Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Việt Nam và EU đã có những chuyển biến tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam có những cơ hội chủ động và tích cực trong việc hội nhập quốc tế, hội nhập toàn cầu. Từ đó, đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU ngày càng thắt chặt, có chiều sâu. Vậy quan hệ giữa Việt Nam và EU diễn ra trên những lĩnh vực nào? Hãy cùng đội ngũ Phương Nam 24h tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé.
1. Về chính trị
Tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao
Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) luôn khẳng định coi trọng mối quan hệ song phương giữa hai bên. Đồng thời, mong muốn hai bên cùng tăng cường hợp tác trên nhiều mặt và thường xuyên tổ chức các cuộc viếng thăm.
Trong lần gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nghênh đón Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans thực hiện chuyến thăm đến Việt Nam trong năm 2022. Đồng thời, đây cũng là thời điểm kỷ niệm 10 năm Việt Nam và EU ký Hiệp định đối tác, hợp tác toàn diện (2012 - 2022). Theo đó, Thủ tướng đã khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vai trò của EU và là một trong những đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại. Đồng thời, ông cũng bày tỏ vui mừng về những hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng và hợp tác phát triển.
Cơ chế đối thoại, hợp tác
Tháng 10 năm 1990, Việt Nam và Liên minh châu Âu EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đến ngày 17 tháng 7 năm 1995, Việt Nam và Ủy ban châu Âu (EC) đã ký kết Hiệp định khung về quan hệ hợp tác, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1 tháng 6 năm 1996. Theo đó, Hiệp định Việt Nam EU đã đề ra bốn phương án mục tiêu bao gồm:
- Tăng cường đầu tư và thương mại song phương.
- Hỗ trợ phát triển kinh tế lâu dài của Việt Nam, đồng thời cải thiện đời sống của người dân.
- Hỗ trợ Việt Nam trong việc cơ cấu lại nền kinh tế để tiến tới một nền kinh tế thị trường.
- Bảo vệ môi trường.
Hiệp định khung về quan hệ hợp tác là tiền đề để thiết lập Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - EU bao gồm:
- Tổ công tác Việt Nam - EU về Thương mại đầu tư: Chuẩn bị cho các trao đổi song phương về những quy định liên quan đến thương mại và đầu tư. Đồng thời, kiểm điểm lại việc thực hiện hiệp định song phương hiện có, xử lý các vấn đề về chính sách thương mại liên quan đến EU và các nước thành viên.
- Tổ công tác Việt Nam - EU về Hợp tác phát triển: Xem xét các tiến độ về hợp tác kinh tế, hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, thảo luận các định hướng cho tương lai giữa hai bên.
- Tiểu ban Việt Nam - EC về xây dựng Thể chế, Cải cách Hành chính, Quản trị và Nhân quyền: Thực hiện cuộc họp chính thức và không chính thức trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền.
- Tiểu ban Việt Nam - EC về Khoa học và Công nghệ: Hỗ trợ các hoạt động hợp tác giữa cộng đồng khoa học và công nghệ giữa hai bên.
Hợp tác trong các diễn đàn đa phương và khu vực
Bên cạnh quan hệ song phương, giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng có sự hợp tác trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế. Trong đó, nổi bật phải kể đến đó là khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN - EU, ASEM và Liên hợp quốc về các vấn đề như: phát triển bền vững, môi trường, biến đổi khí hậu, chống khủng bố,....
2. Về kinh tế
Đầu tư
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 9 năm 2021, tổng số dự án mà EU đã đầu tư vào Việt Nam là 2249 dự án, chiếm khoảng gần 6,6% so với tổng dự án của cả nước. Nguồn vốn của EU trải dài 52 tỉnh thành trong 18 lĩnh vực kinh tế, chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, chế biến thực phẩm,....
Về phía các doanh nghiệp tại Việt Nam đầu tư sang EU, chủ yếu tập trung vào một số nước như: Hà Lan, Séc, Đức. Mặc dù vốn đầu tư không nhiều nhưng các dự án đều giúp cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác được những lợi thế về kinh doanh, tiếp cận và mở rộng thị trường sang châu Âu.
Thương mại
Cho đến nay, EU là khu vực chiếm tỷ trọng thương mại lớn nhất giữa Việt Nam với các nước châu Âu. Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam Liên minh châu Âu đã có những phát triển vượt bậc. Tính đến hết năm 2021, EU đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của nước ta. Hoạt động xuất nhập khẩu, buôn bán trao đổi giữa hai bên được diễn ra thuận lợi và là tiền đề vững chắc cho mối quan hệ hợp tác. Ngoài ra, nước ta còn là đối tác thương mại đứng thứ 15 của EU trên thế giới và thứ 5 tại thị trường châu Á. Nhận thấy được sự gắn kết và tầm quan trọng này, lãnh đạo hai bên luôn không ngừng tạo ra thêm những mối quan hệ thân thiết và gắn kết để đưa thương mại tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Việt Nam EU (EVFTA) cũng đã mang đến nhiều kết quả tích cực. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng lượng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đã đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với xuất khẩu đã đạt 28,28 tỷ, tăng 11,7%. Có thể nói, đây là con số rất có ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới như hiện nay.
Hỗ trợ phát triển
Hiện nay, EU là nhà cung cấp viện trợ phát triển không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 1993 - 2013, riêng các quốc gia thành viên EU đã chiếm đến 20% (khoảng 14 tỷ USD) trong tổng số cam kết của các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam. Từ năm 2014 - 2020, Uỷ ban châu Âu cũng đã cam kết cung cấp 400 triệu Euro cho Việt Nam để tập trung vào hai lĩnh vực đó là năng lượng bền vững và quản trị Nhà nước. Trong khi danh sách các nước tại châu Á được hưởng viện trợ từ EU đã giảm từ 19 nước xuống còn 12 nước thì đây được xem như là điểm sáng trong sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Trên đây là những nội dung chia sẻ của đội ngũ biên tập viên chúng tôi về mối quan hệ Việt Nam liên minh châu Âu. Có thể thấy, cho đến nay hai bên đã có mối liên kết vững chắc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị dựa trên những sự hợp tác song phương và đa phương. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi lớn cho Việt Nam để có thể dễ dàng hơn trong việc xây dựng và phát triển kinh tế khi có sự ủng hộ của các nước lớn tại châu Âu.