Kinh doanh POD là gì? Tất tần tật về mô hình Print On Demand

Kinh doanh theo mô hình POD đã nổi lên như một ý tưởng đầy sáng tạo, tiềm năng và thu hút sự chú ý từ phía thị trường Việt Nam, đặc biệt với những tâm hồn trẻ đang tràn đầy niềm khao khát khởi nghiệp. Những mẫu áo độc đáo với hình ảnh in sắc nét hay chiếc bình đựng nước tràn ngập các thông điệp thú vị có lẽ đã trở thành thứ không còn xa lạ gì đối với mọi người.

Dù có tiềm năng lớn như thế nhưng thành công trong lĩnh vực này không phải là điều mà bất kỳ ai cũng đều có thể dễ dàng đạt được. Vì lẽ đó mà trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay kinh doanh POD là gì cũng như tất tần tật những điều cần biết về print on demand nếu bạn đang có ý định tham gia vào mô hình này nhé. 
 

Kinh doanh POD là gì? Tất tần tật về mô hình Print On Demand
 

Print on demand (POD) là gì?

Print on demand (POD) hay còn gọi là in ấn theo yêu cầu, đại diện cho hình thức kinh doanh thương mại điện tử (e-commerce) độc đáo, cho phép bạn bán các sản phẩm nhãn trắng được tùy chỉnh bằng cách in hình ảnh theo mẫu thiết kế riêng, ví dụ như quần áo, cốc, túi xách,.... Trong mô hình này, bạn cần tương tác với các nhà cung cấp dịch vụ in ấn độc quyền để mang đến những sản phẩm hoàn toàn riêng biệt theo ý tưởng sáng tạo cá nhân. Sau đó, bạn sẽ đưa chúng ra thị trường với thương hiệu của mình để bán hàng và thu hút người dùng mục tiêu.

Một điểm đặc biệt của mô hình kinh doanh POD là sản phẩm chỉ được in và sản xuất khi có đơn hàng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không cần phải lưu trữ hay sở hữu bất kỳ sản phẩm nào, giúp loại bỏ các khó khăn liên quan đến việc quản lý kho và ứ đọng hàng hóa. Khi đó, việc mà người kinh doanh theo mô hình POD cần làm chỉ là lựa chọn và đăng ký trên một nền tảng online hỗ trợ toàn bộ quá trình từ in ấn cho đến đóng gói và giao đơn cho khách hàng.

Xét về bản chất, POD cũng giống như mô hình dropshipping (bán hàng mà không cần lưu kho hay vận chuyển) nhưng được áp dụng trong lĩnh vực in ấn. Người bán không sở hữu sản phẩm, không cần phải đảm nhận việc lưu kho, vận chuyển hoặc quản lý hàng hóa. Tất cả những công đoạn này được thực hiện bởi một bên thứ ba và người bán sẽ chỉ phải chịu các khoản phí liên quan khi có khách yêu cầu đặt hàng.

Kinh doanh POD là gì?
 

Ưu - nhược điểm của mô hình kinh doanh POD

Sau khi đã hiểu rõ khái niệm print on demand là gì, việc cần làm tiếp theo để giúp bạn có cái nhìn tổng quan và rõ ràng hơn về mô hình này là hãy tìm hiểu ngay về những ưu điểm cũng như hạn chế của hình thức kinh doanh POD.

1. Ưu điểm nổi bật của mô hình kinh doanh Print on demand 

Không thể phủ nhận rằng, ưu điểm quan trọng nhất của mô hình POD nằm ở khả năng tự vận hành hiệu quả. Điều này có nghĩa là những người tham gia kinh doanh sẽ không cần lo lắng về việc nhập hàng, quản lý đơn hàng, tồn kho hay phải đảm nhận chăm sóc khách mua. Cụ thể, mô hình này đem lại nhiều lợi thế đặc biệt như:

- Không cần vốn lớn, rủi ro giảm: Vấn đề về vốn đầu tư sẽ không còn là nỗi lo nếu như bạn chuẩn bị bắt đầu kinh doanh với mô hình POD. Nếu đã có khả năng thiết kế, bạn chỉ cần bỏ ra một ít chi phí tập trung vào quảng cáo. Bên cạnh đó, các bước mở cửa hàng và tải sản phẩm lên nền tảng POD cũng được thực hiện một cách đơn giản.

- Loại bỏ gánh nặng tồn kho: Ưu điểm quan trọng nhất nằm ở việc sản phẩm chỉ được sản xuất khi có đơn đặt hàng. Do đó, gánh nặng về việc lưu trữ và quản lý hàng tồn kho sẽ hoàn toàn được giải quyết.

- Không cần đầu tư máy móc, nguyên vật liệu: Với mô hình này, đối tác của bạn sẽ chịu trách nhiệm cho việc in ấn nên bạn không cần phải tốn chi phí mua sắm hay mất thời gian để làm quen với máy in.

- Giải quyết vấn đề vận chuyển: Với mô hình POD, bạn chỉ cần đăng tải sản phẩm và hình ảnh của thương hiệu cá nhân, việc xử lý đơn, giao hàng sẽ được đối tác thứ ba (Pod Fulfillment) đảm nhận.

- Đa dạng về thiết kế sản phẩm: Vì chỉ thực hiện khâu thiết kế và không có rủi ro về tình trạng tồn hàng nên bạn sẽ có thể thỏa sức sáng tạo nhiều mẫu mã khác nhau để đáp ứng mọi đối tượng. Thậm chí, nếu khách hàng yêu cầu sản phẩm độc đáo, bạn cũng có thể dễ dàng thực hiện. 

- Giới thiệu sản phẩm mới một cách nhanh chóng: Khi bạn đã sở hữu một bộ thiết kế riêng, việc tạo ra sản phẩm và đưa chúng ra thị trường chỉ cần một khoảnh khắc.

- Dễ dàng xây dựng thương hiệu: Với những sản phẩm mang thương hiệu riêng từ các thiết kế độc đáo, việc xây dựng giá trị nhận diện sẽ trở nên mạnh mẽ và dễ dàng hơn nếu trong tương lai bạn quyết định mở rộng quy mô kinh doanh.

- Tiềm năng mở rộng kinh doanh: Nhờ giảm thiểu chi phí nhân công, tài sản cố định và có thể tự do thiết lập giá nên bạn dễ dàng mở rộng sang thị trường quốc tế để thu lợi nhuận mà không cần lo lắng về vốn.
 

Bán hàng POD là gì?
 

2. Những nhược điểm không thể không nhắc đến

Bất kể mô hình kinh doanh nào cũng tồn tại những hạn chế và lĩnh vực print on demand cũng không phải là ngoại lệ. Dưới đây là một số nhược điểm cần xem xét nếu như bạn đang có ý định “bước chân” vào mô hình này:

- Bên độ lợi nhuận thấp, phụ thuộc vào bên thứ ba: Điều này trở nên rõ ràng khi bạn phải trả một khoản chi phí cho từng đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, thời gian in ấn, vận chuyển, đóng gói, giao hàng,... cũng hoàn toàn ko nằm trong tầm kiểm soát của bạn.

- Giới hạn khả năng gia tăng trải nghiệm khách hàng: Các nền tảng POD thường tuân theo quy trình fulfillment cố định, điều này đồng nghĩa bạn sẽ không thể tự do tạo ra những trải nghiệm bất ngờ cho người mua khi họ nhận sản phẩm. Chẳng hạn, nếu bạn muốn tạo sự độc đáo cho bao bì sản phẩm hoặc gửi kèm thêm một tấm thiệp cảm ơn trong gói hàng, việc này sẽ khó thực hiện khi áp dụng mô hình POD.

- Hạn chế dữ liệu sản phẩm: Nếu bạn cần dữ liệu thống kê từ thị trường để hỗ trợ quá trình ra quyết định kinh doanh thì làm POD không phải là lựa chọn phù hợp. Các sàn thương mại điện tử lớn thường sở hữu nhiều dữ liệu về tần suất, tỷ lệ, đánh giá và số liệu thống kê về sản phẩm,... cho phép bạn thực hiện phân tích để lựa chọn sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, đối với các nền tảng POD thì việc truy xuất dữ liệu lại trở nên rất khó khăn, khiến người bán không thể dự đoán những sản phẩm hot hoặc chiếm thị trường.

- Thời gian xử lý đơn hàng kéo dài: Vì mọi sản phẩm chỉ được sản xuất khi có đơn nên thời gian xử lý sẽ lâu hơn so với các đơn vị bán với nguồn hàng có sẵn. Điều này cần được thông báo rõ ràng cho khách hàng của bạn để tránh tình trạng người mua đánh giá xấu.

- Hạn chế về sản phẩm được bán: Các mặt hàng kinh doanh sẽ bị giới hạn trong phạm vi dịch vụ của nhà cung cấp POD, tùy theo từng đơn vị. Chẳng hạn, nếu bạn chọn một đơn vị POD chỉ hỗ trợ sản xuất các sản phẩm thời trang như quần áo và túi xách, thì bạn sẽ không thể in ấn trên các phụ kiện khác như ốp điện thoại hay túi đựng laptop. Điều này có nghĩa rằng bạn sẽ bị giới hạn bởi quyết định ban đầu và khó khăn nếu muốn mở rộng kinh doanh trong tương lai. Tuy nhiên, sẽ không là vấn đề lớn nếu bạn đang bán các hàng hóa phổ biến như áo thun hay cốc,....

- Cần có tài khoản thanh toán quốc tế: PayPal, PingPong và Payoneer,... là những phương thức quốc tế mà mọi người cần có để thực hiện giao dịch.

Hai loại hình print on demand phổ biến hiện nay

Hiện nay, trong lĩnh vực kinh doanh print on demand, có hai loại hình chính được biết đến nhiều nhất là fulfillment POD và sàn thương mại điện tử POD.

1. Dịch vụ fulfillment POD 

Các nhà cung cấp dịch vụ fulfillment POD sẽ hỗ trợ người bán kết nối với những nền tảng thương mại điện tử. Khi có đơn đặt hàng, hệ thống sẽ tự động chuyển lệnh đặt hàng tới dịch vụ in ấn và hoàn tất, xây dựng nên một chuỗi chu trình liền mạch từ nhận đơn đến thu tiền. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần tạo tài khoản trên nền tảng, tự thiết kế gian hàng trực tuyến và thực hiện công việc bán hàng.

2. Sàn thương mại điện tử POD

Thay vì dựa vào đơn vị trung gian, người bán có thể tự tạo gian hàng online trên sàn thương mại điện tử và tự đăng các mẫu thiết kế của mình lên nền tảng đó. Trong trường hợp này, nhiệm vụ của người bán là đưa các mẫu thiết kế in lên các sản phẩm tương ứng để trang web tiếp cận khách hàng mà không phải tự bán như trong mô hình fulfillment POD. Tuy nhiên, một hạn chế của hình thức này là bạn không thể truy cập hoặc lưu trữ dữ liệu liên quan đến khách hàng bởi thông tin đó thuộc về sàn thương mại điện tử.
 

Print On Demand là g?
 

Phân biệt POD với dropshipping

Ngày nay, người ta thường xuyên bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm dropshipping và POD. Để hiểu rõ hơn tại sao như vậy thì trước tiên, bạn cần nắm được dropshipping là gì?

Dropshipping là một hình thức kinh doanh thương mại điện tử thông qua trung gian nên người bán không cần thực hiện giao đơn trực tiếp cho khách hàng của mình. Với cách tiếp cận này, họ có thể bán các loại sản phẩm mà không cần nhập hàng hay duy trì số lượng tồn kho.

Như vậy, sự nhầm lẫn giữa POD và dropshipping chủ yếu xuất phát từ một điểm tương đồng: cả POD và dropshipping đều tạo điều kiện cho người bán không cần can thiệp vào quá trình sản xuất, in ấn, đóng gói và vận chuyển cho khách hàng vì tất cả được thực hiện bởi nhà cung cấp của họ, từ đó hạn chế tối đa được rủi ro về vốn khi kinh doanh.

Tuy hình thức gần như tương tự hoàn toàn nhưng POD với dropshipping có một điểm khác biệt rất lớn, đó là khả năng can thiệp vào thiết kế sản phẩm - yếu tố tạo nên nét đặc trưng của mô hình print on demand. Chúng ta cũng có thể thấy những điểm khác biệt khác giữa hai mô hình bán hàng này qua các đặc điểm dưới đây:

 

Dropshipping

Print on demand

Không thể can thiệp vào quá trình thiết kế sản phẩm

Được tuỳ chỉnh hay thiết kế lại sản phẩm theo ý muốn cá nhân

Thời gian thực hiện đơn hàng nhanh hơn vì có nguồn hàng sẵn

Thời gian xử lý đơn hàng chậm vì có khách đặt đơn mới bắt đầu in ấn

Thị trường cạnh tranh cao hơn do số lượng người bán nhiều

Thị trường ít cạnh tranh hơn vì các thiết kế mang tính độc đáo, cá nhân, khó sao chép

Hàng tồn có khả năng bán lại một lần nữa

Dễ dàng xây dựng thương hiệu cá nhân

 

Hướng dẫn vận hành mô hình POD hiệu quả

Dựa trên khái niệm kinh doanh POD là gì, chắc hẳn bạn đã nhận thấy rằng quy trình hoạt động cho cửa hàng sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều so với hình thức truyền thống trước kia. Theo bản chất, để vận hành mô hình POD một cách hiệu quả, bạn cần thực hiện 4 bước như sau:

1. Thiết lập cửa hàng

Đầu tiên, để vận hành mô hình POD hãy bắt đầu bằng việc thiết lập cửa hàng trực tuyến riêng của bạn. Tùy thuộc vào nền tảng print on demand, bạn có thể tiến hành theo một trong hai cách sau:

- Tích hợp vào cửa hàng hiện có: Các đơn vị cung cấp dịch vụ POD thường cho phép bạn liên kết với những nền tảng thương mại điện tử và cửa hàng trực tuyến hiện có. Trường hợp đã có cửa hàng online, bạn có thể tích hợp với mô hình POD và bắt đầu kinh doanh ngay lập tức.

- Sử dụng nền tảng thương mại điện tử của dịch vụ POD: Trong trường hợp chưa có cửa hàng online trên bất kỳ kênh mua sắm nào, bạn có thể chọn một đơn vị cung cấp dịch vụ POD tích hợp nền tảng thương mại điện tử. Đơn vị này cho phép bạn tạo tài khoản cá nhân trên nền tảng của họ, sao đó, họ sẽ tiến hành bán và thực hiện giao sản phẩm dưới tên của bạn.
 

POD là gì?
 

2. Tải mẫu thiết kế và chọn sản phẩm kinh doanh 

Khi đã hoàn thành bước đầu thiết lập cửa hàng online, bạn có thể đăng tải những mẫu thiết kế và sản phẩm lên kênh riêng của mình. Nếu đang sử dụng dịch vụ POD fulfillment, việc chọn loại sản phẩm để bán hoàn toàn do bạn quyết định. Bạn có tự do kinh doanh bất kỳ sản phẩm nào mình muốn, miễn là nền tảng POD hỗ trợ loại sản phẩm đó. 

Ví dụ, nếu muốn tạo cửa hàng trực tuyến bán áo thun, bạn chỉ cần đăng tải mẫu thiết kế và bắt đầu kinh doanh. Nếu bạn muốn bán các sản phẩm như cốc, túi vải, khẩu trang,... bạn hoàn toàn có thể làm điều tương tự. Bên cạnh đó, bạn có thể quyết định bán một loại sản phẩm hoặc kết hợp nhiều loại sản phẩm trong cửa hàng của mình. 

Dưới đây là danh sách một số loại sản phẩm phổ biến, lợi nhuận cao mà bạn có thể dễ dàng tìm và lựa chọn để bán trên các nền tảng POD:

- Thời trang: Áo phông, giày thể thao, áo hoodie, chân váy, quần short, váy freesize, quần legging,....

- Đồ gia dụng: Cốc sứ, chăn, khăn tay, vỏ gối, thảm,....

- Sản phẩm trang trí: Ảnh in, bức tranh gỗ, tranh treo tường,....

- Phụ kiện: Tất, túi vải canvas, khẩu trang, nón, găng tay, ốp điện thoại,....

- Phụ kiện cá nhân: Ốp lưng điện thoại, balo, túi laptop, túi xách vải,....

3. Lựa chọn nền tảng kinh doanh

Trong thời điểm này, cửa hàng của bạn đã sẵn sàng phục vụ khách hàng trên toàn cầu với danh mục sản phẩm được thiết kế sẵn. Nếu đang áp dụng dịch vụ fulfillment, bạn có thể bắt đầu thực hiện chiến dịch marketing cho hàng hóa của mình và thu hút lưu lượng truy cập đến gian hàng.

Trong trường hợp bạn chọn sử dụng thương mại trên POD, sàn mà bạn lựa chọn sẽ thực hiện phần lớn công việc marketing. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tăng cường sự nhận diện của cửa hàng bằng cách chia sẻ liên kết đến trang thông tin trên sàn hoặc liên kết đến các sản phẩm của bạn thông qua nhiều kênh cá nhân khác.

Dù theo cách nào thì mục tiêu chung vẫn là thu hút sự quan tâm từ mọi người và chuyển đổi họ thành khách hàng mua sắm sản phẩm của bạn.

4. Nền tảng POD hoàn tất đơn hàng

Bất kể là cửa hàng của bạn đã tích hợp với dịch vụ POD fulfillment hay trên sàn thương mại điện tử POD thì nếu có khách hàng tạo đơn, hệ thống sẽ tự động thực hiện việc in ấn, đóng gói và vận chuyển thành phẩm đến tay khách hàng.

Ngay sau khi đơn hàng xác nhận hoàn tất, bạn sẽ nhận được khoản tiền từ việc bán sản phẩm thành công. Như vậy là bạn đã bắt đầu có được nguồn thu từ mô hình kinh doanh print on demand.
 

Làm POD
 

Các nền tảng và sàn thương mại điện tử POD hàng đầu hiện nay

Nếu bạn đang khao khát ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực print on demand tại Việt Nam thì dưới đây là 5 lựa chọn về nền tảng POD mà bạn có thể xem xét:

- Printful: Là một nền tảng kinh doanh print on demand hàng đầu trên thế giới, có trụ sở tại nhiều quốc gia như Mỹ, Mexico, Tây Ban Nha,... mang đến nhiều lựa chọn sản phẩm đa dạng và thương hiệu chất lượng. Bạn chỉ cần tạo ra thiết kế và Printful sẽ đảm nhiệm mọi bước từ in ấn đến đóng gói và vận chuyển. Bên cạnh đó, Printful còn hỗ trợ tích hợp một cách rộng rãi với nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Ebay, Amazon và Etsy. 

- Printify: Xuất hiện vào năm 2015 và có trụ sở chính tại Mỹ, Anh và Trung Quốc, nền tảng này là một sự lựa chọn đáng xem xét cho doanh nghiệp nhỏ. Một điểm mạnh của Printify là không giới hạn về số lượng sản phẩm thiết kế, đồng thời họ cung cấp tới 200 danh mục hàng hóa khác nhau. Trong danh mục này, bạn còn có thể tìm thấy những sản phẩm nhãn trắng độc đáo như đồng hồ, bình nước, giày và đồ trang sức. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là nền tảng không có sẵn các mẫu giao diện mẫu nên người bán cần tự thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng cho cửa hàng của mình.

- TeeChip: TeeChip khá nổi tiếng tại Việt Nam, xuất hiện từ năm 2013 và bắt đầu phát triển mạnh mẽ vào năm 2016. Đặc biệt, TeeChip còn có sẵn một sàn thương mại điện tử trực tuyến cho phép người bán đặt sản phẩm trên sàn và thu được phần trăm hoa hồng từ mỗi giao dịch. Điểm nổi bật trong nền tảng này là chi phí sản xuất thấp cùng với nhiều tính năng hỗ trợ cho người bán như nhân đôi hàng loạt (duplicate), khả năng sử dụng tên miền riêng (custom domains),....

- PrintBase: Ra mắt vào cuối năm 2019, mặc dù xuất hiện muộn nhưng PrintBase đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm từ lượng lớn người bán hàng. Nền tảng này đem đến nhiều ưu điểm đáng chú ý như tích hợp cổng thanh toán quốc tế, chi phí cơ sở thấp cạnh tranh, cùng với mức giá ưu đãi cho dịch vụ fulfillment,.... Bên cạnh đó, PrintBase không chỉ hỗ trợ người bán trong nhiều khâu từ quá trình xây dựng, đóng gói, vận chuyển cho đến việc quản lý, vận hành và xử lý khiếu nại, mà còn là nền tảng đầu tiên cho phép người bán tạo sự cá nhân hóa sản phẩm một cách dễ dàng thông qua việc kéo, thả.

- Gooten: Đây là một nền tảng nổi tiếng, cung cấp đa dạng loại hàng hóa và cho phép người dùng tùy chỉnh những sản phẩm độc quyền chỉ có tại Gooten (ví dụ như lịch, giường cho thú cưng,...). Với việc tận dụng mạng lưới nhà cung cấp và các dropshipper trải dài trên toàn thế giới, nền tảng này giúp người bán tạo nên sự khác biệt không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn về quy trình giao hàng, đặc biệt trong mô hình kinh doanh dropshipping.
 

POD Print On Demand
 

Nếu bạn đang xem xét mô hình kinh doanh POD thông qua sàn thương mại điện tử, dưới đây là 3 sự lựa chọn mà bạn nên cân nhắc lựa chọn:

- Esty POD: Đây là một nền tảng thương mại điện tử được ra mắt từ năm 2013, đã thu hút khoảng 90 triệu tài khoản người dùng và khoảng 20% trong số này đang tìm kiếm và mua các sản phẩm sáng tạo POD trên sàn. Etsy nổi bật với các sản phẩm thủ công, nghệ thuật, handmade, đồ gia dụng và thậm chí cả ấn phẩm dưới dạng in ấn, nhãn dán,.... Điều này tạo nên một mảnh đất tươi sáng cho các chủ cửa hàng kinh doanh POD trên nền tảng này.

- Ebay POD: Đây là một nền tảng thương mại điện tử phù hợp cho những người muốn tham gia kinh doanh với số vốn ít. Vào đầu năm 2020, số lượng khách hàng toàn cầu của Ebay đã chạm mốc 183 triệu. Với giao diện dễ sử dụng và quy trình đăng ký tài khoản đơn giản chỉ trong vài bước xác minh, Ebay mang lại cơ hội tuyệt vời cho những người chưa có kinh nghiệm để bắt đầu kinh doanh POD.

- Amazon POD: Amazon đã tạo ra một phân khúc đặc biệt cho thị trường POD, được gọi là Merchant by Amazon (MBA). Sàn thương mại điện tử này cung cấp gói dịch vụ POD toàn diện cho các người bán thông qua hợp tác với Gearment với mức giá cơ bản hấp dẫn. Tuy nhiên, bán hàng trên Amazon có một số hạn chế như giao diện sử dụng phức tạp và tỷ lệ lợi nhuận thấp do giá thành sản phẩm khá cao.

Một số lưu ý khi kinh doanh POD bạn cần ghi nhớ

Bên cạnh những ưu điểm mà kinh doanh POD mang lại, vẫn có một số lưu ý quan trọng mà bạn cần nhớ đến nếu quyết định bắt đầu thương hiệu của riêng mình với mô hình này:

- Việc quản lý chất lượng sản phẩm và quy trình vận chuyển thường khá khó khăn nếu bạn không chuẩn bị và kiểm tra kỹ càng vì điều này phụ thuộc chủ yếu vào nhà cung cấp dịch vụ in ấn và bên giao hàng.

- Thị trường cạnh tranh đang phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều bạn trẻ hiểu biết về công nghệ, luôn cập nhật xu hướng thị trường.

- Bạn cần phải có khả năng thẩm mỹ, tư duy sáng tạo hoặc tìm cách thuê người thiết kế tài năng để theo kịp xu hướng.

- Kinh doanh trực tuyến đòi hỏi bạn tìm hiểu và nắm vững kiến thức về marketing số, đồng thời có khả năng thích nghi với môi trường số hóa.

- Lựa chọn được nền tảng kinh doanh POD và sản phẩm phù hợp với bản thân là điều cốt lõi của quá trình thành công.
 

Print On Demand
 

Mặc dù mô hình kinh doanh POD không cần nhiều vốn và ít rủi ro hơn so với các hình thức truyền thống nhưng lại đòi hỏi bạn phải có sự hiểu biết về công nghệ kỹ thuật số để có thể thực hiện công việc bán hàng một cách hiệu quả. Nếu bạn không nắm vững các vấn đề này thì bạn sẽ không thể kinh doanh lâu dài và cạnh tranh tốt trên thị trường được. Hy vọng rằng qua những thông tin mà Phương Nam 24h chia sẻ trong bài viết trên, bạn đã có cái nhìn thực tế hơn về khái niệm kinh doanh POD là gì và làm thế nào để làm giàu hiệu quả với mô hình print on demand.

Nội dung liên quan

Tin Kinh doanh khác

CSR là gì? Từ A - Z về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

CSR là gì? Từ A - Z về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

CSR (corporate social responsibility) là chiến lược giúp doanh nghiệp đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan và phát triển bền vững.
Cách phân tích đối thủ cạnh tranh để tối ưu hóa thị phần

Cách phân tích đối thủ cạnh tranh để tối ưu hóa thị phần

Phân tích đối thủ cạnh tranh không chỉ là thu thập thông tin mà còn cả quá trình rút ra bài học để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Lợi thế cạnh tranh là gì? Các mô hình lợi thế cạnh tranh

Lợi thế cạnh tranh là gì? Các mô hình lợi thế cạnh tranh

Trong thị trường kinh doanh, lợi thế cạnh tranh không chỉ là chìa khóa giúp doanh nghiệp tồn tại mà còn quyết định sự phát triển bền vững.
IMC là gì? Giải mã 8 công cụ truyền thông marketing tích hợp

IMC là gì? Giải mã 8 công cụ truyền thông marketing tích hợp

Giải mã IMC và cách kết hợp các phương tiện truyền thông marketing tích hợp để xây dựng thông điệp nhất quán, tạo dấu ấn khó quên.
Customer experience là gì? Các yếu tố then chốt định hình CX

Customer experience là gì? Các yếu tố then chốt định hình CX

Tại sao một số thương hiệu luôn được khách hàng yêu thích và trung thành? Bí quyết nằm ở CX - trải nghiệm khách hàng mà họ mang lại.
SBU là gì? Bí quyết áp dụng chiến lược cấp đơn vị kinh doanh

SBU là gì? Bí quyết áp dụng chiến lược cấp đơn vị kinh doanh

80% tập đoàn lớn trên thế giới đã áp dụng chiến lược cấp đơn vị kinh doanh SBU để tăng cường hiệu quả kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận.