Top 13 cách kết thúc bài thuyết trình hoàn hảo, ấn tượng

Trong một bài thuyết trình, nếu như lời mở đầu là chìa khóa then chốt để gây ấn tượng với người nghe từ giây phút đầu tiên thì phần kết thúc cũng đóng vai trò quan trọng không thua kém, được xem như điểm nhấn cho sự thành công của buổi diễn thuyết đó. Ngoài ra, bài thuyết trình có để lại dư âm trong lòng khán giả hay không cũng phụ thuộc nhiều vào phần kết thúc. Đây là lý do tại sao người diễn giả cần xem xét kỹ lưỡng và dành nhiều sự đầu tư cho phần kết luận của mình. Do đó, nếu bạn vẫn đang loay hoay không biết cách kết thúc buổi thuyết trình của mình sao cho ấn tượng và chỉn chu nhất thì đừng nên bỏ qua những gợi ý dưới đây.
 

Top 13 cách kết thúc bài thuyết trình hoàn hảo, ấn tượng
 

Phần kết thúc bài thuyết trình có quan trọng không?

Hãy thử tưởng tượng, bạn bắt đầu bài thuyết trình một cách hoàn hảo, truyền tải nội dung vô cùng xuất sắc và khán giả gần như đã hoàn toàn đồng ý cũng như hài lòng với quan điểm mà bạn đưa ra. Tuy nhiên, nếu bạn kết thúc một cách nhạt nhẽo và vô vị thì toàn bộ bài thuyết trình có thể bị ảnh hưởng theo. 

Trên thực tế, phần kết thúc của buổi trình bày rất quan trọng vì nhiều lý do sau:

- Tạo ấn tượng cuối cùng: Khán giả thường nhớ rõ nhất phần mở đầu và kết thúc của một bài thuyết trình nên một kết thúc mạnh mẽ có thể khiến thông điệp của bạn in sâu trong tâm trí người nghe.

- Tóm tắt và củng cố thông điệp chính: Đây là lúc bạn tóm tắt lại những điểm quan trọng đã trình bày, giúp khán giả nhớ và hiểu rõ hơn về thông điệp chính của bài thuyết trình.

- Kêu gọi hành động: Nếu bài thuyết trình của bạn có mục đích thuyết phục, phần kết thúc là nơi bạn đưa ra lời kêu gọi hành động rõ ràng, đánh sâu vào tâm lý và khuyến khích khán giả thực hiện bước tiếp theo.

- Tạo cảm giác hoàn chỉnh: Kết thúc bài thuyết trình một cách gọn gàng, mạch lạc giúp khán giả cảm thấy rằng họ đã được cung cấp thông tin đầy đủ và bài thuyết trình đã thành công trọn vẹn.

- Để lại thông tin liên lạc: Đây cũng là lúc bạn cung cấp thông tin liên lạc, khuyến khích khán giả liên hệ hoặc tìm hiểu thêm về bạn hoặc tổ chức của bạn.

Vì những lý do này, đầu tư vào phần kết thúc của bài thuyết trình là rất cần thiết để đảm bảo thông điệp của bạn được truyền tải hiệu quả và tạo ra tác động tích cực.
 

Cách kết thúc bài thuyết trình
 

Bật mí 13 cách kết thúc buổi thuyết trình một cách xuất sắc

Trên thực tế, sẽ có nhiều phương pháp để kết thúc một bài diễn thuyết nhưng không có cách nào là hoàn hảo hay tốt nhất mà hiệu quả phụ thuộc vào việc bạn sử dụng chúng như thế nào. Dưới đây là những cách kết thúc bài thuyết trình hay, ấn tượng, hoàn hảo mà bạn có thể xem xét để áp dụng cho buổi hội thảo hay workshop sắp tới của mình.

1. Tóm lược lại các nội dung chính

Đây là một cách kết thúc thuyết trình đặc biệt hữu ích nếu bạn muốn mọi người nhớ đến những nội dung trọng điểm trong bài phát biểu của mình. Theo đó, bạn có thể tóm tắt lại các ý chính đã trình bày, nhấn mạnh những điểm quan trọng nhất mà khán giả cần lưu ý. Mặc dù cách này có vẻ khá truyền thống và không mấy nổi bật nhưng đây lại là phương pháp dễ nhất để kết thúc bài thuyết trình mà vẫn giúp người nghe ghi nhớ được tổng thể nội dung.

Ngoài ra, để kết thúc một cách bất ngờ và hấp dẫn hơn thì bạn cần tránh đưa ra các dấu hiệu rõ ràng rằng bạn sắp kết thúc. Thay vì nói: “Bây giờ tôi xin phép tóm lược…”, bạn có thể nói: “Chúng ta sẽ phải nhớ rằng…” và sau đó sử dụng một câu súc tích, dễ hiểu để tạo ấn tượng và thu hút sự chú ý của khán giả. Thông tin cung cấp lúc này tuy ngắn gọn, đơn giản nhưng lại rất hiệu quả và mạnh mẽ giúp đánh trúng tâm lý của người nghe một cách tốt nhất.

2. Nhấn mạnh thông điệp cốt lõi

Ngoài tóm lược những ý chính thì để sâu sắc hơn, bạn có thể kết thúc bài thuyết trình bằng việc tập trung nhấn mạnh những thông điệp cốt lõi mà bạn muốn truyền đạt đến khán giả. Hãy cô đọng những nội dung quan trọng và thúc đẩy người nghe hành động bằng những câu nói thú vị hoặc dẫn dắt bất ngờ. Để thực hiện cách kết thúc buổi thuyết trình này, bạn có thể thực hiện theo những phương pháp sau:

- Đặt một câu hỏi trong phần mở bài và kết thúc nội dung thuyết trình bằng cách trả lời vấn đề đó.

- Kể một câu chuyện đã bắt đầu từ đầu bài nói, sử dụng giai thoại, giọng điệu để nhấn mạnh thông điệp cốt lõi.

- Đặt cho bài phát biểu một tựa đề thu hút và sử dụng tựa đề đó để kết thúc thuyết trình.

3. Kết thúc thuyết trình bằng cách kêu gọi hành động

Nhà văn Pháp Anatole France - người đoạt giải Nobel Văn học, từng nhận định rằng: “Con người sống là nhờ vào hành động chứ không phải dựa trên tư tưởng.” Vì vậy, một bài thuyết trình sẽ không trọn vẹn và ấn tượng nếu chỉ dừng lại ở những lời nói hoa mỹ, sáo rỗng mà không tạo ra bất cứ động lực nào để khán giả hành động. 

Thông thường, lời kêu gọi hành động sẽ được lồng ghép vào phần kết bài thuyết trình, khi khán giả đã hiểu rõ nội dung cốt lõi và chỉ đang chờ đợi một điều gì đó thúc đẩy họ. Lúc này, nếu diễn giả có thể đưa ra lời kêu gọi hành động một cách khéo léo thì sẽ dễ dàng tạo ra điểm nhấn và thu hút sự tương tác mạnh mẽ từ mọi người.

4. Kết thúc bài thuyết trình bằng một câu hỏi gợi mở

Kết thúc bằng một câu hỏi gợi mở luôn là phương pháp hiệu quả để thu hút sự chú ý của khán giả bởi vì những câu hỏi này thường khơi gợi trí tò mò và kích thích trí não của con người không ngừng hoạt động. Vì vậy, hãy kết thúc bài nói của bạn bằng những câu hỏi ấn tượng và liên quan đến nội dung được trình bày. Đó có thể là những thắc mắc khơi dậy trí tưởng tượng và liên tưởng của người nghe hoặc những câu hỏi chuyên môn cũng như kỹ năng liên quan đến chủ đề thuyết trình.
 

Kết thúc thuyết trình
 

5. Sử dụng trích dẫn nổi tiếng làm câu kết thúc bài thuyết trình

Một cách kết thúc bài thuyết trình khác cũng ấn tượng không kém là sử dụng những câu nói hay hoặc trích dẫn đặc biệt của những người nổi tiếng hoặc chuyên gia bởi vì điều này có thể tăng cường sức thuyết phục cho bài nói. Theo đó, Khổng Tử, Bill Gates, Jack Ma,... cùng nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng khác đã từng có những nhận định sâu sắc và nhân văn mà bạn có thể tham khảo để sử dụng trong phần kết thúc của mình.

Điều quan trọng là những câu nói này phải phản ánh chính xác và liên quan đến nội dung của bài thuyết trình, tránh việc trích dẫn những ví dụ “lạc quẻ” có thể khiến người nghe nghĩ rằng bạn thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc không hiểu rõ về chủ đề. 

6. Truyền cảm hứng bằng sức mạnh của những câu chuyện

Nếu mở đầu bằng một câu chuyện có thể khiến bài nói trở nên cuốn hút hơn thì điều này cũng sẽ mang lại kết quả tương tự trong phần kết bài. Khi đó, câu chuyện ở phần đầu sẽ gây ấn tượng cho thông điệp của bạn, còn câu chuyện ở phần cuối sẽ giúp bạn củng cố lại nội dung chính trong bài thuyết trình và tăng thêm sự hấp dẫn cho người nghe. 

Câu chuyện lồng ghép vào có thể là trải nghiệm của chính bạn hoặc của một người nổi tiếng khác mà khán giả có thể chưa từng nghe qua nhằm truyền cảm hứng và khích lệ mọi người hành động trong tương lai. Tuy nhiên, để câu chuyện được truyền tải một cách thu hút thì bạn cũng cần sở hữu kỹ năng thuyết trình khéo léo và đảm bảo rằng câu chuyện mà bạn kể phải có các yếu tố sau:

- Ngắn gọn, hấp dẫn và gợi ra những suy ngẫm cho người nghe.

- Truyền cảm hứng và có thể tạo ra sự đồng cảm từ phía khán giả.

- Chọn câu chuyện có liên quan đến thông điệp cốt lõi của bài thuyết trình. Đặc biệt, những câu chuyện về trải nghiệm của khách hàng hoặc về thành công sẽ có tính thuyết phục cao hơn.

7. Sử dụng hình ảnh trực quan, ấn tượng

Sức mạnh của hình ảnh đồ họa luôn gây ấn tượng sâu sắc đối với khán giả khi tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ, bứt phá thôi thúc trong tâm trí của người xem. Chính vì lẽ đó mà việc kết thúc bài thuyết trình bằng một hình ảnh sống động, chứa đựng nhiều thông điệp và liên quan đến nội dung bài nói, luôn là một điểm nhấn đáng chú ý cho khán giả. Điều này cũng phản ánh sự tài năng của người thuyết trình thông qua khả năng sáng tạo và ứng dụng linh hoạt của họ.

8. Kết thúc thuyết trình bằng một tuyên bố đáng nhớ

Kết thúc một bài thuyết trình bằng một tuyên bố đáng nhớ có thể là một cách hiệu quả để gói gọn lại thông điệp chính và để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của khán giả. Việc lựa chọn một tuyên bố đầy ý nghĩa và sâu sắc không chỉ tóm tắt lại những điểm quan trọng nhất mà còn khơi gợi sự tự suy ngẫm và cảm xúc từ phía khán giả. 

Trên thực tế, một tuyên bố mạnh mẽ và ấn tượng có thể thúc đẩy người nghe đi đến quyết định hành động hoặc thay đổi suy nghĩ của họ về vấn đề được thảo luận trong bài thuyết trình. Chính vì vậy, việc chắc chắn rằng tuyên bố của bạn đúng như điều bạn muốn truyền đạt và có sức ảnh hưởng sẽ là một phần quan trọng trong việc hoàn thiện bài phát biểu.
 

Cách kết thúc bài thuyết trình hay
 

9. Kết thúc bài thuyết trình bằng sự hài hước

Phương pháp này được đánh giá là vô cùng thích hợp cho những bài nói mang tính chất giải trí và lôi cuốn nhưng khuyến nghị bạn không nên dùng trong các buổi thuyết trình cần sự nghiêm túc hoặc cẩn trọng. Vì lẽ đó, bạn chỉ nên kết thúc bài diễn thuyết của mình bằng những trận cười sảng khoái thông qua câu chuyện hài hước hoặc câu nói gây cười để tạo ra một bầu không khí vui vẻ, thoải mái khi mà bài phát biểu của bạn mang tính giải trí và nội dung không phải quá nghiêm trang.

10. Kết thúc bài thuyết trình bằng một món quà 

Kết thúc một bài nói bằng việc tặng quà là cách tốt nhất để tạo ra một ấn tượng cuối cùng đáng nhớ cho khán giả. Hơn nữa, món quà này không chỉ là biểu hiện của sự tri ân mà còn tạo ra một kết nối sâu sắc hơn với người nghe để họ nhớ đến bạn sau khi buổi diễn thuyết kết thúc.

Đó có thể là một bộ tài liệu phổ biến liên quan đến nội dung của bài thuyết trình để khán giả tiếp tục nghiên cứu và học hỏi; một món quà nhỏ như cuốn sổ tay, chiếc áo thun in hình hoặc cốc cà phê có logo của doanh nghiệp. Thậm chí, bạn cũng có thể tri ân khán giả bằng cách tỏ ra nhận nhượng với họ thông qua việc thể hiện sự khiêm tốn và cung cấp những quyền lợi nhằm thôi thúc họ thực hiện hành động.

11. Cách kết thúc bài thuyết trình bằng cách gây sợ sệt

Có vẻ khó tin nhưng kết thúc một bài phát biểu bằng cách gây sợ sệt cũng là một cách mạnh mẽ để tạo ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí của khán giả. Theo đó, người diễn giả có thể tạo ra một bầu không khí căng thẳng, hồi hộp với những thông tin đáng báo động khiến cho người nghe phải “giật thót tim” và cuối cùng là thôi thúc họ hành động theo hướng bạn muốn. 

Tuy nhiên, việc sử dụng cảm giác sợ hãi đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng vì nó có thể gây lo lắng không mong muốn hoặc làm mất đi tính chuyên nghiệp của bài nói. Hơn nữa, bạn cần đảm bảo rằng yếu tố sợ hãi được sử dụng phải phù hợp với nội dung và mục tiêu của bài thuyết trình và được thực hiện một cách tinh tế, tôn trọng đối với người nghe.

12. Đưa ra những lựa chọn khác nhau

Thay vì chỉ đứng im trên sân khấu và kết thúc bằng việc nêu ra các trọng điểm đã được chuẩn bị trước thì bạn có thể linh hoạt đề xuất giải pháp cho khán giả thông qua những sự lựa chọn đơn giản. Phép thử này sẽ thúc đẩy người nghe phải liên tục suy ngẫm và nhớ lại những dữ kiện đã được trình bày trước đó để đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Điều này không chỉ giúp họ nắm được ý chính một cách sâu sắc mà còn để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn về buổi thuyết trình. Trên thực tế, phương pháp này thường được áp dụng trong các cuộc họp cần đưa ra những đề xuất giải pháp mang tính cụ thể.

13. Gửi lời cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp của mọi người

Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc báo hiệu cho mọi người biết rằng bài phát biểu của mình đã kết thúc thì gửi lời cảm ơn đến họ có thể là một cách tuyệt vời để làm điều đó. Hãy thể hiện sự tri ân và chân thành của bạn đến những người đã lắng nghe, bởi lẽ thành công của một bài thuyết trình phần lớn phụ thuộc vào phản ứng và đóng góp ý kiến của khán giả.

Ngoài ra, khi kết thúc, bạn cũng có thể ghi nhận bất kỳ công ty hoặc cá nhân nào đã hỗ trợ bạn hoàn thiện buổi thuyết trình, chẳng hạn như trang web được sử dụng làm nguồn dữ liệu, nhà tài trợ,.... 
 

Cách kết thúc buổi thuyết trình
 

Một số ví dụ về cách kết thúc bài thuyết trình ấn tượng

Trong quá trình chuẩn bị cho bài thuyết trình của mình, việc tìm hiểu về các cách kết thúc bài thuyết trình ấn tượng, hoàn hảo có thể mang lại nhiều lợi ích đáng giá cho bạn. Và dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu mà bạn có thể tham khảo:

1. Ví dụ về cách kết thúc phát biểu bằng cách đưa ra chọn lựa

Dưới đây là ví dụ về phần kết tại một cuộc họp của các nhà quản lý doanh nghiệp bàn về vấn đề tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

“Như đã được đề cập bởi diễn giả vừa rồi, thị trường toàn cầu đang ngày càng trở nên sôi động hơn và vấn đề sản xuất hàng hóa với quy mô lớn cần được ưu tiên hàng đầu. Nếu chúng ta không mở rộng quy mô xưởng sản xuất, tuyển dụng lực lượng lao động có kỹ năng hoặc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất thì chúng ta sẽ không bắt kịp thị trường. Trong bối cảnh đó, để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc giảm giá hàng hóa là không thể tránh khỏi.

Bây giờ, quý vị đang đứng trước quyết định quan trọng: tiếp tục sản xuất một lượng nhỏ hàng hóa với chất lượng cao và giá cao hay chuyển sang sử dụng các phương pháp sản xuất tổng thể để có thể bán hàng với giá rẻ hơn. Quý vị sẽ lựa chọn con đường nào?”

2. Ví dụ về cách kết thúc thuyết trình bằng cách tóm lược

Trong phần kết thúc của bài phát biểu về công tác tuyển dụng cảnh sát, người thuyết trình đã nhấn mạnh rằng: “Về mặt lợi ích cá nhân, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để tham gia những môn thể thao mà mình yêu thích. Lương bổng hậu hĩnh cũng là một ưu điểm đáng kể. Đặc biệt, nhiệm vụ truy tìm và đấu tranh với tội phạm không chỉ thú vị mà còn không bao giờ đơn điệu. Cảnh sát mặc sắc phục cũng được phép thi hành nhiệm vụ theo phiên tương tự như các nhân viên thường phục tại Cục Điều tra Hình sự. Tóm lại, nghề cảnh sát là một nghề nghiệp rất được tôn trọng và coi trọng.”

3. Kết thúc phát biểu bằng hành động 

Đoạn kết của một lời kêu gọi sự hỗ trợ để bảo vệ một cảnh đẹp địa phương: 

“Đã có đến 5 đơn khiếu nại được trình lên Hội đồng và Bộ hữu quan của Chính phủ và mỗi trường hợp đều đáng được xem xét một cách công bằng. Tuy nhiên, dù có những nỗ lực đầy mạnh mẽ nhưng một số quan chức cấp cao vẫn tiếp tục nói “Không”. Cánh đồng xanh tươi ở làng quê chúng ta sẽ biến mất nếu không có sự điều chỉnh đối với các kế hoạch đã được vạch ra bởi những người không hiểu ý nghĩa thực sự của nó. Điều này không thể xảy ra! Chúng ta không thể cho phép họ làm điều đó. 

Ngay bây giờ, một đơn thỉnh nguyện đã được soạn thảo xong và ông Mason sẽ trực tiếp trình nó cho đại biểu cấp cao tại Nghị viện. Chúng tôi cần thêm chữ ký của quý vị và cần ngay bây giờ, không phải ngày mai hay ngày kia mà là trước khi quý vị rời đi nơi đây. Ông Burgen đang chờ đợi quý vị ký vào đơn thỉnh nguyện và ông ấy đang ở bên cạnh cửa ra. Nếu quý vị yêu làng quê của mình, hãy ký vào đơn trước khi ra về.”

4. Ví dụ về cách sử dụng trích dẫn để kết thúc bài thuyết trình

Chẳng hạn, bạn đã chuẩn bị một bài diễn thuyết về một chuyến du lịch hấp dẫn dành cho các bạn sinh viên từ 20 - 25 tuổi và sử dụng trích dẫn sau:

"Cuộc đời chia thành hai phần: Nửa trước không do dự, nửa sau không hối tiếc” - Đây là câu nói sâu sắc từ một triết gia người Hy Lạp mà tôi luôn tâm đắc. Bạn đã từng phải do dự bao nhiêu lần? Và cũng đã phải hối tiếc bấy nhiêu lần? Dù chúng tôi không thể chắc chắn mang đến cho bạn một cuộc phiêu lưu như Alice lạc vào Wonderland nhưng tin rằng với sự nhiệt huyết của mình, chúng tôi sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm và dịch vụ tốt nhất mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ đơn vị nào khác. Một lần nữa, chúng tôi gửi đến bạn những thông tin cần thiết cho chuyến du lịch này. Nếu không xuất phát ngay từ bây giờ, bạn sẽ chờ đến khi nào mới bắt đầu chinh phục hành trình của mình?”

 

Kết thúc bài thuyết trình
 

Như vậy qua bài viết này, Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn top 13 cách kết thúc bài thuyết trình hoàn hảo, ấn tượng. Nhìn chung, Để xây dựng một bài thuyết trình đỉnh cao, người diễn không chỉ nên tập trung vào phần mở đầu hay phần chính mà còn cần phải đầu tư đúng cách cho những phút cuối cùng để tạo ra những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Một diễn giả xuất sắc không chỉ là người có khả năng giữ chân khán giả đến cuối cùng, mà còn là người có khả năng truyền đạt cảm hứng, kích thích họ hành động và thay đổi.

Nội dung liên quan

Tin Kinh doanh khác

Email doanh nghiệp là gì? 5 loại email doanh nghiệp phổ biến

Email doanh nghiệp là gì? 5 loại email doanh nghiệp phổ biến

Ngày nay, email doanh nghiệp được sử dụng rộng rãi để thể hiện sự chuyên nghiệp và là công cụ hỗ trợ xây dựng thương hiệu đắc lực.
Chiến lược marketing là gì? Cách xây dựng marketing strategy

Chiến lược marketing là gì? Cách xây dựng marketing strategy

Chiến lược marketing là gì? Tìm hiểu cách xây dựng marketing strategy để bạn áp dụng vào công việc kinh doanh của mình được hiệu quả.
Case study là gì? Hướng dẫn phân tích và viết case study

Case study là gì? Hướng dẫn phân tích và viết case study

Hiểu rõ về case study trong marketing sẽ giúp bạn dễ dàng tạo nên các chiến dịch truyền thông nổi bật, đạt hiệu quả cao.
Định vị thương hiệu là gì? 9 chiến lược định vị phổ biến nhất

Định vị thương hiệu là gì? 9 chiến lược định vị phổ biến nhất

Định vị thương hiệu (brand positioning) là việc tạo dựng một vị thế riêng biệt cho thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Coupon là gì? Cách tăng tỷ lệ chuyển đổi với mã coupons

Coupon là gì? Cách tăng tỷ lệ chuyển đổi với mã coupons

Tìm hiểu cách tăng tỷ lệ chuyển đổi với mã coupons để giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng và gia tăng doanh số hiệu quả nhất.
Chăm sóc khách hàng là gì? Mô tả chi tiết công việc CSKH

Chăm sóc khách hàng là gì? Mô tả chi tiết công việc CSKH

Chăm sóc khách hàng là hoạt động quan trọng được các doanh nghiệp xây dựng để mang đến sự hài lòng cho người dùng.