Chúng ta không thể sống mà hàng ngày không hít thở, không sử dụng các tài nguyên như đất, nước,....Đây đều là những thành phần cấu tạo nên môi trường. Có thể nói, môi trường đóng vai trò rất quan trọng, là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên, yếu tố xã hội, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến các hoạt động sống của con người cũng như sinh vật. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội đã làm cho môi trường ngày càng bị ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến ô nhiễm. Vậy các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam là gì?
Như đã đề cập ở trên, môi trường là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên bao quanh con người. Chính vì vậy, ô nhiễm môi trường được chia thành nhiều loại khác nhau. Cụ thể:
- Ô nhiễm môi trường nước
- Ô nhiễm môi trường đất
- Ô nhiễm môi trường không khí
- Ô nhiễm môi trường phóng xạ
- Ô nhiễm môi trường sóng
- Ô nhiễm môi trường ánh sáng
- Ô nhiễm tiếng ồn.
Trong đó, các môi trường nước, không khí và đất là được chú trọng nhiều nhất vì khi bị ô nhiễm, chúng không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan, sinh vật mà còn gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe và đời sống con người.
1. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước
Ô nhiễm mỗi trường nước là sự biến đổi về các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của nước theo chiều hướng tiêu cực, do sự ảnh hưởng của các chất lạ ở thể rắn hoặc lỏng và trở nên độc hại với con người cũng như sinh vật. Hiện nay, ở Việt nam, nguồn nước thường bị ô nhiễm nhiều nhất chính là các khu vực nước ngọt, vùng ven biển và vùng biển khép kín.
Như chúng ta đã biết, mọi sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, nấu nướng đều cần đến nguồn nước sạch. Tuy nhiên khi nước bị ô nhiễm, chúng sẽ chứa những thành phần vô cùng độc hại, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Không những vậy, ô nhiễm môi trường nước còn làm mất dần đi sự đa dạng của sinh học. Những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường nước chủ yếu đó là:
Chất thải sinh hoạt của con người
Cùng với sự phát triển của kinh tế, đời sống của con người ngày càng được cải thiện và nâng cao. Sau khi sử dụng những vật phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của mình, con người thải ra ngoài môi trường rất nhiều loại rác. Rác thải sinh hoạt không được phân loại, vứt một cách bừa bãi dưới các kênh, mương, ao, hồ,....làm nguồn nước ngày càng trở nên ô nhiễm. Không những vậy, các loại chất thải khác từ con người như phân, nước tiểu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước. Hiện nay ở Việt Nam, lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày từ các họ gia đình, trường học, bệnh viện,....là rất lớn.
Các hoạt động sản xuất nông nghiệp
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, hầu hết người nông dân đều sử dụng những loại thuốc bảo vệ thức vật để tiêu diệt sinh vật gây hại, nâng cao năng suất vụ mùa. Tuy nhiên, lượng thuốc sử dụng đôi khi nhiều gấp 2, gấp 3 lần so với khuyến cáo. Chưa kể đến những trường hợp còn dùng các loại thuốc bị cấm. Thực trạng này làm cho lượng hóa chất dư tồn sẽ dần ngấm xuống đất, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm lẫn nước trên bề mặt. Ngoài ra, các loại chất thải như phân, nước tiểu, thức ăn thừa của các loại gia súc, gia cầm cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường nước.
Các hoạt động sản xuất công nghiệp
Cùng với tốc độ đô thị hóa cao, các nhà máy, khu công nghiệp ở Việt Nam ngày càng nhiều. Các chất thải, nước bẩn từ các hoạt động sản xuất công nghiệp không được xử lý, xả trực tiếp ra ngoài môi trường làm cho nguồn nước ngày càng trở nên ô nhiễm.
Ô nhiễm môi trường nước do các tác nhân tự nhiên
Những hiện tượng thiên nhiên như mưa giông, tuyết tan, bão lũ làm cho các loại rác thải sinh hoạt, cặn rác dưới cống rãnh, xác chết sinh vật bị cuốn theo dòng nước, trôi nổi từ vùng này sang vùng khác. Sau đó, một phần ngấm sâu vào đất, ảnh hưởng đến nguồn nước. Phần còn lại tiếp tục đi theo dòng nước đến các vùng khác, gây ô nhiễm diện rộng.
2. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất là do sự thay đổi của các nhân tố sinh thái vượt qua giới hạn sinh thái của những quần xã trong lòng đất do nhiều tác nhân gây ra. Đất là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật, là nền móng của các công trình đồng thời là nguồn tài nguyên quý giá, được sử dụng để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau của con người. Vậy nên, môi trường đất bị suy thoái, ô nhiễm sẽ rất đáng lo ngại. Môi trường đất có thể bị ô nhiễm do:
Chất thải công nghiệp
Các hoạt động sản xuất công nghiệp như khai thác quặng, luyện kim, dệt,…đều tạo ra những chất thải độc hại, khó phân hủy. Nguy hiểm nhất trong số đó là chất thải kim loại. Kim loại độc hại như: chì, sắt, thủy ngân,…có thể tồn tại trong lòng đất dưới nhiều dạng khác nhau. Chúng hấp thụ, liên kết với những hợp chất hữu cơ và vô cơ, tạo thành các chất phức hợp nguy hiểm.
Chất thải nông nghiệp
Các loại chất thái được tạo ra từ hoạt động sản xuất, trồng trọt của con người như: phân bón, thuốc trừ sâu cũng là một nguồn gây ô nhiễm đất. Các nguyên tố gây ô nhiễm đất có trong phân đạm, lân và kali. Chúng ngấm vào đất, gây ảnh hưởng đến hệ sinh vật dưới lòng đất, làm ô nhiễm mạch nước ngầm và thay đổi tính chất của đất.
Các chất thải từ sinh hoạt, chăn nuôi
Phân, nước tiểu được thải ra từ chính con người và động vật cũng là một nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường đất. Bên cạnh đó, hoạt động sống của con người cũng thải ra nhiều loại rác thải bao gồm cả hóa chất, kim loại, nhựa,…làm ảnh hưởng đến môi trường.
Ô nhiễm nguồn nước dẫn đến ô nhiễm môi trường đất
Nguồn nước bị ô nhiễm nếu ngấm vào đất sẽ làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm và cả tính chất của đất lẫn các loại sinh vật sống trong đất. Từ đó dẫn đến hiện tượng ô nhiễm môi trường đất rất phổ biến hiện nay.
Các yếu tố tự nhiên gây ô nhiễm môi trường đất
Đất nhiễm phèn do nước phèn từ nơi khác di chuyển đến, nhiễm mặn do nước biển và hiện tượng mưa axit làm các nguyên tố như Fe2+, Al3+, Na+, K+, Cl- ngấm vào đất, làm thay đổi tính chất của đất.
3. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí
Ô nhiễm môi trường không khí là sự xuất hiện các chất lạ làm biến đổi các thành phần trong không khí. Từ đó, không khí sẽ không còn sạch hoặc có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến tầm nhìn cũng như sức khỏe con người. Hơn nữa, ô nhiễm không khí còn là một trong những tác nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu. Hiện nay, ô nhiễm không khí đang là vấn đề thời sự nóng bỏng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí có thể kể đến:
Các hoạt động sinh hoạt của con người
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí nặng nề như hiện nay, phần lớn đều là do con người. Trong đó, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày đơn giản như nấu nướng, sử dụng phương tiện giao thông tưởng chừng như vô hại nhưng lại là mối hiểm họa khôn lường. Việc sử dụng củi, than tổ ong hay các phương tiện xe máy, ô tô mỗi ngày đều thải ra không khí vô số chất độc hại, dần dần làm cho các thành phần trong không khí bị biến đổi theo chiều hướng tiêu cực.
Các hoạt động sản xuất của con người
Các hoạt động sản xuất nông nghiệp (sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải của gia cầm - gia súc,....); Các hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất vũ khí,... đều thải ra không khí lượng khí CO2, CO, SO2, NOx,...với nồng độ cực cao, là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Những khí thải này còn là nguyên nhân gây ra hiện tượng mưa axit, làm ảnh hưởng đến vụ mùa cũng như sức khỏe con người.
Các nhân tố tự nhiên gây ô nhiễm không khí
Không chỉ bị tác động bởi con người, không khí còn có thể bị ô nhiễm do các yếu tố tự nhiên như: Gió thổi bụi bẩn đi xa hàng trăm km, gây ô nhiễm không khí trên diện rộng; Bão sinh ra khí NOx (một trong những chất gây ô nhiễm không khí); Cháy rừng làm gia tăng lượng Nito Oxit; Núi lửa khi hoạt động, làm xuất hiện các chất Metan, Clo, Lưu huỳnh,...khiến không khí trở nên ô nhiễm hơn.
Trên đây là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí mà đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h muốn chia sẻ với bạn đọc. Chắc hẳn các bạn có thể thấy, ô nhiễm môi trường phần lớn đều là do những tác động của con người gây ra. Vậy nên, thay vì tự hủy hoại môi trường sống của mình thì chúng ta hãy cùng nhau chung tay, góp sức thực hiện các biện pháp hữu ích để nguồn nước, đất cũng như không khí trở nên sạch sẽ và trong lành hơn.