Không khí là một trong những thành phần của môi trường, đóng vai trò quan trọng đối với sự sống của con người và các loài sinh vật khác. Chúng ta có thể nhịn ăn, nhịn uống trong vài ngày nhưng không thể nhịn hít thở trong vài phút. Tuy nhiên, bầu không khí hiện nay ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác trên toàn thế giới nói chung đang dần bị ô nhiễm nặng nề. Không khí bị ô nhiễm dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vậy các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí hiện nay là gì?
Như thế nào là ô nhiễm môi trường không khí?
Trong bầu khí quyển bao la, có 80% là khí nitơ và khoảng 20% là oxy để con người sử dụng. Tuy nhiên hiện nay, trong không khí lại xuất hiện những thành phần lạ, chẳng hạn như: lượng lớn khí CO2, Nox, CH4,...và những hạt bụi siêu nhỏ. Những thành phần này đều là tác nhân gây ô nhiễm không khí.
Có thể hiểu đơn giản hơn, ô nhiễm môi trường không khí là khi các thành phần của không khí bị thay đổi do sự xuất hiện của các khí lạ hoặc khói bụi. Chúng làm cho không khí có mùi khó chịu, trở nên mờ đục và ngột ngạt. Môi trường không khí bị ô nhiễm gây ra những bệnh dịch nguy hiểm ở con người, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, dẫn đến biến đổi khí hậu,....Vậy nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là gì?
Các nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm bầu không khí
Môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu do 2 nguyên nhân: tác động của tự nhiên và con người. Trong đó, các yếu tố tự nhiên chỉ chiếm một phần nhỏ. Còn lại nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người.
1. Không khí bị ô nhiễm do tác động của tự nhiên
- Mưa bão: Hiện tượng thiên nhiên này làm phát sinh ra một lượng khí lớn Nox - Một trong những tác nhân gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, mưa bão xuất hiện còn mang theo một lượng lớn hạt bụi PM10 và PM2.5 làm cho tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn càng nghiêm trọng.
- Gió: Không chỉ có khả năng thổi các hạt bụi li ti trong không khí từ nơi này đến nơi khác, làm ô nhiễm trên diện rộng, gió còn cuốn theo rác thải, các chất khí khác đi xa hàng trăm km.
- Cháy rừng: Cháy rừng có thể do tác động của con người nhưng cũng có thể do thời tiết quá nắng nóng kèm theo nhiệt độ cao. Khi rừng bị cháy sẽ làm cho lượng Nito Oxi trong không khí tăng lên nhiều lần.
- Núi lửa: Khi núi lửa hoạt động, không chỉ có một lượng magma từ lòng đất trào ra ngoài mà còn có sự xuất hiện của một lượng lớn các chất khí độc hại gây ô nhiễm, chẳng hạn như: Metan, Clo, Lưu huỳnh,....
Có thể bạn quan tâm: Nguyên nhân và quá trình núi lửa phun trào
2. Không khí bị ô nhiễm do các tác động của con người
- Khói bụi từ hoạt động sản xuất công nghiệp: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế là sự xuất hiện của các nhà máy, xí nghiệp,...Trong quá trình hoạt động, các nhà máy, xí nghiệp này thải ra môi trường một lượng lớn chất thải và khí độc hại như: CO2, CO, SO2, NOx,…mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào. Lượng khí thải này đã làm cho môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề.
- Khí thải từ phương tiện giao thông: Xe máy, ô tô, xe ba gác,...đều là những phương tiện sử dụng nhiên liệu khí đốt để hoạt động. Trong quá trình vận hành, chúng cũng thải ra môi trường một lượng khí thải: CO, CO2, SO2, NOx, Pb, CH4 và các bụi đất đá làm ô nhiễm không khí.
- Hoạt động liên quan đến quân sự: Quá trình sản xuất và thử vũ khí hạt nhân thải ra môi trường một lượng lớn các chất hóa học độc hại. Chúng không chỉ làm ô nhiễm môi trường không khí mà còn ảnh hưởng đến nguồn đất, nguồn nước.
- Các hoạt động sinh hoạt của con người: Bên cạnh việc sử dụng các loại phương tiện chạy bằng động cơ khí đốt, một hoạt động sinh hoạt khác của con người cũng làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm đó chính là nấu nướng. Việc sử dụng cá loại than tổ ong, than củi,...là tác nhân gây ô nhiễm cục bộ trong một khu vực. Tuy chỉ có ảnh hưởng tương đối nhỏ nhưng nhiều gia đình đều thực hiện thì sẽ gây ô nhiễm không khí trên diện rộng.
Trên đây là những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay mà đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã biết bầu không khí đang dần bị ô nhiễm là do đâu, từ đó sửa đổi những thói quen sinh hoạt hàng ngày để góp phần bảo vệ môi trường.