Với thời đại công nghệ số bùng nổ như hiện nay, việc truy xuất thông tin trên mạng Internet đã trở nên vô cùng quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu này thì ngày càng nhiều công cụ hữu ích đã ra đời nhằm hỗ trợ khả năng tìm kiếm dữ liệu trên các trang web một cách nhanh chóng và hiệu quả. Theo đó, Google, Bing, Yahoo!,... là những bộ máy truy vấn thông tin mà người dùng có lẽ đã quen thuộc từ lâu. Vậy máy tìm kiếm là gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá rõ hơn về lịch sử phát triển và cơ chế hoạt động của search engine cũng như top 10 công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên Internet hiện nay nhé.
Máy tìm kiếm là gì?
Máy tìm kiếm hay search engine là một hệ thống phần mềm hoặc dịch vụ hoạt động dựa trên nền tảng Internet để thực hiện chức năng trả lời các truy vấn của người dùng. Bằng cách truy cập vào cơ sở dữ liệu đã được thu thập từ trước, công cụ tìm kiếm sẽ hiển thị lại kết quả những thông tin phù hợp nhất với yêu cầu của người dùng dưới dạng danh sách liệt kê.
Lưu ý rằng, khi bạn nhập từ khóa truy vấn trên thanh công cụ, máy tìm kiếm sẽ trả về kết quả có liên quan được sắp xếp theo một thứ tự nhất định. Thứ tự này có thể thay đổi tùy thuộc vào hệ thống mà bạn sử dụng. Hiện nay, các hệ thống search engine thường liên tục thay đổi thuật toán sắp xếp kết quả để cải thiện trải nghiệm tìm kiếm cho người dùng.
Lịch sử phát triển của máy tìm kiếm
Sau khi tìm hiểu khái niệm search engine là gì, chúng tôi tin chắc bạn đã hiểu hơn phần nào về tầm quan trọng của các công cụ tìm kiếm trong thời đại chuyển đổi số hiện nay. Vậy, bạn đã biết máy tìm kiếm ra đời như thế nào chưa? Cùng chúng tôi điểm qua 3 giai đoạn hình thành và phát triển dưới đây nhé.
Giai đoạn 1: Quá trình hình thành từ 1990
Vào tháng 12/1990, công cụ tìm kiếm đầu tiên trên thế giới đã xuất hiện với cái tên Archie. Đây là sản phẩm được phát triển bởi Alan Emtage - một sinh viên đang theo học tại McGill University ở Montreal.
Archie có cách thức hoạt động vô cùng đơn giản: khi người dùng truy vấn thông tin, công cụ này sẽ đưa họ đến các đường dẫn của một hệ thống nào đó chứa những dữ liệu mà họ cần. Tuy nhiên, Archie chỉ tạo cơ sở dữ liệu từ việc tải xuống danh sách thư mục của tất cả các tệp trên trang web FTP mà không tiến hành lập chỉ mục cho nội dung của trang web, điều này đồng nghĩa rằng người dùng cần phải tìm kiếm thủ công.
Đến năm 1991, World Wide Web (WWW) đã được phát minh bởi Tim Berners-Lee để hỗ trợ người dùng trong việc truy vấn URL cho các trang web khác nhau. Thư viện này được lưu trữ trên các máy chủ web tại CERN trong giai đoạn đầu của Internet.
Sau đó, vào tháng 6 năm 1993, xuất hiện robot web đầu tiên mang tên World Wide Web Wanderer, được tạo ra bởi Mathew Gray. Wanderer sử dụng ngôn ngữ lập trình Perl để tạo ra chỉ mục "Wandex". Chức năng chính của chỉ mục Wandex là theo dõi sự phát triển cũng như đo lường kích thước của World Wide Web từ thời điểm ra đời cho đến cuối năm 1995.
Đến tháng 12/1993, JumpStation do Jonathon Fletcher tạo ra đã dùng robot web để tìm các trang web và lập chỉ mục, đồng thời sử dụng biểu mẫu web làm giao diện cho chương trình truy vấn. Do đó, đây được xem là máy tìm kiếm đánh dấu sự xuất hiện của công cụ đầu tiên cho việc khám phá World Wide Web với sự kết hợp của 3 tính năng: thu thập dữ liệu, thiết lập chỉ mục và tìm kiếm.
Giai đoạn 2: Sự phát triển trước năm 2000
Vào năm 1994, Jerry Yang và David Filo sáng lập Yahoo!, một trong những công cụ tìm kiếm phổ biến đầu tiên.
Năm 1996, Robin Li đã phát triển một thuật toán và triển khai nó trên trang RankDex với mục tiêu cải thiện xếp hạng kết quả truy vấn cho người dùng.
Đến năm 1998, Larry Page đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lĩnh vực máy tính khi ông đã phát triển nên thuật toán PageRank, dựa trên việc tham khảo Robin Li.
Giai đoạn 3: Sau năm 2000
Vào khoảng đầu những năm 2000, công cụ tìm kiếm Google bắt đầu trở nên nổi tiếng và làm thay đổi cách mọi người truy vấn thông tin trên Internet. Công ty đã đạt được sự thành công đáng kể hơn nhiều so với các đối thủ trước đó nhờ sử dụng thuật toán PageRank mà Sergey Brin và Larry Page đã viết ra. Hiện nay thì trên toàn thế giới, có nhiều search engine được đánh giá cao và sử dụng rộng rãi như Google, Bing, Yahoo!, Yandex,....
Cơ chế hoạt động của bộ máy tìm kiếm
Mặc dù, trên Internet hiện nay có nhiều loại máy tìm kiếm với những thuật toán khác nhau nhưng nhìn chung, Cơ chế hoạt động của search engine thường bao gồm ba bước chính sau:
- Crawling (thu thập thông tin).
- Indexing (phân loại, sắp xếp dữ liệu).
- Retrieval (truy xuất dữ liệu).
1. Crawling
Trước tiên, máy tìm kiếm sẽ được lập trình để tạo ra một số con bot (robot, spider hoặc crawler) nhằm tự động truy cập vào các web trên Internet. Con bot này hoạt động bằng cách duyệt qua trang web, thu thập thông tin và đồng thời theo dõi liên kết để truy cập vào những trang khác có liên quan nhằm trích xuất thêm thông tin. Nhờ đó mà search engine sẽ được tích hợp một lượng lớn dữ liệu từ trên khắp Internet.
2. Indexing
Thông tin sau khi thu thập sẽ được tổ chức và phân loại ngay lập tức để lưu trữ vào kho dữ liệu. Quá trình này diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh chóng, gần như được thực hiện đồng thời với việc thu thập dữ liệu bởi các bot.
Ví dụ, Google Search sử dụng một siêu hệ thống lưu trữ bao gồm hàng chục ngàn ổ cứng với dung lượng tổng cộng lên đến hàng petabyte (1 petabyte = 10 tỷ gigabyte). Hiện nay, Google đã triển khai 15 trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới để đảm bảo rằng mọi thông tin được lưu trữ sẵn sàng để truy xuất ngay khi người dùng tìm kiếm.
3. Retrieval
Quá trình truy xuất dữ liệu xảy ra khi có yêu cầu tìm kiếm từ người dùng. Trước khi kết quả hiển thị, dữ liệu sẽ được sắp xếp lại và trình bày sao cho phù hợp với yêu cầu của người dùng nhất. Danh sách kết quả này được đánh giá dựa trên mức độ liên quan và sự phổ biến của nội dung mà người dùng tra cứu. Tuy nhiên, với mỗi máy tìm kiếm, cách hoạt động và thuật toán sẽ khác nhau, điều này làm cho danh sách kết quả khi truy xuất thông tin trên từng search engine có thể không tương đồng.
Vai trò của máy tìm kiếm trong marketing online
Trong thời đại số hóa phát triển mạnh mẽ, với sự lan rộng của máy tính và smartphone thì vai trò của các search engine có ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực marketing online mà cụ thể là SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) và SEM (tiếp thị trả tiền trên công cụ tìm kiếm).
- SEO đề cập đến quá trình tối ưu hóa trang web để gia tăng thứ hạng từ khóa trên các công cụ search engine, giúp người dùng dễ dàng tìm thấy và truy cập trang web nhanh chóng hơn. Do đó, các chuyên gia luôn phải duy trì sự cập nhật liên tục bởi vì mọi sự thay đổi trong các thuật toán của máy tìm kiếm đều sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quá trình SEO.
- SEM tập trung vào mục tiêu là tăng tần suất xuất hiện của trang web trên trang đầu của kết quả truy vấn, thông qua việc trả tiền cho quảng cáo. Hiểu rõ cách hoạt động của các máy tìm kiếm có thể giúp chiến dịch SEM đạt hiệu quả tốt hơn, làm tăng lượng lưu lượng truy cập website của bạn.
Top 10 công cụ tìm kiếm phổ biến hiện nay
Việc tìm kiếm thông tin trực tuyến đã trở nên phổ biến và không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ngày nay, có rất nhiều công cụ truy xuất mà mọi người sử dụng để tra cứu thông tin, truy xuất sản phẩm hoặc giải quyết các câu hỏi hàng ngày.
1. Google
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Google là công cụ tìm kiếm tốt nhất trong giai đoạn hiện nay với 92% thị phần tìm kiếm trên toàn cầu vào năm 2019. Được sáng chế bởi Larry Page và Sergey Brin vào năm 1997, công cụ này hoạt động vô cùng mạnh mẽ dựa trên hệ thống Pagerank - một sáng chế tiên tiến ở năm 1998. Thống kê thời gian thực cho thấy, mỗi giây trôi qua có hơn 65.000 lượt tìm kiếm được thực hiện thông qua Google.
Với khả năng xử lý trên 3 tỷ tìm kiếm mỗi ngày và hàng tỷ dữ liệu cập nhật cần được sắp xếp, hệ thống Pagerank của Google hoạt động với tốc độ ấn tượng. Hơn nữa, Google không ngừng phát triển và cải tiến các thuật toán chống spam, đồng thời luôn đảm bảo duy trì tính trung thực tuyệt đối của kết quả tìm kiếm.
Rất lâu trước kia, Google Search đã trở thành cầu nối liên kết giữa con người với thế giới Internet và mọi người thường ưa chuộng sử dụng công cụ này để đăng nhập vào những trang web khác, chẳng hạn họ nhập "facebook.com" vào ô tìm kiếm để truy cập Facebook. Như vậy, Google đã trở thành một người bạn đồng hành giúp con người giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt như “cách học online”, "thời tiết hôm nay", “địa điểm du lịch" đến những tác vụ lớn lao như "thiết kế website" hoặc "design logo chuyên nghiệp",....
Hiện nay, với hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng thông minh, có khả năng xử lý hàng chục ngàn yêu cầu tìm kiếm đồng thời mà vẫn cung cấp kết quả nhanh chóng, Google hiển nhiên sẽ tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu của mình trong tương lai. Mặt khác, cơ chế máy học (machine learning) cũng giúp hệ thống hiểu hơn về thói quen cũng như nhu cầu của người dùng, từ đó cung cấp kết quả tìm kiếm ngày càng chính xác và liên quan.
Google đã tuyên bố nhiệm vụ của mình là sắp xếp thông tin trên khắp thế giới và biến chúng trở nên hữu ích để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Điều này đồng nghĩa với việc thuật toán của Google sẽ ngày càng hoàn thiện, quy mô mở rộng và tạo ra ảnh hưởng đến cách mọi người hoạt động trên Internet. Hơn nữa, sự phát triển của Google và nhu cầu truy cập thông tin tăng cao đã đặt nền móng cho hàng loạt các yêu cầu về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), SME (tiếp thị qua các công cụ tìm kiếm), quảng cáo CPC,....
2. Bing
Bing là một công cụ tra cứu thông tin mà Microsoft sở hữu và vận hành, có nguồn gốc từ các search engine trước đây của Microsoft, bao gồm MSN Search, Windows Live Search và Live Search. Tương tự như Google, Bing không chỉ giới hạn trong việc tìm kiếm tin tức trên web mà còn bao gồm video, hình ảnh, bản đồ,....
Tháng 7/2009, Microsoft và Yahoo! đã công bố một thỏa thuận hợp tác, trong đó Bing sẽ là nền tảng tìm kiếm chính cho Yahoo! Search. Toàn bộ cơ sở khách hàng và đối tác toàn cầu của Yahoo! Search đã chuyển sang sử dụng Bing vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, thỏa thuận đã trải qua một số thay đổi vào năm 2015, Yahoo! chỉ được yêu cầu sử dụng Bing cho "đa số" các truy vấn của họ.
3. Yahoo!
Yahoo Search là một bộ máy tìm kiếm thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Yahoo!. Đến tháng 9 năm 2019, Yahoo Search xếp thứ ba trên thế giới với khoảng 1,64% thị phần toàn cầu.
Mặc dù Yahoo! đã thành lập từ năm 1995 nhưng sản phẩm search engine của họ chính thức ra mắt vào năm 2004. Tuy ra đời sau nhiều đối thủ khác, Yahoo! Search vẫn cạnh tranh khá thành công nhờ vào sự ảnh hưởng của Yahoo! Messenger và Yahoo! Mail trong việc giữ chân người dùng. Trong hơn nửa thập kỷ qua, Yahoo Search chứng minh được sức ảnh hưởng của mình khi vượt xa so với nhiều đối thủ đi trước.
Tuy nhiên thì vào năm 2009, trước sự cạnh tranh khốc liệt từ Google Search, Yahoo và Microsoft đã quyết định ký kết thỏa thuận hợp tác để phát triển chung sản phẩm Bing Yahoo Search.
4. Yandex
Yandex Search là một máy tìm kiếm do tập đoàn Yandex của Nga sở hữu và quản lý. Theo LiveInternet thì vào tháng 1/2015, công cụ này đã nắm giữ đến 51,2% tổng lưu lượng tìm kiếm tại Nga.
Mặt khác, theo Comscore, Yandex chính là search engine lớn thứ tư trên thế giới với hơn 150 triệu lượt tìm kiếm hàng ngày và hơn 50 triệu người dùng thường xuyên. Triết lý kinh doanh của công ty là cung cấp cho người dùng khả năng truy vấn nhanh chóng mọi câu hỏi. Ngoài ra, Yandex cũng nắm giữ thị phần lớn tại Ukraine và Kazakhstan cùng với 43% thị phần tại Belarus.
5. DuckDuckGo
Thường thì các search engine đều tiến hành thu thập và lưu trữ dữ liệu người dùng, thậm chí liên kết chúng với tài khoản của bạn. Sau đó, tất cả dữ liệu sẽ được sử dụng để cá nhân hóa kết quả tìm kiếm cũng như tùy chỉnh sự xuất hiện của các quảng cáo hiển thị.
Tuy nhiên khác với các công cụ trên, DuckDuckGo (DDG) không theo dõi hay thực hiện tối ưu hóa kết quả truy vấn theo người dùng mà để mọi thứ được tự nhiên nhất.
Nền tảng này đã phát triển ổn định kể từ khi thành lập, vào năm 2010 chỉ có khoảng 79.000 lượt tìm kiếm hàng ngày nhưng đã tăng lên mức 38,8 triệu lượt tìm kiếm hàng ngày và tổng cộng 31 tỷ lượt tìm kiếm tính đến tháng 6 năm 2019.
6. Baidu
Baidu được ra mắt vào tháng 1/2000 bởi Robin Li và Eric Xu. Trong đó, cơ sở dữ liệu tìm kiếm của Baidu có nguồn gốc từ RankDex - một search engine trước đó được phát triển bởi Robin Li vào năm 1996.
Để đạt được thành công như hiện nay, ngoài việc kế thừa những tinh túy từ các đối thủ cạnh tranh như Google và Wikipedia, Baidu còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía chính phủ Trung Quốc. Hiện nay, Baidu Search đã trở thành công cụ truy xuất dữ liệu không thể thiếu cho những người muốn tìm hiểu thông tin về Trung Quốc hoặc có ý định kinh doanh tại thị trường này.
7. Ask.com
Hiện nay, Ask.com (tiền thân là Ask Jeeves) chiếm khoảng 3% thị phần trên thế giới. Công cụ tìm kiếm này sử dụng định dạng câu hỏi / câu trả lời nên thường xuất hiện kết quả có ngôn từ tự nhiên và dễ hiểu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào độ chính xác vì các câu hỏi thường được tuyển chọn và trả lời kỹ lưỡng bởi cộng đồng người dùng. Ngoài ra như các công cụ khác thì Ask.com cũng cung cấp chức năng tìm kiếm thông thường.
Google có lẽ là search engine lớn nhất thế giới, nắm giữ tới 92% thị trường tìm kiếm toàn cầu vào năm 2019. Tuy nhiên, có một số quốc gia mà Google không thể thống trị và Hàn Quốc chính là một trong số đó. Khi bạn hỏi người Hàn Quốc hoặc những người nước ngoài sống tại đây về công cụ tìm kiếm mà họ sử dụng hàng ngày, câu trả lời thường là Naver.
Naver là một nền tảng online ở Hàn Quốc, được quản lý bởi Naver Corporation và có trụ sở tại Seoul. Công cụ truy vấn này đã ra mắt từ năm 1999 bởi một nhóm nhân viên cũ của Samsung và thống trị thị trường tại Hàn Quốc với hơn 70% thị phần kể từ đó.
9. Ecosia
Ecosia là một cơ sở tìm kiếm dữ liệu trên nền tảng Internet có trụ sở tại Berlin, Đức. Công ty này chủ trương tham gia vào chiến dịch trồng cây bằng cách quyên tặng ít nhất 80% thu nhập thặng dư cho các tổ chức phi lợi nhuận. Mục tiêu là tái trồng rừng và tham gia vào các chiến dịch trồng cây xanh bảo tồn môi trường.
Công ty cam kết hoạt động vì lợi ích cộng đồng, đặt mục tiêu cô lập CO2 trong khí quyển, thực hiện tài chính minh bạch đầy đủ và tôn trọng quyền riêng tư của người dùng.
Công cụ tìm kiếm của Ecosia sử dụng kết quả truy xuất từ Microsoft Bing và được cải thiện bằng các thuật toán riêng của họ. Ngoài ra, công cụ có sẵn dưới dạng trình duyệt web hoặc ứng dụng di động trên cả các thiết bị chạy hệ điều hành Android và iOS.
10. AOL
AOL là dịch vụ thông tin trực tuyến do hãng AOL cung cấp, có trụ sở đặt tại Vienna, Virginia. Công cụ này được thành lập và phát triển để đáp ứng nhu cầu của người dùng về email, tin tức, đào tạo và truy cập Internet.
Trong thời kỳ hoàng kim, AOL đã trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất và có ảnh hưởng lớn tại thị trường Mỹ. Sự phát triển này đã làm cho hãng ngày càng mạnh mẽ và củng cố tầm ảnh hưởng của họ trên phạm vi toàn cầu.
Một số câu hỏi thường gặp về máy tìm kiếm
Dưới đây, chúng ta sẽ giải đáp một số thắc mắc thường gặp của người dùng về máy tìm kiếm nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về cách chúng hoạt động và vai trò quan trọng của chúng trong thế giới số ngày nay.
1. Search engine kiếm tiền bằng cách nào?
Các công cụ tìm kiếm như Google có nguồn thu chính đến từ nhiều hình thức gián tiếp khác nhau, cụ thể là qua những cách sau đây:
- Quảng cáo: Google cung cấp dịch vụ tính năng quảng cáo được gọi là Google Ads. Các chủ website thực hiện chạy quảng cáo trên Google và trả tiền cho nền tảng mỗi khi có người nhấp vào đường dẫn quảng cáo của họ.
- Mua sắm online: Search engine có thể quảng cáo những sản phẩm / dịch vụ khác nhau tại kết quả tìm kiếm nâng cao. Nếu người dùng nhấp vào hoặc thực hiện mua sắm, công cụ tìm kiếm sẽ nhận được một tỷ lệ phần trăm từ doanh số bán hàng đó.
- Cung cấp dịch vụ: Google kết hợp công cụ tìm kiếm với các dịch vụ của mình, chẳng hạn như Google Play Store, Google Apps, Google Cloud,.... Theo đó, họ kiếm tiền bằng các gói dịch vụ mà khách hàng sử dụng thông qua những nền tảng này.
2. Bộ máy tìm kiếm đầu tiên là gì?
Archie viết tắt của từ Archives là bộ máy tìm kiếm đầu tiên xuất hiện vào năm 1990 và được sáng lập bởi sinh viên Alan Emtage. Cách hoạt động của công cụ này khá đơn giản. Archie quét và kiểm tra các trang web có sẵn trên internet, sau đó tạo cơ sở dữ liệu từ việc tải xuống danh sách thư mục của tất cả các tệp. Tuy nhiên, Archie không thể lập chỉ mục nội dung của các trang web, do đó kết quả tìm kiếm thường được hiển thị dưới dạng một danh sách đơn giản mà không có thông tin chi tiết.
3. Trình duyệt và máy tìm kiếm có gì khác biệt?
Trình duyệt web (như Chrome, Firefox, Microsoft Edge,...) là các phần mềm được cài đặt trên máy tính hoặc điện thoại thông minh. Chúng được thiết kế để hiển thị các trang web một cách thân thiện với người dùng.
Còn máy tìm kiếm (như Google, Bing, Yahoo!,...) là các công cụ trực tuyến tích hợp sẵn trên trang web nên bạn có thể truy cập dễ dàng thông qua trình duyệt web. Chức năng chính của search engine là cung cấp câu trả lời cho các truy vấn của người dùng bằng cách hiển thị danh sách những trang web có liên quan.
4 Tại sao google là công cụ tìm kiếm tốt nhất?
Ngày nay, công cụ tìm kiếm Google.com đã đạt đến độ phổ biến không tưởng với các số liệu đáng kinh ngạc:
- Năm 2019, Google.com chiếm khoảng 92% thị phần tìm kiếm trên toàn cầu, làm cho nó trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới.
- Trung bình, Google xử lý từ 3,5 tỷ đến 4 tỷ truy vấn mỗi ngày.
- Đứng ở vị trí số 1 trong hơn 200 quốc gia, theo thống kê từ Stat Counter.
- Sức ảnh hưởng lớn và khả năng thống trị trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.
Vậy tại sao google được xem là công cụ tìm kiếm tốt nhất hiện nay? Đó là vì những ưu điểm đáng chú ý sau:
- Giao diện đơn giản và tối ưu, tạo ra trải nghiệm thân thiện với người dùng.
- Kết quả trả về luôn được cải thiện để đảm bảo tính chính xác, đa dạng.
- Tùy chỉnh kết quả tìm kiếm theo địa điểm, thời gian và nhiều yếu tố khác.
- Tốc độ xử lý nhanh chóng, đảm bảo rằng bạn sẽ nhận được kết quả chỉ trong tích tắc.
- Kết hợp nhiều dịch vụ như Gmail, Google Maps, Google Drive, YouTube,... giúp người dùng truy cập thông tin từ nhiều nguồn dễ dàng.
- Tính năng tìm kiếm bằng giọng nói, hình ảnh nâng cao.
- Cung cấp hỗ trợ cho doanh nghiệp và những người sáng tạo nội dung để tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả.
- Các sản phẩm / dịch vụ của Google đa dạng và hầu hết là miễn phí, đáp ứng nhu cầu của nhiều người.
- Không ngừng cải thiện thuật toán tìm kiếm và thêm các tính năng mới để đảm bảo rằng người dùng luôn có trải nghiệm tốt nhất.
- Google đã định vị thương hiệu mạnh mẽ trong lòng người dùng, khi nghe đến Google, người ta thường nghĩ ngay đến việc tìm kiếm trên mạng.
Trên đây là nội dung mà Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn về khái niệm máy tìm kiếm là gì, lịch sử phát triển, cơ chế hoạt động cũng như các search engine đang phổ biến hiện nay. Có thể thấy, máy tìm kiếm đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại, giúp chúng ta truy vấn thông tin, sản phẩm / dịch vụ nhanh chóng và hiệu quả. Với bài viết này, hy vọng bạn sẽ có thể tận dụng các search engine một cách thông minh để nâng cao hiệu suất công việc và có được nhiều kiến thức bổ ích.