Mô hình hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho cộng đồng, từ đó trực tiếp đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Hiện nay, các quy định liên quan đến hộ kinh doanh đã được đưa ra khá đầy đủ và minh bạch trong luật pháp Việt Nam. Theo đó, việc hiểu rõ về khái niệm, các đặc điểm cũng như hạn chế của hộ kinh doanh sẽ giúp chủ hộ có cái nhìn tổng quan và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đăng ký kinh doanh. Vậy hộ kinh doanh là gì? Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan cũng như những điểm cần lưu ý khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể.
Hộ kinh doanh là gì?
Hộ kinh doanh cá thể không thuộc loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân và thường được hiểu đơn giản là một tổ chức kinh doanh có quy mô cá nhân hoặc hộ gia đình được thành lập dựa trên các điều kiện, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, đồng thời phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hoạt động thương mại của mình.
Theo khoản 1 Điều 79 của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh được đăng ký thành lập bởi một cá nhân hoặc các thành viên của một hộ gia đình và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp nhiều thành viên của một hộ gia đình đăng ký mô hình này thì cần phải ủy quyền cho một thành viên làm đại diện.
Trong trường hợp các đơn vị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, làm muối, bán quà vặt, hàng rong, thời vụ, kinh doanh lưu động hoặc dịch vụ có thu nhập thấp thì không yêu cầu đăng ký hộ kinh doanh.
Chủ hộ kinh doanh là ai?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 79 của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, chủ hộ kinh doanh được xác định là một trong những nhóm đối tượng sau đây:
- Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh.
- Người được ủy quyền làm đại diện cho hộ kinh doanh bởi các thành viên của hộ, trong trường hợp họ quyết định đăng ký hộ kinh doanh.
Một số quy định về hộ kinh doanh
Nếu bạn đang có ý định đăng ký hộ kinh doanh thì một số quy định về hộ kinh doanh mà chúng tôi chia sẻ dưới đây có lẽ sẽ cần thiết cho bạn, đừng bỏ lỡ nhé.
1. Đối tượng thành lập hộ kinh doanh
Đối tượng được phép thành lập hộ kinh doanh bao gồm các cá nhân hay thành viên của một hộ gia đình là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ những trường hợp sau đây:
- Người chưa đủ tuổi thành niên; gặp khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi; bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án phạt tù, tạm giam, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại các cơ sở cai nghiện, trung tâm giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hay làm công việc nhất định theo quy định của Tòa án.
- Các trường hợp khác được quy định theo luật pháp có liên quan.
Lưu ý:
- Mỗi cá nhân hoặc thành viên trong hộ gia đình chỉ được phép đăng ký một hộ kinh doanh và có quyền tham gia mua cổ phần, góp vốn hoặc mua phần vốn góp trong các doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
- Các cá nhân và thành viên của hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không thể đồng thời làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh (trừ khi có sự nhất trí của tất cả các thành viên hợp danh còn lại).
2. Quy mô của hộ kinh doanh
Nếu căn cứ theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP (hết hiệu lực từ 04/01/2021) thì hộ kinh doanh chỉ được đăng ký giấy phép với quy mô tối đa 10 người và trong trường hợp sử dụng 10 lao động trở lên thì chủ hộ phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên thì theo quy định mới từ Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hiện nay đã không còn quy định cụ thể số lượng lao động hay quy mô kinh doanh.
3. Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân
Dựa theo quy định của Điều 74 trong Bộ luật Dân sự năm 2015, một tổ chức sẽ được công nhận là pháp nhân khi đáp ứng đủ những tiêu chí sau đây:
- Được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Có cơ cấu tổ chức hoạt động chặt chẽ và tuân thủ quy định của pháp luật.
- Sở hữu tài sản độc lập, không phụ thuộc vào cá nhân hay tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
- Có khả năng tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập dưới danh nghĩa của mình.
Từ những điều kiện nêu trên thì chúng ta có thể thấy, hộ kinh doanh không đáp ứng đủ tiêu chí nên không được công nhận là một pháp nhân. Cũng chính vì điều này mà hộ kinh doanh cá thể không có con dấu riêng, không được phép mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh và không có quyền hạn giống như các doanh nghiệp hoặc tổ chức khác.
4. Cá nhân, thành viên phải chịu trách nhiệm về hộ kinh doanh vô thời hạn
Khác với các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, mô hình hộ kinh doanh không có sự tách biệt giữa tài sản của hộ kinh doanh và tài sản của chủ hộ. Do đó, trong quá trình vận hành và sản xuất, các chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu của hộ kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của hộ bằng toàn bộ tài sản của mình, tức là tất cả những gì họ có. Những khoản nợ này không phụ thuộc vào số lượng tài sản kinh doanh hoặc dân sự mà họ sở hữu và không liên quan đến việc họ đã ngừng hoạt động kinh doanh hay chưa.
Trong vài trường hợp, một số thành viên trong hộ kinh doanh không có khả năng góp thêm tiền và tài sản để thanh toán nợ theo thỏa thuận thì các thành viên khác phải sử dụng tài sản của mình để tiếp tục trả nợ cho đến khi nợ được thanh toán đầy đủ.
5. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh
Căn cứ theo Điều 80 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP, địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh được quy định như sau:
- Đó là nơi mà hộ kinh doanh thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
- Một hộ kinh doanh có thể hoạt động tại nhiều địa điểm khác nhau nhưng phải chọn ra một nơi để đăng ký trụ sở chính và phải thông báo cho cơ quan chức năng, cơ quan quản lý thuế và các tổ chức có liên quan khác.
Đánh giá ưu điểm, nhược điểm của mô hình hộ sản xuất kinh doanh
Mặc dù là một hình thức phổ biến nhất hiện nay nhưng ít ai thực sự hiểu rõ về cả ưu điểm và nhược điểm của mô hình hộ sản xuất kinh doanh. Trong khi nhiều người chỉ nhìn nhận mô hình này qua góc độ linh hoạt và tính cá nhân hóa cao thì thực tế, nó còn mang đến những thách thức đáng kể đối với sự phát triển của tổ chức.
1. Ưu điểm loại hình hộ kinh doanh
Mô hình hộ sản xuất kinh doanh mang đến cho chủ họ những ưu điểm sau:
- Thủ tục thành lập đơn giản và tiết kiệm thời gian so với việc thành lập công ty.
- Quản lý dễ dàng do số lượng thành viên thường chỉ là các thành viên trong gia đình.
- Không bị ràng buộc về số vốn ban đầu, cho phép kinh doanh với mức vốn linh hoạt, giúp quay vòng vốn nhanh chóng.
- Có mức thuế khoán cố định hàng tháng do cơ quan thuế quyết định và lệ phí môn bài dựa trên doanh thu hàng năm mà không có thêm chi phí phát sinh.
2. Nhược điểm loại hình hộ kinh doanh
Như đã nói ở trên, ngoài những ưu điểm nổi bật về thủ tục thành lập đơn giản, quản lý dễ dàng, dễ xoay vòng vốn, thuế cố định thì mô hình hộ sản xuất kinh doanh sẽ tồn tại một số nhược điểm sau:
- Hộ kinh doanh không phải mà một pháp nhân nên không có con dấu pháp nhân.
- Chủ hộ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình. Vì vậy, mỗi người chỉ có thể thành lập một hộ kinh doanh duy nhất và khi muốn tham gia vào việc thành lập công ty hoặc góp vốn, họ phải giải thể hộ kinh doanh hiện tại.
- Hộ kinh doanh cá thể không được phép mở văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc các địa điểm kinh doanh như công ty.
- Vì quy mô nhỏ và thiếu lòng tin từ phía khách hàng trong giai đoạn ban đầu, hộ kinh doanh sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ bên ngoài hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh.
- Hộ kinh doanh không có quyền xuất hóa đơn VAT và không được hưởng khấu trừ thuế giá trị gia tăng, điều này có thể gây trở ngại đối với nguồn khách hàng đầu tư.
Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp không?
Theo quy định của Nghị định 01/2021/NĐ-CP, mặc dù hộ sản xuất kinh doanh có tên gọi, trụ sở kinh doanh và đăng ký ngành nghề hợp pháp như doanh nghiệp nhưng vẫn không được coi là một doanh nghiệp vì những lý do sau:
- Hộ kinh doanh không có con dấu, không yêu cầu vốn pháp định.
- Hoạt động mang tính chất riêng lẻ, thiếu chuyên nghiệp và thường không liên tục.
- Hộ kinh doanh không được mở chi nhánh hay có văn phòng đại diện.
- Mô hình cũng không có quyền xuất khẩu hàng hóa và không được áp dụng các điều khoản của Luật phá sản trong trường hợp kinh doanh gặp phải tình trạng lỗ hoặc bị phá sản.
Trái ngược lại thì doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vốn, kê khai thuế, đăng ký con dấu doanh nghiệp và có khả năng ký kết các hợp đồng kinh tế.
Những điểm khác biệt cơ bản giữa hộ kinh doanh và công ty
Cả công ty lẫn hộ kinh doanh cá thể đều là dạng tổ chức kinh tế được thiết lập thông qua những trình tự và thủ tục được quy định chi tiết tại luật pháp Việt Nam với mục tiêu tạo ra lợi nhuận cho chủ sở hữu cùng các thành viên trong tổ chức. Tuy nhiên, ngoài điểm tương đồng đã nêu trên thì hai loại hình này hầu như khác biệt nhau hoàn toàn, cụ thể:
Hộ kinh doanh | Công ty | |
Chủ thể thành lập | Các cá nhân, thành viên trong hộ gia đình đều là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. | Mọi tổ chức, cá nhân đều được phép thành lập và điều hành công ty tại Việt Nam theo quy định của Luật doanh nghiệp (trừ một số trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 17 trong Luật Doanh nghiệp năm 2020) |
Đặc điểm quy mô | Thường có quy mô nhỏ và phải đăng ký kinh doanh tại một địa điểm cố định, có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên diễn ra hoạt động kinh doanh nhất. Trong trường hợp buôn bán lưu động hoặc kinh doanh ở nơi khác ngoài địa điểm đã đăng ký, hộ kinh doanh phải thông báo cho các cơ quan quản lý kinh doanh, cơ quan thuế và các đơn vị có chức năng khác. Mỗi hộ kinh doanh chỉ được phép kinh doanh một ngành nghề duy nhất như đã đăng ký và ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. | Công ty được phép tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; có quyền tự quản lý hoạt động kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh theo ý muốn; tự do chọn lựa địa điểm kinh doanh; không bị ràng buộc về quy mô và vốn; được phép xuất - nhập khẩu hàng hóa; tuyển dụng, thuê nhân công và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật hiện hành. |
Điều kiện kinh doanh | Trừ những hộ gia đình chuyên sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối hay người bán quà vặt, hàng rong, buôn chuyến, làm dịch vụ có thu nhập thấp, kinh doanh lưu động không cần đăng ký kinh doanh thì các cá nhân, hộ gia đình khác có nghĩa vụ phải thực hiện đăng ký hộ kinh doanh dựa trên quy định tại khoản 1 Điều 87 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP. | Mọi loại hình công ty đều cần tuân thủ quy định về đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp hiện hành và cách thức tiến hành sẽ phụ thuộc vào từng loại hình cụ thể của công ty. |
Tư cách pháp nhân và con dấu | Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân và không có con dấu. | Công ty đều có tư cách pháp nhân và có con dấu. |
Người đại diện pháp luật | Chỉ có 1 người đại diện là chủ hộ kinh doanh. | Có thể có 1 hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. |
Số lượng được đăng ký | Một cá nhân chỉ đăng ký được 1 hộ kinh doanh cá thể. | Một cá nhân có thể thành lập nhiều công ty. |
Chế độ trách nhiệm | Chịu trách nhiệm vô hạn trong phạm vi toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động sản xuất, thương mại của hộ kinh doanh. | Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp vào công ty (trừ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình). |
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh chi tiết
Các cá nhân hoặc thành viên trong hộ kinh doanh thực hiện việc đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. Khi nhận được hồ sơ, cơ quan địa phương sẽ cấp Giấy biên nhận và Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Mức lệ phí đăng ký kinh doanh sẽ khác nhau tại từng địa phương và được quyết định bởi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh dựa trên quy định trong Thông tư 85/2019/TT-BTC.
Để đăng ký hộ kinh doanh cá thể, cần chuẩn bị các tài liệu sau:
- 01 Giấy đề nghị đăng ký theo mẫu đơn trong phụ lục III.
- 01 Giấy tờ pháp lý của chủ hộ kinh doanh và các thành viên trong trường hợp thành viên đăng ký.
- 01 Bản sao biên bản họp của toàn bộ thành viên về việc thành lập.
- 01 Bản sao giấy ủy quyền của các thành viên (nếu có) để ủy quyền cho một cá nhân làm chủ hộ kinh doanh.
Giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể sẽ được cấp khi:
- Ngành nghề đăng ký không bị cấm kinh doanh hoặc đầu tư theo quy định của pháp luật.
- Tên của hộ kinh doanh được đặt đúng theo quy định.
- Hồ sơ đăng ký là hợp lệ.
- Đã nộp đủ lệ phí.
Hiện nay, hình thức kinh doanh cá thể ngày càng trở nên phổ biến trong mọi lĩnh vực kinh doanh. Việc hiểu rõ về các quy định đăng ký hộ kinh doanh sẽ giúp cá nhân hoàn thiện thủ tục một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Như vậy qua bài viết này, Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn khái niệm hộ kinh doanh là gì cũng như các quy định hiện hành về hộ kinh doanh cá thể mà bạn nên biết. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ mang đến cho bạn nhiều kiến thức bổ ích, giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình đăng ký, đặc điểm và cách thức hoạt động của mô hình này. Qua việc nắm vững các quy định cũng như điều kiện cần thiết, bạn có thể tự tin hơn trong việc thiết lập và vận hành hộ kinh doanh của mình một cách chuyên nghiệp, hợp pháp. Chúc bạn thành công!