Mô hình 3C là gì? Giải mã mô hình 3C trong marketing

Để dẫn đầu xu thế trong kinh doanh và “đánh bật” các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, doanh nghiệp cần có một chiến lược marketing được hoạch định rõ ràng. Trong số những cái tên vô cùng quen thuộc đối với marketers thì mô hình 3C nổi bật lên như một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp bạn triển khai chiến lược một cách hoàn hảo và nắm bắt chính xác tình hình kinh doanh trước khi đưa ra bất kỳ quyết định hay hoạt động marketing nào. Vậy mô hình 3C là gì? Hãy cùng chúng tôi phân tích các yếu tố trong 3C model - nắm bắt đúng insights, từ đó có được những giải pháp kinh doanh hiệu quả nhất nhé.
 

Mô hình 3C là gì? Giải mã mô hình 3C trong marketing
 

Mô hình 3C là gì?

Mô hình 3C là công cụ chiến lược do Kenichi Ohmae - nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới phát triển nhằm đánh giá và định hướng mức độ thành công của một doanh nghiệp trên thị trường dựa vào các yếu tố liên quan. Theo mô hình này, để đạt được thành công, doanh nghiệp cần cân nhắc ba yếu tố cốt lõi mà Ohmae còn quen gọi là tam giác chiến lược hay ba chữ C, cụ thể như sau: 

- Customers (Khách hàng): hiểu rõ nhu cầu, mong muốn, hành vi của khách hàng mục tiêu để định hướng các chiến lược marketing và phát triển sản phẩm phù hợp.

- Competitors (Đối thủ cạnh tranh): phân tích các đối thủ trong cùng ngành để hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của họ. Từ đó, doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược cạnh tranh hiệu quả.

- Company (Công ty): đánh giá nội lực và khả năng cạnh tranh của chính doanh nghiệp, bao gồm các yếu tố như sản phẩm, dịch vụ, nguồn lực, năng lực quản lý,....

Với bối cảnh hiện nay, khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao thì người tiêu dùng cũng trở nên khó tính hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm / dịch vụ. Chính vì vậy mà để thu hút họ, bạn cần nổi bật hơn đối thủ cạnh tranh. Lúc này, việc phân tích mô hình 3C là cần thiết để doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về thị trường, xác định điểm mạnh của công ty và nắm bắt nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra các quyết định chiến lược để đạt được lợi thế cạnh tranh cũng như phát triển bền vững trong môi trường đầy biến động.
 

Mô hình 3C
 

Giải mã mô hình 3C trong marketing

Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, việc xây dựng và triển khai một chiến lược marketing hiệu quả trở thành yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của một công ty. Lúc này, mô hình 3C đã nổi lên như một kim chỉ nam “soi đường dẫn lối” cho nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới dựa vào “tam giác chiến lược” như sau:

1. Customers - Khách hàng

Chữ C đầu tiên và cũng là yếu tố quan trọng nhất trong phân tích 3C chính là Customers (Khách hàng). Theo chiến lược gia Kenichi Ohmae, người tiêu dùng chính là nền tảng cốt lõi cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp và đồng thời quyết định sự thành bại của các chiến dịch marketing. Do đó, mọi hoạt động và chính sách của tổ chức đều cần phải tập trung vào lợi ích của khách hàng, mang đến sự hài lòng tuyệt đối cho họ thay vì chỉ đáp ứng nguyện vọng của cổ đông. Một khi doanh nghiệp làm hài lòng người tiêu dùng thì thành công sẽ tự nhiên đến và lợi ích của cổ đông cũng sẽ được đảm bảo.

Để tìm kiếm cơ hội xâm nhập vào thị trường cũng như hiểu rõ khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp cần trả lời được một số câu hỏi quan trọng sau:

- Khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp nhắm đến là ai? (xét theo đặc điểm nhân khẩu học, tâm lý, hành vi, thói quen, sở thích,....)

- Vấn đề hoặc “nỗi đau” mà khách hàng đang gặp phải là gì? Doanh nghiệp có thể giải quyết chúng bằng các nguồn lực và điều kiện hiện có không?

- Sản phẩm hoặc dịch vụ nào của công ty có thể đáp ứng mong đợi hoặc giải quyết những vấn đề đó của khách hàng?

Muốn mang đến sự hài lòng cho người dùng thì nguyên tắc "bán cái khách hàng cần" không chỉ là một phương châm mà còn được xem như chìa khóa mở cánh cửa thành công đối với mọi doanh nghiệp. Vì vậy, việc đào sâu vào nhu cầu và nguyện vọng của khách hàng để hiểu rõ họ đang tìm kiếm điều gì là vô cùng quan trọng.

Trên thực tế, nếu không có đủ lợi thế nhưng lại chủ trương “tấn công” vào phân khúc khách hàng có nhu cầu đã được đáp ứng bởi các sản phẩm trên thị trường thì doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng cạnh tranh gay gắt với những “ông lớn” đang chiếm lĩnh thị phần, dẫn đến trở thành “người theo sau” và có nguy cơ bị gạt bỏ. Đây là thách thức mà TH True Milk đã từng gặp phải khi đối đầu trực tiếp với Vinamilk - một thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam.

Vậy nên một phương án khác khả thi hơn giúp doanh nghiệp dễ dàng xâm nhập vào thị trường là tìm ra những nhu cầu hoặc “nỗi đau” của khách hàng nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng trên thị trường. Ví dụ, sản phẩm cafe hòa tan hương vị cafe pha phin của Vinacafe ra đời để thỏa mãn những người bận rộn nhưng vẫn muốn thưởng thức hương vị cafe phin, điều mà các sản phẩm cafe hòa tan hiện tại chưa làm được. Tuy nhiên, để thành công theo con đường này, bạn cần có đủ điều kiện về tiềm lực lẫn nguồn lực để phát triển những giải pháp mới mẻ và tiên phong, đồng thời phải chịu được rủi ro cũng như trở ngại do thiếu kinh nghiệm.
 

3C trong marketing
 

2. Competitor - Đối thủ cạnh tranh

Trong “tam giác chiến lược”, chữ C thứ hai mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm là những đối thủ cạnh tranh có cùng danh mục sản phẩm / dịch vụ và mục tiêu kinh doanh. Để tránh việc bị loại bỏ khỏi thị trường thì nhiệm vụ quan trọng của bạn lúc này là phân tích các đối thủ nhằm nắm bắt điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội cũng như thách thức của họ để tìm ra những giải pháp khác biệt và lợi thế cạnh tranh độc đáo cho doanh nghiệp của mình. Thường thì sẽ có ba loại đối thủ cạnh tranh mà bạn cần phải xem xét:

- Đối thủ trực tiếp: là những đối thủ chính mà một doanh nghiệp cần phải vượt mặt để đạt được sự thành công trên thị trường. Bởi lẽ bạn và họ đang cùng nhắm đến một phân khúc thị trường, cùng bán những sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự và triển khai những chiến lược kinh doanh gần tương đồng.

- Đối thủ gián tiếp: là các đối thủ có thể hoạt động trong cùng lĩnh vực nhưng cung cấp đa dạng các loại sản phẩm và thường có chiến lược kinh doanh khác nhau.

- Đối thủ tiềm tàng: là những cá nhân hoặc công ty có khả năng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của bạn trong tương lai. Để phòng tránh, bạn cần phải duy trì vững chắc thương hiệu của mình và tạo ra sự khác biệt nhằm chiếm giữ lấy ưu thế.

Như vậy, đối với chữ C thứ hai - Competitor, việc của doanh nghiệp cần tập trung là thu thập thông tin càng nhiều càng tốt về những doanh nghiệp có tiềm năng trở thành đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả những công ty có cùng đối tượng mục tiêu, cung cấp sản phẩm tương tự hoặc có khả năng thay thế sản phẩm của doanh nghiệp. Chẳng hạn như: đối thủ của một thương hiệu nước ngọt có ga không chỉ bao gồm các nhãn hàng nước ngọt có ga khác mà còn có nước tinh khiết, trà, rượu, bia,....

Để việc phân tích đối thủ cạnh tranh trở nên thuận lợi hơn, bạn có thể trả lời những câu hỏi sau:

- Đối thủ cung cấp những loại sản phẩm nào, đa dạng không và chiếm vững chắc bao nhiêu thị phần? Giá bán ra sao?

- Đối tượng nhắm mục tiêu của họ là ai?

- Quá trình bán hàng và phân phối sản phẩm của họ diễn ra như thế nào?

- Thương hiệu của họ được định vị như thế nào?

- Doanh số bán hàng của họ hàng năm là bao nhiêu?

- Họ sử dụng những kênh quảng bá nào và triển khai các hoạt động marketing ra sao?

- Các hoạt động truyền thông tiếp thị của họ có tạo ra một hình ảnh thương hiệu thống nhất trong tâm trí người tiêu dùng hay không?

Kết quả của giai đoạn phân tích đối thủ là những nguồn thông tin quý giá giúp doanh nghiệp nhận biết được những lợi thế và khác biệt của mình cũng như những lĩnh vực mà công ty có thể cải thiện hoặc làm tốt hơn so với đối thủ. Điều này còn giúp doanh nghiệp tránh được “cơn ác mộng” khi “vô tội vạ” mang nhược điểm của mình đi cạnh tranh với những điểm mạnh của đối thủ.

3. Company - Công ty

Chữ C thứ ba - Company (Doanh nghiệp) cũng là yếu tố cuối cùng mà doanh nghiệp cần phân tích trong mô hình 3C. Mặc dù đây là một phần không thể thiếu trong phân tích 3C nhưng nhiều doanh nghiệp thường xem nhẹ tầm quan trọng của yếu tố này, thậm chí là bỏ qua sự tồn tại của nó. 

Tuy nhiên, đúng như câu nói “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, để thỏa mãn tối đa nhu cầu, kỳ vọng của người dùng và khả năng cạnh tranh hiệu quả, bên cạnh việc phân tích đối thủ thì doanh nghiệp cần phải hiểu biết về chính mình. Điều này bao gồm việc nhận thức rõ mình là ai, vị thế trên thị trường như thế nào, điểm mạnh - hạn chế ra sao cũng như những cơ hội và thách thức đang phải đối mặt.

Mặt khác, chúng ta cũng không thể phủ nhận một điều rằng doanh nghiệp nào cũng muốn tập trung phát triển lợi thế và điểm mạnh của mình. Tuy nhiên, nếu những điểm mạnh này không gắn liền với hai chữ C còn lại thì công việc kinh doanh của bạn sẽ rất khó để đạt được kết quả như mong đợi. Nói một cách dễ hiểu là thế mạnh của công ty cần mang lại giá trị và lợi ích cho người dùng, đồng thời đủ khác biệt để tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

Một ví dụ tiêu biểu của chiến lược “biết người biết ta” là thành công của Apple trước thương hiệu đình đám Nokia vào năm 2007. Mặc dù đứng ở vị thế được cho là kém khá xa so với “đàn anh” Nokia N95 về chức năng khi thiếu cả 3G lẫn GPS nhưng Apple không hề băn khoăn về điều đó mà tập trung toàn bộ nguồn lực vào điểm mạnh của mình: thiết kế sản phẩm độc đáo và ưu tiên trải nghiệm người dùng. Kết quả là một chiếc smartphone cảm ứng màn hình rộng với tính tương tác cao, loại bỏ bàn phím vật lý, mang lại nhiều tiện lợi hơn so với thiết kế truyền thống đã nhanh chóng hấp dẫn được sự ưa chuộng từ phía đông đảo người dùng.
 

3C là gì?
 

Làm thế nào để kết hợp 3C trong marketing

Quá trình tìm ra hướng đi phát triển lâu dài cho doanh nghiệp sẽ khởi đầu bằng việc xác định phân đoạn khách hàng mục tiêu mà bạn muốn tiếp cận. Tiếp theo, công ty cần phát triển những lợi ích cả về mặt cảm xúc và lý trí cho nhóm đối tượng này nhằm tạo nên sự khác biệt, độc đáo trên thị trường để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Bên cạnh mang lại giá trị cho khách hàng và hiểu rõ đối thủ, bạn cũng cần nhận diện được những yếu tố cốt lõi có thể giúp thương hiệu của mình trở nên nổi bật hơn. Nhìn chung, sự kết hợp của 3 điểm của “tam giác chiến lược” trong marketing được thấy rõ khi bạn xem xét các vùng giao nhau của ba vòng tròn sau đây:

- Khu vực "Winning Zone": là giao điểm giữa các vấn đề, kỳ vọng hay “nỗi đau” mà người dùng đang gặp phải và những điều thương hiệu đã làm tốt nhất. Đây được xem là điểm mạnh mà không đối thủ nào có thể sao chép hay vượt qua, điều này cũng đồng nghĩa với việc thương hiệu nên tập trung nguồn lực để phát triển mạnh mẽ tại giao điểm này.

- Khu vực "Losing Zone": là giao điểm giữa các vấn đề người tiêu dùng đang kỳ vọng và những điều đối thủ cạnh tranh của bạn đã hoàn thành tốt nhất. Do đó, doanh nghiệp nên tránh phát triển hay đặt nguồn lực ở khu vực này vì sẽ khó tạo ra sự khác biệt và dễ bị đánh bại khi nhân danh là “kẻ đến sau”.

- Khu vực "Risky Zone": là vùng trung tâm của “tam giác chiến lược” và cũng là giao điểm của cả ba vòng tròn. Khi thị trường phát triển, đối thủ sẽ cố tình sao chép chiến lược của bạn để chiếm lĩnh thị trường và thu hút khách hàng. Khi đó, "Winning Zone" sẽ bị tấn công liên tục và thu hẹp lại, trong khi khu vực "Risky Zone" dần được mở rộng ra hơn. Lúc này, bạn có nguy cơ gặp thất bại nếu chỉ tập trung vào việc phát triển tính năng mới và không chú tâm đến việc xây dựng lòng trung thành từ phía người dùng bằng cách đáp ứng cả lợi ích về mặt cảm xúc cho họ.

- Vùng đất câm lặng “Dumb Zone”: là nơi mà cả doanh nghiệp của bạn và đối thủ đều xuất sắc như nhau nhưng lại không hấp dẫn được sự chú ý của người tiêu dùng. Rõ ràng, việc phát triển thương hiệu cốt yếu nên tập trung vào nhu cầu của khách hàng nhưng lúc này, bạn cũng như đối thủ của bạn, cả hai đang lãng phí thời gian và công sức vào những điều mà khách hàng không quan tâm.
 

3C trong kinh doanh
 

Một số ví dụ về mô hình 3C trong thực tiễn

Để hiểu rõ hơn về cách kết hợp các yếu tố trong 3C model thì sau đây, chúng ta sẽ cùng phân tích một số ví dụ thực tiễn từ những thương hiệu đình đám đã rất thành công khi sử dụng mô hình này. Cụ thể:

1. Mô hình 3C của Starbucks

Với quy mô hơn 10,000 cửa hàng tại Hoa Kỳ và hơn 6,000 địa điểm trên toàn cầu, sự thống trị của cái tên Starbucks trong ngành cà phê vẫn rất vững vàng, thậm chí chưa hề có dấu hiệu lung lay mà còn đang trên đà phát triển. Xét từ góc độ của mô hình 3C, thành công của Starbucks xuất phát từ các yếu tố dưới đây:

- Customer: Không chỉ là nơi để thưởng thức cà phê, Starbucks mang đến cho người dùng một trải nghiệm vô cùng đặc biệt mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Từ không gian nghỉ ngơi đến cách bài trí và phong cách phục vụ của nhân viên, mọi chi tiết trong chiến lược của Starbucks đều tập trung vào việc đáp ứng một nhu cầu mà người tiêu dùng đang cảm thấy thiếu. Đó là một không gian thoải mái, tự do để có thể làm việc hàng giờ nhưng họ lại không tìm thấy điều này ở những quán cà phê truyền thống. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Starbucks lại nhanh chóng trở thành "ngôi nhà thứ hai" của nhiều nhân viên văn phòng.

- Competitor: Với sản phẩm chủ đạo là cà phê chất lượng cao nhưng mức giá không hề rẻ, rõ ràng chất lượng và giá cả không đủ để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Starbucks. Do đó, thương hiệu này tập trung vào việc tạo ra sự khác biệt thông qua trải nghiệm và xây dựng một thương hiệu mạnh mẽ, nhất quán để ghi điểm trong lòng khách hàng.

- Company: Sức mạnh đa dạng kết hợp từ nhiều điểm mạnh đã góp phần củng cố vững chắc vị thế của Starbucks. Ngoài các yếu tố nổi trội, Starbucks còn có lợi thế về chất lượng sản phẩm, kinh nghiệm hoạt động toàn cầu và chính sách nhân sự.

2. Mô hình 3C của TH True Milk

Sau đây, chúng ta sẽ cùng khám phá cách TH True Milk - một thương hiệu sữa hàng đầu tại Việt Nam, áp dụng công cụ 3C để xây dựng chiến lược kinh doanh của riêng mình. Cụ thể:

- Customer: Như đã nhắc đến ở trên, khi lựa chọn nhắm mục tiêu vào nhóm khách hàng có nhu cầu đã được đáp ứng bởi sản phẩm hiện có trên thị trường, thương hiệu dễ dàng rơi vào tình trạng cạnh tranh không cân sức với những “ông lớn” có thị phần vững chắc. Đây là thách thức mà TH True Milk đã phải gánh chịu khi đối đầu với Vinamilk, một thương hiệu nổi tiếng, lâu năm với các sản phẩm sữa tương tự. Để giải quyết vấn đề này, TH True Milk tiến hành định vị thương hiệu của mình là "sữa sạch", nhắm đến những ai có xu hướng yêu thích sản phẩm hữu cơ và quan tâm tới sức khỏe. Điều này đã giúp TH True Milk tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ lớn khác cùng ngành như Vinamilk hay Cô gái Hà Lan,... những thương hiệu tập trung vào sữa dinh dưỡng cho người già và trẻ nhỏ.

- Competitor: Trong khi Vinamilk cùng nhiều thương hiệu khác đã chiếm lĩnh thị phần sữa dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và người già thì TH True Milk cũng phải rõ ràng sự khác biệt của mình. Chính vì vậy, họ đã chọn nhắm đến đối tượng khách hàng là phụ nữ hiện đại cùng dân văn phòng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của họ về nguồn sữa sạch và giữ gìn vóc dáng đẹp.

- Company: TH True Milk là một thương hiệu tiên phong trong việc sản xuất sữa sạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại Việt Nam. Dựa vào thế mạnh "sữa sạch", doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại tập trung, đồng thời ứng dụng các công nghệ cao hàng đầu thế giới trong sản xuất và quản lý. Một số kỹ thuật hiện đại tiêu biểu có thể kể đến như công nghệ đóng gói bao bì Tetrapak trong điều kiện vô trùng hay công nghệ thanh trùng ESL của Đức.

 

Phân tích mô hình 3C
 

3. Mô hình 3C của Vinamilk

Vinamilk là một trong những tập đoàn sữa hàng đầu tại Việt Nam, đã khẳng định vị thế của mình không chỉ bằng chất lượng sản phẩm mà còn bằng chiến lược kinh doanh sắc bén. Một trong những công cụ giúp Vinamilk đạt được thành công đáng kể là mô hình 3C. Công cụ này không chỉ giúp Vinamilk hiểu rõ nhu cầu khách hàng, định vị thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt mà còn tối ưu hóa năng lực nội tại để phát triển bền vững. 

- Customer: Công ty sữa Vinamilk tập trung chủ yếu vào đối tượng người dùng có thu nhập cao, quan tâm đến sức khỏe và mong muốn sử dụng những sản phẩm sữa sạch có nguồn gốc tự nhiên. Theo đó, mục tiêu thị trường của Vinamilk là các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi từ 5 - 14 với mong muốn tăng cường sức khỏe, nâng cao thể chất, vóc dáng và hướng tới ươm mầm tài năng trẻ - những mầm non tương lai của đất nước.

- Competitor: Trong thị trường hiện nay, TH Milk là đối thủ chính cạnh tranh với Vinamilk trong cùng một phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng và cả kênh phân phối. Sự cạnh tranh giữa hai công ty là gay gắt và rõ rệt nhất. Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam còn có nhiều sự lựa chọn khác từ các thương hiệu lớn, đang rất thịnh hành trên thị trường như Dutch Lady, Nestle, Abbott,....

- Company: Vinamilk đã nắm giữ hơn 45% thị phần sữa trong nước và được người tiêu dùng đánh giá cao với danh hiệu "Top 10 Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao" và "Nguồn Sữa Tươi Đạt Chuẩn". Để đạt được điều này, thương hiệu đã đầu tư rất lớn vào cơ sở chăn nuôi và áp dụng công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất, quản lý. Ngày nay, tập đoàn sở hữu một mạng lưới trang thiết bị rộng lớn với quy trình kỹ thuật tiên tiến, được nhập khẩu từ các nước như Đức, Ý, Thụy Sĩ,.... 

4. Mô hình 3C của Cocoon

Cocoon - Thương hiệu mỹ phẩm thuần chay đã duy trì và phát triển vị thế của mình thông qua việc áp dụng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Một trong những công cụ quan trọng giúp Cocoon đạt được những thành công nổi bật chính là mô hình 3C với các yếu tố như sau:

- Customer: Đa số người dùng hiện nay, đặc biệt là những ai theo đuổi lối sống xanh, đều ngày càng chú trọng hơn đến việc sử dụng và tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc từ tự nhiên. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm của Cocoon dần dần được ưa chuộng hơn trên thị trường. Là một thương hiệu mỹ phẩm thuần chay với giá cả cạnh tranh, Cocoon chủ yếu nhắm đến đối tượng khách hàng trong độ tuổi từ 16 đến 30, bao gồm học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, bà nội trợ,.... với thu nhập từ thấp đến trung bình.

- Competitor: Mặc dù đã nhận được sự ưa chuộng từ đông đảo khách hàng nhờ vào sự kết hợp hoàn hảo giữa chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý và cam kết về nguồn gốc nguyên liệu nhưng trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm thiên nhiên đang trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết, Cocoon vẫn phải đối diện với sự cạnh tranh đáng kể từ các đối thủ trong lẫn ngoài nước như Innisfree, Bona, The Ordinary, The Body Shop, The Ordinary, Huxley,.... Đứng trước tình hình đó thì Cocoon cần phải cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng cũng như tạo ra nhiều giá trị hơn cho người dùng hơn để giữ vững lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

- Company: Sự xuất hiện của Cocoon đánh dấu một bước đột phá trong ngành mỹ phẩm organic Việt Nam, mang lại một làn gió mới đầy sáng tạo, không chỉ hoàn thiện về thiết kế, mẫu mã và ngay cả chất lượng sản phẩm organic cũng không hề kém cạnh các nhãn hàng nước ngoài. Với định vị thương hiệu là mỹ phẩm thuần chay “made in Vietnam”, Cocoon luôn đề cao sự minh bạch và trung thực đối với sản phẩm, chứng nhận chất lượng cũng như quy trình sản xuất của mình. Điều này cũng được thể hiện qua việc thương hiệu sử dụng bao bì thân thiện với môi trường và tài trợ cho các phương pháp canh tác hữu cơ. Bên cạnh đó, Cocoon còn cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách đóng góp một phần lợi nhuận vào các hoạt động bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng.
 

Phân tích 3C
 

Một số câu hỏi thường gặp về mô hình 3C

Bên cạnh những thông tin chia sẻ trên thì sau đây chúng tôi cũng giải đáp cho bạn một số câu hỏi thường gặp về 3C model, bao gồm:

1. Mô hình 3C có những ưu điểm gì?

Khi đề cập đến mô hình 3C trong marketing thì chúng ta không thể bỏ qua những điểm mạnh sau:

- Có tính đơn giản và không quá phức tạp, dễ hiểu và áp dụng.

- Giúp doanh nghiệp tập trung và xác định những hướng đi chủ đạo để đạt được thành công.

- Phân tích, đánh giá cả môi trường nội và ngoại vi của doanh nghiệp.

- Hỗ trợ việc định hình các cuộc thảo luận cho các nhóm quản lý trong doanh nghiệp, giúp họ hiểu rõ hơn về chiến lược và mục tiêu của công ty.

- Dễ dàng áp dụng ở cả cấp độ công ty và cấp độ tiếp thị, từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn.

2. Mô hình 3C có hạn chế nào không?

Bên cạnh những ưu điểm kể trên thì như các mô hình khác, 3C cũng tồn tại một số hạn chế mà bạn cần lưu ý:

- Chỉ tiết lộ một số khía cạnh của thị trường: Dù mô hình 3C có thể nắm bắt được bản chất của chiến lược kinh doanh tổng thể nhưng đôi khi, bạn cần phải nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ các động lực phức tạp khác khác trong thị trường.

- Môi trường vĩ mô thường bị bỏ qua: Như đã nhấn mạnh ở trên, mô hình 3C tập trung chủ yếu vào khách hàng, đối thủ cạnh tranh và doanh nghiệp nhưng không xem xét đến các yếu tố vĩ mô từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên thì trên thực tế, những yếu tố ngoại vi như quy định pháp luật, điều kiện kinh tế, xu hướng xã hội, công nghệ,... cũng ảnh hưởng đáng kể đến tổ chức của bạn. Do đó, bỏ qua chúng có thể dẫn đến những thiếu sót quan trọng trong chiến lược kinh doanh.

3. Có những lựa chọn nào để thay thế cho 3C model?

Mô hình phân tích chuỗi giá trị của Michael Porter (Porter's Value Chain Analysis) được cho là một giải pháp thay thế lý tưởng nhất. Giới thiệu năm 1985 trong cuốn "Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance", mô hình này là một công cụ quản lý chiến lược được sử dụng để phân tích các hoạt động nội bộ của một công ty nhằm xác định yếu tố nào sẽ tạo ra giá trị cho khách hàng và điều gì có thể cải thiện để đạt được lợi thế cạnh tranh.

Để thực hiện phân tích chuỗi giá trị cho một tổ chức, bạn có thể thực hiện theo 3 bước sau đây:

- Chia các hoạt động của tổ chức thành các hoạt động chính và hoạt động hỗ trợ.

- Phân tách chi phí riêng lẻ cho từng hoạt động.

- Xác định các hoạt động nào sẽ tạo ra sự hài lòng cho khách hàng và thành công cho tổ chức.
 

3C model
 

4. Điểm khác biệt giữa mô hình 3C và 4P trong marketing là gì?

4P và 3C thì là những mô hình kinh điển được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực marketing hiện nay. Tuy nhiên thì trên thực tế, chúng hoàn toàn khác biệt và chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này qua các thành phần và mục tiêu sử dụng. 

Đầu tiên, chúng ta cần liệt kê các thành phần của mỗi mô hình: 3C bao gồm khách hàng (Customer), đối thủ cạnh tranh (Competitor) và doanh nghiệp (Company); trong khi 4P bao gồm sản phẩm (Product), giá cả (Price), phân phối (Place) và xúc tiến (Promotion).

Chưa kể, định hướng của doanh nghiệp khi áp dụng hai mô hình marketing này cũng không giống nhau. Trong khi, phân tích 3C giúp doanh nghiệp có được “bức tranh toàn cảnh” về thị trường cũng như khám phá sức mạnh nội tại, từ đó tận dụng những điểm này để phát triển và mở rộng thương hiệu. Còn với 4P thì hoàn toàn khác, đây là chiến lược được sử dụng khi công ty muốn ra mắt một sản phẩm mới nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh đã đề ra.

Tóm lại, mô hình 3C và 4P đều là những công cụ quan trọng trong marketing nhưng phục vụ cho những mục đích và chiến lược khác nhau. 3C tập trung vào phân tích tổng thể và định hướng chiến lược dài hạn, trong khi 4P chủ yếu tập trung vào việc phát triển và tiếp thị sản phẩm cụ thể để đạt được mục tiêu kinh doanh ngắn hạn.

5. Những sai lầm thường gặp khi áp dụng mô hình 3C

Mô hình 3C trong marketing là một công cụ quản lý chiến lược giúp các công ty xác định các yếu tố quan trọng cần xem xét khi phát triển chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này, nhiều doanh nghiệp thường mắc phải một số sai lầm sau:

- Thiếu sự hiểu biết sâu sắc về khách hàng: Nhiều doanh nghiệp không đầu tư đủ thời gian và nguồn lực để nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu, hành vi cũng như sở thích của khách hàng mục tiêu. Thậm chí, một số công ty còn dựa vào những giả định không chính xác hoặc dữ liệu cũ, dẫn đến việc đưa ra những quyết định chiến lược không phù hợp với thị trường hiện tại.

- Quá tập trung vào đối thủ cạnh tranh: Thay vì đầu tư vào sự sáng tạo và phát triển điểm độc đáo riêng, nhiều doanh nghiệp lặp lại hoặc cải tiến các sản phẩm, dịch vụ của đối thủ mà không tạo ra sự khác biệt cho mình. Ngoài ra, họ đôi khi bỏ qua những điểm mạnh cũng như lợi thế cạnh tranh của bản thân mà rơi vào tình trạng dính vào cuộc chiến giá cả. Kết quả là, lợi nhuận thấp và hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng đáng kể.

- Đánh giá không chính xác đối thủ cạnh tranh: Bên cạnh việc tập trung quá nhiều vào đối thủ thì một số doanh nghiệp lại có vẻ lơ là khi không chú ý đến những đối thủ mới xuất hiện hoặc các thay đổi chiến lược của đối thủ hiện tại, đồng thời chỉ tập trung vào đối thủ trực tiếp mà bỏ qua sản phẩm thay thế có thể cạnh tranh với sản phẩm của mình.

- Thiếu tích hợp các yếu tố 3C: Thông tin từ ba yếu tố khách hàng, đối thủ cạnh tranh và công ty cần được tích hợp một cách đồng bộ để xây dựng một chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại tách biệt các yếu tố này hoặc quá tập trung vào một yếu tố mà bỏ qua các yếu tố còn lại, dẫn đến một cái nhìn không toàn diện và chiến lược không cân bằng.

-Thiếu đánh giá năng lực nội bộ: Thay vì đánh giá chính xác nguồn lực tài chính, nhân sự và công nghệ có sẵn, nhiều tổ chức đặt ra các mục tiêu marketing tham vọng vượt quá khả năng thực tế của mình. Kết quả là, họ dễ dàng rơi vào tình trạng lãng phí ngân sách cho các hoạt động tiếp thị không hiệu quả.

- Không cập nhật thường xuyên: Môi trường kinh doanh luôn thay đổi và việc không cập nhật hoặc điều chỉnh chiến lược thường xuyên có thể khiến doanh nghiệp bị lạc hậu so với thị trường cũng như đối thủ.

- Thiếu sự tham gia của toàn bộ công ty: Nếu chỉ có ban lãnh đạo hoặc một bộ phận nhỏ của công ty tham gia vào quá trình này thì sẽ thiếu sự đồng thuận và hỗ trợ từ các bộ phận khác. 

- Áp dụng mô hình 3C một cách máy móc: Thay vì linh hoạt điều chỉnh theo từng trường hợp cụ thể, nhiều tổ chức xem mô hình này như một bản mẫu cố định. Chính vì vậy mà họ thường bỏ qua các yếu tố bên ngoài tác động đến thị trường và hành vi của khách hàng. Điều này dẫn đến việc không cập nhật xu hướng thị trường và không đổi mới chiến lược marketing theo thời gian.
 

Mô hình 3C trong marketing
 

Như vậy qua bài viết này, Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn định nghĩa mô hình 3C là gì, các yếu tố cốt lõi và một số ví dụ điển hình về mô hình 3C trong marketing. Có thể thấy, đây là một công cụ quản lý chiến lược quan trọng, giúp các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các hoạt động kinh doanh hiệu quả. Việc hiểu rõ và áp dụng linh hoạt mô hình này có thể giúp tổ chức tận dụng tối đa điểm mạnh của mình, nhận diện và vượt qua thách thức từ đối thủ cạnh tranh, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu cũng như mong đợi của khách hàng. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh những sai lầm phổ biến khi áp dụng mô hình này để đạt được kết quả tốt nhất nhé.

Nội dung liên quan

Tin Kinh doanh khác

Email doanh nghiệp là gì? 5 loại email doanh nghiệp phổ biến

Email doanh nghiệp là gì? 5 loại email doanh nghiệp phổ biến

Ngày nay, email doanh nghiệp được sử dụng rộng rãi để thể hiện sự chuyên nghiệp và là công cụ hỗ trợ xây dựng thương hiệu đắc lực.
Chiến lược marketing là gì? Cách xây dựng marketing strategy

Chiến lược marketing là gì? Cách xây dựng marketing strategy

Chiến lược marketing là gì? Tìm hiểu cách xây dựng marketing strategy để bạn áp dụng vào công việc kinh doanh của mình được hiệu quả.
Case study là gì? Hướng dẫn phân tích và viết case study

Case study là gì? Hướng dẫn phân tích và viết case study

Hiểu rõ về case study trong marketing sẽ giúp bạn dễ dàng tạo nên các chiến dịch truyền thông nổi bật, đạt hiệu quả cao.
Định vị thương hiệu là gì? 9 chiến lược định vị phổ biến nhất

Định vị thương hiệu là gì? 9 chiến lược định vị phổ biến nhất

Định vị thương hiệu (brand positioning) là việc tạo dựng một vị thế riêng biệt cho thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Coupon là gì? Cách tăng tỷ lệ chuyển đổi với mã coupons

Coupon là gì? Cách tăng tỷ lệ chuyển đổi với mã coupons

Tìm hiểu cách tăng tỷ lệ chuyển đổi với mã coupons để giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng và gia tăng doanh số hiệu quả nhất.
Chăm sóc khách hàng là gì? Mô tả chi tiết công việc CSKH

Chăm sóc khách hàng là gì? Mô tả chi tiết công việc CSKH

Chăm sóc khách hàng là hoạt động quan trọng được các doanh nghiệp xây dựng để mang đến sự hài lòng cho người dùng.