Trong cuộc sống này, chúng ta không thể đoán trước được điều gì có thể sẽ xảy ra. Có thể một ngày nào đó, bạn đi qua một cánh rừng vắng, bỗng dưng xe bị hư và không thể đi tiếp, cũng không thể cầu cứu ai, hay những chuyến du lịch thám hiểm gặp phải trục trặc. Trong những trường hợp này, 12+ kỹ năng sinh tồn có thể cứu sống bạn trong lúc nguy hiểm sẽ giống như chiếc phao cứu sinh để có thể vượt qua tình huống khó khăn.
Tầm quan trọng của kỹ năng sinh tồn
Kỹ năng sinh tồn là các kỹ thuật quan trọng sẽ giúp bạn duy trì sự sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù cho đó là trong môi trường khó khăn. Cuộc sống này luôn đòi hỏi chúng ta cần phải không ngừng phát triển và hoàn thiện giá trị của mình. Và chắc chắn, để có thể tồn tại được thì kỹ năng sinh tồn là yêu cầu cần thiết.
Vậy thì tầm quan trọng của kỹ năng sinh tồn là gì? Nhờ có khả năng sinh tồn mà bạn có thể giải quyết các vấn đề bất ngờ phát sinh một cách linh hoạt và hiệu quả, dù cho bạn có đang bị mắc kẹt trong rừng hay trên đảo hoang. Bên cạnh đó, khi được trang bị kỹ năng này, bạn sẽ nhanh chóng lấy lại trạng thái bình tĩnh, tự tin để có thể giải quyết tình huống thông minh.
Top 7 kỹ năng sinh tồn cơ bản bạn cần học ngay
Khi gặp tình huống bất ngờ xảy ra thì trong rừng sâu hay nơi đảo hoang thì cần phải làm gì? Bạn sẽ biết cách ứng phó và vượt qua điều này để sống sót khi biết về 7 kỹ năng sinh tồn cơ bản sau đây:
1. Tìm và lọc nước
Chắc hẳn bạn cũng biết rằng cơ thể con người được tạo thành từ 70% là nước. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi kỹ năng tìm và lọc nước được chúng tôi nhắc đến đầu tiên trong bài viết này. Thực tế là đã có rất nhiều người phải mất mạng chỉ vì cơ thể thiếu nước hoặc bị ngộ độc nước.
Chính vì thế, dù cho trong bất kỳ tình huống nào đi chăng nữa thì cách sinh tồn đầu tiên mà bạn cần phải biết đó chính là tìm được nguồn nước cũng như biết rằng nguồn nước nào uống được và không uống được. Hay nếu như muốn có nước uống thì cần phải chế biến như thế nào.
Nếu bạn đang ở trên địa hình đồi núi thì hãy nhớ rằng dòng nước luôn chảy xuôi. Vậy nên, bạn có thể sẽ tìm thấy dòng suối trong các khe hở của ngọn đồi. Trong trường hợp mãi vẫn không tìm ra thì cũng đừng quá lo lắng, hãy dành thời gian yên tĩnh để nghe âm thanh của nước chảy trên đá và đi theo âm thanh đó. Hay bạn cũng có thể tìm kiếm nhờ vào các dấu hiệu của sự sống, bởi vì động vật cũng sẽ ở những khu vực có nước uống thích hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện phương án cuối cùng đó là đào một cái lỗ trên đất ẩm, cách này đôi khi cũng sẽ làm lộ ra một ít nước ngầm.
Sau khi đã tìm được nguồn nước, không có gì chắc chắn rằng bạn có thể uống luôn mà không gặp phải vấn đề gì. Chính vì thế, hãy áp dụng các phương pháp để làm sạch nước uống bằng công cụ lọc chuyên dụng hoặc sử dụng một tấm vải để lọc nước sau đó đun sôi. Lưu ý rằng phải để nước sôi trong khoảng từ 2 - 3 phút rồi mới uống để tránh tình trạng trong nước có ký sinh trùng gây hại cho cơ thể.
2. Nhóm lửa và giữ lửa
Không sai khi nói rằng lửa là vua của các kỹ thuật sinh tồn. Khi có lửa, bạn sẽ làm sạch được nước, nấu chín thức ăn, giữ hơi ấm, tạo ra ánh sáng, sự thoải mái và hơn hết là còn có thể phát tín hiệu cầu cứu. Bên cạnh đó, lửa cũng sẽ giúp bạn tăng khả năng sinh tồn vì có thể giữ khoảng cách với những kẻ săn mồi. Có thể nói rằng, nhóm lửa và giữ lửa chính là một trong các kỹ năng sống cơ bản mà ai cũng đều nên biết.
Chính vì thế, lời khuyên dành cho bạn đó là nên biết ít nhất hai cách để nhóm lửa. Trước tiên, bạn hãy tìm những cành củi khô, nứt nẻ và chết trên mặt đất hoặc cũng có thể sử dụng những cây cỏ đã khô và xếp thành hình ngọn tháp để lửa được lan ra nhanh chóng. Sau đó, nếu như trong người bạn có một chiếc bật lửa thì chắc chắn việc nhóm lửa sẽ dễ dàng hơn.
Hay bạn có một chiếc kính lúp thì cũng hoàn toàn có thể tạo ra lửa bằng cách tận dụng ánh sáng mặt trời và dựa trên nguyên lý hội tụ tại một điểm cố định để làm chúng cháy sau một thời gian. Tuy nhiên, với cách nhóm lửa này thì điều kiện thời tiết sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tốt nhất là bạn nên chọn vào lúc mặt trời đã lên cao, thường thì sẽ trong khoảng từ 11 giờ trưa cho đến 2 giờ chiều.
Còn trong trường hợp trên người bạn không có bất kỳ một vật dụng nào để tạo lửa thì có thể sử dụng những viên đá. Đây là một phương pháp thô sơ đã được sử dụng từ thời xa xưa nhưng vẫn rất hữu ích cho kỹ năng sinh tồn ngày nay. Với cách này, bạn nên ưu tiên chọn những cành cây nhỏ hoặc cỏ khô vì chúng dễ bắt lửa để tạo thành một mớ bùi nhùi. Tiếp đến, đặt chúng lên một tảng đá và lấy một viên đá khác đè lên rồi ma sát cực mạnh, liên tục và nhanh dần đều. Khi lực ma sát đủ lớn, bùi nhùi sẽ cháy và tạo ra ngọn lửa. Sau đó, bạn có thể bỏ những cành cây khô to và chắc hơn để ngọn lửa được giữ lâu.
3. Xây dựng nơi trú ẩn tạm thời
Nếu như bạn không có lều thì cần phải xây dựng một nơi trú ẩn để có thể sinh tồn. Đồng thời, điều này cũng sẽ tránh việc bạn gặp phải những loài động vật hoang dã nguy hiểm và giúp cho nhiệt độ cơ thể không bị hạ xuống quá nhiều về ban đêm.
Xây dựng nơi trú ẩn tạm thời là kỹ năng sinh tồn trong rừng mà bạn hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ vào cấu trúc hoặc sự hình thành tự nhiên như tường, mặt đá, cây đổ,.... Hay bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm những cột gỗ chắc chắn để làm thành khung, phủ thêm một lớp lá lên trên để không gian bên trong trở nên ấm hơn. Lưu ý rằng đối với vị trí trú ẩn, bạn cần tìm ở những nơi tránh xa các mối nguy hiểm và lều nên có khả năng cách nhiệt tốt.
4. Xác định phương hướng
Biết cách điều hướng đường đi mà không cần dùng đến công nghệ cũng là một trong các kỹ năng sinh tồn quan trọng và cần thiết, đặc biệt là khi bạn có một chuyến thám hiểm ở vùng sâu vùng xa. Thông thường, trong rừng sẽ không có sóng nên bạn đừng trông đợi vào những thiết bị thông minh. Thay vào đó, hãy sử dụng một vài cách đơn giản như:
- Tìm điểm cao: Mặc dù cách này không phải lúc nào cũng thiết thực nhưng bạn cũng không nên bỏ qua. Bạn có thể đi lên ngọn đồi gần nhất, hoặc thậm chí là leo lên một cái cây để xác định hướng đường đi tốt hơn. Bởi vì từ trên cao, bạn sẽ thấy được đích đến mà mình cần phải di chuyển.
- Dựa vào Mặt Trời: Ngoại trừ cực Nam và cực Bắc thì dù cho bạn có ở đâu trên hành tinh này, Mặt Trời cũng đều sẽ di chuyển từ hướng Đông sang hướng Tây. Nhờ vào sự di chuyển của Mặt Trời mà bạn có thể xác định hướng đi dễ dàng hơn. Một mẹo đó là bạn hãy lấy một cây gậy dài và ấn xuống đất, sau đó đánh dấu nơi đất có bóng của đầu que. Đợi vài phút xem bóng đã di chuyển theo hướng nào thì đó chính là hướng Đông.
- Sử dụng la bàn: Mang theo la bàn và biết cách đọc chính là kỹ năng quan trọng mà bạn cần phải biết nếu như đi lạc trong rừng sâu. Sử dụng la bàn sẽ giúp bạn điều hướng xác định vị trí của Bắc, Nam, Đông, Tây và kết hợp cùng với bản đồ sẽ nhanh chóng tìm được đường trở về.
5. Tìm kiếm thức ăn
Những người đi cắm trại dài ngày hoặc thám hiểm vùng hoang dã có thể phụ thuộc vào việc tìm kiếm các loại cây ăn được hoặc săn thú rừng để sinh tồn. Một số nguồn thức ăn phổ biến bao gồm cỏ đuôi mèo, quả sồi và cây tầm ma (nếu luộc chín), củ, hoa hồng, cỏ dại, cỏ thi và chuối. Nhưng trước khi kiếm ăn, hãy đảm bảo rằng bạn biết chế biến đúng cách vì nếu như ăn nhầm thực vật có thể gây hại cho cơ thể.
6. Giữ bình tĩnh
Hơn hết kỹ năng sinh tồn trong rừng nào khác thì thái độ bình tĩnh sẽ quyết định đến việc bạn có sống sót để vượt qua được tình huống khó khăn và nguy hiểm này không. Trong đó, trước tiên cần phải biết về “quy tắc số ba” để chỉ các giới hạn của con người đó là:
- 3 phút không có không khí.
- 3 giờ nếu mất nhiệt.
- 3 ngày không có nước.
- 3 tuần không có thức ăn.
Với quy tắc này, bạn cũng có thể hiểu trước tiên mình phải thở được, sau đó là tìm kiếm nơi trú ẩn, tiếp đến là nước uống và cuối cùng chính là thức ăn thì mới tiếp tục tồn tại được. Việc có thể sống sót trong tình huống khó khăn đòi hỏi bạn cần phải có sự bình tĩnh, tâm thế vững vàng và ý chí kiên cường.
Nếu như trong trường hợp bạn bị lạc khỏi một đoàn người, lúc này đừng hoảng sợ mà hãy áp dụng quy tắc STOP để sinh tồn đó là:
- S (Stop - dừng lại): Đừng cố di chuyển mà hãy dừng lại ngay chỗ bạn đứng, hít một hơi thật sâu để có thể lấy lại được bình tĩnh.
- T (Think - suy nghĩ): Hãy nghĩ xem bạn đang có những gì trong tay để sinh tồn? Liệu rằng thức ăn dự trữ có thể dùng được trong mấy ngày?
- O (Observe - quan sát): Bạn hãy xem xung quanh trời đã tối chưa, nhiệt độ có đang giảm xuống hay không và liệu rằng nơi này có thể sinh tồn được không? Điều này sẽ giúp bạn xác định được phương hướng phù hợp.
- P (Plan - lên kế hoạch): Bạn hãy vạch ra một kế hoạch sinh tồn dựa theo các nguyên tắc quan trọng cùng với những gì mình đã suy nghĩ và quan sát được.
7. Kiến thức về thiên nhiên
Khi hiểu về thiên nhiên, bạn sẽ càng có thêm nhiều cơ hội để sống sót. Ví dụ như nếu bạn biết theo dõi động vật hoang dã thì có thể tìm được thức ăn và nước uống cũng như thoát khỏi hiểm nguy khi bị chúng tấn công. Hay dựa vào kiến thức về thực vật, bạn sẽ biết được loại nào ăn được, loại nào không ăn được. Hoặc đó còn là cách xác định phương hướng để tìm được đường đi, thoát khỏi tình huống khó khăn. Nói chung, kiến thức về tự nhiên là một kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã quan trọng, ngang hàng với tất cả các yếu tố trên.
Một số kỹ năng sinh tồn trong các tình huống rủi ro cụ thể
1. Thoát ra khỏi vùng ghềnh, thác đổ
Nếu như trong trường hợp bạn bị rơi vào vùng ghềnh, ngay lập tức cần phải bắt lấy bất cứ thứ gì đó chắc chắn xung quanh càng sớm càng tốt, ví dụ như tảng đá hoặc cành cây mọc cố định hai bên để ngăn việc bị kéo vào vùng nguy hiểm hơn. Ngay cả khi nước cạn, bạn cũng không nên vội vàng đứng lên đi vào bờ. Bởi vì như vậy, bạn có thể bị dòng nước kéo xuống thêm một lần nữa. Thay vào đó, tốt nhất bạn nên cố gắng bơi đến bờ gần nhất.
Còn nếu như bị rơi vào vùng thác nước đổ, một trong những kỹ năng phòng tránh đuối nước đó là bạn cần phải hít một hơi thật sâu để chuẩn bị tinh thần bơi qua đó. Hãy cố gắng để làm chủ được tình hình ngay khi xuống nước. Sau đó, vòng một tay quanh đầu, dùng khuỷu tay còn lại để bịt kín mũi tránh tình trạng sốc nước. Tiếp đến, bạn hãy căng cơ, ấn chân và bàn chân vào nhau, ngậm chặt miệng, nhắm mắt. Ngay khi bạn vừa chạm vào mặt nước thì hãy cố gắng bơi ra khỏi vùng thác.
2. Cách thoát khỏi vùng cát lún
Trong một vài trường hợp, khi đang đi ở biển hoặc sa mạc thì bạn có thể sẽ gặp phải vùng cát lún. Để thoát ra, trước tiên bạn hãy dồn trọng tâm cơ thể về bên phải, rồi lắc chân trái để từ từ đưa lên. Khi chân trái nhấc lên được khỏi vũng cát, hãy đặt đầu gối trong tư thế quỳ. Tiếp theo, lại dồn trọng tâm về bên chân trái, nghiêng người về phía trước để lắc chân phải cho đến khi đưa chân được lên trong tư thế quỳ. Cuối cùng, bạn hãy nhanh chóng di chuyển ra khỏi vùng cát này.
3. Cách sơ cứu khi bị rắn cắn
Nhiều người vẫn nghĩ rằng nếu như bị rắn cắn thì cần phải nhanh chóng hút chất độc ra. Tuy nhiên, thực tế thì nọc độc của rắn xâm nhập vào máu rất nhanh và không chỉ tích tụ lại xung quanh vết cắn. Chính vì thế nên việc hút độc không những không mang lại hiệu quả mà còn khiến cho độc đi vào thực quản. Trong trường hợp này, cách sơ cứu đúng khi bị rắn cắn đó là nên giữ cho vị trí vết thương thấp hơn tim, uống thật nhiều nước và đi đến bệnh viện nhanh nhất có thể.
4. Cách gạt sương mù trên cửa kính xe hơi
Khi di chuyển trên đường, vào những ngày âm u, có sương mù sẽ khiến cho tầm nhìn bị hạn chế, nguy hiểm hơn là dẫn đến các vụ tai nạn có thể xảy ra. Để làm rõ tầm nhìn, bạn chỉ cần dùng một nửa củ khoai tây chà vào kính chắn gió bên trong của xe hơi. Lưu ý rằng nên dùng phần thịt để tinh bột được trải đều khắp bề mặt kính. Đợi đến khi phần tinh bột này khô thì kính xe của bạn cũng được hấp thụ hết sương mù.
5. Cách sống sót khi cá mập tấn công
Mọi người vẫn hay truyền tai nhau rằng nếu như bị cá mật cắn thì hãy đấm thật mạnh vào mũi nó. Điều này không sai, nhưng liệu rằng có mấy ai đủ sức mạnh để có thể làm được? Hơn nữa, nếu như cú đấm không đủ mạnh thì con mập sẽ nghĩ rằng bạn đang khiêu khích nó và trở nên càng hung hãn hơn.
Vậy nên, cách sinh tồn trong trường hợp này đó chính là dùng một vật thể rắn để chọc vào mắt hoặc mang của con cá. Dù cho, xác suất gặp phải cá mập là không nhiều nhưng bạn cũng cần phải biết để bảo vệ bản thân mình tốt hơn trong môi trường hoang dã.
6. Kỹ năng sinh tồn trong đám đông hỗn loạn
Trong một đám đông, mọi tác động đều là phản ứng dây chuyền. Cụ thể là khi bạn đẩy người lân cận thì đồng thời họ cũng sẽ đẩy người bên cạnh họ nữa cho đến khi có một chướng ngại vật chặn lại. Sự thúc đẩy này sẽ được khuếch đại, giống như một làn sóng rồi quay trở về phía bạn. Đám đông sụp đổ và đè nén là một điều kinh khủng và cũng thường xuyên xảy ra trên khắp thế giới. Trong đó, gần đây nhất đó chính là vụ việc tai nạn tại Itaewon của Hàn Quốc dẫn đến 154 ca tử vong.
Từ thảm kịch đáng tiếc đã xảy ra này đã giúp ta có nhận thức đúng đắn hơn khi mắc kẹt trong một đám đông cũng như rút ra bí quyết sinh tồn đáng nhớ đó là:
- Luôn cảnh giác các dấu hiệu nguy hiểm và hãy rời đi khi bạn thấy đám đông trở nên đặc kín.
- Luôn đứng vững trên hai chân và đừng để bất cứ thứ gì trở thành vật cản đường phía trước. Bởi vì một khi bạn ngã sẽ trở thành chướng ngại vật khiến cho những người xung quanh ngã theo và dẫn đến hiệu ứng dây chuyền hoặc hiệu ứng domino. Khi đó, cả dòng người sẽ ngã theo và dẫn đến “đám đông đè nát”.
- Bảo vệ không gian quanh ngực, để phổi có thể hít thở.
- Mọi động tác trong một đám đông sẽ là phản ứng dây chuyền. Vậy nên, nếu trong trường hợp bạn bị đẩy thì đừng đẩy lại mà hãy thuận theo “dòng chảy” này.
- Hãy tránh tường và những vật cản. Bởi vì nếu như đứng gần tường, bạn sẽ rất khó để di chuyển và dễ bị làn sóng nghiền ép.
- Bạn cần phải biết cách phát hiện mật độ đám đông bởi vì sẽ có một ngưỡng giới hạn cho những con số này. Cụ thể, nếu dưới 5 người / m2 thì được coi là ồn, không dễ chịu. Trên 6 người / m2 thì đã bắt đầu xuất hiện nguy hiểm. Còn khi từ 8 người / m2 sẽ rất dễ xảy ra chấn thương hay thậm chí là nghiêm trọng hơn. Vậy nên, nếu mật độ ở mức 6 người / m2 thì hãy rời đi ngay lập tức.
- Hãy giúp đỡ và thân thiện với những người xung quanh để lan tỏa thái độ, hành vi tích cực, điều đó sẽ giúp cho tình hình bớt tồi tệ đi.
Trang bị cho mình kỹ năng sinh tồn sẽ giúp bạn vượt qua mọi tình huống bất ngờ không lường trước. Đây đều là những kỹ năng nhìn thì có vẻ như khá cơ bản nhưng lại vô cùng quan trọng mà mỗi chúng ta cần phải biết. Hi vọng rằng từ những chia sẻ của đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h, bạn đã có cho mình những thông tin bổ ích và biết được mình cần phải làm gì trong từng tình huống cụ thể.