Tìm được cho mình một công việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều hết sức tuyệt vời. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được cơ hội như thế. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết các bạn trẻ phải khá vất vả, chật vật mới có thể tìm kiếm được một công việc phù hợp và có mức lương tốt. Nếu bạn cũng đang gặp khó khăn trong quá trình tìm việc, hãy tham khảo những kỹ năng tìm kiếm việc làm nhanh chóng mà đội ngũ Phương Nam 24h chúng tôi chia sẻ trong bài này.
Kỹ năng tìm kiếm việc làm là gì?
Có thể hiểu một cách đơn giản kỹ năng tìm việc làm là tập hợp những khả năng của bạn để vận dụng vào việc tìm kiếm công việc. Mỗi năm ở nước ta ước tính có khoảng một triệu người thất nghiệp, trong số đó có đến hơn 300.000 sinh viên mới ra trường. Chính vì thế, việc mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết đối với quá trình tìm việc là điều rất quan trọng.
Kỹ năng giúp tìm kiếm việc làm dễ dàng, nhanh chóng
1. Kỹ năng tìm việc
Để lựa chọn được công việc phù hợp với bản thân, trước tiên bạn cần phải biết cách làm thế nào để tìm kiếm được việc làm. Hiện nay, có rất nhiều cách để bạn có thể tìm được thông tin tuyển dụng. Chẳng hạn như: tìm trên website việc làm, hội nhóm, mạng xã hội hoặc xem thông tin tuyển dụng trực tiếp trên trang web của công ty. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bạn cần phải lựa chọn nguồn đáng tin cậy vì hiện nay cũng tồn tại không ít thông tin tuyển dụng lừa đảo, làm mất thời gian và tiền bạc của bạn.
2. Kỹ năng viết đơn xin việc và CV
Đơn xin việc và CV là hai “bảo bối” đầu tiên của bạn tiếp cận được với nhà tuyển dụng. Tờ đơn xin việc và CV phải thật sự nổi bật mới có thể tạo được ấn tượng đặc biệt với nhà tuyển dụng trong số hàng trăm ứng viên. Bên cạnh những yếu tố như: bằng cấp, các loại kỹ năng mềm, kiến thức, kinh nghiệm,…bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy được sự nhiệt tình và hứng thú của bạn đối với công việc.
Trong đơn xin việc, hãy cho họ biết vì sao bạn mong muốn được làm việc ở công ty và tại sao bạn hoàn toàn phù hợp với công việc này. Hãy chú ý đến cách trình bày và phong cách viết, phải làm sao cho nhà tuyển dụng cảm thấy thật sự hứng thú và muốn gặp bạn. Ngoài ra, chăm chút cho CV thật đẹp với một tấm ảnh lung linh cũng là điều mà bạn nên thực hiện. Có như vậy, bạn mới dễ dàng được nhận vào làm tại những công ty có môi trường làm việc tốt.
3. Kỹ năng phỏng vấn
Khi đã đến với vòng phỏng vấn có nghĩa là bạn đang cầm lấy được chiếc chìa khóa việc làm trong tay mình. Điều còn lại là bạn sẽ làm như thế nào với chiếc chìa khóa ấy để có thể mở được cánh cửa phía trước. Đó chính là kỹ năng khi đi phỏng vấn. Trước tiên, bạn cần phải tạo được một hình ảnh thật đẹp và chuyên nghiệp bằng việc chăm chút cho ngoại hình. Kế tiếp là trang bị thêm cho mình những điều vô cùng cần thiết dưới đây:
- Thông tin về công ty: Hãy cố gắng tìm kiếm thật nhiều thông tin về công ty mà bạn chuẩn bị đi phỏng vấn. Chẳng hạn như: lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm, mục tiêu và cơ cấu hoạt động của công ty,….Đây là những thông tin cơ bản mà mỗi ứng viên đều bắt buộc phải biết.
- Kiến thức chuyên môn: Bên cạnh bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng công việc,…muốn nhà tuyển dụng thấy được bạn sẽ có thể làm tốt công việc thì bản thân bạn phải trang bị thêm cho mình những kiến thức chuyên môn cùng các loại kỹ năng cứng phù hợp.
- Thể hiện nổi bật thông tin cá nhân: Hầu hết nhà tuyển dụng đều cho rằng những ứng viên có thêm nhiều khả năng khác ngoài yêu cầu về công việc sẽ có thể làm tốt hơn so với các ứng viên còn lại. Thế nên, bạn hãy cố gắng làm nổi bật những khả năng đặc biệt và ưu điểm của mình mà những người khác không có được.
- Sự nhiệt tình: Hãy cho nhà tuyển dụng thấy được bạn có thể làm được gì cho công ty và điểm nổi bật gì ở công ty đã giúp bạn cảm thấy hào hứng, thích thú với công việc này.
- Thể hiện sự chủ động: Trong suốt quá trình phỏng vấn, đừng nên chỉ biết trả lời những câu hỏi của nhà tuyển dụng mà thỉnh thoảng hãy chủ động đặt ra câu hỏi ngược lại. Đây là tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp, giúp bạn ghi điểm trong mắt người phỏng vấn. Tuy nhiên, việc đặt câu hỏi như thế nào để tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng là điều không hề dễ dàng. Bạn nên sử dụng những câu hỏi gián tiếp cho thấy khả năng chuyên môn của mình, chẳng hạn như: “Tôi đã từng sử dụng một phần mềm rất phù hợp với công việc này, không biết công ty đã thử qua phương thức đó chưa?”.
- Các lưu ý khác: Bên cạnh những điều nêu trên, bạn cũng cần phải lưu ý đến ánh mắt, ngôn ngữ hình thể, cách sử dụng từ ngữ trong suốt quá tình phỏng vấn.
Hi vọng rằng sau khi tham khảo những chia sẻ trên đây của đội ngũ biên tập viên chúng tôi, các bạn đã biết được thêm những kỹ năng tìm việc làm hay và hữu ích. Từ đó, biết cách áp dụng để quá trình tìm kiếm việc làm của mình trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Chúc bạn thành công!
Tham khảo thêm: Các kỹ năng giúp bạn làm việc chuyên nghiệp
Biên soạn: Thùy Linh