Hàn the là một trong những loại chất được Bộ y tế kiểm chứng độ độc hại và cấm dùng trong sản xuất thực phẩm vì gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Hiện nay trên thị trường còn có một loại chất nữa là phèn chua, trông khá giống hàn the. Điều này khiến nhiều người còn băn khoăn không biết hai chất này có phải là một hay không. Để rõ hơn, các bạn hãy cùng Phương Nam 24h tìm hiểu xem hàn the là gì? Hàn the có phải phèn chua không?
Hàn the là gì và có công thức như thế nào?
Hàn the là một loại muối ngậm nước có thành phần chính là bo và natri với công thức hóa học là Na2B4O7, Na2B4O7.5H2O hoặc Na2B4O7.10H2O. Hàn the tồn tại ở dạng tinh thể hoặc bột, có màu trắng, tan nhiều trong nước nhưng không tan trong cồn 90 độ. Trong công nghiệp, hàn the còn có tên gọi khác là borax.
Hàn the có tính sát khuẩn, kháng viêm cao nên được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực đời sống và sản xuất. Chẳng hạn như:
- Dùng làm chất tẩy rửa tự nhiên, khử mùi hôi động vật. Vì có tính tẩy mạnh nên hàn the còn được dùng để sản xuất một số loại hóa chất tẩy rửa, xà phòng.
- Hàn the là một thành phần trong sản xuất men gốm, thủy tinh.
- Hàn the có tác dụng làm sạch và trợ chảy cho kim loại.
- Nhờ vào tính sát khuẩn, kháng viêm mà loại chất này được ứng dụng trong sản xuất thuốc sát trùng ngoài da, thuốc nhỏ mắt, trị viêm lợi,….
Trước đây, hàn the được dùng trong sản xuất giò chả, bún, phở,…để tạo độ dai, giòn và giữ được lâu hơn. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã nghiêm cấm dùng chất này trong sản xuất thực phẩm vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc.
Phèn chua là gì? Công dụng của phèn chua
Phèn chua là một loại muối sunfat kép của nhôm, không màu hoặc trắng đục, tan trong nước. Công thức hóa học của phèn chua là K2SO4.Al2(SO4)3.24H2O. Loại muối này thường được sử dụng ở dạng tinh thể hoặc bột. Từ lâu, phèn chua đã được biết đến và sử dụng rộng rãi trong đời sống. Trong y học, phèn chua còn có tên gọi là minh phàn. Loại muối nhôm này có tác dụng chính là giải độc, sát trùng. Ngoài ra, một số công dụng phổ biến khác của phèn chua có thể kể đến như:
- Lọc nước: Ở những vùng quê sử dụng nước giếng, nước suối, người ta thường dùng phèn chua để lọc lấy nước sạch sinh hoạt.
- Chữa bệnh ngoài da: Trong đông y, người ta dùng phèn chua để chữa các loại bệnh viêm, ngứa ngoài da như hắc lào, lang beng, nước ăn,….
- Khử mùi cơ thể: Chỉ cần dùng bột phèn chua thoa lên nách sau khi tắm sạch, mùi mồ hôi tiết ra sẽ bị khử sạch nhờ nhôm sunfat.
- Dùng trong thực phẩm: Phèn chua có khả năng làm vách hoa quả giòn hơn nên người ta thường dùng để ngâm hoa quả, dưa muối, làm mứt.
Hàn the có phải phèn chua không?
Với những thông tin trên, chắc hẳn bạn đã có thể khẳng định được hàn the có phải là phèn chua không. Cả hai chất này đều có bề ngoài tương tự nhau, cùng tồn tại ở dạng tinh thể trắng và tan trong nước. Tuy nhiên, bản chất và công thức hóa học hoàn toàn khác nhau.
Nếu như hàn the đã được Bộ y tế khẳng định là độc hại với con người và bị cấm dùng trong sản xuất thực phẩm thì phèn chua lại không. Trước đây, đã từng có một vài ý kiến nghi ngờ về mối liên quan của phèn chua với bệnh alzheimer (vì trong não người bệnh alzheimer có nhôm). Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra được ảnh hưởng của phèn chua đối với sức khỏe con người.
Trên đây là một số thông tin về hàn the và phèn chua mà đội ngũ biên tập viên chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết này, các bạn đã biết bột hàn the là gì và có phải là phèn chua không từ đó sử dụng chúng một cách hợp lý trong sinh hoạt và sản xuất.