Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt là đối với trẻ em ở các vùng nông thôn. Hàng năm, có không ít câu chuyện thương tâm về tai nạn sông hồ xảy ra, gây nên biết bao sự bàng hoàng trong dư luận. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh đối với bậc phụ huynh và những người có trách nhiệm. Vì vậy, chúng ta cần có các biện pháp phòng tránh và trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do nguyên nhân này.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tử vong vì tai nạn đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần so với những quốc gia khác. Trong đó, phần lớn là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do xảy ra tai nạn khi tắm sông, hồ và chơi gần ao hồ, sông suối mà không có sự quản lý của người lớn. Vậy vấn đề đặt ra là chúng ta cần làm gì để phòng tránh đuối nước?
1. Trang bị kỹ năng bơi lội
Dù cho bạn sống ở thành thị hay nông thôn, miền núi thì tai nạn đuối nước vẫn có thể xảy ra. Do đó, cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần phải được trang bị các kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước, nhất là với trẻ em. Đa phần, việc dạy bơi cho trẻ nhỏ đều là tự phát. Tuy nhiên, phụ huynh chỉ nên cho bé đến các trung tâm học bơi chuyên nghiệp để được dạy về: cách khởi động, cách xử lý tình huống khi bị chuột rút, cách xử lý khi bơi vào vùng nước xoáy,….Song, bạn cũng cần tìm hiểu xem thể trạng của bé có thích hợp cho việc tham gia hoạt động bơi lội hay không vì không phải trẻ nhỏ nào cũng có sức khỏe đủ tốt để học bơi.
2. Cảnh báo về nguy cơ khi tắm suối, sông, hồ
Người lớn cần ý thức và cảnh báo cho trẻ nhỏ nguy cơ bị đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ,....Tốt hơn hết là nên đưa những kỹ năng phòng tránh đuối nước thành một môn học bắt buộc ở trường. Bên cạnh đó, phụ huynh tuyệt đối không nên cho trẻ tắm sông hay chơi đùa ở gần khu vực bờ sông để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn và chỉ cho bé đến các hồ bơi được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, có nhân viên trông coi.
3. Chấp hành quy định khi tham gia giao thông đường thủy
Khi chúng ta tham gia bất cứ các hoạt động đường thủy nào cũng phải mặc áo phao. Ngoài ra, trên tàu thuyền cũng phải được trang bị đủ số lượng các thiết bị cứu hộ đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng khi có tai nạn xảy ra.
4. Mặc áo phao và tắm gần bờ
Khi tắm sông hay tắm biển, bất cứ người biết bơi hay không cũng phải mặc áo phao và chỉ nên tắm ở gần bờ để đảm bảo an toàn vì tai nạn đuối nước luôn rình rập, đe dọa chúng ta bất cứ lúc nào. Khi tắm biển, không nên nằm trên phao thả trôi vì bạn sẽ dễ bị sóng cuốn ra xa rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nên tìm hiểu rõ về vùng biển trước khi tắm để không chọn nhầm nơi nước động, nước xoáy hay xuất hiện dòng chảy xa bờ.
5. Đậy kín bể chứa nước
Với những gia đình có trẻ nhỏ, các bể chứa nước dự trữ phải luôn được đậy kín, đảm bảo trẻ không thể mở ra để tránh trường hợp trẻ bị ngã vào bể, dẫn đến ngạt nước.
6. Vùng lũ lụt cần sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền
Đối với các đồng bào miền núi hay vùng bị ảnh hưởng của lũ quét, cần phải chấp hành đúng hướng dẫn sơ tán của chính quyền địa phương trước khi lũ xảy ra. Tuyệt đối không được bơi trong dòng nước lũ và trẻ em phải luôn được trông coi cẩn thận.
7. Trang bị kỹ năng cứu người đuối nước
Cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần được trang bị các kỹ năng cứu hộ, sơ cứu người bị đuối nước. Cụ thể, nếu phát hiện người đang bị đuối nước nhưng bạn lại không biết bơi, phải hết sức bình tĩnh và hô hoán, nhờ đến sự trợ giúp của nhiều người. Đồng thời, tìm những nhánh cây dài cho nạn nhân bám vào để kéo vào bờ. Sau khi đã đưa được nạn nhân lên bờ, ngay lập tức thực hiện các thao tác sơ cứu. Để tìm hiểu rõ hơn cách thực hiện thao tác này như thế nào, mời bạn tham khảo thêm tại bài viết: Các kỹ năng sơ cứu người bị đuối nước.
Hi vọng rằng sau khi tham khảo những chia sẻ trên đây của đội ngũ biên tập Phương Nam 24h, bạn đã biết cách phòng chống đuối nước ở trẻ em và cả người lớn là gì. Từ đó, quan tâm hơn đến vấn đề trang bị kỹ năng bơi lội, sơ cứu người bị ngạt nước và luôn để mắt đến trẻ khi ở gần sông, hồ, phòng tránh xảy ra tai nạn ngoài ý muốn.