Trong thời gian gần đây, chúng ta cùng đang sống chung trong sự nhộn nhịp của World Cup 2022. Bên cạnh việc quan tâm đến lịch thi đấu giữa các nước và cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích nhất, có lẽ bạn cũng sẽ phần nào cảm thấy tò mò về quốc gia tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh năm nay. Ban đầu, khi FIFA công bố Qatar vượt qua Mỹ, Hàn Quốc, Úc và Nhật Bản để đăng cai đã làm cho nhiều người cảm thấy có phần hoang mang và thắc mắc không biết liệu một đất nước Hồi giáo có thể tổ chức thành công sự kiện này không? Cũng chính điều đó đã làm nhiều người càng muốn tìm hiểu về đất nước Qatar - Chủ nhà World Cup 2022.
Vị trí địa lý của đất nước Qatar
1. Đất nước Qatar nằm ở đâu?
Qatar có tên gọi chính thức là Nhà nước Qatar, chủ quyền thuộc châu Á và nằm ở khu vực phía Tây Nam Á. Qatar nằm trên một bán đảo kéo dài từ bán đảo Ả Rập khoảng 190km về phía bắc đến vịnh Ba Tư, giữa vĩ tuyến 24° - 27° Bắc và giữa kinh tuyến 50° - 52° Đông. Biên giới đất liền của đất nước này đó là Ả Rập Saudi và có chung biên giới với Bahrain, Iran cùng các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE).
Diện tích Qatar là 11.586 km2 (4.773 dặm vuông Anh) với cảnh quan phần lớn là sa mạc bằng phẳng. Ngoại trừ ở phía Tây Nam có các đụn cát nhấp nhô hình thành, nhưng cũng san phẳng về phía Khawr al Uday. Đặc biệt ở Qatar chỉ có 1% đất là được sử dụng để thực hiện các hoạt động canh tác.
Thủ đô Qatar là một thành phố ven biển phía đông tên Doha (Al-Dawhah). Đây từng là trung tâm khai thác ngọc trai và cũng là nơi sinh sống của hầu hết các cư dân trên đất nước với ước tính dân số khoảng 800.000 người. Khi đến với thủ đô Doha, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp pha trộn giữa kiến trúc tiền hiện đại với các tòa nhà, trung tâm mua sắm và khu chung cư mới.
2. Khí hậu Qatar
Qatar được biết đến với mùa hè cực kỳ nóng khi nhiệt độ tại đất nước này có thể lên tới 50°C (122°F) vào tháng 7 và tháng 8. Mùa đông thì nhiệt độ lại giảm xuống chỉ còn khoảng 15°C (59°F), mặc dù vậy lượng mưa vẫn chỉ ở mức tối thiểu và rất hiếm khi đạt tới 20 mm trong một tháng. Cũng bởi vì Qatar có diện tích nhỏ và địa hình bằng phẳng nên sẽ ít có sự khác biệt về nhiệt độ giữa các khu vực và thời tiết thường có xu hướng ổn định trong thời gian dài.
3. Đa dạng sinh học và môi trường
Hệ động thực vật ở Qatar rất độc đáo, thích nghi tốt với môi trường nóng và khô cằn. Các loại môi trường sống cơ bản được tìm thấy tại đây bao gồm: rừng ngập mặn, sabkha, cồn cát, sa mạc Hamada (đá và sỏi), hệ sinh thái đá, đầm lầy và rãnh, và các vùng trũng với cát mịn.
Có khoảng 1.900 loài hoang dã đã được ghi nhận ở Qatar, bao gồm 1.000 loài sống trên cạn và 900 loài sinh vật biển. Trong đó, có khoảng 78% các loài sống trên cạn ở Qatar được xếp vào loại rất hiếm. Cho đến nay, tại Qatar có 8 loài động vật có vú, 242 loài chim, 29 loài bò sát, 1 loài lưỡng cư và 228 loài động vật không xương sống đã được ghi nhận trong các hệ sinh thái trên cạn. Ngoài ra, thực vật tại Qatar cũng được đánh giá là khá phong phú với 371 loài có hoa.
Nền kinh tế Qatar
Không thể bàn cãi, Qatar là một trong những đất nước giàu nhất thế giới hiện nay. Sự thịnh vượng kinh tế của Qatar bắt nguồn từ việc khai thác và xuất khẩu dầu mỏ được phát hiện vào năm 1939 và sản xuất lần đầu tiên năm 1949. Cùng với đó còn là hoạt động khai thác khí đốt tự nhiên. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, người dân Qatar chủ yếu tham gia đánh bắt ngọc trai, đánh bắt cá và một số ít thực hiện hoạt động thương mại và là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Đến năm 1940, dầu được phát hiện lần đầu tiên tại mỏ Dukhan. Mặc dù, do chiến tranh thế giới thứ hai nên việc thăm dò dầu mỏ đã bị trì hoãn, nhưng với khám phá này đã tạo ra bước chuyển mình rất lớn cho nền kinh tế Qatar sau này. Sau khi dầu mỏ được khai thác, thu nhập bình quân đầu người tại đất nước này đã tăng lên đáng kể, từ 2.755 USD vào năm 1970 lên 85.000 USD vào giữa những năm 2010. Tuy nhiên, đến năm 2020 GDP đã giảm xuống chỉ còn 50.000 USD. Mặc dù vậy, Qatar vẫn là quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Đặc điểm văn hóa và con người tại Qatar
1. Ngôn ngữ
Tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức của Qatar và được chia thành hai loại đó là vịnh và tiêu chuẩn. Trong đó, tiếng Ả Rập tiêu chuẩn đang được dạy ở trong hầu hết các trường học. Còn tiếng vịnh Ả Rập thì lại được chia thành hai ngôn ngữ khác đó là Nam Qatar và Bắc Qatar.
Bên cạnh đó, tiếng Anh cũng là chính ngôn ngữ thứ hai được sử dụng khá phổ biến ở đất nước này khi tiến hành các hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, do thành phần đa văn hóa nên ở Qatar cũng có rất nhiều ngôn ngữ khác được sử dụng như: Urdu, Malayalam, Pashto, Balochi, Hindi, Telugu, Tamil, Sinhalese, Tagalog, Nelapi và Bengali.
2. Sắc tộc
Ban đầu, Qatar được định cư bởi những người du mục Bedouin từ phần trung tâm của Bán đảo Ả Rập. Tuy nhiên, công dân Qatar chỉ chiếm một phần nhỏ, khoảng 1/9 trong tổng dân số ngày nay. Tăng trưởng kinh tế bắt đầu từ những năm 1970 đã tạo ra một nền kinh tế phụ thuộc vào lao động nước ngoài, chủ yếu là những người đến từ Pakistan, Ấn Độ và Iran. Đến nay thì số dân nhập cư cũng đông hơn rất nhiều so với công dân trong nước.
3. Tôn giáo
Tôn giáo chính thức ở Qatar là Hồi giáo và phần lớn là dòng Sunni, chỉ có một số ít là dòng Shia. Trong đó, gia tộc Al Thani (Āl Thānī) cầm quyền, tuân thủ cách giải thích đạo Hồi của Wahhābī giống như những người cai trị Ả Rập Xê Út, mặc dù không nghiêm ngặt bằng. Ví dụ, phụ nữ ở Qatar có nhiều tự do hơn ở Ả Rập Saudi. Còn những người không phải là người Qatar thì có thành phần tôn giáo đa dạng hơn, tạo thành các nhóm tôn giáo chính đó là: Hồi giáo, Cơ đốc giáo và đạo Hindu.
4. Tỷ lệ tội phạm
Qatar được biết đến là đất nước có tình trạng bạo lực xảy ra vô cùng hiếm và tỷ lệ tội phạm cũng rất thấp so với các nước khác trong khu vực. Đây cũng là quốc gia linh hoạt và tự do nhất ở khu vực Trung Đông, điển hình như người phụ nữ cùng có quyền được làm việc, lái xe và tham gia bầu cử.
5. Nhân khẩu học
Dân số Qatar đang tăng đều hàng năm. Mặc dù, đất nước này có tỷ suất tử thấp rõ rệt, tuy nhiên tỷ suất sinh cũng thấp nên đã dẫn đến tỷ suất gia tăng tự nhiên thấp hơn một chút so với mức trung bình của thế giới.
Bên cạnh đó, Tỷ lệ di cư ròng của Qatar là cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Vịnh Ba Tư và cao thứ ba trên thế giới. Cũng do tỷ lệ di cư cao nên phần lớn dân số ở độ tuổi lao động, với hơn 70% dân số tập trung ở độ tuổi 15 - 29 và 30 - 44. Ngoài ra là tỷ lệ giữa nam giới cũng có sự chênh lệch, cụ thể đó là cứ 3 nam thì mới có 1 nữ, với tuổi thọ trung bình đối với nam là khoảng 77 tuổi và đối với nữ là khoảng 81 tuổi.
Đặc điểm chính trị của Qatar
Qatar là quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến hay quân chủ chuyên chế do gia tộc Al Thani cai trị. Triều đại này được hình thành từ năm 1825 và đến năm 2003, thông qua hiến pháp mới đã cho phép bầu cử trực tiếp 30 trong tổng 45 thành viên của Hội đồng Lập pháp. Hiến pháp này được chấp thuận với tỷ lệ áp đảo lên đến 98% số phiếu ủng hộ. Bên cạnh đó, một đặc điểm khác của pháp luật Qatar đó là không cho phép thành lập các thể chế chính trị hoặc công đoàn.
1. Luật Sharia
Pháp luật Qatar được bắt nguồn từ luật Sharia. Tuy nhiên, thực tế thì hệ thống pháp luật nước này là sự hỗn hợp giữa dân luật và luật Sharia. Trong đó, luật Sharia được áp dụng cho những luật có liên quan đến gia đình, thừa kế và một số hành vi dân sự khác như: cướp của, giết người,....
Còn để trừng trị tội tiêu thụ đồ uống có cồn hoặc quan hệ tình dục bất hợp pháp thì thường những người phạm tội sẽ phải chịu phạt đánh roi. Bởi vì người Hồi giáo không được phép tiêu thụ đồ uống có cồn tại Qatar, còn người phi Hồi giáo có thể xin phép mua đồ uống để tiêu thụ cá nhân.
2. Vấn đề nhân quyền
Về nhân quyền, một số quy định của bộ luật hình sự Qatar được áp dụng từ năm 2014 đã cho phép các hình phạt như thả nổi và ném đá. Những hình phạt này được áp dụng giống như để trừng phạt tội tử hình. Tuy nhiên, việc sử dụng án tử hình ở Qatar là rất hiếm và hầu như chưa có vụ hành quyết nào xảy ra ở đất nước này kể từ năm 2003. Ngoài ra, còn một đặc điểm khác về nhân quyền ở đất nước này mà bạn cũng nên biết đó là hành vi đồng tính ở Qatar được xem là bất hợp pháp và có thể bị trừng phạt bằng cái chết.
3. Chính sách ngoại giao
Về quan hệ ngoại giao, Qatar nỗ lực phát huy ảnh hưởng và bảo vệ quốc gia cùng triều đại. Qatar tìm kiếm bảo hộ chính thức từ năm 1760 đến năm 1971 bởi các quốc gia thế lực như: Ottoman, triều đại Al-Khalifa từ Bahrain, triều đại Wahhabi từ Ả Rập Xê Út, Anh. Bên cạnh đó, Qatar cũng là một thành viên ban đầu của OPEC (tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ), thành viên sáng lập của Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và là thành viên của Liên đoàn Ả Rập.
Song song với đó, Qatar cũng có quan hệ song phương với nhiều cường quốc, ví dụ như là đồng minh chiến lược với Trung Quốc, chứa căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ và Anh. Đồng thời, Qatar cũng có quan hệ hỗn hợp với các láng giềng trong khu vực vịnh Ba Tư.
4. Vấn đề quân sự
Cuối cùng về quân sự, Qatar tuy giàu có nhưng được đánh giá là có quân đội yếu. Đất nước này duy trì lực lượng khiêm tốn gồm khoảng 11.800 người, trong đó có lục quân (8.500 người), hải quân (1.800 người) và không quân (1.500 người). Qatar đã thực hiện ký kết các thỏa thuận phòng thủ với Pháp, Hoa Kỳ, Anh Quốc, giữ vai trò tích cực trong các nỗ lực phòng thủ tập thể của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Một số điều thú vị về đất nước Qatar có thể bạn chưa biết
1. Qatar đã "đốt” hơn 200 tỷ đồng cho World Cup 2022
Theo các tuyên bố chính thức và báo cáo từ Deloitte, kể từ khi thắng thầu đăng cai World Cup, để chuẩn bị cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển khác thì Qatar đã cho chi khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó, 6,5 tỷ dùng để xây dựng 8 sân vận động, cùng với hàng tỷ USD khác để xây dựng tuyến tàu điện ngầm, sân bay, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác trước các trận đấu.
Có thể thấy rằng, đây là mức ngân sách được chi ra cao nhất cho World Cup kể từ trước đến nay. Nếu để so sánh thì Nga chỉ bỏ ra khoảng 11 tỷ USD, còn Đức chỉ chi 4,3 tỷ USD cho việc tổ chức ở các kỳ World Cup trước đây.
2. Qatar quá giàu để bị cấm vận
Năm 2017, ông Ali Sharif al-Emadi - Cựu bộ trưởng tài chính Qatar từng tuyên bố rằng đất nước này quá giàu để bị cấm vận hay phong tỏa. Ông cũng cho biết thêm, Qatar không chỉ xuất khẩu dầu khí mà còn đa dạng nền kinh tế sang ngành dịch vụ và lĩnh vực này cũng rất khó để bị phong tỏa.
Có thể thấy rằng, từ làng chài nghèo khó thì sau 50 năm phát triển, Qatar đã trở thành một trong những nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, trung bình là khoảng 61.200 USD vào năm 2021. Cũng theo số liệu từ Forbes thì đất nước này có đến 50.000 triệu phú. Bên cạnh đó, quốc gia Trung Đông này cũng đã cố gắng đa dạng nền kinh tế để phòng trường hợp tài nguyên bị cạn kiệt.
Không những thế, năm 1998 Qatar đã xây dựng khu tổ hợp giáo dục Education City đặt chi nhánh tại 6 trường đại học của Mỹ và 2 trường ở châu Âu cùng với nhiều trung tâm nghiên cứu và tư vấn chính sách khác. Hay quỹ đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority (QIA) cũng được thành lập vào năm 2003 với tổng tài sản lên đến 170 tỷ USD. Quỹ này thường đầu tư vào các tổ chức doanh nghiệp quốc tế như: Volkswagen, Porsche, Credit Suisse, Harrods,... và cả câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain của Pháp.
3. Chỉ 12% dân số sinh sống tại Qatar là công dân của đất nước này
Dân số ở Qatar là khoảng 3 triệu người, tuy nhiên chỉ có 12% trong số đó là công dân của đất nước này và số còn lại thì đều là dân nhập cư. Cũng chính điều này đã làm cho Qatar trở thành một đất nước có nhiều nền văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó, đây cũng là đất nước có sự chênh lệch giới tính cao nhất thế giới. Cụ thể theo như điều tra dân số được thực hiện vào năm 2020 thì tỷ lệ nam giới đã cao hơn gấp ba lần so với nữ giới.
4. Giá xăng tại Qatar cực rẻ
Phần lớn nguồn thu nhập của Qatar đều đến từ việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, chiếm khoảng 60% GDP của cả nước. Chính nhờ vào tài nguyên thiên nhiên dồi dào đã mang đến cho đất nước này rất nhiều đặc quyền và một trong số đó là giá xăng dầu ở đây rất rẻ. Theo Global Petrol Prices thì giá xăng tại Qatar hiện nay chỉ khoảng 0,58 USD / lít.
5. Qatar không có rừng và địa hình phẳng thứ 2 thế giới
Qatar là một trong số ít quốc gia trên thế giới không có rừng. Phần lớn diện tích của đất nước này chủ yếu chỉ là sa mạc nên không có nơi phù hợp để cây xanh phát triển thành rừng tự nhiên. Hầu hết các cây xanh hay cảnh quanh xanh, công viên tại Qatar đề là do con người tạo ra.
Bên cạnh đó, địa hình của Qatar cũng phẳng thứ nhì thế giới chỉ sau quốc đảo Maldives. Độ cao trung bình của quốc gia này là 28 mét so với mực nước biển, còn nơi cao nhất chỉ khoảng 108 mét. Vậy nên, khi đến du lịch tại Qatar bạn sẽ không bắt gặp ngọn đồi hay vách đá nào, nhưng thay vào đó sẽ được chiêm ngưỡng những tòa nhà chọc trời mọc san sát nhau.
Trên đây là những chia sẻ của đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h giúp bạn hiểu hơn về đất nước Qatar. Có thể thấy rằng, dù chỉ là một quốc gia có diện tích nhỏ bé nhưng nhờ vào việc được thiên nhiên ưu ái. Qatar đã trở thành đất nước giàu nhất thế giới, chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao. Và cũng nhờ vậy mà World Cup 2022 khi được tổ chức tại Qatar đã được đầu tư hơn rất nhiều, nhằm mang đến một mùa giải được diễn ra thật thành công.