Khái niệm VAT hay thuế giá trị gia tăng chắc hẳn không còn quá xa lạ đối với nhiều người. Đây là một trong những loại thuế phổ biến đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường hiện nay. Thuế GTGT đóng vai trò quan trọng, góp phần gia tăng nguồn thu nhập và cân bằng ngân sách Nhà nước. Do đó, việc tìm hiểu về loại thuế này là điều cần thiết đối với các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động buôn bán, kinh doanh. Vậy thì thuế VAT là gì? Ai là người chịu thuế giá trị gia tăng? Nắm rõ những quy định của Pháp luật về thuế VAT sẽ giúp bạn thực thi chính sách thuế một cách chính xác, hiệu quả và đúng luật.
Thuế VAT là gì?
Thuế VAT hay còn được gọi là thuế giá trị gia tăng (GTGT), đây là loại thuế được tính dựa trên phần giá trị phát sinh hay tăng thêm của dịch vụ, hàng hóa trong các giai đoạn từ sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ trên thị trường. Lưu ý, GTGT chỉ được áp dụng với phần giá trị tăng thêm mà không tính thuế VAT trên toàn bộ giá trị của sản phẩm, dịch vụ đó. Thuế GTGT thuộc loại thuế gián thu, được cộng vào giá bán hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng trả khi mua sản phẩm đó. Vậy thì ai là người nộp thuế giá trị gia tăng? Trong trường hợp này, khách hàng chính là người phải trả thuế GTGT và đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ trực tiếp đóng thuế với cơ quan Nhà nước.
Hàng hóa chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng?
Hàng hóa chịu thuế GTGT phải thuộc các khâu sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng ở Việt Nam. Dịch vụ chịu thuế GTGT phải bị tác động bởi một trong các hành vi kinh doanh hoặc sử dụng ở Việt Nam. Vì thuế GTGT chỉ quan tâm đến giá trị tăng thêm của đối tượng chịu thuế. Do đó, bất cứ khi nào và ở nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam, hàng hóa, dịch vụ có phát sinh giá trị tăng thêm thì hàng hóa, dịch vụ đó phải chịu thuế GTGT.
Nói tóm lại, nhóm dịch vụ, hàng hóa chịu thuế GTGT theo quy định Pháp luật bao gồm các dịch vụ, hàng hoá dùng cho ngành sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm hàng hóa, dịch vụ mua bán của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT. Điều 5 Luật thuế GTGT quy định 26 đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, cụ thể bao gồm:
1. Sản phẩm, mặt hàng thuộc ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ mới qua bước sơ chế thuộc tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt, bán ra ở khâu nhập khẩu.
2. Sản phẩm là giống vật nuôi hoặc giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, phôi.
3. Dịch vụ tưới, tiêu nước, cày, bừa đất, vét kênh, mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó còn có các dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
4. Phân bón, thiết bị máy móc chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác.
5. Các sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là NaCl.
6. Nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước, Nhà nước bán cho người khác và họ đang thuê.
7. Chuyển quyền sử dụng đất.
8. Bảo hiểm sức khỏe, nhân thọ, các dịch vụ bảo hiểm khác có liên quan đến con người. Ngoài ra, thuế GTGT không áp dụng với bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng và các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác như: bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị, dụng cụ cần thiết phục vụ trực tiếp cho ngành đánh bắt thuỷ sản.
9. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán như:
- Dịch vụ cấp tín dụng bao gồm: cho vay, chiết khấu, phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán trong nước, bao thanh toán quốc tế,...và các hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của Pháp luật.
- Người nộp thuế sử dụng dịch vụ cho vay không phải là tổ chức tín dụng.
- Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán,...cùng một số hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Pháp luật về chứng khoán.
- Chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư, bao gồm cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất. Kinh doanh, chuyển nhượng chứng khoán và một số hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của Pháp luật.
- Kinh doanh ngoại tệ.
- Những dịch vụ tài chính phát sinh như: hoán đổi lãi suất, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn mua, bán ngoại tệ, dịch vụ tài chính phát sinh khác theo quy định của Pháp luật.
- Bán tài sản của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
10. Các dịch vụ y tế, thú y bao gồm dịch vụ như: khám, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi.
11. Các dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ.
12. Dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng và dịch vụ tang lễ.
13. Sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng, nhà ở cho đối tượng thuộc chính sách xã hội.
14. Nơi dạy học, dạy nghề theo quy định của Pháp luật.
15. Truyền thanh, truyền hình phát sóng bằng nguồn vốn ngân sách của Nhà nước.
16. Dịch vụ xuất bản, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, giáo trình, sách Pháp luật, sách khoa học kỹ thuật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử, tiền, in tiền.
17. Vận chuyển hành khách công cộng bằng các phương tiện xe buýt, xe điện.
18. Máy móc, thiết bị, phụ tùng trong nước chưa sản xuất được, cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Máy móc, thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư trong nước cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt. Tàu bay, dàn khoan, tàu thuỷ trong nước chưa sản xuất được, cần nhập khẩu hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh.
19. Vũ khí chuyên dùng để phục vụ cho an ninh, quốc phòng.
20. Hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, không hoàn lại. Quà tặng cho cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Quà biếu, tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ. Đồ dùng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao. Hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
21. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; Hàng tạm nhập - xuất khẩu, tái xuất - nhập khẩu; Nguyên liệu nhập để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng ký kết với nước ngoài.
22. Chuyển giao công nghệ theo quy định Luật chuyển giao công nghệ. Chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định Luật sở hữu trí tuệ.
23. Vàng nhập khẩu dạng miếng, thỏi chưa được chế tác thành đồ trang sức hay sản phẩm khác.
24. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác.
25. Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho các bộ phận cơ thể của người bệnh như: nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng cho người bị tàn tật.
26. Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm mang lại từ 100 triệu đồng trở xuống.
Đặc điểm của thuế giá trị gia tăng là gì?
- Thuế VAT có đối tượng chịu thuế lớn. Các cá nhân, tổ chức đều phải chi trả thu nhập của mình để thụ hưởng kết quả sản xuất kinh doanh tạo ra cho xã hội. Việc đánh thuế GTGT trên phạm vi lãnh thổ đối với mọi đối tượng thể hiện sự công bằng của thuế. Đồng thời thể hiện thái độ của Nhà nước đối với các mặt hàng tiêu dùng trong xã hội.
- Tính thuế VAT dựa trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ. Đây là đặc điểm thuế giá trị gia tăng cơ bản nhất để phân biệt với những loại thuế gián thu khác. Việc đánh thuế VAT chỉ trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ. Từ đó giúp cho số thuế GTGT áp dụng trong mỗi khâu của quá trình lưu thông không gây ra những đột biến về giá cho người tiêu dùng.
- Nếu dựa trên giá mua sau cùng của hàng hóa thì số thuế GTGT phải nộp không thay đổi và phụ thuộc vào các giai đoạn lưu thông khác nhau. Mặc dù bị đánh thuế ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước, nhập khẩu nhưng cơ sở xác định số thuế mà người tiêu dùng phải nộp chỉ là phần giá trị mới tăng thêm của khâu sau so với khâu trước. Vì vậy, tính thuế giá trị gia tăng phải nộp qua các khâu chính là số thuế cuối cùng dựa trên tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng phải chịu.
Tính thuế VAT bằng phương pháp khấu trừ thuế
1. Đối tượng áp dụng
- Cơ sở đang hoạt động kinh doanh được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế khi đáp ứng đủ hai điều kiện. Thứ nhất, cơ sở này phải có doanh thu hàng năm từ một tỷ đồng trở lên thông qua việc buôn bán hàng hóa, dịch vụ. Thứ hai là cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ các chế độ về kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của Pháp luật ban hành.
- Cơ sở hoạt động kinh doanh đăng ký tự nguyện được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế và hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp.
- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành những hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí sẽ nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do Việt Nam kê khai.
2. Số thuế phải nộp
Công thức tính: Thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Trong đó:
- Số thuế GTGT đầu ra: Là tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn.
- Số thuế GTGT đầu vào: Tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua hàng, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT.
3. Thuế suất và tỷ lệ % tính thuế GTGT
Có ba loại thuế suất thuế GTGT áp dụng với từng nhóm hàng hóa, dịch vụ, cụ thể là thuế suất 0%, 5%, 10%. Trong đó, thuế suất 10% áp dụng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ (trừ hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, chịu thuế suất 0%, thuế suất 5%).
Tính thuế giá trị gia tăng bằng phương pháp trực tiếp
1. Đối tượng áp dụng
- Các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng trừ trường hợp đăng ký tự nguyện theo phương pháp khấu trừ.
- Các doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện theo phương pháp khấu trừ.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư.
- Các tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của Pháp luật.
- Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã (trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ).
2. Số thuế phải nộp
Công thức tính: Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x Tỉ lệ %
Trong đó:
- Doanh thu: Bằng tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng, bao gồm cả các khoản phụ thu.
- Tỉ lệ %: Mỗi nhóm ngành nghề có tỉ lệ được quy định riêng.
3. Thuế suất và tỷ lệ % tính thuế
Thuế suất thuế GTGT được tính theo từng hoạt động. Cụ thể là:
- Các dịch vụ phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%.
- Các dịch vụ xây dựng (không bao thầu nguyên vật liệu): 5%.
- Sản xuất, vận tải, dịch vụ gắn với hàng hóa, xây dựng (có bao thầu nguyên vật liệu): 3%.
- Một số hoạt động kinh doanh khác: 2%.
Trên đây là tổng hợp một số vấn đề liên quan đến thuế GTGT mà đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Như vậy, để trở thành đối tượng chịu thuế VAT thì hàng hóa đó phải thuộc các khâu sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng ở Việt Nam. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, bạn đã biết thuế GTGT là gì và ai là người chịu thuế giá trị gia tăng để có thể nắm rõ và vận dụng các chính sách về thuế một cách linh động, hiệu quả, đúng quy định của Pháp luật.