao động để đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên hoặc chính bản thân mình.