Cung và cầu là hai yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của một thị trường, thường được đề cập khi bàn về sự biến động của giá cả hàng hóa hoặc dịch vụ. Nhờ có quy luật cung cầu mà nhà đầu tư có thể đánh giá xu hướng và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất cho các khoản đầu tư của mình. Có thể nói thông qua quy luật này, chúng ta có thể nhìn sâu vào cơ cấu và cơ chế hoạt động của thị trường. Vậy khái niệm cung cầu là gì? Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan và chi tiết hơn về các mối quan hệ trong quy luật cung cầu nhé!
Tổng quan về khái niệm cung cầu
Trong lĩnh vực kinh tế học thì cung, cầu và giá cả của hàng hóa / dịch vụ luôn có mối tương quan chặt chẽ, mật thiết với nhau, đồng thời ảnh hưởng lẫn nhau một cách sâu sắc. Khi giá của hàng hóa tăng, cung cũng sẽ tăng lên trong khi cầu giảm đi và tương tự với trường hợp ngược lại. Vậy nên có thể nói quy luật cung cầu đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh thị trường và kéo giá cả về mức ổn định.
1. Cung là gì?
Cung là tổng số lượng hàng hóa và dịch vụ có sẵn trên thị trường hay có thể sẽ được tung ra thị trường trong một khoảng thời gian cụ thể, tương ứng với giá cả, khả năng sản xuất cùng chi phí sản xuất xác định. Ví dụ: sau mua thu hoạch được 10 tấn khoai lang thì ông A chỉ bán 6 tấn khoai lang để trang trải chi phí, còn lại 4 tấn ông giữ lại và chờ khi giá cả tăng lên rồi ông mới bán.
2. Cầu là gì?
Cầu là tổng lượng hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng cần mua trong một khoảng thời gian cụ thể, phụ thuộc vào giá cả và thu nhập của họ cũng như kỳ vọng đối với sản phẩm. Chẳng hạn như chị B là chủ của một nhà hàng và đang cần mua một lượng thịt đủ lớn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của mình.
Ngoài ra, bạn cần phân rõ sự khác biệt giữa khái niệm nhu cầu và cầu: nhu cầu là sự mong muốn và cần thiết, trong khi cầu đòi hỏi bạn phải có khả năng chi trả.
Như vậy qua 2 khái niệm cung là gì, cầu là gì thì chúng ta có thể rút ra định nghĩa về quy luật cung cầu như sau: Quy luật cung cầu là quá trình điều chỉnh tự nhiên của thị trường, nơi một mức giá và lượng giao dịch cân bằng được xác định. Khi cầu vượt qua cung, giá tăng lên; khi cầu ít hơn cung, giá giảm xuống; khi cầu và cung đạt đến trạng thái cân bằng thì giá sẽ được duy trì ở mức ổn định.
Mối quan hệ cung cầu và sự tác động đến giá hàng hóa trên thị trường
Như đã nói ở trên thì trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, cung, cầu và giá cả sẽ có sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau nhưng đồng thời cũng chi phối lẫn nhau trong hệ thống kinh tế. Cụ thể như sau:
1. Trường hợp cung và cầu cân bằng
Khi sản phẩm được cung ứng ra thị trường đúng với nhu cầu tiêu dùng thì sự tương tác giữa cung và cầu lúc đó sẽ đi đến điểm cân bằng. Điều này dẫn tới việc giá cả của sản phẩm được duy trì ở mức ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mua bán, trao đổi giữa người bán và người mua. Nói cách khác, thị trường kinh doanh trong trường hợp này là vô cùng lý tưởng, đã đạt đến trạng thái cân bằng và ổn định.
Ví dụ: chị C hiện tại đang kinh doanh một quán ăn bán bún nước và để đảm bảo có các nguyên liệu chính như bún và thịt thì chị C cần thiết lập mối quan hệ với nhiều nhà cung ứng. Khi mà phía bên nhà phân phối có số lượng thịt và bún đủ để đáp ứng nhu cầu của chị C (tức là cung bằng với cầu của) thì giá cả của hàng hóa lúc này sẽ duy trì ở mức ổn định do thỏa thuận giữa đôi bên. Chị C có thể thương lượng với đơn vị cung ứng để đưa ra một mức giá tốt nhất cho nguyên liệu.
2. Trường hợp cung lớn hơn cầu
Tình trạng các nhà máy đồng loạt sản xuất quá nhiều hàng hóa và bán tràn ngập trên thị trường sẽ dẫn đến số lượng cung ứng vượt quá nhu cầu của người tiêu dùng. Lúc này, nhiều đơn vị thường chấp nhận giảm giá sản phẩm dưới giá trị thực để cạnh tranh trên thị trường cũng như giảm bớt hàng tồn kho. Do đó, khi cung lớn hơn cầu, giá của hàng hóa sẽ giảm xuống, có lợi cho người mua.
Ví dụ: trong lĩnh vực kinh doanh khẩu trang trước đây, vì nhu cầu của người dân không cao mà lượng khẩu trang y tế được đưa ra thị trường quá lớn, khiến nhiều doanh nghiệp phải bán rẻ sản phẩm để thu hút khách hàng lựa chọn mình thay vì thương hiệu khác.
3. Trường hợp cung bé hơn cầu
Trái ngược lại với trường hợp cung lớn hơn cầu thì khi cung bé hơn cầu, giá cả của hàng hóa sẽ tăng lên. Nói một cách khác, khi hoạt động sản xuất và cung ứng không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhà sản xuất thường xuyên tăng giá để phản ánh sự khan hiếm của sản phẩm cũng như gia tăng khả năng sinh lời. Đây là một điều dễ hiểu và trong trường hợp này, người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận chi trả một mức giá cao hơn so với bình thường để sở hữu sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Ví dụ: trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng nổ, que test COVID-19 là một sản phẩm quan trọng và thiết yếu, dẫn đến sự tăng cao về nhu cầu. Theo đó, giá của que thử COVID-19 cũng tăng lên đáng kể, có nơi bán với giá lên đến 100,000 VND một que. Tương tự như khẩu trang y tế trước đại dịch thường có giá khoảng 25,000 VND một hộp nhưng trong thời gian đại dịch, nhu cầu tăng mạnh, dẫn đến hàng hóa khan hiếm không đủ cung cấp cho người dùng. Lúc này, giá cả tăng vọt lên và người dùng buộc phải chấp nhận chi trả một số tiền cao hơn gấp nhiều lần để mua khẩu trang.
Vai trò của quy luật cung cầu trong nền kinh tế và thị trường
Quy luật cung cầu hay còn được gọi là nguyên lý cung cầu, đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế và thị trường. Dưới đây là những tác động quan trọng của các mối quan hệ cung cầu mà có thể bạn sẽ ngạc nhiên:
- Định giá sản phẩm / dịch vụ: nguyên lý cung cầu hỗ trợ việc xác định giá của hàng hóa hoặc dịch vụ trên thị trường. Khi cung vượt quá cầu, giá thường giảm và ngược lại, khi cung nhỏ hơn cầu, giá sẽ tăng lên.
- Cân bằng thị trường: sự biến động của cung cầu giúp thị trường tự điều chỉnh để đạt đến điểm cân bằng, từ đó đảm bảo rằng quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa / dịch vụ là ổn định.
- Khích lệ sự sáng tạo và tăng cường hiệu suất: khi có sự sinh lời từ việc sản xuất một loại hàng nào đó do cầu cao, các doanh nghiệp sẽ cố gắng đẩy mạnh hiệu suất về sản lượng để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu đó trên thị trường.
- Định hình sản phẩm và dịch vụ: nguyên lý cung cầu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định những sản phẩm và dịch vụ mà thị trường cung cấp. Trong trường hợp, sản phẩm hay dịch vụ nào đó có khả năng tiêu thụ cao thì doanh nghiệp sẽ đầu tư và phát triển nó để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường.
- Hiệu quả phân phối tài nguyên: quy luật cung cầu là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Khi cung lớn hơn cầu, thị trường thường phát triển theo hướng tự nhiên và tài nguyên cũng được sử dụng hiệu quả hơn.
- Quản lý lạm phát: trong quy luật cung cầu, nếu cầu tăng nhanh hơn cung thì giá sẽ tăng và ngược lại, khi cung vượt qua cầu thì giá có thể giảm. Từ đó mà lạm phát cũng được điều hòa và kiểm soát một cách chặt chẽ nhất.
- Định hình chính sách công cộng: Chính phủ thường áp dụng nguyên lý cung cầu để xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến thuế, thương mại, tài chính nhằm đảm bảo sự ổn định và khuyến khích nền kinh tế phát triển.
Các yếu tố ảnh hưởng tới quy luật cung cầu
Quy luật cung cầu đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, trao đổi hàng hóa và giá cả mua bán trên thị trường. Trong đó, cân bằng thị trường được xem là một trạng thái lý tưởng, thời điểm mà sản lượng giao dịch và giá cả có khả năng tự ổn định mà không phải chịu áp lực thay đổi. Trạng thái này giúp tạo ra sự hài lòng giữa người mua và người bán, khiến cho sản lượng hàng hóa mà nhà sản xuất sẵn sàng cung cấp vừa đáp ứng đủ cho nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, thị trường thường khó mà đạt được tới trạng thái lý tưởng bởi vì quy luật cung cầu chịu ảnh hưởng từ những yếu tố sau:
1. Giá hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan
Sự ảnh hưởng của cung cầu trong một sản phẩm cũng thể hiện ở giá cả của các dịch vụ và hàng hóa liên quan. Do đó mà bạn có thể thấy trên thị trường, có nhiều sản phẩm tương tự nhưng lại có giá cả khác nhau. Bởi lẽ trong trường hợp sản phẩm có thể thay thế cho nhau thì những mặt hàng bán với giá thấp hơn thường có nhu cầu cao hơn.
Quy luật này cũng áp dụng cho các sản phẩm khó tách rời vì chúng được người tiêu dùng coi là bổ sung cho nhau. Chẳng hạn, sản phẩm cà phê và đường, sữa có liên quan chặt chẽ. Khi giá cà phê tăng, người tiêu dùng sẽ ít mua cà phê hơn, điều này có thể dẫn đến giảm lượng người mua đường và sữa, vì đây là những sản phẩm thường được mua kèm khi mua cà phê.
2. Thu nhập cá nhân
Thu nhập cá nhân cũng là một yếu tố quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến sự biến động của cung và cầu. Khi thu nhập của người dân tăng, nhu cầu tiêu dùng và mua sắm cũng tăng, tạo động lực cho các nhà sản xuất tăng cường cung cấp hàng hóa.
Ngược lại, trong các tình huống suy thoái kinh tế, thất nghiệp hoặc thu nhập giảm, người dân thường phải hạn chế chi tiêu và thường chỉ mua những thứ thật sự cần thiết. Lúc này, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách nhằm tăng thu nhập của người dân, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và ổn định nền kinh tế nội địa.
3. Thị hiếu của xã hội
Thị hiếu tiêu dùng đối với một sản phẩm cũng có tác động đáng kể đến cung và cầu trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, trong thời kỳ đại dịch, mọi người ưa chuộng sử dụng xe đạp để tăng cường hoạt động thể chất và cải thiện sức khỏe. Do đó, nhu cầu về xe đạp đã có xu hướng tăng lên và điều này gián tiếp ảnh hưởng đến giá cả cung ứng của sản phẩm này.
4. Chất lượng hàng hóa / dịch vụ
Khi quyết định mua bất kỳ một sản phẩm hoặc dịch vụ nào, người tiêu dùng thường đặt sự ưu tiên hàng đầu cho yếu tố chất lượng, bất kể mặt hàng đó có giá cao hay thấp.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực điện thoại di động, các thương hiệu lớn và được công nhận về chất lượng thường thu hút đông đảo người mua, mặc dù giá của chúng có cao. Ngược lại, những thương hiệu không nổi tiếng, có chất lượng và công nghệ kém, dù giá rẻ hơn nhiều nhưng lại ít được lựa chọn.
5. Tổng dân số
Trong trường hợp dân số đông hay mật độ dân số cao, có nhiều người sẽ đồng nghĩa với việc nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ tăng lên. Vì vậy mà các nhà cung cấp thường sẽ ưu tiên phân phối sản phẩm hay mở đại lý bán hàng tại những địa điểm có đông dân cư sinh sống.
6. Sự phát triển của công nghệ
Sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ đến cả cung lẫn cầu. Nói như thế là bởi vì khi áp dụng các tiến bộ khoa học, quá trình sản xuất sẽ trở nên hiệu quả, sản phẩm được tạo ra sẽ nhiều hơn và có chất lượng cao hơn. Điều này dẫn đến sự gia tăng về khả năng cung cấp hàng hóa, đồng thời giá cả sản phẩm cũng có thể sẽ rẻ hơn.
Ví dụ cụ thể là khi người nông dân áp dụng máy cày, máy gặt hay các tiến bộ công nghệ khác trong nông nghiệp, họ sẽ đạt được năng suất cao hơn và sản phẩm cuối cùng sẽ có chất lượng tốt hơn.
7. Cơ hội sinh lời
Ngoài những yếu tố trên thì cơ hội sinh lời cũng ảnh hưởng đến quy mô sản xuất hay lượng cung cấp hàng hóa. Nếu một sản phẩm nào đó có tiềm năng sinh lời cao, các doanh nghiệp sẽ tích cực tăng cường sản xuất để khai thác cơ hội này và mở rộng thị trường.
Với mục tiêu đạt được lợi nhuận lớn, mỗi đơn vị cung ứng sẽ nỗ lực hết mình để đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng, điều này cũng góp phần mang đến sự thuận lợi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà Phương nam 24h muốn chia sẻ đến bạn về quy luật cung cầu và ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế thị trường. Hy vọng rằng những kiến thức mà chúng tôi cung cấp sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình nghiên cứu về các mối quan hệ cung cầu, phân tích xu hướng thị trường và tiến hành các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa một cách hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có khả năng dự đoán được sự thay đổi của giá cả trên thị trường và nắm bắt tốt các cơ hội kinh doanh sinh lời.