Khi các thế hệ trước dần dần thăng tiến và định vị được bản thân mình trong xã hội cũng là lúc chúng ta mở cửa đón nhận sự chào đời của một thế hệ mới - thế hệ Gen Z. Đây là một cộng đồng trẻ trung, sôi nổi, nhiệt huyết và đầy năng lượng, mang trong mình những tư tưởng bứt phá táo bạo. Mặc dù vậy nhưng chắc hẳn không ít lần chúng ta nghe được nhiều phản ứng trái chiều từ những anh chị đi trước về cá tính “lồi lõm” của thế hệ này trong môi trường làm việc. Vậy Gen Z là gì? Gen Z là từ năm nào? Có gì khác biệt so với thế hệ trước trong cách tiếp cận, nhìn nhận và xử lý vấn đề xảy ra xung quanh? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tất tần tật về thế hệ này cũng như những điểm đặc trưng có 1-0-2 của thế hệ Gen Z nhé.
- Gen Z là gì?
- Khám phá nguồn gốc của tên gọi Gen Z
- Chân dung các thế hệ theo dòng thời gian trước và sau Gen Z
- Đặc điểm của thế hệ Gen Z
- So sánh Gen Z và Gen Y - Khác biệt nhưng không hẳn cách biệt
- Một số định kiến trái chiều về Gen Z trong mắt các thế hệ khác
- Thế hệ Gen Z và làn gió mới tại chốn công sở
- Doanh nghiệp nên thích ứng như thế nào với nhân sự Gen Z?
- 1. Công việc với thời gian linh động, thoải mái
- 2. Lắng nghe và đẩy mạnh kết nối
- 3. Xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng
- 4. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp tích cực
- 5. Cập nhật xu hướng, thích ứng công nghệ
- 6. Thúc đẩy văn hoá đa dạng và hội nhập
- 7. Quan tâm đến sức khỏe tinh thần
- 8. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Gen Z là gì?
Gen Z (Generation Z) hay còn được gọi là thế hệ Z, đây là một thuật ngữ dùng để chỉ nhóm người có năm sinh trong khoảng từ năm 1997 đến 2012. Đa số những ai thuộc Gen Z đều là con của thế hệ X (sinh từ năm 1965 đến 1979), tiếp theo sau thế hệ anh chị Gen Y (Millennials) và trước thế hệ đàn em Gen Alpha (α).
Mặt khác, bởi vì sinh ra trong thời đại của sự bùng nổ công nghệ số và Internet nên Gen Z còn được biết đến bằng nhiều tên gọi khác nhau như Gen-Tech, Internet Generation, Neo-Digital Natives, Homeland Generation, Later – Millennials, iGeneration, Digital Natives, Gen Wii, Net Gen, Centennials, Pluralist Generation, Zoomers,....
Tính đến thời điểm hiện tại thì trên toàn thế giới, cộng đồng Gen Z có khoảng 2,6 tỷ người và chiếm tới gần một phần tư dân số toàn cầu. Nếu xét riêng tại Việt Nam thì Gen Z chiếm khoảng 25% tổng số lực lượng lao động của cả nước, tức là khoảng 15 triệu người.
Khám phá nguồn gốc của tên gọi Gen Z
Như đã nhấn mạnh ở trên, Gen Z là thế hệ tiếp nối theo sau Gen Y (1981-1996) và đa số được sinh ra bởi thế hệ Gen X (1965-1980). Cùng với ra đời của Internet, Gen X xuất hiện rồi dần dần trưởng thành trong một thời kỳ của công nghệ - khoa học tiến bộ lớn mạnh như khám phá không gian và sự phát triển của máy tính. Tuy nhiên, họ không muốn sống dựa vào thành tựu của thế hệ trước mà mong muốn tạo ra điều mới mẻ, do đó được biết đến là Gen X - thế hệ không chấp nhận sự gò bó. Hai thế hệ sau đó lần lượt là Y và Z.
Thuật ngữ "Gen Z" được sử dụng lần đầu tiên trong một bài viết trên tạp chí thương mại toàn cầu Ad Age vào tháng 9/2000, với lý do rất đơn giản vì thế hệ này ra đời ngay sau Gen Y, Gen X nên được gọi là Gen Z. Đây là một cộng đồng được sinh ra trong thời kỳ Internet bùng nổ, không giống như thế hệ Y sinh ra trong quá trình Internet hình thành và phát triển. Có thể nói, Gen Z là thế hệ đầu tiên sinh ra sau khi Internet thực sự lan rộng trên phạm vi toàn cầu.
Bằng cách phân tích khách hàng thành các nhóm dân số khác nhau như Gen Z, Millennials (Gen Y), Baby Boomers (Thế hệ Z), các nhà nghiên cứu thị trường có thể hiểu rõ hơn về tâm lý của khách hàng, từ đó có thể cá nhân hóa các dịch vụ. Mặt khác, theo dòng thời gian thì thế hệ Alpha sẽ tiếp nối Gen Z và cũng hứa hẹn mang lại nhiều điều mới mẻ.
Chân dung các thế hệ theo dòng thời gian trước và sau Gen Z
Để có cái nhìn tổng quan hơn, hãy cùng chúng tôi xem xét một cách ngắn gọn về chân dung các thế hệ theo dòng thời gian trước và sau Gen Z, bao gồm:
- Thế hệ Im lặng (The Silent Generation): đây là thế hệ sinh trước năm 1946, những người phải trải qua những thời kỳ khó khăn nhất của kinh tế và chính trị. Điều này đã tạo nên tính cẩn trọng, tận tâm và khao khát cuộc sống ổn định trong họ. Đây cũng là thế hệ ông bà của nhiều người trẻ Gen Z đời đầu hiện nay.
- Thế hệ bùng nổ dân số (Baby Boomers): sinh ra trong khoảng từ năm 1946 đến 1964 và thế hệ này còn được chia thành hai nhóm chính. Một phần là đã nghỉ hưu và tận hưởng cuộc sống gia đình ổn định bên con cháu. Phần còn lại thường có sự nghiệp ấn tượng với các vị trí cấp cao như CEO, điều này thể hiện sự tham vọng, tính kỷ luật và tập trung vào công việc của họ.
- Thế hệ X (Gen X): bao gồm những người sinh ra từ năm 1965 đến 1980, mặc dù hiện nay đã tiếp xúc với công nghệ nhưng vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn từ nếp sống xã hội cũ. Theo đó, họ được đánh giá là nhóm người có kiến thức, hướng đến công việc ổn định, làm việc độc lập, tự chủ, sáng tạo và linh hoạt.
- Thế hệ Y (Gen Y): sinh từ năm 1981 đến 1996, còn được gọi là Millennial (hoặc Echo Boomers do tỷ lệ sinh đột ngột tăng cao trong thời kỳ này). Đặc điểm đáng chú ý nhất của Gen Y là họ đã trải qua sự bùng nổ nhanh chóng của máy tính cá nhân và Internet, nhờ đó mà thế hệ này mang một bản sắc riêng cũng như giá trị hoàn toàn khác biệt so với thế hệ X.
- Thế hệ Z (Gen Z): là nhóm người trẻ đã trải qua sự biến đổi về cả văn hóa và công nghệ số. Tính cách của họ trở nên độc lập, dám nghĩ dám làm và chú trọng hơn đến trải nghiệm cuộc sống, đồng thời có khả năng tận dụng tối đa giá trị cũng như dịch vụ.
- Thế hệ Alpha (Gen α): đây là lớp trẻ nhất ra đời từ năm 2013 đến 2025, cũng là thế hệ đầu tiên được sinh ra hoàn toàn trong thế kỷ 21 và thiên niên kỷ 3. Ngoài ra, Gen α được coi là "Digital Native" khi chúng là những đứa trẻ sinh ra trong một thời đại mà smartphone, Internet, mạng xã hội và các thiết bị kỹ thuật số đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống đời thường.
Đặc điểm của thế hệ Gen Z
Hầu hết những người thuộc thế hệ Z đã tiếp xúc và sử dụng công nghệ kể từ khi còn rất nhỏ. Vì lẽ đó mà họ tự nhiên tận hưởng sự hiện đại và trải nghiệm những tính năng tiện lợi của thiết bị di động, Internet, mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube, Instagram,.... Ngoài ra, Gen Z còn có khả năng sử dụng và tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng mà không cần phải đầu tư nhiều công sức hay nhất thiết phải có kiến thức kỹ thuật số cao như thế hệ Y.
Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng dân số nhưng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng to lớn của thế hệ Z, đặc biệt là trong việc mua sắm của các gia đình. Đơn giản vì họ có khả năng tiếp cận nguồn thông tin phong phú cũng như dễ dàng nhận ra được sản phẩm nào phù hợp nhất với nhu cầu của mình và gia đình.
Thế hệ Z thường có cái nhìn thực tế hơn, tin vào review của người tiêu dùng hơn là những chiến dịch quảng cáo “có cánh” từ thương hiệu. Thông qua những nền tảng thương mại điện tử, họ có khả năng xem xét và đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như người bán hàng trước khi đưa ra quyết định mua.
Mặt khác, một xu hướng mới trong hành vi mua sắm của Gen Z là họ sẵn lòng chi tiền nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp với giá trị sử dụng lâu dài. Hiểu được điều đó nên nhiều doanh nghiệp ngày nay có xu hướng tập trung vào việc phục vụ những khách hàng tiềm năng như Gen Z bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thông minh phù hợp với thói quen cũng như sở thích của họ.
Hiện nay, không khó để nhìn thấy những người trẻ như Gen Z lên tiếng về sự thật và chia sẻ quan điểm cá nhân của họ. Họ dám phá vỡ các quy tắc cũng như những khuôn mẫu cũ kỹ để chọn con đường riêng và tạo ra sự khác biệt. Ngoài ra, họ sẵn lòng chia sẻ và dũng cảm đối đầu với các vấn đề nhạy cảm như tình dục, bạo lực học đường, bất công,... giúp tạo ra một môi trường cởi mở hơn cho mọi người.
Hơn nữa, thế hệ Z cũng rất trân trọng không gian cá nhân và sự tự do, họ thích sự độc lập cả trong cuộc sống lẫn tài chính, sự nghiệp. Đây là những đặc điểm tính cách quan trọng giúp Thế hệ Z được kỳ vọng sẽ làm nên bùng nổ và đem lại đột phá trong mọi môi trường doanh nghiệp.
Về trang phục, nếu phong cách ăn mặc của thế hệ trước được coi là chuẩn mực thì thế hệ Z lại có xu hướng ăn mặc cá tính, sành điệu hơn để thể hiện bản thân. Họ không quan tâm nhiều đến giới tính vì vậy cách ăn mặc của Gen Z cũng trở nên đa dạng hơn. Có lẽ cũng chính vì điều này mà thế hệ Z đã tạo ra nhiều xu hướng thời trang mới nhưng điều này cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành thời trang.
So sánh Gen Z và Gen Y - Khác biệt nhưng không hẳn cách biệt
Mặc dù có sự cách biệt về thế hệ nhưng khoảng cách giữa Gen Z và Gen Y cũng không quá xa, đặc biệt là đối với nhóm trẻ ở cuối Gen Y và đầu Gen Z bởi lẽ họ cùng tiếp xúc nhiều với công nghệ thời đại kỹ thuật số. Theo đó, một số điểm chung giữa họ có thể kể đến là sự độc lập, mong muốn đóng góp cho cộng đồng và trân trọng tri thức. Không chỉ vậy, cả hai Gen này đều trưởng thành và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật cũng như những phát minh công nghệ tiên tiến. Chính vì thế mà tư duy học hỏi của Gen Y và Gen Z cũng trở nên cởi mở hơn, điều giúp họ nắm bắt được nhiều cơ hội mới trong cuộc sống lẫn sự nghiệp.
Dù vậy, Gen Z vẫn có nhiều điểm khác biệt và nổi bật hơn so với những thế hệ trước đó, đặc biệt là các đàn anh, đàn chị Gen Y bởi tư duy táo bạo "dám nghĩ, dám làm".
Theo nghiên cứu của Đại học Western Governors, thế hệ Z thường được nhìn nhận qua những đặc điểm khác biệt so với thế hệ Gen Y ở các điểm như sau:
- Có xu hướng mơ mộng hơn so với thực tế.
- Tư duy kinh doanh được đánh giá cao hơn.
- Hoạt ngôn hơn và có khả năng cạnh tranh tốt.
- Mưu cầu an toàn, mong muốn được bảo vệ.
- Luôn có mục tiêu rõ ràng về tài chính và sự nghiệp.
Ngoài ra, Tiến sĩ Jean Twenge - tác giả quyển sách iGen nghiên cứu về vấn đề “tại sao những đứa trẻ đang trưởng thành ngày nay thường ít nổi loạn, dễ cảm thông hơn nhưng lại thiếu hạnh phúc” đã chỉ ra một số đặc điểm khác biệt của thế hệ Gen Z so với thế hệ đi trước:
- Gen Z thường dễ dàng thấu hiểu và thể hiện sự đồng cảm với những vấn đề xã hội nhạy cảm như xu hướng tính dục, cách biệt văn hóa hay phân biệt chủng tộc,....
- Họ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần, vấn đề tâm lý và cảm xúc.
Tuy nhiên, cũng theo Tiến sĩ Twenge, thế hệ Gen Z thường bị gắn với một số "mác" tiêu cực như thế hệ lo âu / trầm cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tâm lý, cảm xúc và thường được bảo bọc quá nhiều.
Một số định kiến trái chiều về Gen Z trong mắt các thế hệ khác
Gen Z là một cộng đồng các bạn trẻ sinh ra từ năm 1997 đến 2012, được biết đến với hình ảnh năng động và đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, chúng ta đôi khi sẽ nghe những lời phàn nàn từ các thế hệ đi trước về cá tính "lồi lõm" của Gen này, đặc biệt là trong môi trường công sở. Vậy những định kiến trái chiều đó là gì?
1. Cuộc sống tôi - Theo cách của tôi
Một nghiên cứu của Anphabe đã chỉ ra rằng 81% Gen Z có sự hiểu biết sâu sắc về bản thân, họ biết rõ mình là ai, muốn gì, thích gì và không thích gì. Tiếp nhận tư tưởng hiện đại từ rất sớm, thế hệ này thường không chấp nhận được bất kỳ sự gò bó nào trong khuôn khổ truyền thống và họ thách thức cả những quy tắc, lệ làng, miễn là đúng với luật pháp thì không gì là không thể.
Ngoài ra, lối suy nghĩ của Gen Z cũng rất cởi mở và thậm chí được áp dụng ngay cả khi đi làm. Theo đó, thay vì tập trung thăng tiến tại một doanh nghiệp, thế hệ Z thích sự độc lập, khao khát khởi nghiệp tự kinh doanh hoặc tham gia vào các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, tư duy tự do và sự tự chủ này đôi khi khiến họ “sa ngã” và có thể dẫn đến những hành động thiếu trách nhiệm. Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn khi nhân viên Gen Z của họ bỗng dưng nghỉ việc đột ngột mà không hề thông báo trước. Mặc dù không phải bao hàm tất cả nhưng những tình huống như vậy đã làm xấu đi hình ảnh của thế hệ Gen Z.
2. Tham vọng hay tham lam?
Thế hệ Z lớn lên trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đây cũng là lý do mà những áp lực và tiêu chuẩn cuộc sống của họ khác biệt hơn nhiều so với các thế hệ trước. Nhiều bạn trẻ thuộc Gen Z nhận thức sâu sắc về việc phải tiết kiệm tiền cho tương lai và không ngừng tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn để đảm bảo sự an toàn cũng như khả năng tự chủ về mặt tài chính.
Như vậy, không có gì lạ khi nhiều nhà tuyển dụng cảm thấy Gen Z đôi khi đòi hỏi mức lương cùng phúc lợi cao hơn so với khả năng và kinh nghiệm của mình. Mặt khác, đó cũng có thể là nguyên nhân cho sự tùy hứng "thích thì nghỉ" của Gen Z khi họ nhận được lời đề nghị với mức offer cao hơn từ các công ty khác.
3. Bản lĩnh hay chỉ là ảo tưởng?
Trong môi trường lao động cạnh tranh gay gắt, Gen Z mang theo nguồn năng lượng tự tin, sự bản lĩnh và mong muốn thể hiện bản thân. Thế nhưng, sự tự tin và khao khát này thường bị hiểu lầm khiến cho Gen Z thường xuyên bị áp đặt vào thế "tự cao, tự đại", không biết tôn trọng cũng như hay coi thường người khác. Điều này làm cho họ trở nên khó khăn khi hòa nhập vào môi trường công sở và tạo ra những đánh giá tiêu cực về họ như không chịu nhận sai, sẵn sàng "cãi tay đôi" với cấp trên, thậm chí là tỏ ra tự tin thái quá về khả năng của bản thân,....
Thực tế, nhiều phân tích về thái độ và tâm lý cho thấy một hình ảnh rất đối lập về thế hệ Gen Z như:
- Thích học hỏi nhưng lại sợ phê bình và góp ý.
- Làm việc trách nhiệm nhưng không chịu được áp lực.
- Thích thích nghi nhanh nhưng lại không thoải mái với quá nhiều thay đổi.
4. Thực dụng hay có tư duy tài chính?
Giới trẻ ngày nay thường tập trung vào việc đạt được sự thành công cũng như khả năng tích lũy tài sản và coi đó là chỉ số của một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Vậy nên một trong những yếu tố quan trọng nhất mà họ xem xét khi tìm kiếm việc làm là mức lương và phúc lợi. Mặt khác, họ chấp nhận dành nhiều thời gian và công sức hơn để nhanh chóng đạt được mục tiêu tài chính của mình nhưng với điều kiện là nỗ lực của họ phải được đền đáp xứng đáng.
Mặc dù việc tập trung quá nhiều vào tiền bạc cùng vật chất có thể gây ra nhiều định kiến trái chiều từ phía các thế hệ trước nhưng Gen Z xem đó là điều cần thiết để thích nghi với môi trường kinh doanh đầy khắc nghiệt và cạnh tranh như ngày nay.
Không thể phủ nhận, áp lực tài chính từ gia đình thường là động lực lớn đối với Thế hệ Z, khiến họ quan tâm nhiều hơn đến việc tìm kiếm công việc ổn định, có tiềm năng thăng tiến và mức lương cao. Như vậy có thể nói tư duy về tài chính cũng là một đặc điểm tích cực của Thế hệ Z.
5. Đòi hỏi hay người tiêu dùng khôn ngoan?
Hành vi tiêu dùng của thế hệ Gen Z có thể phản ánh phong cách cá nhân của họ nhưng cũng góp phần tạo ra xu hướng mua sắm trực tuyến. Nhờ vào công nghệ số hiện đại và hệ thống mạng xã hội phong phú, Gen Z thường tự tìm hiểu cũng như đánh giá sản phẩm một cách cẩn thận trước khi quyết định mua. Hơn nữa, thế hệ Z thường tin tưởng vào đánh giá của người dùng thật hơn là những lời quảng cáo phù phiếm từ thương hiệu và người nổi tiếng.
Bề ngoài thì có vẻ như thế hệ Z là những người tiêu dùng khó tính nhưng thực tế lại không phải vậy. Họ khá linh hoạt, dễ dãi trong việc mua sắm và thường chú trọng hơn vào tính phù hợp cùng với giá trị cá nhân mà sản phẩm mang lại. Ví dụ, Gen Z có thể sẵn lòng bỏ tiền cho các sản phẩm "xanh", bền bỉ, an toàn cho sức khỏe mặc dù nó có giá cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm có cùng công năng nhưng chất lượng thấp.
Thế hệ Gen Z và làn gió mới tại chốn công sở
Thế hệ Gen Z được biết đến với sự nhạy bén về thông tin, thế giới ảo, truyền thông đại chúng và sự toàn cầu hóa trong môi trường công việc. Điều này đã tạo ra một điểm đặc trưng đại diện cho thế hệ này là việc sẵn sàng tìm kiếm và luôn đề cao sự thật. Bên cạnh đó, Gen Z cũng có cái tôi lớn, thích sự tự do, yêu đời, có tham vọng và khao khát tự chủ về tài chính. Những đặc điểm này đã mang lại làn gió mới tại chốn công sở, tạo điều kiện cho họ phát triển và thành công trong môi trường doanh nghiệp.
1. Generation Z có tính cạnh tranh cao
Dù tuổi đời còn trẻ nhưng thế hệ Gen Z luôn có tính cạnh tranh cao trong mọi mặt từ chọn trường đại học hàng đầu, đạt điểm tốt nghiệp giỏi cho đến khả năng tìm kiếm được một vị trí công việc với mức lương cao nhất. Có thể nói, tinh thần cạnh tranh là một nguồn động lực quan trọng, không ngừng thúc đẩy Thế hệ Z vươn lên.
Thực tế, Gen Z thích thách thức bản thân và quen với môi trường làm việc đầy cạnh tranh nên vì lẽ đó mà họ luôn tìm cách tỏa sáng thông qua việc so sánh với người khác. Do đó, nếu doanh nghiệp có thể khuyến khích tinh thần cạnh tranh lành mạnh tại môi trường làm việc, đặc biệt là trong quá trình đào tạo thì những nhân viên trẻ này sẽ có động lực cao hơn và dễ dàng bộc lộ tiềm năng sáng tạo của mình để mang lại nhiều giá trị bất ngờ cho doanh nghiệp.
2. Thế hệ Z thích làm việc độc lập
Tính cạnh tranh tự nhiên của Gen Z thúc đẩy họ độc lập kiểm soát mọi công việc của bản thân thay vì phải phụ thuộc vào người khác. Đây cũng là lý do tại sao mà Gen Z thường luôn bị gắn “mác” là kiêu ngạo, tự phụ trong giao tiếp, chỉ thích làm theo ý mình và không hứng khởi với việc lắng nghe ý kiến hay phản hồi.
Tuy nhiên, chúng ta nên xem xét vấn đề từ một góc độ nhìn nhận bao dung hơn. Bởi lẽ thực chất, Gen Z vẫn luôn không ngừng học hỏi, nghiên cứu thông qua việc tiếp cận nhiều nguồn thông tin trên Internet theo cách riêng của mình, điều này khiến họ trở nên có chính kiến và độc lập hơn khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, họ mong muốn tham gia tích cực và được trao quyền tự quản lý cũng như lãnh đạo dự án để tự làm chủ công việc của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thích làm việc độc lập nhưng không có nghĩa là Gen Z không thể hợp tác với đồng nghiệp khác.
3. Gen Z vô cùng nhanh nhạy với công nghệ
Thế hệ Z sinh ra trong thời kỳ Internet và công nghệ phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu nên họ cũng được coi là những "người bản xứ" trong thế giới kỹ thuật số hiện đại. Chắn hẳn, thế hệ anh chị đi trước cũng sẽ không mấy ngạc nhiên khi thấy những thành viên Gen Z có khả năng sử dụng thành thạo nhiều loại máy văn phòng và làm quen nhanh chóng với các phần mềm phức tạp chỉ qua vài thao tác hướng dẫn.
Nhờ việc nhanh nhạy với xu hướng công nghệ, họ có khả năng tận dụng lợi thế này một cách hiệu quả khi tìm kiếm thông tin, ý tưởng kinh doanh mới hoặc đề xuất để cải thiện công việc của mình. Ngày nay, Gen Z tự tin rằng mình có thể tận dụng tối đa công nghệ để làm việc một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất.
4. Gen Z cởi mở với sự đa dạng sắc tộc
Khác với các thế hệ cũ, Gen Z cởi mở hơn và không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ sự khác biệt về chủng tộc, giới tính hay tôn giáo của những người xung quanh. Thay vào đó, các bạn trẻ thuộc thế hệ này thường đánh giá cũng như nhìn nhận một người dựa trên tính cách và con người của họ chứ không phải từ xuất thân giàu hay nghèo của người đó.
Điều này tương đối dễ hiểu bởi lẽ Gen Z sinh ra trong thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ của Internet nên họ có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với nhiều nền văn hóa từ rất sớm. Vì vậy, sự đa dạng trở thành một chuẩn mực lấp đầy trong thế giới của Gen Z đến nỗi không còn chỗ cho những đánh giá chủ quan dựa trên đặc điểm xuất thân hay vẻ ngoài tầm thường của con người.
Doanh nghiệp nên thích ứng như thế nào với nhân sự Gen Z?
Thế hệ đầu tiên của Gen Z đang xâm lấn và dần trở thành một lực lượng lao động quan trọng trong tương lai. Vì vậy, nếu muốn đạt được sự thành công, các doanh nghiệp cần phải linh hoạt và điều chỉnh chiến lược tuyển dụng để có thể khai thác được những tài năng mới thuộc nhóm này. Dưới đây là một số cách mà các bạn có thể xem xét để áp dụng:
1. Công việc với thời gian linh động, thoải mái
Công việc linh hoạt và thoải mái như làm việc online từ xa luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt lớn từ những đối tượng thuộc Gen Z. Bàn về vấn đề này thì một khảo sát cũng cho thấy có đến 69,5% Gen Z thích làm việc theo mô hình kết hợp (linh động giữa làm việc tại văn phòng và từ xa) hơn là bị gò bó giờ giấc sát sao ở văn phòng.
Với khả năng làm việc độc lập tốt và yêu thích sự tự do trong công việc, môi trường linh hoạt sẽ giúp Gen Z phát triển tối đa sở trường cũng tư duy sáng tạo của mình. Do đó, các doanh nghiệp nên xem xét sử dụng mô hình làm việc kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống để cung cấp cơ hội làm việc mới mẻ nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý công việc hiệu quả.
Hiện nay, có nhiều Gen Z tại Việt Nam lựa chọn các công việc mang lại sự tự do với mức thu nhập cao như làm Creator, Freelancer, Tiktoker, Youtuber, Streamer,... thay vì phải gò bó ngày 8 tiếng ngồi văn phòng.
2. Lắng nghe và đẩy mạnh kết nối
Doanh nghiệp nên tận dụng mọi kênh giao tiếp để duy trì liên kết với Gen Z từ email, tin nhắn văn bản cho đến cuộc gọi video. Sự linh hoạt và đa dạng trong cách giao tiếp sẽ giúp những bạn trẻ thuộc thế hệ Z cảm thấy thoải mái và dễ dàng kết nối với đồng nghiệp hơn. Bên cạnh đó, người quản lý cũng nên thường xuyên đưa ra những phản hồi hay nhận xét ngắn gọn, tích cực để tạo điều kiện cho nhân viên Gen Z tự do khám phá và có động lực hơn trong việc hoàn thành công việc của mình một cách hiệu quả nhất.
3. Xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng
Theo khảo sát của viện Gallup (Mỹ) cho thấy, có đến 37% ứng viên Gen Z quan tâm đến sự phát triển và tăng trưởng nghề nghiệp khi tìm kiếm công ty mới. Họ mong muốn nhận được đầu tư xứng đáng từ doanh nghiệp vào việc phát triển kỹ năng và sự nghiệp của mình. Để đáp ứng được điều này thì doanh nghiệp có thể:
- Thiết lập chương trình cố vấn: các công ty nên thực hiện điều này vì đây được xem là cách tốt nhất để tối ưu hóa sự phát triển của nhân viên Gen Z, đồng thời quá trình cố vấn ngược cũng giúp họ cảm thấy cống hiến của mình được đánh giá cao tại nơi làm việc.
- Đầu tư vào học tập và phát triển cho nhân sự: Thống kê từ Talent LMS cho thấy có đến 64% Gen Z cảm thấy hài lòng với các doanh nghiệp có cung cấp chương trình đào tạo về chuyên môn, kỹ năng ngay tại nơi làm việc.
4. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp tích cực
Khảo sát của Tallo cho biết, hơn 2/3 ứng viên Gen Z "chắc chắn" rằng mình sẽ ứng tuyển vào những vị trí có môi trường làm việc linh hoạt, năng động và dễ dàng hòa nhập vào văn hóa chung của tổ chức. Mặt khác, báo cáo của HR Dive lại chỉ ra rằng có đến 48% nhân sự Gen Z sẽ từ chối một công ty nếu nơi đó có văn hóa công việc không đảm bảo được sự đa dạng và hòa nhập.
Tương tự như các thế hệ trước đó, văn hóa doanh nghiệp vẫn là một trong những yếu tố quan trọng đối với quyết định của Gen Z khi chọn lựa công ty để gắn bó lâu dài. Thực tế đã chứng minh, khi làm việc trong một môi trường văn hoá doanh nghiệp tích cực thì năng suất làm việc của Gen Z cũng sẽ được cải thiện hơn, bởi lẽ họ cảm thấy ý kiến của mình được lắng nghe và giá trị bản thân được công nhận. Vậy nên để xây dựng văn hoá doanh nghiệp tích cực, quản lý cần dành thời gian để tương tác và đưa ra phản hồi về công việc với nhân viên của mình. Bằng cách khuyến khích họ sáng tạo chăm chỉ hơn và khen ngợi những nỗ lực của Gen Z, bạn sẽ trở thành nguồn động viên thúc đẩy họ làm việc tốt hơn.
5. Cập nhật xu hướng, thích ứng công nghệ
Hơn 75% thế hệ Gen Z dành từ 1 đến 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày để tương tác và sử dụng các thiết bị điện tử, công nghệ thông minh. Có thể nói, công nghệ đóng vai trò quan trọng như một yếu tố then chốt góp phần gia tăng năng suất làm việc của nhân viên. Vậy nên các doanh nghiệp và nhà quản lý cần mở cửa tiếp nhận công nghệ mới để thu hút sự quan tâm của nhóm nhân sự này.
Có một loạt các ứng dụng công nghệ mà các công ty có thể cân nhắc, bao gồm quản lý Jira, phần mềm tổ chức, công cụ giao tiếp Slack, Skype, nền tảng CMS cũng như các thiết bị điện thoại và điện tử. Ngoài ra, một phương tiện khác giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nhân sự Gen Z là xây dựng thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram,....
6. Thúc đẩy văn hoá đa dạng và hội nhập
Thực tế cho thấy, đa số các bạn trẻ Gen Z thường có tư duy linh hoạt, cởi mở và sáng tạo. Họ ưa thích làm việc trong một môi trường có sự đa dạng văn hóa và hội nhập. Đối với họ, công bằng và sự hợp tác trong một đội nhóm là yếu tố quan trọng nhất của một môi trường lý tưởng mà Gen Z mong muốn. Chính vì vậy, thế hệ này cũng yêu thích tham gia vào các hoạt động như team building, worksoft để tạo nên sự gắn kết hơn với công ty. Qua đó, họ sẽ cảm thấy mình là một phần quan trọng của công ty và ra sức cống hiến hơn vào việc xây dựng một tổ chức vững mạnh.
7. Quan tâm đến sức khỏe tinh thần
Như đã nói ở trên, thế hệ Gen Z sinh ra trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên họ phải đối mặt với nhiều áp lực từ công việc cũng như tiền bạc. Bên cạnh đó, những gánh nặng về khả năng thích nghi và tiếp nhận công nghệ kỹ thuật số cũng đè nặng lên vai của thế hệ trẻ này. Nếu không được giải quyết kịp thời thì sức khỏe tinh thần và hiệu suất làm việc của họ có thể bị ảnh hưởng.
Do đó, quan trọng là bạn cần chú ý theo dõi tâm trạng của nhân viên Gen Z tại nơi làm việc và khuyến khích họ mở lòng và chia sẻ cảm xúc của mình. Ngoài ra, nếu ngân sách của công ty cho phép thì việc cho thêm ngày nghỉ phép, tổ chức teambuilding, hoạt động giải trí hay thậm chí cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý cho Gen Z cũng là một ý kiến đáng xem xét.
8. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Sự cân bằng và ổn định giữa công việc với cuộc sống là một yếu tố quan trọng mà thế hệ Gen Z đang rất quan tâm. Đặc biệt là hiện nay, công việc không còn bị giới hạn trong bốn bức tường của văn phòng. Vì vậy để thu hút nhân sự trẻ trung thì bạn thể xem xét cho phép nhân viên làm việc từ xa nếu họ vẫn đạt được các chỉ tiêu về hiệu suất công việc. Chung quy lại thì năng suất làm việc vẫn đóng vai trò quan trọng hơn sự hiện diện tại văn phòng, phải không? Ngoài ra, để giúp nhóm Gen Z gắn bó hơn với tổ chức thì doanh nghiệp nên:
- Cho phép đề xuất tăng lương định kỳ và duy trì phúc lợi tốt, cung cấp cơ hội làm việc từ xa hoặc linh động tùy thuộc vào mong muốn cá nhân hóa của từng nhân viên.
- Ngăn chặn tình trạng kiệt sức của nhân viên thông qua các biện pháp như đóng bảo hiểm sức khỏe, cung cấp thêm ngày nghỉ phép, tổ chức hoạt động giải trí, đi du lịch, teambuilding giảm stress, quà sinh nhật, lễ Tết,....
Như vậy qua bài biết này, Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn Generation Z là gì, những đặc trưng có 1-0-2 của thế hệ Gen Z và một số thông tin liên quan đến lứa tuổi này. Nhìn chung, Gen Z chính là nhóm người trẻ năng động, sáng tạo, yêu đời và có tư duy cởi mở đối với mọi khía cạnh của cuộc sống lẫn công việc. Vì lẽ đó mà trong tương lai, chúng ta có thể kỳ vọng thấy thế hệ này tiếp tục định hình cũng như thay đổi thế giới với tầm nhìn độc đáo và đa chiều hơn. Ngoài ra với vai trò là nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp cũng cần có những biến chuyển linh hoạt để có thể thu hút những nhân sự Gen Z tài năng cống hiến cho tổ chức của mình.