Khi bạn hoàn thành được một công việc, nhiệm vụ nào đó nhanh hơn thời gian dự kiến mà không cần mất quá nhiều nguồn lực thì thường được đánh giá là hiệu quả. Đây là một thuật ngữ được dùng khá phổ biến hiện nay. Vậy thì, có bao giờ bạn thắc mắc hiệu quả là gì? Có những cách phân loại, ý nghĩa và đo lường hiệu quả như thế nào? Tất cả những thông tin này sẽ được chúng tôi trình bày một cách chi tiết nhất trong nội dung dưới đây.
Hiệu quả là gì?
Có lẽ, trong cuộc sống cũng như công việc, bạn thường nghe rất nhiều người nói về hai từ hiệu quả. Vậy thì bạn đã thật sự hiểu đúng hiệu quả là gì chưa?
Hiệu quả tiếng Anh là efficiency, thường được dùng để đánh giá kết quả thực hiện hoạt động ở thời điểm hiện tại so với kế hoạch dự kiến đã đề ra trước đó. Cụ thể, hiệu quả là khả năng sản xuất ra sản lượng hàng hóa, dịch vụ mong muốn hoặc kết quả tạo ra theo như những dự tính. Khi một điều gì đó được coi là hiệu quả thì có nghĩa nó đã đạt được kết quả như kỳ vọng đã đặt ra ban đầu.
Bạn cũng có thể hiểu thuật ngữ hiệu quả là khả năng đạt được mục tiêu cuối cùng chỉ với ít hoặc không lãng phí các nguồn lực. Chúng đều được sử dụng theo một cách hợp lý nhất có thể. Hay nói đơn giản thì một điều gì đó sẽ trở nên hiệu quả nếu không có bất kỳ yếu tố nào bị lãng phí và tất cả các quy trình đều được tối ưu hóa. Điều này sẽ bao gồm việc bạn sử dụng tiền vốn, nhân lực, thiết bị sản xuất và các nguồn năng lượng.
Ví dụ về hiệu quả như các công ty có thể đo lường quá trình sản xuất, từ đó đưa ra những phương án tối ưu phù hợp để cắt giảm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng vẫn được giữ nguyên, từ đó giúp cho doanh thu và lợi nhuận tăng cao hơn. Hay người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm tiết kiệm năng lượng để giảm hóa đơn điện nước và giảm hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Còn các nhà đầu tư thì có thể xác định hiệu quả trong các quản đầu tư của mình bằng cách tính toán lợi tức đầu tư (ROI).
Trong thực tế, có nhiều người thường nhầm lẫn giữa hiệu quả và hiệu suất. Đây là hai khái niệm khác nhau và bạn cũng cần phải hiểu rằng hiệu suất thường dùng để phản ánh chi phí và nguồn lực bỏ ra để đạt được kết quả mong muốn. Nếu như hiệu quả gắn liền với kết quả cuối cùng thì hiệu suất lại gắn với các chi phí đầu vào và kết quả đạt được.
Các loại hiệu quả thường gặp
Hiệu quả được chia thành nhiều loại khác nhau cho mỗi hoạt động, lĩnh vực riêng. Trong phần này, chúng tôi sẽ phân tích một số loại hiệu quả thường gặp đó là:
1. Hiệu quả kinh tế
Hiệu quả kinh tế đề cập đến việc tối ưu nguồn lực để phục vụ tốt nhất cho mỗi người trong trạng thái kinh tế đó. Trên thực tế thì không có một ngưỡng quy định nào được đưa ra để xác định hiệu quả của một nền kinh tế. Nhưng để đo lường thì chúng ta có thể dựa trên các chỉ số hàng hóa được đưa ra thị trường với chi phí thấp nhất và lao động cung cấp sản lượng lớn nhất có thể.
Bên cạnh đó, còn có một số mục tiêu kinh tế được xác định là khi đạt càng cao sẽ càng tốt như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội, thu nhập quốc dân và thu nhập quốc dân bình quân, hiệu quả kinh tế gắn liền với nền kinh tế thị trường.
2. Hiệu quả xã hội
Hiệu quả xã hội là một phạm trù khác được dùng để phản ánh cách sử dụng các nguồn lực sản xuất với mục đích đạt được các mục tiêu xã hội nhất định. Trong đó, các mục tiêu xã hội ở đây thường bao gồm: giải quyết công ăn việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo và nâng cao sức khỏe người lao động.
Bên cạnh đó, hiệu quả xã hội còn thể hiện ở việc nâng cao phúc lợi xã hội, tinh thần, mức sống và đời sống văn hóa cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường.
3. Hiệu quả kinh tế – xã hội
Hiệu quả kinh tế - xã hội là thuật ngữ dùng để phản ánh khả năng sử dụng nguồn lực sản xuất để đạt được mục tiêu liên quan đến kinh tế - xã hội. Thông thường loại hiệu quả này sẽ gắn liền với nền kinh tế hỗn hợp và được xét theo góc độ quản lý vĩ mô. Các mục tiêu về hiệu quả kinh tế - xã hội được đưa ra ở đây thường bao gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội, giải quyết công ăn việc làm cho người dân,....Nói chung, hiệu quả kinh tế - xã hội là sự kết hợp các mục tiêu của hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội ở hai mục trên.
4. Hiệu quả thị trường
Hiệu quả thị trường được dùng để mô tả giá cả tích hợp với những thông tin có sẵn tốt như thế nào. Điều này cũng có nghĩa là thị trường sẽ trở nên hiệu quả khi tất cả các thông tin đã được tích hợp vào giá cả. Loại hiệu quả này được sử dụng chính thức vào năm 1970 bởi nhà kinh tế học Eugene. Ông cũng là người đưa ra giả thuyết về thị trường hiệu quả (EMH - Efficient Market Hypothesis) khi nói rằng một nhà đầu tư không thể nào làm tốt hơn thị trường.
5. Hiệu quả kinh doanh
Hiệu quả kinh doanh là thuật ngữ dùng để phản ánh hoạt động sử dụng những nguồn lực có trong một giai đoạn nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh nhất định. Loại hiệu quả này thường gắn liền với các hoạt động, chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiệu quả kinh doanh tổng hợp
Hiệu quả kinh doanh tổng hợp phản ánh việc sử dụng nguồn lực để đạt được mục tiêu toàn doanh nghiệp hoặc cũng có thể là phân chia theo từng bộ phận. Thông qua đó, bạn có thể đưa ra được các đánh giá khái quát hoặc những kết luận mang tính hiệu quả của toàn doanh nghiệp trong một thời gian nhất định.
Hiệu quả kinh doanh ngắn hạn - dài hạn
Đây là loại hiệu quả kinh doanh được đánh giá theo từng khoảng thời gian ngắn hoặc dài, tùy thuộc vào định hướng và mục tiêu riêng. Trong đó, kinh doanh ngắn hạn thường được xem xét, đánh giá ở từng khoảng thời gian ngắn, có thể là tuần, tháng, quý hay một năm. Còn hiệu quả kinh doanh dài hạn thì sẽ được xem xét, đánh giá trong khoảng thời gian dài, mang tính chiến lược và hơn hết là còn có thể gắn liền với quãng thời gian tồn tại, phát triển của một doanh nghiệp.
Hiệu quả kinh doanh ngắn hạn và dài hạn thường sẽ có mối liên hệ với nhau, vừa là quan hệ biện chứng nhưng đồng thời cũng là quan hệ mâu thuẫn. Điều này được hiểu là bạn chỉ có thể đánh giá hiệu quả kinh doanh ngắn hạn dựa trên cơ sở nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh dài hạn. Còn mâu thuẫn xảy ra ở đây là chỉ có hiệu quả kinh doanh dài hạn mới có thể dùng để đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp.
6. Hiệu quả đầu tư
Hiệu quả đầu tư là phạm trù được dùng để phản ánh việc sử dụng nguồn lực cho một mục đích đầu tư nào đó. Thông thường thì hiệu quả đầu tư sẽ được gắn liền cùng với các hoạt động đầu tư cụ thể như đầu tư kinh doanh, đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản,....
7. Hiệu quả quản lý
Hiệu quả quản lý được hiểu đơn giản là việc thực hiện các hoạt động với mức sử dụng tài nguyên tối thiểu. Khái niệm này cũng đề cập đến việc sử dụng tối ưu nguồn lực để nâng cao hiệu quả, từ đó giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận tối đa.
Một người quản lý hiệu quả là khi họ biết cách sử dụng nguồn lực hạn chế nhưng vẫn đảm bảo công việc được hoàn thành một cách chuyên nghiệp và đạt kết quả tốt nhất. Họ muốn nhìn thấy được kết quả ngay lập tức, thích thực hiện các bước lặp đi lặp lại để có thể đạt được mục tiêu và hơn hết là biết tránh những sai lầm không đáng có.
8. Hiệu quả năng lượng
Hiệu quả năng lượng sẽ đạt được khi bạn sử dụng ít nguồn năng lượng hơn nhưng vẫn có kết quả tương tự. Ví dụ như việc tiết kiệm năng lượng sẽ tránh lãng phí tài nguyên, giảm thiểu khí nhà kính, đồng thời điều này cũng giúp bạn cắt giảm hóa đơn điện, nước cũng như chi phí tổng thể bằng cách cách chuyển sang việc tiêu thụ năng lượng mới.
Vai trò của hiệu quả tới các mặt của cuộc sống
Hiệu quả là một thuộc tính khá quan trọng, bởi vì hầu như các yếu tố đầu vào đều khan hiếm. Đối với nền kinh tế, hiệu quả có vai trò nâng cao năng suất và tiết kiệm nguồn lực lao động xã hội. Đây là hai yếu tố có mối liên hệ mật thiết đến vấn đề hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, bên cạnh vấn đề khan hiếm nguồn lực thì việc sử dụng nguồn lực có tính cạnh tranh nhằm đảm bảo những nhu cầu của xã hội ngày càng tăng. Chính điều này đã đặt ra những yêu cầu trong việc khai thác, tận dụng và tiết kiệm triệt để các nguồn lực. Do đó, để đạt được mục tiêu kinh doanh thì buộc chúng ta phải chú trọng đến điều kiện nội tại, phát huy năng lực của các yếu tố sản xuất và tiết kiệm chi phí.
Còn đối với xã hội, một xã hội hiệu quả là khi khả năng phục vụ công dân và các hoạt động của công dân trở nên tốt hơn. Hàng hóa được sản xuất hiệu quả và bán với giá thấp hơn. Hay nhờ những tiến bộ hiệu quả đã tạo điều kiện cho các tiêu chuẩn sống cao cấp như: cung cấp điện, nước sinh hoạt cho mọi gia đình. Bên cạnh đó, hiệu quả cũng làm giảm nạn đói, suy dinh dưỡng vì hàng hóa được vận chuyển xa và nhanh hơn, đồng thời còn cho phép đạt năng suất cao hơn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Làm thế nào để đo lường hiệu quả?
Không có một chỉ số chung nào để đánh giá tính hiệu quả, bởi tùy thuộc vào lĩnh vực, ngành nghề hoặc mục tiêu mà hiệu quả sẽ được đưa ra sao cho phù hợp. Và để đo lường chỉ số hiệu quả này, bạn có thể tính dựa trên tỷ lệ hoặc tỷ lệ phần trăm. Cụ thể, công thức để tính hiệu quả đó là:
Hiệu quả = Đầu ra / Đầu vào
Trong đó, đầu ra (hay sản lượng công việc) là tổng số lượng công việc hữu ích đã hoàn thành mà không tính đến bất kỳ lãng phí và hư hỏng nào. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể biểu thị hiệu quả dưới dạng phần trăm bằng cách nhân tỷ lệ này với 100.
Sự khác biệt giữa hiệu quả và năng suất
Cho đến nay, vẫn có rất nhiều người nhầm lẫn giữa hiệu quả và năng suất. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau về nhiều mặt như:
- Năng suất có nghĩa là tốc độ mà doanh nghiệp sản xuất hàng hoá. Hay bạn cũng có thể hiểu là số lượng hàng hóa được sản xuất ra càng nhiều thì mức năng suất càng lớn. Còn hiệu quả chính là việc sử dụng các nguồn lực để giảm thiểu tình trạng lãng phí và tối đa hóa sản lượng.
- Năng suất được đo lường bởi số lượng đầu ra sản xuất dựa trên số lượng đầu vào. Ngược lại, hiệu quả đo lường việc sử dụng tối ưu các nguồn lực của doanh nghiệp để đạt được kết quả tốt hơn mà ít lãng phí nhất.
- Năng suất nhấn mạnh đến số lượng sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất, còn hiệu quả nhấn mạnh chất lượng của sản phẩm.
- Năng suất có thể được tính bằng cách chia tổng sản lượng thu được cho đầu vào tiêu thụ trong quá trình sản xuất. Ngược lại, hiệu quả có thể được biểu thị bằng cách tổng hợp giữa chi phí đầu vào và chất lượng đầu ra.
Làm thế nào để cân bằng hiệu quả và năng suất?
Sự cân bằng phù hợp giữa năng suất và hiệu quả cần được xác định trên cơ sở từng trường hợp của các doanh nghiệp ở từng lĩnh vực khác nhau. Trên thực tế, mọi lĩnh vực đều có quy trình hoạt động và những kỳ vọng riêng. Điều đó cũng có nghĩa là việc tiếp cận một quy mô phù hợp với tất cả là không thể.
Khi cân bằng hai yếu tố này, điều quan trọng là bạn không được hy sinh năng suất để đạt được hiệu quả hoặc ngược lại. Với ý nghĩa này, bạn cần phải cân bằng hai yếu tố hiệu quả và năng suất sao cho phù hợp với doanh nghiệp. Cụ thể, có một số điều mà bạn có thể làm để đạt được sự cân bằng này đó là:
- Thường xuyên đánh giá quy trình để đảm bảo rằng bạn đang sử dụng các phương pháp hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ. Nếu có thể, hãy thực hiện các cải tiến để cải thiện chất lượng sản phẩm.
- Lắng nghe nhân viên và xác định bất kỳ trở ngại phổ biến nào mà họ gặp phải khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Đây sẽ là điểm khởi đầu giúp bạn tìm ra cách cải tiến quy trình.
- Xác định sự cân bằng có lợi nhất giữa năng suất và hiệu quả rồi truyền đạt điều tương tự cho nhân viên của bạn, có thể là về quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm ở mỗi công đoạn để sớm phát hiện những lỗi gặp phải khi sản xuất.
- Hiểu thị trường của bạn và xây dựng sản phẩm cho khách hàng. Nếu thị trường mục tiêu của bạn đang tìm kiếm các sản phẩm cao cấp và khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm đó thì bạn sẽ cần tập trung nhiều hơn vào hiệu quả và chất lượng. Ngược lại, nếu như khách hàng đang tìm kiếm sản phẩm rẻ nhất, bạn có thể cắt giảm một số quy trình không cần thiết, tập trung hơn vào việc tạo ra được nhiều sản lượng mà không mất quá nhiều chi phí sản xuất.
Trên đây là những chia sẻ của đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h giúp bạn hiểu hơn về khái niệm hiệu quả là gì. Hi vọng rằng qua bài viết, bạn đã có sự hiểu biết cụ thể hơn về khái niệm này, từ đó phân biệt chính xác với các khái niệm khác để có thể sử từ ngữ chính xác trong các trường hợp. Đồng thời cũng giúp bạn đưa ra được các phương án nhằm cân bằng giữa hiệu quả và năng suất để đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất.