Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, kể cả Việt Nam. Những hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của con người và cả sinh vật. Vậy những dấu hiệu nhận biết biến đổi khí hậu toàn cầu là gì?
1. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều
Các hiện tượng thời tiết cực đoan, khắc nghiệt và khó dự báo là dấu hiệu rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu. Lũ lụt, bão, hạn hán,…đang xảy ra ngày một thất thường với tần suất dày đặc hơn. Các hiện tượng này có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, đe dọa sức khỏe, tính mạng của con người và cả hệ sinh thái.
2. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao
Từ thập niên 90 cho đến nay, nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới qua từng năm đều có sự gia tăng đột biến. Đỉnh điểm là mùa hè năm 2019, một số nước châu Âu đã phải gánh chịu đợt nắng nóng nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Cụ thể là có ít nhất 7 quốc gia châu Âu ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 45 độ C, gồm Pháp, Bulgaria, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bắc Macedonia.
3. Băng tan và mực nước biển dâng cao
Băng tan là hệ lụy tất yếu của biến đổi khí hậu. Hiện tượng này làm cho nền nhiệt độ liên tục thay đổi theo xu hướng tăng cao. Khi nhiệt độ tăng cao, băng ở hai đầu cực trái đất bắt đầu tan chảy. Điều này khiến các vùng đất ven biển ngày càng dễ bị ngập lụt và có nguy cơ bị nhấn chìm. Bên cạnh đó, băng tan có thể khiến các loài virus thời tiền sử xuất hiện trở lại và gây nguy hiểm tới con người.
4. Nước biển dâng - Dấu hiệu của biến đổi khí hậu toàn cầu
Khi băng ở hai đầu cực trái đất bắt đầu tan chảy thì mực nước biển cũng dâng lên. Hiện tượng này gây ra tình trạng ngập úng ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng đồng bằng thấp. Bên cạnh đó, nước biển dâng cao còn có thể làm mất đi một phần lục địa và gây ra nhiều dịch bệnh, bất tiện trong sinh hoạt của con người. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam là một trong những thành phố nằm trong danh sách đáng báo động về nguy cơ biến mất do nước biển dâng.
5. Nồng độ CO2 trong không khí tăng
Các nhà khoa học đã công bố nồng độ CO2 trong không khí ở thời điểm hiện tại đạt ngưỡng gần 400 ppm (đơn vị đo lường nồng độ theo khối lượng). Trong khi đó, ở thời kỳ tiền công nghiệp (giữa thế kỷ XVIII), nồng độ này chỉ đạt mức gần 280 ppm. CO2 là loại khí làm tăng mức độ hiệu ứng nhà kính, gây nóng lên toàn cầu. Loại khí này sinh ra ngày một nhiều là do các hoạt động đốt nhiên liệu, đốt rừng của con người gây nên.
6. Các dấu hiệu biến đổi khí hậu nguy hiểm khác
Bên cạnh các dấu hiệu dễ nhận thấy của biến đổi khí hậu đã nêu trên, chúng ta cũng không nên bỏ qua những dấu hiệu đang diễn ra âm thầm, gây nên những hậu quả biến đổi khí hậu khôn lường, như:
- Hệ sinh thái bị phá hủy.
- Sự biến mất của nhiều loài sinh vật, mất đa dạng sinh học.
- Dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều.
- Hạn hán, bão lụt.
- Các thiệt hại về kinh tế.
Trên đây là những dấu hiệu biến đổi khí hậu toàn cầu mà đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h muốn chia sẻ với bạn đọc. Sau khi tham khảo bài viết, chắc hẳn các bạn đã có thể dễ dàng theo dõi thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang diễn ra như thế nào, từ đó có những hành động nhỏ để chung tay góp sức, ngăn chặn hiện tượng này trở nên nghiêm trọng hơn.