Chu kỳ sống của sản phẩm là gì? Chiến lược và ví dụ thực tế

Trong hoạt động kinh doanh, không một sản phẩm nào có thể giữ mãi vị trí của mình trên thị trường mà thường sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Từ lúc mới ra mắt lần đầu tiên, được khách hàng quan tâm cho đến giai đoạn sản phẩm có lượng mua tăng trưởng và cuối cùng là thời điểm không còn phù hợp với nhu cầu, xu hướng của thị trường. Một hành trình diễn ra như vậy được gọi là chu kỳ sống của sản phẩm.

Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp rất quan tâm nghiên cứu để tìm ra những chiến dịch marketing phù hợp. Chính vì vậy, việc hiểu được chu kỳ sống của sản phẩm và chiến dịch phát triển cho từng giai đoạn sẽ giúp bạn đưa ra các phương án hợp lý nhằm đạt được lợi nhuận tối đa.
 

Chu kỳ sống của sản phẩm và chiến dịch phát triển cho từng giai đoạn
 

Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?

Chu kỳ sống của sản phẩm còn có tên gọi khác bằng tiếng Anh là product life cycle. Vậy product life cycle là gì? Đây được hiểu là quá trình mà một sản phẩm trải qua khi được đưa vào thị trường từ lần đầu tiên cho đến khi suy thoái và bị loại bỏ.

Thông thường, vòng đời của một sản phẩm sẽ bao gồm bốn giai đoạn đó là giới thiệu, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái. Có thể nói, một vòng đời sản phẩm dài hay ngắn là còn tùy thuộc vào thị trường, ngành nghề kinh doanh cũng như những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc phát triển và cải thiện thiện sản phẩm.

Các giai đoạn trong chu kỳ sống của sản phẩm

Giai đoạn 1: Phát triển sản phẩm mới (market introduction and development)

Khi một sản phẩm được tạo ra, doanh nghiệp sẽ bắt đầu giới thiệu đến thị trường. Trong giai đoạn này, sản phẩm sẽ được tung ra lần đầu tiên và thường là thời điểm có lợi nhuận cao trong vòng đời của sản phẩm. Mặc dù điều này không có nghĩa sẽ tạo nên thành công cuối cùng cho sản phẩm.

Trong giai đoạn giới thiệu, doanh nghiệp thường đầu tư khá nhiều thời gian, công sức và ngân sách cho việc marketing, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Thông qua đó, doanh nghiệp cũng có thể hiểu được cách khách hàng của mình phản ứng với sản phẩm như thế nào. Cụ thể ở đây là họ có thích hay không, điều này cũng thể hiện mức độ thành công của sản phẩm mới. Đây cũng là giai đoạn cần đến sự đầu tư chi phí lớn từ doanh nghiệp nhưng không có gì đảm bảo rằng có thể lấy lại được vốn.

Mục tiêu chính trong giai đoạn này đó chính là xây dựng nhu cầu và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với hi vọng sẽ thu được lợi nhuận khi sản phẩm ngày càng trở nên phổ biến.
 

Chu kỳ sống của sản phẩm
 

Giai đoạn 2: Phủ sóng và tăng trưởng (market growth)

Trong giai đoạn phủ sóng và tăng trưởng, khách hàng của bạn sẽ bắt đầu tiếp cận và mua sản phẩm nhiều hơn. Điều đó cũng có nghĩa là sản phẩm đã ngày càng trở nên phổ biến và giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng. Lúc này, các công ty đối thủ cũng đã dần nhận ra được sự thu hút của sản phẩm đối với thị trường, điều này cũng bắt đầu dẫn đến sự cạnh tranh.

Trong trường hợp này, bạn cần đẩy mạnh đầu tư vào quảng cáo và khuyến mãi để có thể đánh bại đối thủ. Vì sản phẩm ngày càng phát triển nên bản thân thị trường cũng có xu hướng mở rộng hơn. Khi đó, những tinh chỉnh về chức năng và tính năng của sản phẩm cũng cần được thực hiện.

Khi doanh nghiệp mở rộng thị trường, sự cạnh tranh với các đối thủ là điều không thể tránh khỏi. Lúc này, việc giảm giá bán để làm cho sản phẩm đủ sức cạnh tranh được xem là điều tất yếu. Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng về điều này vì doanh số bán hàng thường sẽ tăng và tiếp tục tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp. Có thể nói, tiếp thị trong giai đoạn tăng trưởng chính là cách để gia tăng thị phần cho sản phẩm.

Giai đoạn 3: Đạt đỉnh và bão hòa (market maturity)

Sau một thời gian sản phẩm tăng trưởng thì doanh số bán hàng sẽ có xu hướng chậm lại, điều này đang báo hiệu cho một thị trường bão hòa. Khi đó, doanh số bán hàng có thể sẽ bắt đầu giảm xuống, định giá của sản phẩm ở giai đoạn bão hòa có xu hướng cạnh tranh, làm cho tỷ suất lợi nhuận bị thu hẹp vì sức ép từ các công ty đối thủ tăng lên và nhu cầu của người dùng dần thấp hơn.

Trong thời điểm này, các hoạt động marketing được thực hiện là để chống lại sự cạnh tranh. Đồng thời, bạn cũng có thể phát triển sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm cũ để tiếp cận các phân khúc thị trường khác nhau.

Giai đoạn 4: Suy thoái (market decline)

Mặc dù, các doanh nghiệp luôn cố gắng giữ cho sản phẩm của mình tồn tại trong giai đoạn bão hòa lâu nhất có thể nhưng điều này cũng không thể tránh khỏi được sự suy thoái. Trong giai đoạn này, doanh số bán hàng giảm đáng kể do hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi. Lúc này, sản phẩm sẽ dần mất đi thị phần, bên cạnh đó sự cạnh tranh lại càng khiến cho doanh số sụt giảm nhanh chóng. Marketing trong giai đoạn suy thoái cũng được thực hiện ở mức tối thiểu hoặc nhắm mục tiêu vào các khách hàng trung thành bằng cách giảm giá.

Cuối cùng, sản phẩm sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thị trường nếu như không thể thay đổi để phù hợp với nhu cầu khách hàng. Ví dụ như thiết bị máy đánh chữ đang ở giai đoạn suy thoái và trên thực tế là gần như đã biến mất khỏi thị trường.
 

Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?
 

Chiến lược marketing cho các chu kỳ sống của sản phẩm / dịch vụ

Chiến lược marketing đều cần thiết ở hầu hết tất cả các giai đoạn trong chu kỳ sống của sản phẩm. Ở mỗi giai đoạn sẽ có các phương pháp và cách triển khai khác nhau, tuy nhiên nhìn chung thì nhiệm vụ chính của những người làm marketer chính là tăng độ nhận diện thương hiệu, để khách hàng của bạn có ý thức về sự tồn tại của sản phẩm trên thị trường. Trong đó, chiến lược marketing mix (7P) thường được sử dụng để làm nền tảng trong việc đưa ra các hoạt động phù hợp trong từng giai đoạn.

1. Chiến lược marketing cho giai đoạn triển khai, ra mắt sản phẩm

Trong giai đoạn triển khai, ra mắt sản phẩm thì mục tiêu mà những marketer cần hướng đến đó là tăng độ nhận diện, quảng bá sản phẩm và đưa ra các hướng dẫn cần thiết để khách hàng của bạn hiểu về cách sử dụng sản phẩm. Bởi vì nhóm khách hàng thường hướng đến ở đây là những người thích tìm hiểu và trải nghiệm những điều mới. Cụ thể, chiến dịch marketing mix trong giai đoạn triển khai, phát triển sản phẩm được thực hiện như sau:

- Sản phẩm: Trong giai đoạn này, sản phẩm cơ bản mới được ra mắt trên thị trường và điều bạn cần làm là giới thiệu để nhiều người biết đến.

- Giá: Vì sản phẩm mới ra mắt trên thị trường nên việc định giá cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng. Ở giai đoạn này, bạn có thể định giá dựa trên các cách phù hợp tùy thuộc vào lĩnh vực. Ví dụ, đối với các sản phẩm công nghệ thì doanh nghiệp thường định giá dựa trên chiến lược "hớt váng". Có nghĩa là ban đầu, sản phẩm sẽ được định giá cao nhằm thu được lợi nhuận tối đa trong thời gian đầu, sau đó giá sẽ giảm dần theo thời gian. Còn đối với ngành hàng tiêu dùng thiết yếu thì chiến lược giá thâm nhập thị trường luôn là sự ưu tiên hàng đầu. Việc này được thực hiện bằng cách ban đầu đưa ra giá bán thấp cho sản phẩm để nhận được sự quan tâm của khách hàng và đẩy mạnh độ nhận diện thương hiệu. Sau đó, tùy vào tình hình thị trường mà giá của sản phẩm sẽ có sự điều chỉnh sao cho phù hợp.

- Kênh phân phối: Trong giai đoạn đầu, kênh phân phối đóng vai trò lớn để khách hàng biết đến sự có mặt của sản phẩm và nhìn nhận ra giá trị, do đó khi lựa chọn kênh phân phối cần phải phù hợp với ngành hàng và định vị. Ví dụ, đối với các sản phẩm cao cấp thì kênh phân phối cũng cần phải cùng phân khúc, nếu không doanh nghiệp sẽ khó thu hút đúng nhóm khách hàng mục tiêu và khi họ nhìn vào cũng sẽ có sự đánh giá sai về sản phẩm, làm ảnh hưởng đến mục tiêu của doanh nghiệp.

- Chiêu thị: Khi sản phẩm mới được ra mắt, doanh nghiệp nên đẩy mạnh giới thiệu bằng cách đầu tư ngân sách vào quảng cáo. Bên cạnh các kênh quảng cáo, tiếp thị truyền thống như: banner, poster, tivi, báo đài,... thì các kênh online cũng là sự lựa chọn hàng đầu bạn nên tận dụng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tạo ra các chương trình dùng thử, khuyến mãi để thu hút khách hàng hơn.

- Con người: Khách hàng của bạn lúc này thường là người tiêu dùng mới, do đó việc thường xuyên thực hiện các cuộc nghiên cứu, khảo sát để đưa ra phương án cải tiến sản phẩm phù hợp với người dùng là điều cần thiết. Bên cạnh đó, bộ phận marketing trong công ty cũng cần được nâng cao chất lượng về mặt nhân sự để tạo ra một chiến dịch thành công.

- Quy trình: Một chiến dịch ra mắt sản phẩm mới được đánh giá là thành công khi có độ nhận diện thương hiệu cao với chi phí tối ưu nhất. Để làm được điều này thì bạn cần phải liên tục nghiên cứu nhằm đưa ra những thay đổi phù hợp cho chiến dịch. Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, có rất nhiều công cụ marketing sẽ hỗ trợ bạn trong việc đo lường hiệu quả.

- Cơ sở vật chất: Bạn cần tích cực xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, để sản phẩm được khách hàng biết đến nhiều hơn, ví dụ như: bao bì sản phẩm, logo, slogan,....
 

Product life cycle là gì?
 

2. Chiến lược marketing cho giai đoạn tăng trưởng

Bước sang một giai đoạn mới cũng đồng nghĩa với việc mục tiêu cho sản phẩm sẽ thay đổi theo. Trong giai đoạn tăng trưởng, mục tiêu chung cho sản phẩm mà những nhà tiếp thị cần quan tâm đó chính là tăng tốc độ sản xuất, đẩy mạnh việc bán hàng và mở rộng thị trường để mình trở thành người dẫn đầu. Đối tượng mà bạn cần phải tập trung quan tâm đó chính là những khách hàng có khả năng thích nghi nhanh với sản phẩm. Việc xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh ở giai đoạn này sẽ bao gồm:

- Sản phẩm: Khi giai đoạn đầu tiên kết thúc, lúc này doanh nghiệp đã có được những dữ liệu quan trọng về phản hồi của khách hàng. Điều bạn cần làm đó chính là dựa trên những thông tin này để tiến hành cải thiện chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng.

- Giá: Chiến lược giá đối với các sản phẩm phổ thông thì bạn có thể dựa trên giá vốn hàng bán. Còn với các mặt hàng cao cấp thì việc định giá còn đi kèm theo giá trị sản phẩm mang lại, ví dụ như lợi ích vô hình của sản phẩm.

- Kênh phân phối: Khi nhu cầu tiêu dùng của khách hàng đang ở mức cao, doanh nghiệp cần tạo điều kiện tốt nhất để những người tiêu dùng dễ dàng mua được sản phẩm bằng cách mở rộng mạng lưới phân phối.

- Chiêu thị: Sản phẩm đã được nhiều người biết đến nên lúc này bạn có thể cắt bỏ một số kênh tiếp thị không cần thiết, chỉ cần phát triển một số kênh mang lại hiệu quả cao.

- Con người: Nên duy trì mối quan hệ thân thiết với các bên đối tác để đảm bảo nguồn nguyên vật liệu được cung cấp tốt nhất, giúp cho quá trình sản xuất diễn ra thuận lợi. Đồng thời, cần gia tăng hiệu suất làm việc của nhân viên để đảm bảo cung cấp đủ số lượng sản phẩm đến khách hàng.

- Quy trình: Doanh nghiệp có thể cân nhắc để cắt bỏ một vài chi phí phát sinh không cần thiết.

- Cơ sở vật chất: Tập trung đầu tư vào trang thiết bị để tối ưu về mặt hiệu suất.
 

Chu kỳ sống sản phẩm
 

3. Chiến lược marketing cho giai đoạn bão hòa

Sau một thời “hoàng kim” của sản phẩm thì việc bão hòa là điều không thể tránh khỏi. Trong giai đoạn này, bạn cần tập trung vào việc cố gắng giữ vững thị phần của doanh nghiệp bằng cách chăm sóc khách hàng trung thành. Cụ thể, chiến lược marketing cho giai đoạn bão hòa được thực hiện như sau:

- Sản phẩm: Cố gắng duy trì nhu cầu sử dụng của khách hàng bằng cách chăm chút đầu tư vào chất lượng và mẫu mã của sản phẩm.

- Giá: Trong giai đoạn này, giá thành của sản phẩm sẽ còn phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể, nếu sản phẩm của bạn có mức độ cạnh tranh thấp có thể tiếp tục duy trì mức giá hiện tại. Nhưng nếu có nhiều đối thủ cũng sở hữu sản phẩm tương tự như của bạn thì nên cân nhắc định giá ngang hoặc thấp hơn đối thủ.

- Kênh phân phối: Nên cân nhắc loại bỏ các kênh bán hàng không hiệu quả, chỉ tập trung vào những kênh mang lại kết quả tốt.

- Chiêu thị: Đưa các ra phương án tiếp thị đánh mạnh vào giá trị và sự khác biệt của sản phẩm.

- Con người: Trong giai đoạn này, bạn nên tập trung để xây dựng mối quan hệ tốt với người tiêu dùng bằng cách thường xuyên tương tác và có các kế hoạch chăm sóc khách hàng để giữ chân họ.

- Quy trình: Không tập trung quá nhiều vào việc sản xuất mà thay vào đó nên tối ưu quy trình bán hàng và cải thiện hệ thống thanh toán để mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng.

- Cơ sở vật chất: Khi đã đến giai đoạn này, bạn không cần đẩy mạnh việc tăng nhận diện thương hiệu mà thay vào đó hãy quan tâm đến tần suất xuất hiện của sản phẩm để không bị lãng quên trong tâm trí khách hàng.

Chu kỳ sống của sản phẩm/dịch vụ

4. Chiến lược cho giai đoạn suy thoái của sản phẩm

Sau giai đoạn bão hòa, sản phẩm sẽ bước sang giai đoạn suy thoái và dần rút chân ra khỏi thị trường. Trong giai đoạn này, khách hàng của bạn cũng không còn nhiều vì họ đã tìm thấy những sản phẩm mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho nhu cầu của mình. Chính vì vậy, nhóm khách hàng mà bạn cần quan tâm ở đây sẽ là những người chấp nhận sử dụng sản phẩm lỗi thời, không quan tâm đến xu hướng thị trường. Cụ thể, chiến lược marketing mix cho giai đoạn suy thoái bao gồm:

- Sản phẩm: Hạn chế sản xuất số lượng lớn sản phẩm để tránh tình trạng tồn đọng quá nhiều hàng hóa trên thị trường và tối ưu giảm chi phí quản lý hàng tồn kho. Quá trình này nên diễn ra từ từ vì ban đầu còn nhiều người vẫn đang sử dụng sản phẩm của bạn.

- Giá: Thực hiện các chương trình giảm giá, tăng phần trăm chiết khấu để sản phẩm được bán nhanh hơn.

- Kênh phân phối: Những kênh bán hàng không hiệu quả nên cắt bớt đi, điều này vừa là để tiết kiệm chi phí, vừa là từ từ rút chân ra khỏi thị trường.

- Chiêu thị: Đẩy mạnh việc bán hết hàng hóa bằng cách thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi.

- Con người: Chuyển dần nguồn nhân lực sang việc phát triển sản phẩm mới. Đồng thời, tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp cho sản phẩm mới này.

- Quy trình: Cắt bỏ một số quy trình không cần thiết để giảm chi phí phát sinh.

- Cơ sở vật chất: Không xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này mà sẽ tập trung triển khai chiến lược marketing cho sản phẩm mới.
 

Các giai đoạn trong chu kỳ sống của sản phẩm
 

Ví dụ về chu kỳ sống của sản phẩm

Ví dụ chu kỳ sống của sản phẩm Iphone

Apple là một trong những hãng điện thoại lớn và nổi tiếng hàng đầu thế giới, thường xuyên cho ra mắt các dòng sản phẩm Iphone khác nhau và luôn tạo ra cơn sốt trong cộng đồng người tiêu dùng. Trong đó, một ví dụ chu kỳ sống của sản phẩm điển hình bạn có thể thấy đó chính là Iphone 6 và Iphone 6 plus.

Cụ thể, trong giai đoạn ra mắt sản phẩm, Iphone đã thực hiện truyền thông ý tưởng từ sớm bằng cách cung cấp thông tin để các blogger, trang báo điện tử viết bài về sự kiện sắp ra mắt này. Đồng thời, Iphone 6 cũng giống như một nhà tiên phong để người dùng thay đổi suy nghĩ về các sản phẩm công nghệ cũng như làm cho toàn bộ ngành công nghiệp có liên quan phải thay đổi. Ngoài ra, Apple còn nhận các đơn đặt hàng trước và đưa ra những thông tin làm cho khách hàng tò mò về sản phẩm Iphone 6 và Iphone 6 plus.

Trong giai đoạn tăng trưởng, trước khi đưa ra sản phẩm thì Apple đã từng bước hé lộ về thông tin, số liệu nhằm thu hút sự quan tâm không những đối với khách hàng mục tiêu mà còn với những người yêu công nghệ. Khi mới ra mắt, chiến lược giá của Iphone ở mức khá cao, sau một thời gian thì dần dần hạ xuống và được phân phối tại những nhà phân phối tiềm năng. Lúc này, khách hàng đã biết nhiều đến sản phẩm thông qua những quảng cáo trước đó nên Apple cũng không cần chi quá nhiều tiền cho truyền thông.

Khi sản phẩm bước sang giai đoạn bão hòa có nghĩa là doanh số bắt đầu chậm lại. Trong giai đoạn này, Apple đã xây dựng chiến lược chung là củng cố thương hiệu để đánh vào nhóm khách hàng trung thành. Sau một thời gian, có nhiều báo cáo về lỗi camera trên sản phẩm, đây cũng là lúc Iphone 6 và Iphone 6 plus bước qua giai đoạn suy thoái khi chuyển dần sang phân khúc tầm trung, Lúc này, các phiên bản đặc biệt đã ngừng sản xuất, chỉ còn lại các phiên bản thường và bán ở mức giá thấp. Cuối cùng, đến ngày 07/09/2016, Apple đã chính thức ngừng sản xuất Iphone 6 và Iphone 6 plus.
 

Ví dụ chu kỳ sống của sản phẩm
 

Chu kỳ sống của sản phẩm Coca Cola

Một case study khác bạn cũng có thể tham khảo chính là chu kỳ sống của Coca Cola. Nhờ chiến lược marketing sáng tạo và thông minh, Coca Cola được đón nhận ở nhiều thị trường khác nhau trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Cho đến thời điểm này, sản phẩm cũng đã trải qua bốn giai đoạn trong chu kỳ sống của mình nhưng chỗ đứng trên thị trường vẫn còn rất vững vàng.

Cụ thể vào năm 1883, Coca Cola bước vào giai đoạn phát triển sản phẩm mới nhưng lại cho ra mắt loại thuộc hỗ trợ điều trị. Chính vì ngay từ đầu đã lựa chọn sai sản phẩm nên mức độ phủ sóng của thương hiệu này trở nên hạn chế. Sau một thời gian, Coca Cola đã thay đổi hoàn toàn cục diện của mình khi tham gia vào thị trường nước giải khát. Điều này đã đưa thương hiệu bước sang giai đoạn tăng trưởng một cách nhanh chóng. Đồng thời vào năm 1919, Coca Cola cũng đã mở rộng thị trường của mình ra nhiều nước khác nhau như: Châu Âu, Úc, Pháp,....

Có thể thấy, theo thời gian Coca Cola đã xây dựng được cho mình một hệ thống phân phối sản phẩm rộng lớn trên khắp thế giới. Vào năm 1960, khi đang ở giai đoạn bão hòa thì số lượng nhà máy sản xuất của thương hiệu này đã tăng gấp hai lần và chiếm đến 60% trong tổng số thị phần nước giải khát toàn cầu.

Trong giai đoạn suy thoái, thay vì ngậm ngùi để cho sản phẩm của mình lụi tàn thì Coca Cola lại bắt thực hiện đổi mới đồng loạt sản phẩm, phương pháp quản lý và kênh phân phối. Nhiều giá trị mới cho cả khách hàng và thương hiệu được đưa ra nên có thể thấy được Coca Cola luôn giữ vững “phong độ” của mình và cho đến nay thương hiệu này vẫn chưa bước đến điểm cuối cùng.

Lợi ích của chu kỳ sống sản phẩm / dịch vụ

Chu kỳ sống của sản phẩm được những nhà quản lý doanh nghiệp sử dụng để đưa ra các chiến lược phù hợp. Mỗi chiến lược sẽ có sự thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn khác nhau. Cụ thể, những lợi ích của chu kỳ sống sản phẩm / dịch vụ sẽ bao gồm:

- Xác định chiến lược: Lợi ích đầu tiên của vòng đời sản phẩm mang đến đó chính là giúp bạn xác định các chiến lược cụ thể dựa trên từng giai đoạn. Ví dụ, nếu sản phẩm của bạn đang trong giai đoạn mới ra mắt thì cần đầu tư vào quảng cáo để được nhiều người biết đến hơn.

- Ra quyết định: Mỗi khi có nhiều sự lựa chọn thì bạn sẽ cần thêm dữ liệu để ra quyết định đúng đắn. Lúc này, vòng đời sản phẩm sẽ cung cấp cho các nhà quản trị thông tin về dữ liệu bán hàng cũng như hiệu suất theo thời gian để có thể ra quyết định nhanh hơn.

- Dự báo doanh số bán hàng: Bằng kinh nghiệm của mình, nhà quản lý sẽ dễ dàng hơn trong việc dự báo một sản phẩm sẽ di chuyển như thế nào trong chu kỳ sống của mình cũng như mức doanh số cao nhất có thể đạt được là bao nhiêu.

- Lợi thế cạnh tranh: Bạn cũng có thể biết được vòng đời sản phẩm của đối thủ cạnh tranh bên cạnh việc nắm được sản phẩm của chính mình nếu có được dữ liệu bán hàng. Điều này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn sâu sắc về những chuẩn bị mà đối thủ sẽ phải trải qua. Theo đó, những phân tích này sẽ mang đến lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp khi có thể đi trước đối thủ một bước.

- Biết được giai đoạn suy thoái: Đối với một sản phẩm mà bản thân đặt rất nhiều kỳ vọng và tâm huyết, khi bắt đầu suy thoái chắc hẳn bạn sẽ vô cùng buồn. Tuy nhiên, không một sản phẩm nào có thể tồn tại mãi và chu kỳ sống chính là thước đo hoàn hảo để biết được khi nào những nhà tiếp thị nên đưa ra quyết định loại bỏ một sản phẩm ra khỏi danh sách đầu tư của họ khi doanh số trung bình đã giảm khá nhiều so với mức trung bình của thị trường.
 

Lợi ích chu kỳ sống của sản phẩm
 

Giai đoạn nào trong chu kỳ sống của sản phẩm tốn kém nhiều chi phí nhất?

Một sản phẩm được xem là mới trước khi tung ra thị trường thường phải trải qua rất nhiều bước đánh giá, xem xét, nghiên cứu cũng như đưa các cải tiến, sửa đổi sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đây có thể là một sản phẩm mới hoàn toàn hoặc có một đặc điểm mới, được mở rộng trong giai đoạn đầu của một phân khúc thị trường khác. Lúc này, doanh nghiệp phải tích cực đầu tư cho chi phí marketing để sản phẩm có được độ nhận diện cao hơn.

Tất nhiên, vì trong giai đoạn đầu của chu kỳ sống sản phẩm vẫn chưa có một con số chính xác nào nên tỷ lệ thất bại trong thị trường là khá cao. Chi phí cao, doanh thu thấp, sự phân phối hạn chế và tỷ lệ thiệt hại cao nên giai đoạn triển khai, ra mắt sản phẩm được đánh giá là tốn kém nhiều chi phí nhất. Tuy nhiên, nếu sản phẩm mới của bạn có sự cạnh tranh thấp thì phần chi phí này sẽ được giảm đáng kể.

Lưu ý khi áp dụng product life cycle

1. Doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến vòng đời sản phẩm

Bên cạnh khách hàng thì doanh nghiệp cũng đóng một vai trò rất lớn trong chu kỳ sống của sản phẩm, cụ thể ở đây đó chính là danh tiếng của một doanh nghiệp. Chắc hẳn bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng với một doanh nghiệp có danh tiếng trên thị trường thì khi ra mắt một sản phẩm sẽ được người tiêu dùng đón nhận dễ dàng hơn. Nhờ vậy, trong giai đoạn triển khai, doanh nghiệp cũng tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

Một ví dụ để chứng minh cho điều này đó chính là các dòng sản phẩm Iphone của Apple. Mỗi khi Apple tung ra mô hình sản phẩm dòng Iphone mới, ngay lập tức điều này đã trở thành chủ đề nóng trong cộng đồng và được rất nhiều khách hàng mong đợi. Mọi người sẽ sự truyền thông tin cho nhau về dòng sản phẩm mới này, các trang báo, trang tin tức cũng lấy điều đó trở thành chủ đề nóng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Apple không phải tốn quá nhiều chi phí cho marketing nhưng vẫn có được hiệu quả truyền thông rất tốt.

2. Thời gian phân tích chu kỳ sống không bao giờ là lãng phí

Việc xem xét về vòng đời sản phẩm là cách hiệu quả để bạn có thể đưa ra các phương án, định hướng cho sản phẩm một cách phù hợp. Bởi vì mỗi giai đoạn đều sẽ có một đặc điểm tiêu dùng riêng, bạn cần phải nghiên cứu tỉ mỉ để xác định nên tập trung và cắt giảm những yếu tố nào nhằm đạt được lợi nhuận tối đa. Nếu không làm được như vậy, sản phẩm của bạn sẽ rất khó để cạnh tranh trên thị trường và làm ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.
 

Cách để kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm
 

3. Cách kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm

Khi sản phẩm đã bước sang giai đoạn bão hòa, điều mà các doanh nghiệp thường làm đó chính là tìm ra phương hướng để kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm để ngăn chặn sự suy giảm trên thị trường. Trong đó, một số cách phổ biến thường được áp dụng bao gồm:

- Quảng cáo: Dù cho sản phẩm của bạn đang ở giai đoạn nào thì một chiến dịch quảng cáo được triển khai đúng cách đều mang đến hiệu quả vô cùng lớn. Bạn có thể điều chỉnh thông điệp, thay đổi bao bì để tạo ra một dáng vẻ hoàn toàn mới cho sản phẩm, từ đó tiếp tục quảng bá đến khách hàng cũ cũng như thu hút thêm khách hàng tiềm năng mới.

- Giảm giá: Bạn cũng có thể cố gắng kéo dài chu kỳ sống cho sản phẩm của mình bằng cách thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Điều đó sẽ giúp cho sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn và nhận được sự phản ứng tích cực từ khách hàng.

- Tìm kiếm thị trường mới: Sản phẩm của bạn có thể cũ với thị trường này nhưng cũng có thể là mới với thị trường khác. Chính vì vậy, điều bạn cần làm đó chính là tìm kiếm các thị trường mới hoặc nền tảng mới để sản phẩm được tiếp cận với nhóm khách hàng phù hợp.

4. Không để bảo thủ trở thành “sợi dây” trói buộc

Sản phẩm nào cũng phải trải qua bốn giai đoạn trong chu kỳ sống và khi đã bước sang giai đoạn thứ tư là suy thoái thì bạn không nên cố gắng gượng ép một sản phẩm không còn phù hợp với nhu cầu, xu hướng của thị trường. Lúc này, phương án tối ưu nhất là cải tiến hoặc từ bỏ để tập trung vào nghiên cứu và sản xuất một sản phẩm mới. Việc quá bảo thủ sẽ chỉ giống như một “sợi dây” trói buộc, làm cho doanh nghiệp cứ mãi loay hoay trong những cái cũ mà không tìm ra được hướng đi mới.
 

Chu kỳ sống của sản phẩm và dịch vụ
 

Để hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi và giúp cho doanh nghiệp đạt được lợi nhuận tối đa nhất thì việc xác định chu kỳ sống của sản phẩm là một trong những điều rất quan trọng mà bạn cần quan tâm. Dựa vào điều này, bạn có thể lên các kế hoạch quảng cáo, tiếp thị, sản xuất, phân phối cũng như giá cả và cách sắp xếp nguồn lực nhân sự phù hợp để sản phẩm tiếp cận được với tối đa khách hàng trong từng giai đoạn. Hi vọng rằng từ những chia sẻ của đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h, bạn đã hiểu hơn về chu kỳ sống của sản phẩm và biết được mình cần làm những gì để giúp doanh nghiệp có được kết quả kinh doanh tốt nhất. 

Nội dung liên quan

Tin Kinh doanh khác

CSR là gì? Từ A - Z về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

CSR là gì? Từ A - Z về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

CSR (corporate social responsibility) là chiến lược giúp doanh nghiệp đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan và phát triển bền vững.
Cách phân tích đối thủ cạnh tranh để tối ưu hóa thị phần

Cách phân tích đối thủ cạnh tranh để tối ưu hóa thị phần

Phân tích đối thủ cạnh tranh không chỉ là thu thập thông tin mà còn cả quá trình rút ra bài học để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Lợi thế cạnh tranh là gì? Các mô hình lợi thế cạnh tranh

Lợi thế cạnh tranh là gì? Các mô hình lợi thế cạnh tranh

Trong thị trường kinh doanh, lợi thế cạnh tranh không chỉ là chìa khóa giúp doanh nghiệp tồn tại mà còn quyết định sự phát triển bền vững.
IMC là gì? Giải mã 8 công cụ truyền thông marketing tích hợp

IMC là gì? Giải mã 8 công cụ truyền thông marketing tích hợp

Giải mã IMC và cách kết hợp các phương tiện truyền thông marketing tích hợp để xây dựng thông điệp nhất quán, tạo dấu ấn khó quên.
Customer experience là gì? Các yếu tố then chốt định hình CX

Customer experience là gì? Các yếu tố then chốt định hình CX

Tại sao một số thương hiệu luôn được khách hàng yêu thích và trung thành? Bí quyết nằm ở CX - trải nghiệm khách hàng mà họ mang lại.
SBU là gì? Bí quyết áp dụng chiến lược cấp đơn vị kinh doanh

SBU là gì? Bí quyết áp dụng chiến lược cấp đơn vị kinh doanh

80% tập đoàn lớn trên thế giới đã áp dụng chiến lược cấp đơn vị kinh doanh SBU để tăng cường hiệu quả kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận.