Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những lễ hội truyền thống lớn của Việt Nam. Đây là dịp không chỉ giúp mọi người nâng cao niềm tự hào dân tộc mà còn gắn kết tình thân trong gia đình, cộng đồng. Ngày lễ đã trở thành một biểu tượng tinh thần quan trọng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam, là cơ hội để mọi người cùng nhau tôn vinh tổ tiên, tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử của dân tộc, thể hiện sự gắn kết đoàn kết với đồng bào. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tại sao lại có ngày lễ này và nó quan trọng như thế nào? Vì thế, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong bài viết này nhé.
Nguồn gốc của ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Chuyện xưa kể rằng Kinh Dương Vương có một người con trai là Lạc Long Quân, người sau này trở thành vua và lấy Âu Cơ làm vợ. Âu Cơ sinh ra một bọc trứng có một trăm đứa trẻ, trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”.
Họ phải tách biệt nhau. Về sau, Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi và làm vua. Trải qua nhiều thăng trầm, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương. Vì thế, thời kì các vua Hùng có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử dân tộc.
Để tưởng nhớ sự cống hiến của các vị vua Hùng có công xây dựng nền móng của đất nước Việt Nam, vua Lê Thánh Tông và Lê Kính Tông đã đóng dấu kiềm tại Đền Hùng vào ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch. Nhà Nguyễn tiếp tục kế thừa và chính thức chọn ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ các vị vua Hùng và khuyến khích mọi người Việt Nam cùng tôn vinh tổ tiên của họ.
”Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.”
Sau khi ngày 10 tháng 3 (Giỗ Tổ Hùng Vương) được sử dụng trên toàn quốc, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh xác định ngày này là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia và các công chức được nghỉ lễ với đầy đủ quyền lợi lương. Trong lễ Giỗ Tổ năm Bính Tuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự lễ tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học bách khoa Hà Nội) và Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã đại diện cho Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng.
Trong lễ dâng hương này, ông Huỳnh Thúc Kháng đã tế cáo với Tổ tiên về tình hình đất nước đang bị Pháp xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Kể từ đó, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cũng đã trở thành Quốc giỗ của nước Việt Nam ta.
Ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Giỗ tổ Hùng Vương không chỉ là dịp để tự hào về bản sắc dân tộc, mà còn là thời điểm chúng ta học hỏi và hiểu sâu hơn về nguồn gốc của tổ tiên. Chỉ khi hiểu được bản chất của dân tộc và sự đóng góp của các thế hệ đi trước, mỗi người mới có thể không ngừng học tập, rèn luyện và phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Khi đó, chúng ta mới xứng đáng với công lao của các anh hùng và tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Ngày lễ này cũng là dịp để chúng ta nhìn lại quá khứ của đất nước, từ đó đặt ra các nhiệm vụ mới cho quá trình phát triển đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những thăng trầm của lịch sử Việt Nam đã đòi hỏi sự nỗ lực của cả dân tộc, và thành tựu ngày nay là kết quả của công lao vĩ đại của cả một dân tộc anh hùng. Chúng ta cần tôn vinh và tự hào về di sản văn hóa, lịch sử và truyền thống của tổ tiên, cùng nhau phát triển đất nước để ghi danh dấu ấn của mình trong lịch sử.
Ngoài ra, ngày lễ này còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó có thể phát triển ý thức làm những việc có ích cho nước, cho dân và xây dựng một gia đình là môi trường của tình thương yêu. Đồng thời, chúng ta cũng cần biết ơn thành kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và học tập từ những giá trị cao đẹp mà họ để lại cho chúng ta.
Các hoạt động văn hóa trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng là biểu hiện rõ nét nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện sự gắn bó và đoàn kết của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thờ cúng Hùng Vương là một truyền thống lâu đời, thể hiện sự tôn trọng và tưởng nhớ Vua Hùng, người được coi là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Không phân biệt huyết thống, dòng họ hay địa lý, vùng miền, thờ cúng Hùng Vương đã tạo nên giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam và là nền tảng cho sức mạnh đoàn kết dân tộc.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương luôn được tổ chức trang trọng với tinh thần tự giác, tự quản của cả cộng đồng và sự đồng hành của Nhà nước. Ngoài nghi lễ thờ cúng, còn bao gồm nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống như rước kiệu, hát xoan, đánh trống đồng, thi giã bánh giầy và gói bánh chưng.
Những hoạt động này được phục dựng nguyên bản, giúp tôn vinh tín ngưỡng và giữ gìn các phong tục, tập quán truyền thống liên quan đến thờ cúng Vua Hùng. Điều này không chỉ thể hiện sự phong phú của văn hóa dân gian Việt Nam về thời đại các Vua Hùng mà còn khẳng định thờ cúng Hùng Vương là một tín ngưỡng bản địa, là biểu tượng văn hóa mang lại sức sống mãnh liệt và sự kết nối cộng đồng trong nền văn hóa nước ta ngày nay.
Lễ Hội Đền Hùng đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa lớn phổ biến và nhất quán của văn hóa truyền thống dân tộc, được xem như một biểu tượng phản ánh tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc và sự kết nối cộng đồng của người Việt Nam. Với những nghi lễ trang trọng và hoạt động văn hóa đa dạng, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng không những thu hút đông đảo người dân tham gia mà còn tạo nên sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đây là một dịp để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh và tạo niềm tự hào cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Các di tích và địa điểm thờ tự của Vua Hùng được bảo tồn, gìn giữ và xây dựng khắp nơi, là minh chứng cụ thể cho giá trị tâm linh bền vững trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Việt.
Từ không gian văn hóa rộng lớn này, suốt hàng nghìn năm, ý thức dân tộc, ý thức lịch sử và ước nguyện cộng đồng đã hòa quyện một cách tự nhiên, hình thành nên một lẽ sống và một đạo lý tri ân. Điều này tạo nên điểm đồng quy về ý thức cộng đồng, quốc gia và dân tộc, kết tinh thành một dòng chảy bất tận trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam.
1. Thời gian, địa điểm tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những nghi lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam. Trên toàn quốc, người dân đến tham dự lễ hội và dâng hương tại Đền Hùng ở mỗi địa phương để tôn vinh và tưởng nhớ tổ tiên. Điều này cho thấy tình cảm sâu đậm của người Việt Nam dành cho tổ tiên và sự tôn trọng với lịch sử và truyền thống của đất nước. Mặc dù lễ chính là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch nhưng tùy vào từng địa phương có thể sẽ được tổ chức trước đó một tuần.
2. Nghi lễ tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được cử hành vào ngày chính hội 10/3. Các hoạt động vui chơi cũng sẽ được tổ chức xuyên suốt lễ như đánh trống đồng, rước kiệu, dâng hương,.... Nếu muốn được trải nghiệm không khí ngày lễ này, bạn có thể đến đền Hùng tại địa phương để tham gia.
- Lễ rước kiệu vua: Nghi thức này bắt đầu từ chân núi và di chuyển dần lên các đền trước khi đến đền Thượng. Lễ được tổ chức với sự tham gia của các đội múa sư tử, đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, quan viên, viên chức và nhân dân,...
- Lễ dâng hương: Đây là phần lễ dành cho tất cả mọi người có nhu cầu tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn, đi kèm với đời sống tâm linh. Mỗi người đến đây thắp hương và gửi gắm những mong ước của bản thân tới tổ tiên, mong muốn được phù hộ và được bảo vệ.
Lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (tức ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch) được coi là một ngày Quốc lễ trọng đại của người Việt Nam. Ngày này mang trong mình những giá trị tinh thần cao quý và thiêng liêng của một dân tộc có lịch sử lâu đời, từng dựng nước và giữ nước suốt hàng ngàn năm. Vì vậy, cả nước sẽ được nghỉ học, nghỉ làm vào ngày này.
1. Giỗ Tổ Hùng Vương 2024 là ngày mấy?
Mỗi năm, người Việt Nam đều tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, hay còn gọi là Lễ Hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Đây là một ngày lễ quan trọng trên toàn quốc, được coi là ngày hội truyền thống để tưởng nhớ công lao lập nước của các vị vua Hùng.
Năm nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ được tổ chức vào ngày thứ Năm, 18 / 04 / 2024 theo lịch Dương, tương đương với ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch.
2. Giỗ Tổ Hùng Vương 2024 người lao động được nghỉ mấy ngày?
Theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 112 của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động sẽ được nghỉ nhưng vẫn được hưởng nguyên lương trong các ngày lễ, Tết được liệt kê, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Nếu ngày nghỉ trùng vào ngày làm việc thì người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc tiếp theo, theo khoản 3 Điều 111.
Vào năm 2024, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10 / 03 âm lịch) rơi vào thứ Năm, ngày Giải phóng miền Nam (30 / 04 / 2024) rơi vào thứ Ba và ngày Quốc tế lao động (01 / 05 / 2024) rơi vào thứ Tư nên người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày.
Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một ngày lễ quan trọng của dân tộc Việt Nam mà còn là dịp để mỗi người trong chúng ta nhìn lại quá khứ và cùng nhau xây dựng tương lai tươi sáng của đất nước. Ngoài ra, Lễ Hội Đền Hùng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Hy vọng với những nội dung mà Phương Nam 24h đã chia sẻ sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về nguồn gốc và ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.