Trong lĩnh vực tiếp thị và kinh doanh bán hàng, nhân khẩu học (demographic) đóng vai trò quan trọng khi hỗ trợ doanh nghiệp xác định tệp khách hàng mục tiêu của mình, từ đó có khả năng triển khai các chiến lược truyền thông quảng cáo một cách hiệu quả để đạt được thành công. Vậy nhân khẩu học là gì? Có những yếu tố then chốt nào cần quan tâm khi phân tích demographic? Làm sao để áp dụng dữ liệu nhân khẩu học vào trong các hoạt động kinh doanh bán hàng? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về các vấn đề này qua nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nhân khẩu học là gì?
Nhân khẩu học (demographic) là quá trình thu thập và nghiên cứu dữ liệu nhằm giúp doanh nghiệp nhận diện chân dung đối tượng khách hàng tiềm năng để phát triển các chiến lược truyền thông marketing hiệu quả. Trong đó, nhân khẩu học sẽ được đúc kết dựa trên việc phân tích những thông tin thu thập từ một nhóm đối tượng hoặc phạm vi toàn xã hội, bao gồm tuổi tác, hành vi, nghề nghiệp, giới tính, thu nhập, chủng tộc, sở thích cá nhân,... và nhiều yếu tố khác. Đối với doanh nghiệp, demographic trở thành một công cụ quan trọng để xác định và đo lường thị trường.
Bằng cách sử dụng nhân khẩu học, nhà quản trị có khả năng chi tiết hóa đối tượng mục tiêu, tìm ra cách tiếp cận phù hợp và đưa ra dự đoán về xu hướng mua sắm của họ. Từ đó, doanh nghiệp dễ dàng xây dựng được một bức tranh chân dung rõ nét về khách hàng tiềm năng cũng như định hướng phát triển các chiến lược tiếp thị hiệu quả trong tương lai.
Ý nghĩa của việc phân tích nhân khẩu học trong marketing và bán hàng
Chỉ có kiến thức cơ bản về nhân khẩu học là gì thì vẫn chưa đủ mà bạn cần phải thấu hiểu sâu hơn về vai trò quan trọng của demographic trong lĩnh vực truyền thông marketing. Đặc biệt, bạn cần nhận ra những ý nghĩa cụ thể mà những xu hướng nhân khẩu học mang lại cho doanh nghiệp trong các chiến lược tiếp thị và bán hàng.
1. Chìa khóa để thấu hiểu khách hàng mục tiêu
Bằng cách phân tích các yếu tố nhân khẩu học trong hoạt động kinh doanh, công ty sẽ dễ dàng hình dung và phân nhóm đối tượng mục tiêu theo đặc điểm độc đáo của từng nhóm. Đây cũng được xem là nguồn tài nguyên quan trọng giúp doanh nghiệp thiết lập nên một danh sách khách hàng tiềm năng với những đặc điểm mua sắm riêng biệt của từng cá nhân. Theo đó, danh sách này sẽ hỗ trợ bạn trong việc đưa ra thông điệp quảng cáo cá nhân hóa cao hoặc chiến lược tiếp thị phù hợp với mỗi nhóm đối tượng tiêu dùng cụ thể.
2. Tạo điểm độc đáo trong bán hàng
Với những thông tin về nhân khẩu học, doanh nghiệp có khả năng hiểu rõ hơn về nhu cầu mua sắm của từng nhóm đối tượng và từ đó dễ dàng phát triển các sản phẩm với những đặc điểm phù hợp, tư vấn bán hàng đúng với insight, đưa ra giải pháp hay lợi ích mà khách hàng thực sự mong muốn. Điểm độc đáo trong bán hàng này chính là yếu tố then chốt, điểm độc đáo giúp doanh nghiệp của bạn tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đây có thể là giá thấp nhất, dịch vụ đi kèm chuyên nghiệp hay chất lượng sản phẩm tốt nhất, sản phẩm tiên phong trên thị trường hoặc những cam kết với khách hàng mà đối thủ không có.
3. Cải thiện hiệu quả kinh doanh
Việc hiểu và áp dụng linh hoạt những xu hướng nhân khẩu học trong marketing sẽ giúp doanh nghiệp nhắm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Đây được xem là tiền đề để công ty dễ dàng xây dựng các chiến lược tiếp thị tập trung và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm / dịch vụ tốt nhất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như doanh số bán hàng một cách nhanh chóng.
4. Tiết kiệm chi phí marketing đáng kể
Thay vì áp dụng chiến lược tiếp cận toàn bộ thị trường gây lãng phí đáng kể chi phí tiếp thị cho những nhóm khách hàng không phù hợp thì doanh nghiệp chỉ cần tập trung chủ đích đến phân khúc có tiềm năng cao nhất và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của họ.
Ngoài ra, các yếu tố nhân khẩu học cũng cung cấp thông tin chi tiết về việc đây là kênh tiếp cận khách hàng mang lại hiệu quả cao. Dựa trên những dữ kiện này, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo Google, phát triển website nhắm đúng đặc điểm của đối tượng mục tiêu, email marketing, sử dụng tiếp thị trên mạng xã hội, tổ chức sự kiện,... và nhiều phương tiện khác. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa nguồn lực và giảm chi phí tiếp thị, tập trung vào những kênh có hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, thực tế đã cho thấy những thông điệp quảng cáo được xây dựng dựa trên dữ liệu nhân khẩu học không chỉ củng cố mối liên kết giữa sản phẩm và khách hàng mà còn giúp người tiêu dùng nhận thức sự cần thiết của sản phẩm đối với cuộc sống của họ. Chính điều này sẽ đóng góp vào việc tăng doanh thu và nâng cao hiệu suất kinh doanh cho công ty.
5. Tạo ra nhiều cơ hội mới
Nghiên cứu về các yếu tố nhân khẩu học trong lĩnh vực tiếp thị giúp doanh nghiệp xác định những nhu cầu của khách hàng mà hiện tại chưa có đối thủ nào có khả năng đáp ứng. Điều này mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm / dịch vụ cá nhân hóa nhằm đáp ứng các thị hiếu này, từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh vượt trội so với hàng trăm hàng nghìn đối thủ trên thị trường.
Mặt khác, quá trình thu thập và phân tích đặc điểm nhân khẩu học còn giúp doanh nghiệp phát hiện các mặt hạn chế, sai sót trong chiến lược tiếp thị. Điều này sẽ thúc đẩy công ty tìm ra những giải pháp hợp lý và khám phá ra các cơ hội mới trong kinh doanh.
Các yếu tố then chốt trong nhân khẩu học
Để dễ dàng thu thập cũng như phân tích những đặc điểm nhân khẩu học trong marketing một cách đầy đủ và chính xác nhất, bạn cần hiểu rõ các yếu tố then chốt sau đây:
1. Độ tuổi
Độ tuổi được đánh giá là một yếu tố nhân khẩu học quan trọng có tác động trực tiếp đến nhu cầu và hành vi mua sắm của mỗi cá nhân. Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu dùng sẽ thay đổi theo thời gian và đặc biệt là dựa trên độ tuổi của người tiêu dùng.
Chẳng hạn, đối với sản phẩm thông dụng như chiếc smartphone, nếu như nhóm khách hàng trẻ (15 – 30 tuổi) thường quan tâm đến tính năng hiện đại, màn hình sắc nét, selfie đẹp hay có cấu hình mạnh,... thì ngược lại, nhóm khách hàng lớn tuổi (>50 tuổi) thích sự đơn giản, chỉ cần tính năng nghe gọi cơ bản, màn hình lớn để dễ đọc chữ,....
Mặt khác, nhóm khách hàng trẻ thường ưa chuộng việc mua sắm trực tuyến tại nhà, trong khi những người lớn tuổi lại thích hơn việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Điều này cho thấy rõ ràng, mặc dù cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng khách hàng ở mỗi độ tuổi sẽ có nhu cầu và hành vi mua sắm độc lập. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện phân tích sâu rộng về yếu tố nhân khẩu học này để xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu.
2. Giới tính
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, tâm lý tiêu dùng giữa nam và nữ thường có sự khác biệt đáng kể. Đa phần, khi nữ giới muốn mua sắm, họ sẽ chọn lựa sản phẩm dựa trên sở thích cá nhân và cảm tính chủ quan của mình về mặt hàng đó. Ngoài ra, họ cũng thích xem xét đánh giá, review từ người tiêu dùng trước đó cũng như danh tiếng của thương hiệu để đưa ra quyết định mua sắm sau cùng.
Trái lại, nam giới thường thực hiện hành vì mua sắm dựa trên nhu cầu cá nhân của mình mà không quan tâm quá nhiều đến giá cả. Do đó, trước khi quyết định mua, đối tượng này thường xem xét kỹ các thông tin khách quan về sản phẩm như mẫu mã, chất liệu, hoa văn, màu sắc,... để suy xét rằng sản phẩm đó có phù hợp với họ hay không và sau đó mới đưa ra quyết định mua.
Có thể thấy, yếu tố giới tính cũng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực nhân khẩu học, mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về sự khác biệt giữa khách hàng nam và nữ, từ đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các chiến lược marketing của mình.
3. Nghề nghiệp
Trong các đặc điểm nhân khẩu học, yếu tố nghề nghiệp đóng một vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp đánh giá nhu cầu và hành vi tiêu dùng của khách hàng. Bởi lẽ mỗi nghề hay ngành nghề đều mang đến những nhu cầu mua sắm và tiêu dùng riêng biệt. Chẳng hạn, giáo viên thường có nhu cầu mua sắm các sản phẩm liên quan đến việc giảng dạy như giấy vở, phấn, bút, sách giáo khoa,... trong khi kỹ sư xây dựng thường quan tâm đến những mặt hàng như mũ, găng tay, quần áo bảo hộ,....
4. Thu nhập
Ngoài yếu tố nghề nghiệp, thu nhập cũng đóng một vai trò quan trọng có thể tác động và chi phối hành vi mua sắm của khách hàng. Đây được xem là thông tin hữu ích giúp doanh nghiệp dễ dàng và nhanh chóng phân nhóm khách hàng theo cấp độ thu nhập của họ.
Theo đó, người có thu nhập cao thường có khả năng chi tiêu lớn hơn, dẫn đến nhu cầu mạnh mẽ về các sản phẩm xa xỉ và cao cấp. Ngược lại, nhóm khách hàng có thu nhập thấp hoặc trung bình thường quan tâm đến những mặt hàng phù hợp với nhu cầu hàng ngày.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành nghiên cứu và sử dụng dữ liệu về mức thu nhập để hiểu rõ hơn về đối tượng khách hàng của mình. Ví dụ, các hãng xe hơi cao cấp như Mercedes, BMW, Rolls-Royce, Bentley,... sẽ nhắm đến đối tượng khách hàng có thu nhập cao, sẵn sàng chi trả một khoản tiền lớn để sở hữu những sản phẩm sang trọng và đắt tiền. Ngược lại, trong phân khúc khách hàng bình dân, các thương hiệu như Hyundai, Kia Morning, Toyota,... thường được nhớ đến với mục đích phục vụ nhu cầu đi lại một cách hiệu quả với giá tầm trung.
5. Dân tộc, quốc gia
Mỗi quốc gia, dân tộc đều thể hiện sự đa dạng và khác biệt trong văn hóa cũng như phong tục, tập quán, điều này tạo ra những yếu tố đặc trưng trong nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy, khi tham gia bất kỳ thị trường nào, bạn cũng cần có sự phân tích kỹ lưỡng để có cơ sở xây dựng một chiến lược marketing hiệu quả, hướng đến sự đồng thuận và chấp nhận từ cộng đồng.
Thực tế cho thấy, các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm như Coca Cola, Pepsi, KFC, Mcdonald's đều thực hiện chặt chẽ chiến lược này. Theo đó, các chiến dịch quảng cáo của họ được xây dựng dựa trên những đặc điểm nổi bật trong tôn giáo và phong tục của từng địa phương khác nhau. Đồng thời, sự lan tỏa mạnh mẽ của kinh doanh quốc tế cũng thúc đẩy những thương hiệu lớn chú trọng đặc biệt đến nhân khẩu học quốc gia nhằm tạo ra những chiến lược kinh doanh linh hoạt và phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng thị trường.
6. Một số yếu tố khác
Tuỳ thuộc vào đặc tính và tính chất của sản phẩm hoặc dịch vụ, doanh nghiệp có thể tiến hành phân tích thêm nhiều yếu tố nhân khẩu học khác. Những tiêu chí này có thể bao gồm trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân trong gia đình, nền văn hóa, tâm lý học, địa lý và hành vi,.... Thông qua đó, doanh nghiệp có khả năng xác định rõ hơn các đối tượng khách hàng phù hợp cho từng loại sản phẩm, đồng thời tối ưu hóa hiệu suất bán hàng của công ty.
Bí quyết áp dụng các đặc điểm nhân khẩu học hiệu quả
Nhân khẩu học đã trở thành một trong những công cụ mạnh mẽ được nhiều doanh nghiệp tích hợp vào chiến lược marketing và bán hàng của họ. Nhưng làm thế nào để nhân khẩu học có thể được áp dụng một cách hiệu quả trong các chiến dịch truyền thông tiếp thị?
1. Phân khúc khách hàng dựa trên các yếu tố nhân khẩu học
Các đặc điểm nhân khẩu học trong marketing đóng vai trò quan trọng hỗ trợ quá trình nghiên cứu và phân loại đối tượng khách hàng. Nhờ có những chỉ số như độ tuổi, giới tính, thu nhập và nhiều tiêu chí khác mà doanh nghiệp có thể phân chia thị trường thành nhiều phân khúc nhỏ. Mỗi nhóm sẽ tổ hợp những khách hàng có đặc điểm tương đồng về các yếu tố đã nêu trên. Từ đó, doanh nghiệp dễ dàng xác định khách hàng mục tiêu cũng như định rõ hướng tiếp cận cho các chiến lược tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ.
2. Cá nhân hóa thông điệp cho từng phân khúc khách hàng
Từ những thông tin về nhân khẩu học, bạn sẽ dễ dàng xác định và nhóm các đối tượng người dùng thường xuyên mua các sản phẩm cụ thể có liên quan đến nhau. Sau đó, hãy giới thiệu cho họ những mặt hàng kèm theo hoặc ưu đãi tương ứng nhằm truyền đạt thông điệp cũng như khuyến khích khách hàng mua thêm sản phẩm từ công ty. Thực tế cho thấy, chiến lược tiếp thị cá nhân hóa còn giúp doanh nghiệp truyền tải nội dung một cách chính xác đến từng cá nhân, góp phần tăng cường hiệu suất cho các chiến lược marketing.
3. Phân bổ ngân sách dựa trên demographic
Dữ liệu nhân khẩu học đóng vai trò quan trọng khi hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định then chốt về việc phân bổ nguồn ngân sách cho quá trình sản xuất và quảng cáo. Điều này góp phần tăng cường doanh thu, lợi nhuận và giảm thiểu chi phí trong lĩnh vực tiếp thị.
Ví dụ về nhân khẩu học được áp dụng thành công trong thực tiễn
Việc phân tích yếu tố demographic không chỉ mang lại sự tăng trưởng đáng kể trong doanh số bán hàng mà còn giúp doanh nghiệp giảm bớt các chi phí tiếp thị đắt đỏ. Ngày nay, đã có nhiều doanh nghiệp như Vietnam Airlines, Nike, The Coffee House,... thành công trong việc áp dụng nhân khẩu học để xác định và hình dung về đối tượng khách hàng của họ. Cụ thể:
- Vietnam Airlines đã dùng nhân khẩu học để nhận diện khách hàng tiềm năng của mình nằm trong độ tuổi từ 35 đến 45, đến từ các thành phố lớn và có nhu cầu đi du lịch cao. Nhờ đó, hãng hàng không này có thể đưa ra các chiến lược tiếp thị phù hợp để quảng bá thành công đến những đối tượng có thu nhập ở nhóm A và thói quen thường xuyên đi công tác hoặc nghỉ dưỡng.
- Một thương hiệu nổi tiếng như Nike cũng đã tận dụng đặc điểm nhân khẩu học để xác định nhóm khách hàng mục tiêu nằm trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi với thu nhập ở nhóm A. Bằng cách này, Nike hướng đến những người có sở thích vận động mạnh, thường tham gia các hoạt động thể thao và có đam mê vận động.
- The Coffee House - một thương hiệu cafe hàng đầu Việt Nam đã sử dụng nhân khẩu học để định rõ đối tượng khách hàng là nam nữ trong độ tuổi từ 18 đến 24, sống tại HCM hoặc Hà Nội với thu nhập thuộc nhóm AB, đam mê làm việc cũng như học tập. Nhờ vào xu hướng nhân khẩu học này mà The Coffee House đã tạo ra những trải nghiệm vô cùng độc đáo để thu hút đối tượng này.
Như vậy qua bài viết này, Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn khái niệm nhân khẩu học là gì, các yếu tố then chốt cũng như tầm quan trọng của demographic trong lĩnh vực marketing. Dựa vào những yếu tố đã nêu trên, doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược truyền thông tiếp thị mạnh mẽ để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu, mong đợi của khách hàng mục tiêu, từ đó củng cố vị thế của thương hiệu trên thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững.