Kỹ năng thuyết trình là gì? Bí kíp nâng cao kỹ năng thuyết trình

Bạn có biết, hiện nay có đến hơn 75% người trên thế giới thừa nhận rằng họ cảm thấy sợ hãi khi phải trình bày về một điều gì đó trước đám đông? Đây được xem là nỗi ám ảnh của nhiều người nhưng bạn không thể e ngại bởi lẽ thuyết trình trước công chúng là một hoạt động không thể thiếu trong cả học tập lẫn công việc. Chính vì thế mà người ta cũng thường nói, thuyết trình không chỉ là một vũ khí sắc bén được nhiều người ao ước sở hữu mà còn trở thành sự thách thức đối với tâm lý của họ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá cách vượt qua nỗi sợ hãi đó và phát triển kỹ năng thuyết trình để giúp bạn tự tin hơn trước đám đông.
 

Kỹ năng thuyết trình là gì? Bí kíp nâng cao kỹ năng thuyết trình
 

Thuyết trình là gì?

Thuyết trình là việc diễn giải chi tiết về một ý tưởng, chủ đề hay thông tin cụ thể trước một nhóm người nhằm truyền đạt thông điệp hoặc mục tiêu cụ thể. Muốn làm điều này, người trình bày có thể sử dụng lời nói, ngôn ngữ cơ thể, video, âm thanh, hình ảnh cũng như nhiều phương tiện trực quan khác để tăng cường sự hiểu biết và tương tác với khán giả.

Như vậy có thể thấy, thuyết trình không chỉ đơn giản là chỉ trình bày thông tin mà còn bao gồm luôn cả việc tổ chức nội dung một cách hấp dẫn, có hệ thống và dễ hiểu. Do đó, diễn giả cần lựa chọn và sắp xếp thông tin sao cho phù hợp với mục tiêu của buổi thuyết trình cùng mức độ nhận thức của khán giả. Sự sáng tạo và khả năng tương tác với người nghe cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Nhìn chung, mục tiêu chính của thuyết trình có thể là giải thích một khái niệm phức tạp, truyền đạt thông tin, giáo dục, thuyết phục người nghe về một ý kiến, quan điểm nào đó, thúc đẩy thảo luận hoặc thậm chí giải quyết vấn đề. Tùy thuộc vào mục tiêu cụ thể mà người trình bày có thể sử dụng các kỹ thuật thuyết trình khác nhau như trình chiếu slide, mô phỏng, sử dụng tranh ảnh, minh họa bằng ví dụ cũng như các kỹ thuật trình bày lưu loát.

Kỹ năng thuyết trình là gì?

Kỹ năng thuyết trình là khả năng sử dụng lời nói cũng như ngôn ngữ cơ thể để truyền đạt thông điệp, ý tưởng một cách linh hoạt, hấp dẫn và logic trước đám đông hoặc khán giả. Trong đó, mục tiêu chính của người thuyết trình là giúp người nghe hiểu rõ những gì mình đang nói nhằm giải quyết vấn đề của họ hoặc đơn giản chỉ là truyền đạt thông tin mới.

Để thực hiện một buổi thuyết trình hiệu quả, người diễn giả cần tiến hành các bước chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Bởi lẽ mức độ thành công và suôn sẻ của kỹ năng thuyết trình có thể phản ánh qua quá trình chuẩn bị này, bao gồm việc xây dựng bố cục bài thuyết trình, thiết kế slides, điều chỉnh giọng điệu, tốc độ nói, phong cách ăn mặc, sử dụng ngôn ngữ cơ thể, phong thái tự tin,... và nhiều yếu tố khác nữa.
 

Kỹ năng thuyết trình là gì?
 

Tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình trước đám đông

Không thể phủ nhận rằng kỹ năng thuyết trình tốt với khả năng truyền cảm hứng cao sẽ mang lại sức hấp dẫn cho buổi diễn thuyết. Ngoài ra, điều này cũng mở ra nhiều cơ hội để góp phần tạo nên những kết quả có tác động tích cực trong kinh doanh cũng như những lĩnh vực khác trong cuộc sống của mỗi người. Cụ thể, lợi ích mà kỹ năng thuyết trình trước đám đông mang lại là:

- Tăng cường sự tự tin cũng như khả năng nói lưu loát trong quá trình truyền đạt ý tưởng, từ đó giúp khán giả của bạn dễ dàng tiếp thu và tạo ra sự tương tác tích cực. Điều này cũng sẽ hỗ trợ bạn nâng cao khả năng giao tiếp tốt trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày.

- Các nhà lãnh đạo có thể trở thành những diễn giả có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực của họ.

- Gây ấn tượng tích cực với đồng nghiệp, cấp dưới, đối tác và khách hàng, nhờ đó có thể thăng tiến hơn trong công việc.

- Tạo ra lợi thế cạnh tranh khi ứng tuyển vào các vị trí công việc, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và có được cơ hội việc làm với phúc lợi tốt hơn.

- Xây dựng phong cách hay thương hiệu cá nhân, giúp bạn nổi bật và thu hút hơn giữa đám đông.

- Tạo ra các kết nối có giá trị thông qua khả năng lưu loát và độc đáo trong việc trình bày vấn đề, từ đó thu hút sự tin tưởng, đồng thời góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp từ mọi người xung quanh.

Những yếu tố tạo nên một buổi thuyết trình xuất sắc

Một buổi thuyết trình được đánh giá là thành công khi người diễn thuyết truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng, hấp dẫn và tạo ra sự tương tác tích cực với khán giả. Dưới đây là những tiêu chí quan trọng để tạo nên một buổi thuyết trình xuất sắc:

- Có cấu trúc nội dung rõ ràng từng phần và mỗi phần trong đó phải được kết nối với nhau một cách mạch lạc, logic.

- Chứa những thông tin hữu ích và giá trị, tránh lan man, dài dòng.

- Người thuyết trình phải nắm vững kiến thức về chủ đề, đồng thời truyền đạt một cách chính xác, thú vị.

- Sử dụng linh hoạt video, hình ảnh, biểu đồ hay cùng các công cụ trực quan khác để minh họa ý tưởng và đồng thời giúp khán giả hiểu rõ hơn về nội dung được đề cập.

- Diễn đạt rõ ràng, lưu loát cũng như tự tin, sử dụng giọng điệu, tốc độ nói, cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể phù hợp sẽ tạo sự tương tác tích cực với khán giả.

- Thời gian triển khai từng vấn đề nên được điều chỉnh sao cho cân đối với toàn bộ nội dung. Theo đó, buổi thuyết trình không nên kéo dài quá lâu bởi điều này sẽ gây sự mệt mỏi cho khán giả nhưng cũng không thể vội vã kết thúc buổi thuyết trình vì hết giờ khi chưa giải quyết xong vấn đề.

- Thể hiện phong thái tự tin và sự chuyên nghiệp.

- Tạo ảnh hưởng và sự ghi nhớ sâu sắc cho khán giả bằng cách sử dụng ví dụ, câu chuyện, trích dẫn hoặc các kỹ thuật nhằm thu hút sự chú ý.
 

Kỹ năng thuyết trình
 

Các lỗi thường gặp khiến bạn phá hỏng buổi thuyết trình

Bất kể bạn là ai, đang làm công việc gì hay có kiến thức và tài năng ra sao nhưng nếu bạn không thể truyền đạt ý tưởng của mình một cách dễ hiểu cho người khác thì bạn sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được thành công. Vì thế, việc rèn luyện kỹ năng thuyết trình hàng ngày trong công việc lẫn cuộc sống sẽ giúp bạn tiến gần hơn tới mục tiêu của mình. Nhưng để làm được điều này thì trước tiên bạn cần tránh được những lỗi nghiêm trọng sau:

1. Đọc trước đám đông

Dấu hiệu rõ ràng nhất của một buổi thuyết trình không hiệu quả là khi người diễn thuyết chỉ đứng nhìn vào slide và đọc toàn bộ những ý đã chuẩn bị mà không có sự tương tác tích cực với khán giả, đặc biệt ánh mắt còn thường xuyên cúi xuống hoặc thậm chí chỉ chăm chăm nhìn vào giấy để đọc. Hành động này tạo ra cảm giác nhàm chán, không tạo ấn tượng và khó khiến khán giả quan tâm đến nội dung. Như vậy, khán giả khó có thể hiểu được đầy đủ thông điệp cũng như ý tưởng mà người thuyết trình muốn diễn đạt.

2. Nội dung thiếu trọng tâm

Một bố cục mơ hồ, thiếu trọng tâm sẽ khiến khán giả cảm thấy khó hiểu và mất tập trung trong suối quá trình lắng nghe. Đặc biệt, nếu buổi diễn thuyết đã kết thúc mà khán giả không thể hình dung, không nhớ được bất kỳ thông tin nào mà diễn giả đã trình bày thì buổi thuyết trình đó sẽ trở nên vô nghĩa. Nguyên nhân có những bài thuyết trình mơ hồ và lạc đề như vậy thường là do người diễn giả thiếu những kỹ năng cơ bản trong việc xây dựng nội dung cũng như khả năng truyền tải thông điệp đến đối tượng người nghe của mình.

3. Ánh mắt

Một diễn giả chưa có nhiều kinh nghiệm thường có những biểu hiện như đôi mắt liên tục dao động, thường xuyên nhìn lên, nhìn xuống hoặc liếc nhìn ngang, liếc dọc. Khi ánh mắt hướng lên, điều này có thể ám chỉ sự kiêu căng, ngạo mạn và coi thường đối với người nghe. Trong khi đó, ánh mắt hướng xuống thường biểu thị sự lo lắng, hổ thẹn hoặc hối hận về một điều gì đó. Còn ánh mắt hướng sang trái hoặc phải thường cho thấy sự bối rối hay lúng túng. Bên cạnh đó, nếu khi nói mà nhìn ra cửa sổ thay vì tập trung vào người nghe, điều này có thể cho thấy có lẽ diễn giả không quan tâm mấy đến sự chú ý của đám đông.

4. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể không phù hợp

Một bài thuyết trình thành công thường là sự hòa quyện tự nhiên của ba yếu tố: ngôn từ, giọng điệu (âm thanh) và ngôn ngữ hình thể (biểu hiện, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười,...), trong đó sức mạnh của ngôn ngữ cơ thể chiếm một vị trí không hề nhỏ trong việc tạo ra sự hấp dẫn của buổi thuyết trình. Vì thế, nếu chúng ta dùng quá nhiều từ ngữ khô khan, chuyên môn mà thiếu sự linh hoạt và sáng tạo trong ngôn ngữ cơ thể thì hiệu ứng của buổi thuyết trình lên khán giả sẽ bị giảm sút đáng kể.

5. Thiếu chuẩn bị

Để thuyết trình thành công, chúng ta luôn phải đối mặt với nhiều tình huống bất ngờ và phải linh hoạt trong việc giải quyết chúng nên vì lẽ đó mà công tác chuẩn bị luôn vô cùng cần thiết. Một sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn sẽ giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội thành công. Thực tế đã chứng minh, hầu hết các buổi thuyết trình thành công đều là kết quả của việc đầu tư chuẩn bị chu đáo, ít khi bạn có thể thuyết phục người khác nếu chỉ dựa vào sự ứng khẩu cá nhân của mình. 
 

Thuyết trình là gì?
 

Bật mí 13 bí quyết giúp bạn nâng cao kỹ năng thuyết trình hiệu quả

Không phải ai sinh ra cũng tự nhiên sở hữu khả năng thuyết trình xuất sắc, tuy nhiên có nhiều phương pháp giúp bạn rèn luyện kỹ năng này. Mặc dù xuất phát điểm không phải là một người hoạt ngôn, có kỹ năng giao tiếp tốt hoặc tính cách năng động nhưng bạn hoàn toàn có thể cải thiện kỹ năng nói trước đám đông của mình bằng một số bí quyết dưới đây để vượt qua nỗi ám ảnh mang tên thuyết trình:

1. Thính giả - Họ là ai?

Nếu đám đông khán giả ngồi phía dưới chính là nỗi sợ hãi lớn nhất của bạn thì hãy cố gắng biến họ thành những người thân quen để giảm bớt cảm giác căng thẳng và lo âu. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải quen biết từng người một trước buổi thuyết trình mà hãy tìm hiểu về đặc điểm chung của khán giả. Bạn nên biết đối tượng mình sắp đối mặt là ai, họ muốn nghe gì, nhu cầu ra sao và có những vấn đề cụ thể nào đang quan tâm. Mặc dù bạn có thể chưa gặp mặt đối tượng đích thực cho đến ngày diễn thuyết nhưng việc tìm hiểu trước về họ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và tạo ra một sự tương tác tự nhiên hơn khi gặp gỡ.

Người nghe có thể được phân loại vào 4 nhóm chính sau:

- Nhóm 1 - Người nghe và diễn giả đều ít biết về vấn đề: Đây là lúc cần chuẩn bị kỹ lưỡng, trình bày ý tưởng một cách rõ ràng và thảo luận nhóm.

- Nhóm 2 - Người nghe biết ít nhưng diễn giả biết nhiều: Cần trình bày vấn đề một cách đơn giản, dễ hiểu và nhớ rằng người nghe không có kiến thức giống như mình.

- Nhóm 3 - Người nghe biết nhiều nhưng diễn giả biết ít: Tránh tình huống này bằng cách tìm hiểu nhu cầu của người nghe và thảo luận nhóm.

- Nhóm 4 - Cả diễn giả và người nghe đều biết nhiều: Có thể xảy ra tranh cãi, cần khuyến khích ý tưởng mới và sử dụng phương pháp thảo luận nhóm.

2. Chuẩn bị thông tin, tài liệu kỹ lưỡng

Kỹ năng thuyết trình trước đám đông không phải là một điều gì đó quá sức trừu tượng mà đôi khi còn được thể hiện qua những hành động cụ thể như sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tỉ mỉ của diễn giả. Từ việc soạn nội dung cho đến chuẩn bị các công cụ cần thiết cho buổi thuyết trình, hãy đảm bảo rằng mọi thứ đều được kiểm tra và sẵn sàng. 

Ngoài ra, hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân về mục tiêu mà bạn muốn đạt được sau buổi thuyết trình và nó sẽ mang đến những lợi ích gì cho khán giả. Cuối cùng, thực hiện nghiên cứu và chuẩn bị các tài liệu cần thiết, bao gồm cả hình ảnh và âm thanh nếu cần.

3. Xây dựng bố cục bài thuyết trình logic, rõ ràng

Để tạo ra một bài thuyết trình hiệu quả, việc xây dựng bố cục logic và rõ ràng là điều cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ điều này không chỉ giúp người nghe dễ dàng theo dõi và hiểu được luồng thông tin một cách mạch lạc mà còn hỗ trợ diễn giả trong việc trình bày ý tưởng cũng như thông điệp của mình. Thường thì một kết cấu bài thuyết trình lý tưởng sẽ bao gồm ba phần chính: 

- Phần mở đầu thường giới thiệu vấn đề hoặc chủ đề mà bài thuyết trình sẽ đề cập cùng với một tóm tắt ngắn gọn về những điểm chính sẽ được trình bày. 

- Phần chính là nơi chứa toàn bộ nội dung chính, được chia thành các phần nhỏ và mỗi phần tương ứng với một ý chính hoặc một khía cạnh của chủ đề. 

- Phần kết luận là nơi tổng hợp lại những nội dung chính đã được trình bày cùng với một kết luận hoặc một câu châm ngôn gợi mở cho khán giả suy ngẫm.

Việc xây dựng bố cục bài thuyết trình cần tuân thủ nguyên tắc của sự logic và mạch lạc từ việc sắp xếp các ý tưởng với trình tự đến việc kết nối các phần với nhau một cách hợp lý. Đồng thời, bạn cũng cần đảm bảo rằng bố cục này phản ánh rõ ràng mục tiêu và thông điệp mà mình muốn gửi gắm cho khán giả.
 

Thuyết trình
 

4. Sử dụng các công cụ hỗ trợ thuyết trình

Trong quá trình thuyết trình, việc sử dụng các công cụ hỗ trợ là một phần không thể thiếu để tăng cường sức mạnh và hiệu quả của bài nói bằng cách trình bày thông tin trực quan, sinh động cũng như tạo ra sự tương tác tích cực với khán giả. Một trong những công cụ phổ biến nhất cho phép diễn giả trình bày thông tin, hình ảnh, số liệu một cách rõ ràng và có tổ chức là máy chiếu và slide PowerPoint. Hơn nữa, việc sử dụng slide giúp tạo điểm nhấn, làm nổi bật các ý chính và hỗ trợ việc ghi nhớ cho khán giả.

Bên cạnh đó, bạn cần sử dụng những kết hợp các công cụ hỗ trợ trực quan kết hợp với những phương tiện nghe nhìn để minh họa ý tưởng, đồng thời làm tăng tính tương tác của buổi thuyết trình. Chẳng hạn như âm thanh và video có thể được sử dụng để chia sẻ câu chuyện, minh họa ví dụ hoặc trình bày dữ liệu số một cách sinh động, có sức thuyết phục. Hoặc các công cụ tương tác như bảng trắng hay flipchart sẽ giúp diễn giả ghi chú, vẽ sơ đồ mind map hoặc tương tác trực tiếp với khán giả trong quá trình thuyết trình.

Dưới đây là một số công cụ hỗ trợ thuyết trình thường được sử dụng ngày nay:

- Bảng đen sử dụng phấn trắng, phấn màu.

- Máy projector, băng video, máy chiếu vật thể, overhead, datashow.

- Các loại bút chì, bút điện tử hỗ trợ trình chiếu khi dùng máy chiếu.

- Bảng trắng với các bút viết nhiều màu khác nhau.

- Các mô hình mô phỏng.

- Flip chart ghi chú những từ khóa.

- Bảng ghim, bảng lật để có thể đính kèm các hình vẽ.

- Hình vẽ màu sắc.

5. Sử dụng ngôn ngữ phù hợp

Ngôn ngữ không chỉ đơn giản là cách chúng ta truyền đạt ý tưởng mà còn được xem như phương tiện để tạo ra sự hiểu biết và tương tác với khán giả. Do đó, việc lựa chọn từ ngữ, cấu trúc câu và phong cách diễn đạt phù hợp với đối tượng, mục tiêu cũng như bối cảnh của buổi thuyết trình là rất quan trọng. Mặt khác, sử dụng ngôn ngữ phù hợp còn là cách người thuyết trình thể hiện sự tôn trọng đối với khán giả của mình, từ đó tạo ra một ấn tượng tích cực và sâu sắc.

Ngôn ngữ nói

Ngôn ngữ nói chính là cách thức chủ yếu để diễn giả truyền đạt ý kiến, quan điểm, thông tin đến với khán giả của mình. Theo đó, khi tham gia vào việc thuyết trình, việc sử dụng ngôn ngữ nói đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ các tiêu chí sau:

- Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu và truyền đạt thông điệp một cách súc tích.

- Tạo ra hình ảnh sinh động, truyền cảm và dễ ghi nhớ. Sử dụng ngôn từ phong phú và hấp dẫn có thể kích thích cảm xúc và gây ấn tượng mạnh mẽ.

- Hiểu rõ trình độ và tâm trạng của đối tượng nghe để điều chỉnh cách diễn đạt phù hợp.

- Sử dụng một phong cách nói thông minh, khoa học và đôi khi có thể kết hợp với sự hài hước để thu hút sự chú ý.

- Đảm bảo rằng người nghe có thể nhớ được các điểm chính của bài thuyết trình.

Ngoài ra thì trong quá trình nói, tốc độ diễn đạt nên được điều chỉnh phù hợp với khán giả. Chẳng hạn với người cao tuổi, việc nói chậm và nhẹ nhàng thường hiệu quả hơn, trong khi đối với thế hệ gen Z, sự hào hùng và sôi nổi có thể góp phần nhấn mạnh giá trị thông điệp. Do đó, việc quan sát phản hồi từ phía người nghe là rất quan trọng để điều chỉnh cách diễn đạt và giọng điệu sao cho phù hợp với bối cảnh cũng như mục tiêu của bài thuyết trình.

Ngôn ngữ cơ thể

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể hoặc phi ngôn ngữ có thể là yếu tố quyết định giúp bài thuyết trình trở nên tự nhiên, có “hồn” và cuốn hút hơn. Theo đó, cử chỉ linh hoạt của bàn tay, ánh mắt tự tin cùng với sự tương tác nhẹ nhàng như gật đầu, mỉm cười khi nói sẽ làm tăng tính thuyết phục và giúp bạn kiểm soát được sự tự tin trong cơ thể khi trình bày. Ngoài ra, ánh mắt kết nối với người nghe có thể tạo ra một mạng lưới giao tiếp mạnh mẽ. Tuy nhiên, bạn cần tránh việc lạm dụng cử chỉ hoặc ngôn ngữ cơ thể vì điều này có thể làm mất tập trung của người nghe và gây khó chịu cho họ, thậm chí làm giảm hiệu quả của thông điệp bạn muốn truyền đạt.
 

Cách thuyết trình hay
 

6. Giữ vững niềm tin vào bản thân

Niềm tin trong chính bản thân được xem là chìa khóa để đạt được mục tiêu của mỗi người. Chính vì thế mà những người thành công thường nhấn mạnh về sức mạnh của niềm tin vào giá trị bản thân. Tuy nhiên, việc xây dựng niềm tin vào bản thân không phải lúc nào cũng dễ dàng mà đòi hỏi một quá trình rèn luyện lâu dài. 

Đầu tiên, đừng nghĩ rằng việc có kỹ năng thuyết trình kém sẽ làm bạn không thể thực hiện một buổi thuyết trình hiệu quả. Bởi lẽ khi bạn dám đứng lên và trình bày quan điểm của mình thì đó là lúc bạn đang thực sự sử dụng kỹ năng đó một cách hiệu quả.

Không ai có quyền phán xét bạn ngoài chính bạn nên vì vậy, hãy tin rằng bạn có thể và tự tin với những gì bạn đã chuẩn bị. Điều bạn cần làm là mỉm cười một cách tự tin và cho khán giả biết rằng họ sẽ nghe những điều quan trọng mà bạn muốn chia sẻ.

7. Rèn luyện phong thái tự nhiên 

Như đã nhấn mạnh ở trên, một trong những sai lầm phổ biến khi thuyết trình là liên tục nhìn vào giấy và đọc toàn bộ nội dung. Thường thì chúng ta soạn sẵn nội dung và luyện tập ghi nhớ từng từ. Dường như cách này có vẻ hiệu quả nhưng thực tế lại dễ dẫn đến việc trình bày trở nên cứng nhắc và bị mất tính kết nối với khán giả.

Việc soạn nội dung trước là quan trọng nhưng tốt nhất, bạn hãy ghi chú những ý chính ra một tờ giấy và tập nói theo những ý đó. Khi bạn thực sự hiểu những gì mình cần truyền đạt và trình tự của chúng trong bài thuyết trình thì việc ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn mà không gặp phải tình trạng học vẹt.

Thay vì mang theo một kịch bản hoàn chỉnh, bạn chỉ nên cầm theo một tờ giấy ghi chú các nội dung chính. Bởi lẽ việc nói từng từ một giống như trong kịch bản là không cần thiết, hãy nói như bạn đang chia sẻ một cách tự nhiên và thú vị.

8. Luyện tập trước buổi thuyết trình

Như đã đề cập trước đó, không phải ai sinh ra cũng có khả năng giao tiếp tốt và bạn hoàn toàn có thể phát triển kỹ năng thuyết trình trước đám đông bằng cách luyện tập thường xuyên. Chẳng hạn như trong một chương trình truyền hình, các MC có thể phát sóng trực tiếp suốt hai giờ đồng hồ mà không gặp bất kỳ vấn đề nào là bởi vì họ đã luyện tập kỹ lưỡng trước đó. Cho nên, nếu bạn muốn buổi thuyết trình của mình diễn trôi chảy như vậy, hãy luyện nói thật nhiều lần, điều này không chỉ giúp bạn nhớ những điều cần diễn đạt mà còn giúp bạn phát hiện và sửa chữa những lỗi sai.

Không chỉ vậy, việc chuẩn bị bài thuyết trình một cách cẩn thận sẽ giúp bạn giảm bớt cảm giác lo lắng khi đứng trước đám đông. Do đó, hãy đầu tư thời gian và công sức vào bài diễn thuyết của mình. Bạn có thể ghi âm những gì bạn nói, sau đó nghe lại để xem bài thuyết trình của bản thân còn phần nào cần cải thiện, nội dung nào cần thêm thông tin và đoạn nào có thể lược bỏ. Mặt khác, bạn cũng có thể nhờ người khác lắng nghe và đưa ra đánh giá về những nội dung bạn trình bày.
 

Kỹ năng thuyết trình trước đám đông
 

9. Kiểm soát căng thẳng và lo lắng

Thay vì đối mặt và cố gắng chống lại nỗi sợ hãi trước đám đông, bạn nên chủ động thích nghi tích cực với nó. Để kiểm soát cảm giác lo lắng, bồn chồn, hãy bắt đầu bằng việc chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, kịch bản, các công cụ và thiết bị hỗ trợ nghe nhìn cần thiết. Điều này giúp bạn có thời gian tập trung chuẩn bị tinh thần cho bản thân trước khi bắt đầu buổi thuyết trình.

Ngoài ra, hãy tự động viên bản thân rằng bạn đã chuẩn bị tốt cho buổi thuyết trình này nên chắc chắn mọi thứ sẽ diễn ra đúng theo kế hoạch. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thay đổi trạng thái tinh thần bằng cách uốn lưng thẳng, đưa vai ra sau và thực hiện những hơi thở sâu vì khi làm như vậy, bạn sẽ cảm thấy thoải mái, bình tĩnh và tự tin hơn để bước vào buổi thuyết trình.

10. Lồng ghép câu chuyện và một chút hài hước vào bài thuyết trình

Theo tạp chí Harvard Business Review, con người thường dễ bị cuốn hút và cảm thông hơn khi nghe về những câu chuyện của người khác. Do đó, nói đúng những điều cần nói nhưng kết hợp với sự hài hước một cách khôn ngoan sẽ giúp cho bài thuyết trình của bạn trở nên nổi bật và lôi cuốn hơn. Vậy nên nếu có thể, hãy chèn thêm vào một câu chuyện có liên quan đến nội dung mà bạn đang trình bày để làm cho bài nói trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Thông qua đó, bạn sẽ có thể khơi dậy sự tò mò của người nghe thông và chắc chắn, họ sẽ muốn tiếp tục lắng nghe bạn nói về các ý kiến hoặc thông tin khác liên quan.

11. Nắm bắt tình hình và kết nối với khán giả

Một cuộc đối thoại nếu chỉ bắt nguồn từ một phía sẽ khiến không khí trở nên nhạt nhẽo và thiếu sự tương tác lẫn nhau. Đặc biệt là khi người thuyết trình chỉ tập trung vào những gì họ muốn nói mà quên đi người nghe thì bài phát biểu đó sẽ mất đi giá trị. Vậy nên khi bắt đầu một buổi diễn thuyết, quan trọng là bạn phải thể hiện sự quan tâm đến khán giả bằng cách tạo ra các câu hỏi tương tác thú vị. 

Đừng vội vàng dẫn vào nội dung bài thuyết trình ngay lập tức mà thay vào đó, hãy bắt đầu bằng một số câu hỏi đơn giản như "Có phải không?" và khán giả chỉ cần giơ tay để trả lời. Bên cạnh đó, trong quá trình nói, bạn nên chú ý tạo ra một không gian mở để giao lưu mắt và đặt câu hỏi nhằm thu hút sự chú ý từ người nghe.

12. Mở đầu và kết thúc bài thuyết trình ấn tượng

Bạn có cảm thấy phấn khích khi nghe ai đó bắt đầu bài thuyết trình của họ với câu mở đầu quen thuộc: Hôm nay tôi sẽ nói về blablabla? Đừng lặp lại mẫu câu đó nếu bạn không muốn bài thuyết trình của mình trở nên rập khuôn và nhàm chán giữa đám đông mà hãy thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ đầu bằng cách tạo ra một màn mở đầu thú vị. 

Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu bằng việc kể một câu chuyện hài hước, sử dụng hình ảnh,âm thanh hoặc video thú vị để làm cho bài thuyết trình trở nên đặc sắc hơn. Ngoài ra, một con số ấn tượng hoặc một trích dẫn câu nói nổi tiếng nào đó cũng là ý tưởng hay. Tương tự như lời mở đầu, hãy kết thúc bài thuyết trình một cách chuyên nghiệp, ấn tượng thông qua việc tóm tắt và nhấn mạnh vào những thông tin quan trọng để giúp khán giả có thể ghi nhớ lâu hơn.

13. Lắng nghe góp ý và cải thiện

Đừng nên chỉ chăm chăm vào mỗi nội dung mình trình bày mà bạn cũng cần phải quan tâm đến thái độ và phản ứng của khán giả. Hãy lắng nghe cảm xúc của họ, quan sát liệu rằng người nghe có đang cảm thấy bối rối hoặc đang thắc mắc về điều gì không. Nếu có, hãy làm sáng tỏ ngay và điều chỉnh mọi yếu tố có thể ảnh hưởng như ngôn từ, tốc độ nói hay giọng điệu.

Đặc biệt, sau khi kết thúc buổi thuyết trình, nếu có thể, bạn hãy tiến hành thu thập ý kiến phản hồi từ khán giả, đồng nghiệp hoặc bất kỳ ai đã tham dự để xem họ cảm nhận như thế nào về bài nói của bạn, từ đó lắng nghe và cải thiện những khía cạnh cần thiết. Điều này là quan trọng để kỹ năng thuyết trình của bạn ngày càng tiến bộ và vươn xa hơn.
 

Cách thuyết trình
 

Như vậy qua bài viết này, Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn khái niệm kỹ năng thuyết trình là gì và một số bí kíp để nâng cao kỹ năng thuyết trình trước đám đông hiệu quả. Việc trở thành một người thuyết trình giỏi có thể mất nhiều năm để luyện tập và dĩ nhiên, đứng trước đám đông để bày tỏ quan điểm không phải là điều dễ dàng đối với mọi người. Tuy nhiên, đừng bỏ cuộc mà hãy bắt đầu từ những điểm nhỏ nhặt nhất như cải thiện phát âm, tương tác với khán giả, ghi nhớ nội dung và sự cởi mở trong biểu đạt. Khi có thể kiểm soát được cảm giác lo lắng, thiếu tự tin trong cơ thể, bạn sẽ có khả năng giao tiếp hiệu quả hơn và mở ra nhiều cơ hội thuận lợi hơn đối với quá trình phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Nội dung liên quan

Tin Tổng hợp khác

Flex là gì? Giải mã lý do trend flex khuynh đảo mạng xã hội

Flex là gì? Giải mã lý do trend flex khuynh đảo mạng xã hội

Flexing không chỉ dừng lại trong việc khoe khoang mà còn tạo động lực và là nguồn cảm hứng để mọi người vượt qua giới hạn bản thân.  
Gen Z là gì? Những đặc trưng có 1-0-2 của thế hệ Gen Z

Gen Z là gì? Những đặc trưng có 1-0-2 của thế hệ Gen Z

Thế hệ Gen Z là một cộng đồng trẻ trung, sôi nổi, nhiệt huyết và đầy năng lượng, luôn mang trong mình những tư tưởng bức phá táo bạo.  
KOC là gì? Điểm khác biệt giữa KOL và KOC marketing

KOC là gì? Điểm khác biệt giữa KOL và KOC marketing

Hiểu rõ KOL là gì cũng như sự khác biệt giữa KOL và KOC sẽ giúp bạn chọn được hình thức tiếp thị phù hợp, hiệu quả cho doanh nghiệp.  
Kỹ năng ra quyết định là gì? Quy trình ra quyết định hiệu quả

Kỹ năng ra quyết định là gì? Quy trình ra quyết định hiệu quả

Kỹ năng ra quyết định không chỉ là khả năng lựa chọn mà còn liên quan chặt chẽ đến quá trình tư duy, xử lý thông tin và phân tích tình huống.  
Mood là gì? Bí thuật cải thiện tâm trạng khi bị tụt mood

Mood là gì? Bí thuật cải thiện tâm trạng khi bị tụt mood

Mood là màu sắc tạo nên bức tranh cuộc sống, có ảnh hưởng đến quyết định, hành động và thậm chí cả cách bạn tương tác với mọi người. 
Influencer là gì? Cách để trở thành Influencer thành công

Influencer là gì? Cách để trở thành Influencer thành công

Influencer là những cá nhân có thể tác động đến hành vi, suy nghĩ và quyết định mua sắm của một nhóm đối tượng hoặc cả cộng đồng.