Khi được hỏi mục tiêu của bạn là gì, có lẽ nhiều người sẽ rất nhanh chóng liệt kê ra những điều mà mình muốn đạt được trong tương lai, hay còn là cho cả đời. Tuy nhiên, khi đã quá quen với một số khái niệm, chúng ta thường quên đi ý nghĩa và bản chất thật sự của chúng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi mọi người đặt ra cho mình rất nhiều mục tiêu nhưng lại không thể đạt được. Vậy thì mục tiêu là gì? Làm thế nào để thiết lập mục tiêu hiệu quả?
Mục tiêu là gì?
Bạn có thể hiểu đơn giản, mục tiêu chính là ý tưởng về tương lai hoặc kết quả mong muốn của một người hay một nhóm người bằng cách hình dung và lập kế hoạch để thực hiện. Các mục tiêu sẽ thể hiện những quyết định mà chúng ta đưa ra hoặc các cam kết sẽ thực hiện, phá vỡ một số thói quen xấu và áp dụng những thói quen hữu ích để đạt được nhiều thứ hơn trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.
Mục tiêu sẽ cho phép chúng ta tập trung hơn bằng cách xác định những gì mà mình muốn. Từ đó, mỗi người sẽ có động lực thúc đẩy để đi vào trạng thái hành động. Khi mục tiêu được hình thành và theo đuổi đúng đắn sẽ giúp tối đa hóa cuộc sống, để mọi thứ trở nên hoàn hảo hơn. Ví dụ, các mục tiêu trong cuộc sống ở đây có thể nói đến như: mục tiêu phát triển cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp, mục tiêu sức khỏe, mục tiêu trong các mối quan hệ, mục tiêu gia đình,....
Phân loại mục tiêu
Có rất nhiều loại mục tiêu trong cuộc sống và cả trong công việc. Chính vì thế, bạn nên phân loại mục tiêu để lên kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo mọi thứ đều được hoàn thành theo đúng như dự định. Cụ thể, bạn có thể phân loại dựa trên thời gian, chủ thể và theo cấp bậc.
1. Phân loại mục tiêu dựa trên thời gian
Có lẽ bạn cũng thường nghe nói về mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Đây là một cách phân loại mục tiêu dựa trên thời gian, trong đó:
- Mục tiêu ngắn hạn: Là những mục tiêu có thể hoàn thành được trong thời gian ngắn. Ví dụ như bạn đặt mục tiêu cho mình là sẽ cố gắng làm việc để nhận thưởng cuối năm, hoàn thành khóa học tiếng Anh giao tiếp trong 6 tháng, bán được một căn bất động sản trong thời gian 2 tháng,.... Người ta thường đo lường mục tiêu ngắn hạn bằng 1 ngày, 1 tháng hoặc vài tháng trong tổng thể mục tiêu dài hạn.
- Mục tiêu dài hạn: Là những dự định mà chủ thể thực hiện hoặc cam kết thực hiện, hoàn thành trong khoảng thời gian dài, có thể kéo dài lên đến 5 - 10 năm. Trong mục tiêu dài hạn này sẽ bao gồm các mục tiêu ngắn hạn cần đạt được. Đặc biệt đó là loại mục tiêu này sẽ khá rõ ràng, thể hiện thành quả lao động của bản thân. Ví dụ như bạn đặt mục tiêu sau 5 năm sẽ trở thành trưởng phòng marketing. Để đạt được điều đó, bạn sẽ cần phải trải qua thời gian 2 tháng thử việc và thêm vài năm làm nhân viên rồi có thể từ từ tích lũy kinh nghiệm để đảm nhận vai trò trưởng phòng.
2. Phân loại mục tiêu theo chủ thể
Bạn cũng có thể phân loại mục tiêu theo chủ thể, cụ thể ở đây đó là mục tiêu cá nhân và mục tiêu tập thể. Trong đó:
- Mục tiêu cá nhân: Là những mục tiêu của riêng một cá nhân cụ thể. Thông thường mục tiêu này sẽ do bản thân một người tự đặt ra cho mình.
- Mục tiêu tập thể: Là mục tiêu chung được đặt cho những cá nhân ở trong một tập thể đó.
3. Phân loại theo cấp bậc
Phân loại theo cấp bậc có nghĩa là mức độ khó hay dễ để có thể hoàn thành mục tiêu, bao gồm:
- Mục tiêu đơn giản: Là những mục tiêu có thể dễ dàng đạt được bằng khả năng của chủ thể.
- Mục tiêu phức tạp: Là những mục tiêu khó khăn, có nội dung phức tạp mà chủ thể khó hoàn thành được hay để có thể hoàn thành cũng không phải là điều dễ dàng.
Ngoài ra, bạn còn có thể phân loại mục tiêu theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, ý nghĩa của việc đạt mục tiêu,....
Ý nghĩa của việc xác lập mục tiêu
Mục tiêu có rất nhiều ý nghĩa trong học tập, công việc cũng như cuộc sống. Hiểu được điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong mọi việc. Dựa trên khái niệm và phân loại, có thể thấy xác định mục tiêu sẽ mang đến một số ý nghĩa như:
- Ý nghĩa của mục tiêu đó là giúp tạo nền móng cho quá trình thực hiện các mong muốn hoặc nhu cầu của một cá nhân, tập thể.
- Khi đặt mục tiêu, bạn sẽ tập trung mọi nguồn thực để hoàn thành mà không bị phân tán.
- Đặt mục tiêu cũng giúp bạn rất nhiều trong việc quản lý thời gian, phân bổ nguồn lực hợp lý, tiết kiệm công sức cũng như đưa ra đánh giá một cách đúng đắn và chính xác hiệu quả làm việc.
- Đặt mục tiêu chính là cách tạo ra động lực cho bản thân để hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian đã được ấn định cụ thể.
Những nhầm lẫn thường gặp về mục tiêu
Mặc dù rất nhiều người thường nói về mục tiêu của bản thân trong công việc và cả cuộc sống. Nhưng đôi khi, chúng ta vẫn còn thường nhầm lẫn giữa mục tiêu với mục đích, ước mơ, tầm nhìn, kỳ vọng và mong muốn. Vật thì những khái niệm này có gì khác nhau?
1. Phân biệt mục tiêu với mục đích
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng mục tiêu và mục đích tương tự nhau. Tuy nhiên, đây là hai thuật ngữ khác nhau hoàn toàn bởi một cái có trước, một cái có sau. Cụ thể:
- Mục tiêu là những điều cần thiết để đạt được mục đích. Có nghĩa là để đạt được mục đích thì các hành động và con đường mà bạn đi đều trở thành mục tiêu. Bạn sẽ không thể nào đưa ra được mục tiêu nếu như không có mục đích cho cuộc sống.
- Mục đích là thứ mang tính khái niệm, còn mục tiêu thì lại giống như những chiếc biển chỉ đường để có thể đạt được mục đích. Hay nói đơn giản thì mục đích là cái trừu tượng, còn mục tiêu là cái cụ thể. Nếu như bạn không thực hiện mục tiêu bằng những phương pháp hay thủ thuật rõ ràng thì chắc chắn sẽ không thể nào đi được đến mục đích. Khi mục đích được đưa ra càng rõ ràng thì số lượng mục tiêu cần thực hiện sẽ càng tăng lên và việc đạt được mục đích cũng trở nên khó khăn hơn.
- Vì mục tiêu giống như tấm biển chỉ đường nên chúng ta sẽ biết được cần phải thực hiện hành động những gì. Và khi một mục tiêu được hoàn thành thì bạn sẽ thấy rằng mình đang tiến gần đến mục đích hơn. Hay nói cách khác, mục tiêu là cái nhìn thấy, còn mục đích là cái muốn thấy.
- Mục tiêu còn là con đường để đi đến mục đích, vậy nên mục tiêu sẽ là quá trình còn mục đích chính là điểm đến. Để có thể đạt được mục đích thì bạn cần phải làm sáng tỏ mục tiêu và số lượng vấn đề cần phải giải quyết.
2. Phân biệt mục tiêu với ước mơ
Cũng không ít người có sự nhầm lẫn giữa mục tiêu và ước mơ. Bạn cần phải hiểu rõ, ước mơ là khát vọng được thúc đẩy bởi mong muốn. Chúng tồn tại trong thế giới của trí tưởng tượng và thường mang đến cho chúng ta nguồn cảm hứng. Còn khái niệm mục tiêu sẽ dựa trên hành động, “kéo căng” chúng ta để giúp bản thân đạt được kết quả. Ước mơ chỉ có thể hiện thực hóa bằng cách đặt ra những mục tiêu thực tế và làm việc siêng năng để đạt được chúng.
3. Phân biệt mục tiêu với tầm nhìn
Tầm nhìn và mục tiêu cũng là hai điều rất quan trọng trong cuộc sống. Vậy thì giữa chúng có gì khác nhau? Tầm nhìn đại diện cho nơi bạn muốn đến hoặc ở một vị trí, địa vị nào đó trong xã hội. Tuy nhiên, những con đường đưa bạn đến đích đó thường không được xác định cho đến khi chia nhỏ chúng thành các mục tiêu. Hay nói cụ thể hơn đó là mục tiêu sẽ giúp bạn hiểu và định lượng các bước bạn sẽ phải làm để hiện thực hóa tầm nhìn của mình. Có một tầm nhìn rộng lớn trong cuộc sống sẽ giúp bạn đạt được nhiều mục tiêu sống hơn.
Bên cạnh đó, tầm nhìn sẽ tập trung vào việc thiết lập mục tiêu của bạn. Bởi vì mục đích cuối cùng của mục tiêu đó chính là hướng đến điểm đích của tầm nhìn. Khi điều này xảy ra, bạn sẽ không chỉ hài lòng với việc đạt được một mục tiêu cụ thể, mà còn thấy được sự tiến bộ và thành công của mình dưới góc độ đóng góp vào tầm nhìn tổng thể.
4. Phân biệt mục tiêu với kỳ vọng
Bạn cũng cần có sự phân biệt rõ ràng giữa mục tiêu với kỳ vọng. Trong đó, kỳ vọng là những thứ mà bạn nghĩ rằng mình nên có hoặc những tầm cao mà chúng ta cảm thấy nên đạt được. Người ta nói rằng kỳ vọng có thể tạo ra sự thất vọng khi bạn cảm thấy mình không phát huy hết tiềm năng của mình.
Bạn có để ý rằng khi một số đội Olympic được phỏng vấn trước giải đấu, nhiều người trong số họ hy vọng sẽ giành được huy chương không? Nhưng có phải tất cả họ đều đạt giải? Tất nhiên, hy vọng là như vậy nhưng thực tế thì huy chương vàng chỉ có duy nhất và dành cho một người thắng cuộc.
Khi bạn lắng nghe những người chiến thắng thực sự sau giải đấu, họ sẽ cho bạn biết mục tiêu đã giúp họ sắp xếp sự chú ý và tập trung như thế nào. Đồng thời, mục tiêu cũng chính là động lực để họ tham gia và phấn đấu trở nên xuất sắc hơn. Các mục tiêu sẽ đòi hỏi sự tập trung và rõ ràng hơn trong khi kỳ vọng thường không thực tế.
5. Phân biệt mục tiêu với mong muốn
Khái niệm cuối cùng mà bạn cần phân biệt đó là mục tiêu và mong muốn. Tất cả chúng ta đều có ham muốn, và mục tiêu là những hành động cụ thể mà chúng ta đặt ra để hoàn thành nhằm thỏa mãn mong muốn của bản thân. Tuy nhiên, để có được mong muốn của mình, chúng ta có thể phải đặt mục tiêu. Trong khi mong muốn thường nghe có vẻ dễ dàng, nhưng mục tiêu thì lại không như vậy.
Ví dụ, bạn mong muốn đi nghỉ trên du thuyền sang trọng, điều đó thật tốt đúng không? Tuy nhiên, việc làm thêm giờ để có thể tiết kiệm tiền cho chuyến đi thì lại thật khó khăn.
Các bước thiết lập mục tiêu nhanh chóng, hiệu quả
Không ít người khi được nói về cách xác định mục tiêu, họ chỉ đơn giản là ghi ra giấy những điều mình sẽ thực hiện trong tương lai, có thể là thời gian ngắn hoặc thời gian dài. Tuy nhiên, để lập mục tiêu hiệu quả thì lại không hề dễ dàng như vậy, đây là một kỹ năng sống quan trọng mà mỗi chúng ta ai cũng nên rèn luyện. Bạn có thể tham khảo mô hình thiết lập mục tiêu SMART theo 5 bước sau:
Bước 1: Cụ thể hóa các công việc cần thực hiện
Để làm được điều này, bạn cần phải đặt câu hỏi và tìm ra lời giải cho chúng. Khi trả lời được các câu hỏi này, mục tiêu của bạn cũng sẽ dần được hé lộ. Cụ thể, các câu hỏi bạn cần quan tâm ở đây đó là:
- What: Bạn cần đạt được điều gì trong thời gian sắp tới?
- Who: Ai sẽ thực hiện và hoàn thành mục tiêu?
- When: Mốc thời gian để hoàn thành mục tiêu là bao lâu?
- Where: Mục tiêu được hoàn thành tại địa điểm, không gian hoặc nền tảng nào?
- Why: Tại sao bạn và đồng nghiệp cần cố gắng để hoàn thành mục tiêu này?
Sau khi đã trả lời được 5W trên, mục tiêu sẽ được cụ thể hóa hơn, giúp bạn xác định được những điều mà mình cần hướng tới.
Bước 2: Gắn yếu tố đo lường
Tất cả các mục tiêu mà bạn đề ra cần phải có phương thức đo lường, định lượng nhất định. Nhờ đó, bạn sẽ biết được quá trình thực hiện của mình đang được tiến triển như thế nào? Hoàn thành bao nhiêu phần trăm mục tiêu đã đề ra?
Bạn cần phải đảm bảo rằng yếu tố đo lường được gắn cho mục tiêu là hoàn toàn khách quan và có tính định lượng. Không nên gắn các yếu tố có tính ước lượng, khoảng chừng, mang tính cảm giác,.... Bởi vì điều đó sẽ khiến cho bạn đánh giá và nhìn nhận sai khi thực hiện các hành động để hướng đến mục tiêu.
Ví dụ, bạn muốn giảm cân để cơ thể trông thon gọn hơn thì cần gắp yếu tố đo lường vào mục tiêu này một cách cụ thể nhất như tập thể dục ít nhất 5 tiếng mỗi tuần để giảm được 2kg trong một tháng.
Bước 3: Xác định tính khả thi của mục tiêu
Một mục tiêu đề ra phải có khả năng thực hiện được chứ không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Đó là lý do vì sao bạn cần phải thực hiện bước này khi lập mục tiêu. Tính khả thi được xem xét dựa trên nguồn lực, khả năng thực hiện của bản thân hoặc nhóm để mục tiêu có chút thử thách nhưng vẫn có khả năng đạt được. Còn đối với mục tiêu không có tính khả thi, nếu như vẫn triển khai thực hiện thì cũng chỉ làm bạn tốn thời gian, nguồn lực mà còn không thể đạt được kết quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, để xác định tính khả thi cho mục tiêu thì bạn cũng cần tìm ra lời giải cho câu hỏi đâu là điểm giới hạn của mục tiêu này? Ví dụ, bạn đặt mục tiêu tập thể dục 5 tiếng mỗi tuần, đây là giới hạn trung bình mà bạn có thể duy trì được. Tuy nhiên, khi vượt quá giới hạn cho phép thì có thể bạn sẽ phải chịu nguy cơ về chấn thương, làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bước 4: Xác định tính liên quan của mục tiêu
Tất cả các mục tiêu nhỏ được đặt ra đều cần phải có tính liên quan đến mục tiêu lớn, góp phần tạo nên bức tranh tổng thể toàn diện. Giống như trong doanh nghiệp, mục tiêu của một nhân viên còn gắn liền với mục tiêu của phòng ban và mục tiêu của phòng ban thì liên quan và góp phần hoàn thành mục tiêu của doanh nghiệp.
Đối với tính liên quan của mục tiêu, bạn có thể hình dung chúng giống như những bậc thang, để đi lên được đến tầng trên, bạn cần phải bước từng bước qua từng bậc một. Việc hoàn thành mục tiêu trong một chu kỳ công việc này sẽ là tiền đề để bạn có thể đạt được mục tiêu cao hơn trong tương lai. Vậy nên, khi các mục tiêu được thiết lập có tính liên kết sẽ giúp bạn đạt bước tiến mạnh mẽ, phát triển ổn định trong thời gian sắp tới.
Bước 5: Giới hạn thời gian hoàn thành mục tiêu
Sau khi đã xác định được mục tiêu cần thực hiện, bạn sẽ cần phải gắn điều đó với thời gian hoàn thành cụ thể. Giới hạn thời gian không nên quá dài, dư thừa vì điều đó chỉ khiến cho bạn lãng phí thời gian, nguồn lực không cần thiết. Hay ngược lại, giới hạn quá gấp gấp sẽ làm cho bạn bị áp lực không cần thiết.
Giới hạn thời gian hoàn thành mục tiêu nên được đặt ở một ngưỡng vừa đủ để bạn tập trung sức lực hoàn thành và nâng cao hiệu quả. Còn làm sao để xác định được ngưỡng thời gian vừa đủ thì bạn có thể dựa trên những kết quả đã đạt được trong quá khứ.
Trên đây là những chia sẻ của đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h để bạn hiểu hơn về mục tiêu là gì. Có thể nói rằng, thiết lập mục tiêu trong cuộc sống là điều vô cùng quan trọng, giúp chúng ta không ngừng nỗ lực và cố gắng để hoàn thiện bản thân mình hơn. Hi vọng rằng qua bài viết, bạn đã biết cách để thiết lập mục tiêu hiệu quả, tạo nên những thành tựu và giá trị cho bản thân.