Kinh doanh là gì? Các đặc điểm và hình thức kinh doanh

Xã hội sẽ không thể phát triển bền vững nếu không liên kết với các hoạt động thương mại, buôn bán nên vì vậy mà kinh doanh được xem là một xu hướng tất yếu phải diễn ra trong quá trình này. Vậy bản chất của kinh doanh là gì? Thực tế thì thuật ngữ này đã quá quen thuộc với tất cả mọi người đến nỗi ý thức của chúng ta đã tự định nghĩa và cũng chẳng quan tâm kinh doanh thực sự là gì. Tuy nhiên, với những người đang làm chủ, việc hiểu được bản chất, các đặc điểm, hình thức kinh doanh sẽ giúp bạn có khả năng nhìn nhận, dễ dàng đưa ra định hướng đúng đắn và tận dụng các cơ hội một cách tốt hơn trên con đường sự nghiệp của mình. 
 

Kinh doanh là gì? Các đặc điểm và hình thức kinh doanh
 

Kinh doanh là gì?

Đề cập đến khái niệm kinh doanh là gì thì tại khoản 21 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 có giải thích như sau: "Kinh doanh là quá trình liên tục thực hiện một hoặc một số công đoạn từ việc đầu tư, sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ cho khách hàng trên thị trường nhằm mục đích thu về lợi nhuận."

Về cơ bản, kinh doanh (business) chính là việc thực hiện các hoạt động như sản xuất, mua bán, cung ứng, phân phối, đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ với mục đích tạo ra lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong kinh doanh, các tổ chức thường thiết lập một mô hình business chặt chẽ, điều hành tài chính, tiếp thị sản phẩm, quảng bá dịch vụ và tạo ra những giá trị hấp dẫn cho khách hàng. Quá trình này có thể được thực hiện bởi một cá nhân riêng lẻ, công ty startup, doanh nghiệp vừa, nhỏ hoặc các tập đoàn lớn,... nhưng chung quy lại tất cả đều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của quốc gia.

Với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, bên cạnh những cơ hội phát triển và hội nhập quốc tế thì các doanh nghiệp ngày nay cũng đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hình thức bán hàng truyền thống và đa dạng về thông tin sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra các ý tưởng kinh doanh độc đáo, đồng thời tìm ra những hướng phát triển hiệu quả, bền vững trên thị trường cạnh tranh như hiện nay.
 

Kinh doanh là gì?
 

Các đặc điểm của kinh doanh 

Bất kỳ ai muốn tham gia vào hoạt động thương mại, buôn bán đều quan tâm đến hai từ quen thuộc kinh doanh. Vậy bạn đã biết các đặc điểm của kinh doanh là gì chưa? Đó là:

- Đáp ứng nhu cầu của con người và phục vụ xã hội: Bản chất của hoạt động sản xuất kinh doanh chính là đáp ứng nhu cầu và phục vụ lợi ích cho xã hội thông qua việc cung cấp các sản phẩm / dịch vụ. Theo đó, doanh nghiệp phải hiểu rõ mong muốn cũng như kỳ vọng của người tiêu dùng để thỏa mãn chúng và tạo ra giá trị phụng sự to lớn cho toàn xã hội.

- Quá trình giao dịch đa chiều: Kinh doanh liên quan đến một chuỗi các hoạt động giao dịch như sản xuất, tiếp thị, phân phối, quảng cáo, truyền thông, bán hàng, cung cấp dịch vụ hậu mãi,.... Mỗi giao dịch trong chuỗi này đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy kinh doanh với mục tiêu cuối cùng là đưa sản phẩm đến tận tay người dùng.

- Trao đổi hàng hóa/dịch vụ: Tính chất cơ bản của kinh doanh là trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ để đổi lấy tiền hay vật phẩm có giá trị tương đương nhằm tạo ra một thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

- Kỹ năng quản lý: Đây là yếu tố quyết định sự thành công của một doanh nghiệp nhưng muốn đạt được điều này, thương nhân cần phải sở hữu những kỹ năng, phẩm chất, kiến thức cần thiết để điều hành các hoạt động kinh doanh của mình.

- Doanh số và lợi nhuận: Mục tiêu chính của hoạt động kinh doanh bán hàng là tạo ra doanh số và lợi nhuận. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại mà còn là điều kiện tiên quyết để phát triển và mở rộng công việc làm ăn sinh lời.

- Quan hệ giữa người mua và người bán: Người mua và người bán là hai bên cốt lõi của quá trình trao đổi thương mại. Không chỉ vậy, mối quan hệ này còn phản ánh sự cân bằng giữa cung - cầu trên thị trường và nếu người mua không có nhu cầu thì các hoạt động kinh doanh của người bán sẽ không có ý nghĩa.

- Rủi ro và sự không chắc chắn: Trong quá trình kinh doanh, thương nhân luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, bao gồm sự cạnh tranh, biến động thị trường cũng như các yếu tố không chắc chắn khác như trộm cắp, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, hỏa hoạn, khủng hoảng truyền thông,....

- Tiếp thị và phân phối: Các hoạt động tiếp thị, phân phối đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp đến khách hàng và tạo ra doanh số, lợi nhuận.

- Liên kết với quá trình sản xuất: Kinh doanh là các hoạt động giao dịch, buôn bán nên thường liên quan chặt chẽ đến hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Việc liên kết này cho phép doanh nghiệp tương tác trực tiếp với quá trình sản xuất để đảm bảo chất lượng và hiệu suất của sản phẩm hoặc dịch vụ.
 

Kinh doanh
 

Những loại hình kinh doanh hiện nay

Sau khi đã trình bày đặc điểm và khái niệm kinh doanh là gì thì dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các dạng kinh doanh phổ biến trên thị trường. Các loại hình này bao gồm:

1. Kinh doanh dịch vụ

Kinh doanh dịch vụ là hình thức kinh doanh không tạo ra sản phẩm hữu hình mà thay vào đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp các gói dịch vụ cho khách hàng như du lịch, spa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, chứng khoán, ngân hàng, vận chuyển, bảo hiểm,.... 

Trong bối cảnh ngày nay, khi nhu cầu, mong đợi cũng như tiêu chuẩn sống của con người ngày càng tăng cao, các công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cần phải trở nên chuyên nghiệp, đồng thời hiểu sâu hơn về tâm lý và nhu cầu của khách hàng.

2. Kinh doanh bán lẻ

Đây là một trong những loại hình kinh doanh phổ biến nhất trên thị trường ngày nay, nơi mà sản phẩm và hàng hóa được chuyển từ nhà sản xuất hoặc đơn vị cung cấp đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng. Loại hình này tập trung vào việc bán hàng cho các cá nhân nhỏ lẻ và thường mang lại lợi nhuận thấp. Các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại chính là những ví dụ phổ biến của kinh doanh bán lẻ. 

3. Kinh doanh sản xuất

Kinh doanh sản xuất là hoạt động của những doanh nghiệp tự tạo ra sản phẩm, sau đó phân phối sản phẩm này thông qua các đại lý, nhà bán buôn / bán sỉ, đơn vị phân phối hoặc có thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Ví dụ, các công ty thời trang sản xuất ra các sản phẩm mang tên thương hiệu của mình như Vascara, Juno,... hoặc các doanh nghiệp sản xuất smartphone như Apple, Samsung,....
 

Hình thức kinh doanh
 

Các lĩnh vực kinh doanh phổ biến

Từ các ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất, bán lẻ cho đến các lĩnh vực mới nổi như công nghệ thông tin, dịch vụ kỹ thuật số,... môi trường kinh doanh đang ngày càng đa dạng và phong phú. Trong đó, các lĩnh vực kinh doanh phổ biến nhất hiện nay phải kể đến là:

- Bán lẻ: đây là một lĩnh vực rộng lớn, bao gồm các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng như siêu thị, cửa hàng thời trang, đồ điện tử, thực phẩm hay các mô hình bán lẻ trực tuyến khác,....

- Tài chính: bao gồm các hoạt động liên quan đến bảo hiểm, quỹ đầu tư, ngân hàng, tư vấn tài chính và dịch vụ tài chính cá nhân. Theo đó, các doanh nghiệp trong ngành này thường cung cấp các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến tiền tệ, vay nợ, đầu tư, quản lý tài chính,....

- Công nghệ thông tin: những tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực này thường cung cấp phần cứng, phần mềm, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, phân tích dữ liệu, lưu trữ đám mây và các giải pháp công nghệ thông tin khác.

- Dược phẩm và chăm sóc sức khỏe: lĩnh vực này liên quan đến sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm y tế, dược phẩm, thiết bị y tế, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồng thời cũng cung cấp những dịch vụ về y tế.

- Vận tải: liên quan đến quá trình sản xuất hàng hóa / dịch vụ cũng như lưu trữ, vận chuyển và phân phối chúng. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này thường là nhà máy sản xuất, công ty kho bãi, vận tải hay đơn vị cung cấp dịch vụ logistics.

- Du lịch và khách sạn: tập trung vào việc cung cấp dịch vụ đi lại, du lịch, lưu trú và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ là công ty hàng không, công ty du lịch, booking, khách sạn,....

Một số mô hình kinh doanh thường gặp 

Có nhiều mô hình kinh doanh phổ biến được áp dụng hiện nay, mỗi mô hình mang đến đặc điểm riêng và phù hợp với tính chất của từng ngành công nghiệp cụ thể. Dưới đây là một số mô hình kinh doanh thường gặp:

- B2B (Business-to-Business): Các giao dịch trong mô hình B2B liên quan đến việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ từ một doanh nghiệp đến một doanh nghiệp khác với những đơn hàng có giá trị cao và quy mô lớn. Thông thường, quy trình mua hàng trong B2B được mô tả là phức tạp hơn, có thể kéo dài rất lâu bởi lẽ nó đòi hỏi các bước thương thảo kỹ lưỡng, xem xét hợp đồng một cách cẩn thận và chi tiết về sản phẩm hoặc dịch vụ trước rồi mới quyết định hợp tác.

- B2C (Business-to-Consumer): Mô hình này tập trung vào việc trao đổi thương mại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng. Vì lẽ đó mà các giao dịch trong B2C thường nhỏ lẻ và liên quan trực tiếp đến việc bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ trực tiếp cho các cá nhân.

- B2B2C (Business-to-Business-to-Consumer): Đây là mô hình kết hợp giữa B2B và B2C, trong đó các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho các doanh nghiệp khác nhưng cuối cùng sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ được tiếp cận và tiêu thụ bởi người tiêu dùng cuối cùng.

- C2C (Consumer-to-Consumer): Đây là một cách tiếp cận trong đó các cá nhân tương tác và thực hiện giao dịch trực tiếp với nhau thông qua các nền tảng hoặc môi trường trực tuyến. Trong mô hình này, người dùng sử dụng các nền tảng trung gian để mua hoặc bán hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cho nhau. Điểm đặc biệt trong mô hình này là các cá nhân không chỉ là người mua mà còn là người bán. Họ có thể đăng thông tin về sản phẩm / dịch vụ của mình trên các trang web, ứng dụng di động hoặc các sàn giao dịch thương mại điện tử và mua những thứ mình cần từ người khác.

- C2B (Consumer-to-Business): Trong mô hình này, người tiêu dùng đảm nhận vai trò của người bán và cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho các doanh nghiệp. Với C2B, một cá nhân sẽ tạo ra giá trị thông qua các hoạt động như tạo nội dung truyền thông, viết đánh giá sản phẩm, tham gia khảo sát hoặc cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyên môn. Các doanh nghiệp sau đó sử dụng giá trị này để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ hoặc chiến lược kinh doanh, đầu tư của họ.
 

Các hoạt động kinh doanh
 

Các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam

Dưới đây là những loại hình doanh nghiệp đang tồn tại và hoạt động trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay:

- Hộ kinh doanh: thường do một cá nhân hoặc một gia đình điều hành và không phải là một đơn vị pháp nhân độc lập. Trong mô hình hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp được xem như một thể thống nhất.

- Doanh nghiệp tư nhân: là loại hình doanh nghiệp mà trong đó một cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm pháp lý bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các hoạt động của doanh nghiệp. Trong mô hình này, người sở hữu duy nhất của doanh nghiệp là một cá nhân. Mặt khác, tương tự như hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân cũng không phải là một thực thể pháp lý độc lập.

- Doanh nghiệp nhà nước (hay công ty Nhà nước, doanh nghiệp công lập): là một pháp nhân do chính phủ hoặc các cơ quan nhà nước sở hữu và điều hành. Trong đó, nhà nước có toàn quyền sở hữu và kiểm soát mọi hoạt động trao đổi, mua bán.

- Doanh nghiệp liên doanh: là cách thức hợp tác kinh doanh giữa hai hay nhiều công ty, tổ chức hoặc cá nhân độc lập để thành lập và điều hành một doanh nghiệp chung. Với mô hình này, các bên tham gia sẽ góp vốn, nguồn nhân lực, công nghệ, tài sản, ý tưởng,... để chia lợi ích và rủi ro từ hoạt động kinh doanh chung.

- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài: là những doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và hoạt động theo quy định của pháp luật.

- Công ty TNHH một thành viên: có chủ sở hữu là một cá nhân hoặc một tổ chức duy nhất, họ sẽ chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài sản và các khoản nợ của công ty trong phạm vi vốn điều lệ.

- Công ty TNHH hai thành viên: đây là loại hình doanh nghiệp có số lượng thành viên từ 2 - 50 người và mỗi người chỉ chịu trách nhiệm về nợ và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn mà họ đã góp vào công ty. Đây là một loại hình doanh nghiệp được công nhận với tư cách pháp nhân.

- Công ty cổ phần: có vốn điều lệ được chia thành những phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông có thể là tổ chức hoặc cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty dựa trên tổng số cổ phần mà họ sở hữu.

- Công ty hợp danh: có ít nhất hai thành viên kinh doanh dưới một tên chung và cùng chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty. Ngoài ra, công ty còn có thêm các thành viên góp vốn không tham gia vào việc vận hành công ty và chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp của họ.
 

Hoạt động kinh doanh
 

Những hạng mục thuế cần đóng khi kinh doanh

Thuế là số tiền bắt buộc mà cá nhân và tổ chức kinh doanh phải nộp cho Nhà nước theo quy định của pháp luật để cung cấp nguồn tài trợ cho chính phủ phát triển các dịch vụ công nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Vậy khi kinh doanh, những hạng mục thuế cần đóng là gì?

1. VAT (GTGT)

Đây là một loại thuế áp dụng cho giá trị gia tăng của hàng hóa và dịch vụ trong quá trình sản xuất, vận tải, phân phối, kinh doanh, truyền thông và cho đến khi tới tay của người tiêu dùng. Mức thuế suất VAT hiện nay thường được phân thành các loại như 0%, 5% và 10%, tùy thuộc vào loại hàng hóa hoặc dịch vụ kinh doanh cụ thể của từng đơn vị. Trong thực tế, sẽ có một số sản phẩm đặc biệt không bị đánh thuế này như muối được sản xuất từ nước biển, bảo hiểm con người, viện trợ không hoàn trả, vũ khí phục vụ quốc phòng - an ninh,....

2. Lệ phí môn bài

Lệ phí môn bài là một khoản phí trực thu mà hộ kinh doanh, cá nhân hay các tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hoá / dịch vụ phải nộp hàng năm cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Theo quy định tại Điều 2 của Nghị định 139/2016/NĐ-CP, người nộp lệ phí môn bài bao gồm các thực thể sau:

- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.

- Các tổ chức kinh tế khác.

Dựa trên số vốn đầu tư, vốn điều lệ thì lệ phí môn bài mà các doanh nghiệp phải đóng là:

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên: 3 triệu đồng / năm.

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa: 2 triệu đồng / năm.

- Chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức kinh tế khác: 1 triệu đồng / năm.

Đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, mức lệ phí môn bài được xác định dựa trên doanh thu như sau:

- Doanh thu từ 100 - 300 triệu đồng / năm: 300.000 đồng / năm.

- Doanh thu từ 300 - 500 triệu đồng / năm: 500.000 đồng / năm.

- Doanh thu vượt mức 500 triệu đồng / năm: 1 triệu đồng / năm.

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Căn cứ theo pháp luật Việt Nam hiện hành, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp lên thu nhập chịu thuế của công ty. Do đó, thuế này sẽ được tính dựa trên thu nhập tính thuế cùng với việc áp dụng mức thuế suất và các khoản giảm trừ, miễn, giảm thuế.

Doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế phát sinh. Thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp là tổng doanh thu trừ đi các chi phí được trừ theo quy định của pháp luật. Khi mới bắt đầu đi vào hoạt động, doanh nghiệp có thể chưa có thu nhập hoặc thu nhập chưa đủ để bù đắp các chi phí phát sinh. Trong trường hợp này, công ty không cần nộp thuế TNDN nhưng vẫn cần kê khai thuế theo quy định. Việc này giúp doanh nghiệp theo dõi tình hình tài chính và đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật.

4. Thuế thu nhập cá nhân

Nếu công ty có doanh thu từ các hoạt động kinh doanh vượt quá 100 triệu đồng theo năm dương lịch thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, nếu doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm dương lịch không vượt quá 100 triệu đồng thì sẽ không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
 

Loại hình kinh doanh là gì?
 

Trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh

Sau khi hiểu rõ khái niệm kinh doanh là gì thì nhiều người có thể quan tâm đến các vi phạm phổ biến khi thực hiện hoạt động buôn bán và muốn biết chính xác những hành vi cụ thể nào bị xem là vi phạm. Đọc thông tin dưới đây để có câu trả lời chính xác nhé.

1. Hoạt động kinh doanh không có giấy phép

Theo quy định của Điều 7 Luật Thương mại năm 2005, tất cả các thương nhân khi tham gia hoạt động thương mại đều phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh, trừ những trường hợp như buôn bán rong, bán vé số, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp,.... Trong trường hợp không thực hiện đăng ký kinh doanh, họ vẫn phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các hoạt động của mình theo quy định của pháp luật.

Điều này cũng được quy định cụ thể trong Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, với việc xác định mức phạt đối với các trường hợp kinh doanh không có giấy phép như sau:

 

STT

Hành vi vi phạm

Mức phạt 

1

Doanh nghiệp kinh doanh nhưng không đăng ký giấy phép 

50 - 100 triệu đồng và buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp

(Theo điểm a khoản 4 Điều 46)

2

Dù thu hồi giấy phép / yêu cầu đình chỉ / tạm ngừng hoạt động nhưng vẫn kinh doanh

50 - 100 triệu đồng 

(Theo điểm b khoản 4 Điều 46)

3

Bị yêu cầu tạm dừng hoạt động nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh ngành, nghề có điều kiện

15 - 20 triệu đồng 

(Theo điểm a khoản 2 Điều 48)

4

- Không được cho phép vẫn thành lập hộ kinh doanh

- Không đăng ký giấy phép dù thuộc trường hợp phải đăng ký hộ kinh doanh

05 - 10 triệu đồng 

(Theo điểm b, điểm c khoản 1 Điều 62)

5

Vẫn kinh doanh ngành, nghề có điều kiện dù đã bị yêu cầu tạm dừng

10 - 20 triệu đồng

(Theo điểm b khoản 2 Điều 62)

6

Vẫn kinh doanh trước hạn nhưng không gửi thông báo văn bản cho cơ quan có chức năng

05 - 10 triệu đồng 

(Theo điểm c khoản 1 Điều 63)

 

2. Kinh doanh nhưng không nộp thuế theo quy định

Việc nộp thuế không đúng hạn, trốn thuế hoặc khai thuế sai lệch bằng cách không xuất hoá đơn, lập sai số lượng hoá đơn, sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp,... được xem là hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại cho ngân sách quốc gia, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Do đó, các hành vi vi phạm liên quan đến thuế có thể chịu mức phạt hành chính và trong một số trường hợp nghiêm trọng, doanh nghiệp còn có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, các quy định về mức phạt này được nêu rõ trong Nghị định số 125/2020/NĐ-CP như sau:
 

STT

Hành vi

Mức phạt

1

Có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên

Số tiền thuế trốn

2

Không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

1,5 lần số tiền thuế trốn

3

Có một tình tiết tăng nặng

2 lần số thuế trốn

4

Có hai tình tiết tăng nặng

2,5 lần số thuế trốn

5

Có ba tình tiết tăng nặng trở lên

3 lần số thuế trốn

 

Ngoài ra, trong trường hợp vi phạm nặng đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì những người liên quan có thể sẽ bị phạt tù từ 7 năm theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
 

Sản xuất kinh doanh
 

Một số lưu ý quan trọng khi kinh doanh

Kinh doanh là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng về thời gian, công sức để xây dựng các kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh và định hướng phát triển lâu dài. Trong giai đoạn hiện nay, việc khởi nghiệp đang tạo ra một làn sóng mới và trở thành điểm tựa quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đôi khi vẫn mắc phải sai lầm dẫn đến sự chật vật, khó khăn và thậm chí thất bại trên một thị trường cạnh tranh đầy biến động. Do đó, trước khi bắt đầu triển khai hoạt động kinh doanh, bạn cần chú ý đến những điểm sau:

- Phân tích, nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng về đối tượng khách hàng mục tiêu, lĩnh vực hoạt động, đối thủ cạnh tranh,... để hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh của mình.

- Xây dựng và phát triển đội ngũ nhân viên tài năng, đồng lòng hướng tới mục tiêu chung.

- Thường xuyên theo dõi thị trường kinh doanh để bắt kịp cơ hội, nhận biết rủi ro tiềm ẩn và liên tục cải tiến nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.

- Định kỳ đánh giá và điều chỉnh kế hoạch, chiến lược kinh doanh để phù hợp với sự biến động của thị trường.

- Tuân thủ đúng các chính sách và quy định của pháp luật, đảm bảo việc nộp thuế đúng hạn khi có thu nhập phát sinh.

Các ngành nghề kinh doanh bị cấm và hạn chế tại Việt Nam

Không phải bất kỳ sản phẩm / dịch vụ nào cũng được phép kinh doanh mà theo quy định của pháp luật Việt Nam, sẽ có một số ngành nghề bị cấm và hạn chế hoạt động thương mại.

1. Ngành nghề kinh doanh bị cấm

Ngoài các mặt hàng bị hạn chế kinh doanh thì còn có danh mục các hàng hoá và dịch vụ bị cấm kinh doanh được quy định tại tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP, gồm:

- Về hàng hoá: có các mặt hàng như trang bị quân sự, vũ khí quân dụng, chất ma túy, đồ chơi nguy hiểm, các sản phẩm văn hóa phản động, mê tín dị đoan, đồi truỵ, thuốc thú y cấm hoặc chưa được phép sử dụng tại Việt Nam, khoáng sản đặc biệt, độc hại,....

- Đối với dịch vụ: bao gồm các hoạt động như tổ chức mại dâm, mại dâm, tổ chức đánh bạc, gá bạc, buôn bán trẻ em và phụ nữ, môi giới kết hôn hoặc nhận con nuôi với yếu tố nước ngoài nhằm hưởng lợi,.... 

2. Ngành nghề kinh doanh bị hạn chế

Dựa trên quy định của Điều 25 trong Luật Thương mại năm 2005, các hàng hoá và dịch vụ bị hạn chế kinh doanh được liệt kê trong Phụ lục II đi kèm với Nghị định số 59/2006/NĐ-CP. Danh sách này bao gồm một loạt các mặt hàng và dịch vụ như sau:

- Hàng hoá: bao gồm các loại vũ khí như đạn súng săn, súng săn, vũ khí thể thao và những công cụ hỗ trợ; các loại hoá chất được quy định bởi các thỏa thuận quốc tế; sản phẩm chứa chất phóng xạ, thiết bị hoặc nguồn phóng xạ; thuốc lá điếu và xì gà; các loại thực vật và động vật hoang dã quý hiếm; các loại rượu.

- Dịch vụ: vũ trường và karaoke.

3. Trường hợp không cần đăng ký kinh doanh

Theo quy định tại Khoản 2 của Điều 79 trong Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, có 5 đối tượng không cần phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh, đó là:

- Hộ gia đình tham gia sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối.

- Người kinh doanh bán quà vặt, bạn hàng rong, buôn chuyến.

- Các cá nhân tham gia kinh doanh thời vụ.

- Những người bán hàng lưu động.

- Những người cung cấp dịch vụ có thu nhập thấp.

Lưu ý: Việc áp dụng mức thu nhập thấp cho từng địa phương sẽ do Ủy ban nhân dân của các thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Ngoài ra, nếu có sự thay đổi trong pháp luật liên quan đến các loại hàng hóa cấm hoặc hạn chế kinh doanh thì việc thực hiện và tuân thủ theo sự điều chỉnh đó là bắt buộc.
 

Thế nào là kinh doanh?
 

Những thách thức đối với hoạt động kinh doanh trong kỷ nguyên số

Kinh doanh không phải là một hành trình dễ dàng, có thể làm tốt trong ngày một ngày hai mà mỗi doanh nghiệp đều phải đối mặt với nhiều thách thức, cả từ bên trong và bên ngoài bao gồm:

- Đối mặt với sự không chắc chắn trong tương lai như mong đợi của khách hàng, xu hướng thị trường, biến động trong môi trường kinh tế,.... Do đo, để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp cần phải tự chủ động và kiểm soát mọi vấn đề có thể phát sinh.

- Việc giám sát các hoạt động tổ chức hiệu quả cũng là một thách thức lớn. Quản lý cần phát triển các chỉ số hiệu suất (KPI), nắm vững kiến thức chuyên môn để phân tích và truyền đạt thông tin số liệu một cách chính xác nhằm đưa ra những quyết định thông minh hơn.

- Quản lý tài chính cũng là một khía cạnh quan trọng. Doanh nghiệp cần phải biết tiết kiệm chi phí, đầu tư thông minh để tối ưu hóa lợi nhuận và duy trì dòng tiền mạnh mẽ.

- Việc tuân thủ các quy định và chính sách do chính phủ đề ra, bao gồm cả trách nhiệm xã hội, chính sách kinh tế và các yêu cầu pháp lý,... cũng đòi hỏi sự chú ý đặc biệt từ các doanh nghiệp.

- Tích hợp công nghệ vào hoạt động kinh doanh sao cho hợp lý và hiệu quả cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Bởi lẽ sự tiến bộ trong công nghệ ngày nay đang diễn ra nhanh chóng và nếu không điều chỉnh kịp thời thì doanh nghiệp có thể bị tụt lại phía sau.

- Việc tuyển dụng và quản lý nhân sự có kỹ năng, phù hợp với mục tiêu và nhu cầu của doanh nghiệp là rất quan trọng. Những nhân viên có kỹ năng chuyên môn, tư duy sáng tạo và thái độ tích cực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một tổ chức.

 

Các hình thức kinh doanh
 

Như vậy qua bài viết này, Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn về khái niệm kinh doanh là gì, các đặc điểm và những hình thức kinh doanh thường gặp hiện nay. Để tạo nên một chiến lược phù hợp, chủ doanh nghiệp cần phải quen thuộc với tất cả những khía cạnh của kinh doanh, bao gồm cả các hình thức sở hữu công ty, quy mô, cấu trúc cũng như các quy định về đăng ký và thuế suất áp dụng cho từng loại hình kinh doanh. Vì vậy mà bất kì một cá nhân hay doanh nghiệp nào cũng đều phải nắm rõ bản chất của kinh doanh là gì và những kiến thức cơ bản xoay quanh chủ đề này để xây dựng cho mình những chiến lược kinh doanh cụ thể, chính xác và hiệu quả trên thị trường cạnh tranh.

Nội dung liên quan

Tin Kinh doanh khác

Big idea là gì? Bí quyết tạo ra big idea bùng nổ truyền thông

Big idea là gì? Bí quyết tạo ra big idea bùng nổ truyền thông

Big idea được ví như "xương sống” của chiến dịch, quyết định cách mà nhà tiếp thị muốn truyền tải thông điệp đến khán giả của mình.
USP là gì? Hướng dẫn thiết lập USP sản phẩm hiệu quả

USP là gì? Hướng dẫn thiết lập USP sản phẩm hiệu quả

USP hay điểm bán hàng độc nhất là vũ khí giúp doanh nghiệp nổi bật giữa hàng nghìn đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường.
Admin là gì? Top 7 công việc admin được tìm kiếm nhiều nhất

Admin là gì? Top 7 công việc admin được tìm kiếm nhiều nhất

Admin đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc quản lý duy trì, thúc đẩy sự phát triển cũng như hiệu suất làm việc của tổ chức.  
Slogan là gì? Bí thuật tạo ra slogan đỉnh của chóp

Slogan là gì? Bí thuật tạo ra slogan đỉnh của chóp

Một slogan xuất sắc không chỉ giúp thương hiệu trở nên độc đáo, dễ nhớ mà còn mang lại cảm xúc tích cực và tạo ra sự kết nối với khách hàng.
Concept là gì? Những kiến thức quan trọng về concept

Concept là gì? Những kiến thức quan trọng về concept

Concept là một ý tưởng chủ đạo quyết định tính thống nhất, rành mạch và logic trong một chương trình, sự kiện hoặc lĩnh vực nào đó.  
Target là gì? Hướng dẫn target thị trường mục tiêu hiệu quả

Target là gì? Hướng dẫn target thị trường mục tiêu hiệu quả

Target là bước quan trọng mà mọi doanh nghiệp không nên bỏ qua để định hình chiến lược kinh doanh cũng như tối ưu hóa hiệu quả tiếp thị.