Telesales là gì? Mô tả công việc và yếu tố cần có để làm telesales

Ngay cả khi thương mại điện tử đã và đang phát triển rầm rộ thì telesales vẫn tiếp tục là một phương thức bán hàng phổ biến mà hầu hết các doanh nghiệp ưa chuộng sử dụng. Đây được xem là một trong những công việc “siêu hot” trên thị trường lao động với mức lương hấp dẫn và tiềm năng phát triển cao. Dù nhiều người nghĩ rằng Telesale chỉ là việc gọi điện thoại tư vấn nhưng thực tế, công việc này lại không hề đơn giản như vậy. Bạn đã bao giờ thắc mắc về vai trò và nhiệm vụ cụ thể của nhân viên telesales là gì chưa? Nếu có, hãy cùng chúng tôi khám phá tính chất công việc của telesale trong môi trường doanh nghiệp ngay sau đây nhé!
 

Telesales là gì? Mô tả công việc và yếu tố cần có để làm telesales
 

Telesales là gì?

Telesales là một cụm từ ghép được kết hợp từ tiền tố "tele-" có nghĩa là viễn thông và "sales" có nghĩa là bán hàng. Hiểu một cách đơn giản, telesales là công việc quảng cáo tiếp thị và bán hàng trực tiếp thông qua điện thoại, trong đó người bán sẽ gọi điện đến người tiêu dùng để giới thiệu thông tin về sản phẩm, tư vấn các mặt hàng phù hợp và thực hiện chốt đơn ngay trên điện thoại nếu khách hàng đồng ý. Trong một doanh nghiệp, nhân viên telesale thường được giao trọng trách thực hiện các hoạt động này.

Nhân viên telesales hay nhân viên bán hàng qua điện thoại, thường là thành viên của bộ phận bán hàng hoặc bộ phận marketing trong một công ty. Công việc của họ bao gồm tìm kiếm khách hàng tiềm năng, thực hiện cuộc gọi để hiểu nhu cầu và quan tâm của khách hàng, trả lời các thắc mắc, cung cấp thông tin về sản phẩm và/ dịch vụ cũng như thực hiện quy trình bán hàng, hỗ trợ sau mua.
 

Telesales là gì?
 

Phân biệt telesales và telemarketing

Vì đều là hình thức tiếp thị quảng cáo qua điện thoại nên hai khái niệm telesales và telemarketing thường hay bị mọi người nhầm lẫn. Tuy nhiên, đây là hai thuật ngữ hoàn toàn khác nhau, cụ thể:
 

 

Telemarketing

Telesales

Phạm vi

Telemarketing có phạm vi rộng hơn telesales, bao gồm cả telesales và các hoạt động tiếp thị khác như xây dựng mối quan hệ, khảo sát, thu thập thông tin và quảng cáo thông qua điện thoại.

Là một phần nhỏ của telemarketing.

Cách thức bán hàng

Telemarketing là một phương thức bán hàng gián tiếp, trong đó nhân viên telemarketing thực hiện cuộc gọi đến khách hàng tiềm năng để thu thập thông tin như tên, số điện thoại, địa chỉ và email của họ. Những thông tin này sau đó sẽ được dùng để gửi các thông điệp quảng cáo đến khách hàng.

Telesales là một phương thức bán hàng trực tiếp, trong đó nhân viên telesales sẽ thực hiện cuộc gọi đến khách hàng để giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty. 

Nhiệm vụ của họ là thuyết phục người dùng mua sản phẩm hoặc dịch vụ bằng cách cung cấp thông tin, tư vấn và giải đáp các thắc mắc của khách hàng.

Mục tiêu

Chủ yếu là duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng và thu thập thông tin để gửi thông điệp tiếp thị cho họ.

Thúc đẩy khách hàng mua sản phẩm / dịch vụ.

 

Vai trò của telesales trong doanh nghiệp

Nếu như bạn đã hiểu rõ thuật ngữ telesales là gì thì dưới đây, chúng ta sẽ khám phá sâu hơn về vai trò của telesales trong doanh nghiệp:

1. Gia tăng doanh số bán hàng 

Nhân viên telesales đóng vai trò trung tâm trong việc tìm kiếm cũng như xác định đối tượng tiềm năng cho doanh nghiệp. Họ tiếp cận khách hàng thông qua các cuộc gọi điện thoại chuyên nghiệp nhằm thực hiện khảo sát, thu thập thông tin để nhận biết được đâu là khách hàng có khả năng quan tâm và mua sản phẩm.

Bằng cách tận dụng kỹ năng giao tiếp hiệu quả và kiến thức về sản phẩm, telesales thuyết phục người tiêu dùng mua hàng và tạo ra doanh số đáng kể cho công ty. Không chỉ vậy, điều này còn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, củng cố và phát triển tệp khách hàng tiềm năng, đồng thời tạo ra cơ hội cho sự thành công cũng như tăng trưởng bền vững trong tương lai.

2. Nâng cao nhận diện thương hiệu

Với sự đa dạng của thị trường kinh doanh hiện nay, có hàng loạt các thương hiệu cùng bán những sản phẩm và dịch vụ tương tự nhau, điều này làm cho việc thu hút sự chú ý của khách hàng cũng ngày càng trở nên khó khăn. Vì vậy, vai trò của telesales lúc này là phải tìm cách để giới thiệu sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp đến tệp khách hàng tiềm năng thông qua việc tiếp thị, quảng bá, từ đó giúp khách hàng nhận biết sản phẩm / dịch vụ và tạo ra nhu cầu mua hàng

3. Hỗ trợ khách hàng

Bên cạnh việc tiếp thị và quảng bá sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp cho khách hàng, nhân viên telesale cũng đóng vai trò trong việc cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, giải đáp thắc mắc và xử lý các khiếu nại, vấn đề phát sinh sau mua. Điều này không chỉ tạo ra một trải nghiệm mua hàng tích cực mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ lâu dài và tin cậy giữa doanh nghiệp với khách hàng.

4. Thu thập thông tin và quản lý dữ liệu

Bộ phận telesales sẽ quản lý dữ liệu hồ sơ khách hàng, đồng thời tổng hợp thông tin chi tiết và toàn diện về hồ sơ của người dùng. Thông qua cuộc gọi điện thoại trò chuyện, nhân viên telesales có thể thu thập thông tin chi tiết về đối phương, sau đó ghi chú lại những nội dung quan trọng và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Việc xây dựng tệp khách hàng thân thiết sẽ giúp công ty duy trì mối quan hệ tích cực với khách hàng, đồng thời cung cấp dữ liệu quan trọng để điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
 

Telesales
 

Mô tả công việc của telesales

Cái tên telesales cũng đã phần nào cho thấy tính chất của vị trí này sẽ liên quan trực tiếp đến quá trình giao tiếp qua điện thoại với khách hàng. Đó cũng là lý do vì sao mà nhiều người thường lầm tưởng làm telesales chỉ đơn giản là việc gọi điện. Mặc dù điều này không hề sai nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ khi nói về vị trí này. Trong thực tế, mô tả công việc telesales thường bao gồm:

- Tìm hiểu và nắm vững thông tin về sản phẩm / dịch vụ: Một phần không thể thiếu của công việc telesale là hiểu biết sâu sắc về tất cả các chi tiết liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Điều này là quan trọng để họ có thể chuẩn bị kịch bản và nội dung phù hợp khi giao tiếp với khách hàng, đảm bảo rằng thông điệp được truyền đạt một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.

- Gọi điện thoại với tệp khách hàng để giới thiệu sản phẩm / dịch vụ: Dựa trên nguồn dữ liệu khách hàng tiềm năng được cung cấp, telesales sẽ gọi điện trực tiếp để chào hàng sản phẩm, dịch vụ hoặc các chương trình ưu đãi tương ứng. Thông qua kỹ năng phân tích, họ sẽ xác định được đâu là khách hàng có tiềm năng và sau đó tìm hiểu nhu cầu của họ để đưa ra các giải pháp phù hợp.

- Đàm phán bán hàng và xử lý đơn hàng: Nhân viên telesales sẽ gọi trực tiếp để thuyết phục khách hàng trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ, sau đó tiếp nhận thông tin và xử lý đơn hàng. Nếu khách hàng liên hệ để đặt đơn hàng mới, nhân viên sẽ tư vấn các sản phẩm / dịch vụ bổ sung dựa trên lịch sử mua hàng hoặc nhu cầu của họ.

- Chăm sóc khách hàng: Dịch vụ chăm sóc sau mua chu đáo là một phần quan trọng để khách hàng tiếp tục chọn lựa sản phẩm của doanh nghiệp. Nhân viên telesale sẽ thường xuyên liên lạc để duy trì mối quan hệ thân thiết với khách hàng, đồng thời thu thập phản hồi và cung cấp những hỗ trợ khi cần thiết để tạo ra một trải nghiệm mua sắm tốt hơn.

- Giải đáp thắc mắc của khách hàng: Với kiến thức sâu về sản phẩm / dịch vụ và thông tin liên quan, telesales sẽ có thể giải đáp những thắc mắc của khách hàng, bao gồm tính năng, cách sử dụng, chương trình ưu đãi, bảo hành, chất lượng sản phẩm, thanh toán,....

- Xử lý khiếu nại và tranh chấp: Ngoài việc giải đáp thắc mắc về sản phẩm, nhân viên telesales cũng tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại hoặc tranh chấp của khách hàng, đảm bảo đưa ra những giải pháp tốt nhất để bảo vệ lợi ích của khách hàng cũng như uy tín của doanh nghiệp.

- Báo cáo kết quả công việc: Trong quá trình làm việc, nhân viên telesale sẽ báo cáo tiến độ công việc và kết quả đạt được dựa trên KPI cho các cấp quản lý, bao gồm số lượng cuộc gọi, khách hàng tiềm năng, doanh số và các thông tin khác cần thiết tùy vào yêu cầu của cấp trên.
 

Nhân viên telesale
 

Những yếu tố cần có ở một nhân viên telesale xuất sắc

Người ta thường nói nghề telesales là một công việc tưởng chừng dễ nhưng mà khó. Mặc dù việc tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực này thường không quá khó khăn nhưng để trở thành một nhân viên telesale xuất sắc lại không hề dễ dàng như thế. Vậy, điều gì cần có để thành công trong vai trò này? Hãy cùng xem qua những thông tin dưới đây để tìm ra câu trả lời nhé.

1. Kiến thức, kinh nghiệm

Do telesales tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên có thể nói họ là những người đại diện cho bộ mặt của doanh nghiệp nên vì vậy mà để đảm nhiệm tốt vị trí này thì bạn cần trau dồi cho mình một số kinh nghiệm và kiến thức sau:

- Hiểu biết về sản phẩm / dịch vụ: Nhân viên telesales phải có kiến thức sâu rộng về mặt hàng mà doanh nghiệp đang bán. Điều này bao gồm việc nắm vững các tính năng, lợi ích cũng như ứng dụng của sản phẩm để có thể cung cấp thông tin chi tiết, lưu loát và chuyên nghiệp khi đối mặt với các thắc mắc của khách hàng.

- Hiểu biết về thị trường: Khi tham gia vào nghề này, bạn cần phải nghiên cứu về thị trường mà doanh nghiệp hoạt động trong đó để có thể nắm bắt nhu cầu của người dùng, hiểu rõ về đối thủ cạnh tranh, nhận biết các xu hướng và yếu tố ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh hiện tại.

- Kinh nghiệm trong việc chốt sales: Kỹ năng này bao gồm khả năng tạo niềm tin, sự tin cậy, biết cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng, đồng thời khéo léo đưa ra các đề xuất và ưu đãi hấp dẫn để chốt đơn hiệu quả.

- Sử dụng thành thạo máy tính: Một số doanh nghiệp yêu cầu nhân viên telesale phải biết cách sử dụng các phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM). Bởi lẽ các công cụ này sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn thông qua khả năng tối ưu hóa quản lý thông tin khách hàng, theo dõi tiến trình bán hàng, ghi chú cuộc gọi và tạo ra báo cáo phân tích.
 

Công việc telesale
 

2. Kỹ năng cốt lõi

Mặc dù nghề telesales thường được coi là một công việc văn phòng nhẹ nhàng nhưng để trở thành một nhân viên xuất sắc, bạn cần phải sở hữu nhiều kỹ năng quan trọng. Đó là:

- Kỹ năng giao tiếp: Đây là yếu tố chủ chốt để tạo sự tương tác và xây dựng mối quan hệ với khách hàng qua cuộc gọi điện thoại. Theo đó, việc giao tiếp hiệu quả giúp telesales truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, chuyên nghiệp, làm cho khách hàng cảm thấy thoải mái và không bị làm phiền. Đặc biệt, một telesale có khả năng xử lý các tình huống khéo léo sẽ khiến khách hàng khó lòng mà từ chối lời đề nghị của bạn.

- Kỹ năng đàm phán, thuyết phục: Nhân viên telesale cần có khả năng thuyết phục khách hàng bằng cách nêu bật lên lợi ích và giá trị của sản phẩm / dịch vụ. Đồng thời, họ cũng cần biết lắng nghe và hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để đưa ra các đề xuất phù hợp.

- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Telesales cần có khả năng phân tích nguyên nhân gốc rễ của tình huống, đề xuất giải pháp thích hợp để xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh. Trong những tình huống phức tạp, bạn có thể sẽ cần phải hợp tác với các bộ phận khác để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất cho khách hàng.

- Kỹ năng nắm bắt thông tin: Trong quá trình trò chuyện, nhân viên telesale thường phải đối mặt với nhiều tình huống và câu hỏi không lường trước từ phía khách hàng. Do đó, bạn cần phải linh hoạt để nhận biết và hiểu được vấn đề hoặc quan điểm của khách hàng để đưa ra câu trả lời nhanh chóng nhất, tránh việc ậm ừ gây khó chịu cho khách hàng. Tuy nhiên, để làm được điều này thì bạn cần rèn luyện cho mình kỹ năng lắng nghe tốt, phản ứng nhanh và khả năng tổ chức thông tin một cách hiệu quả.

- Kỹ năng làm việc dưới áp lực: Bước chân vào nghề telesales là bạn phải chấp nhận đối mặt với rất nhiều áp lực từ việc phải đạt doanh số, KPI cho đến bị khách hàng từ chối. Do đó, bạn phải tìm liên tục tìm kiếm cơ hội bán hàng để đạt được hiệu quả và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công ty. Rất nhiều người dù đã làm telesale nhiều năm vẫn không biết công việc này có đáng để theo đuổi hay không. Tuy nhiên thì chung quy lại, để thành công trong telesales, việc chuẩn bị tinh thần vững vàng là điều không thể thiếu.
 

Công việc telesales
 

3. Thái độ

Không riêng bất kỳ ngành nào mà hầu hết các lĩnh vực ngày nay đều đang có nhu cầu tuyển dụng nhân viên telesales. Do đó, cơ hội việc làm cho những ai quan tâm đến vị trí này là vô cùng lớn. Tuy nhiên, để trở thành một chuyên viên với tỷ lệ chốt đơn cực cao thì bạn cần phải rèn luyện cho mình những tố chất sau:

- Tinh thần không ngừng học hỏi: Với sự thay đổi liên tục trong lĩnh vực kinh doanh và thị trường, việc tiếp tục cập nhật kiến thức là rất quan trọng. Bằng cách này, bạn hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình để mang đến những thông tin hữu ích và chính xác nhất cho khách hàng.

- Kiên nhẫn và kiên trì: Khi làm telesale, việc truyền đạt thông tin qua điện thoại thường gặp nhiều khó khăn vì khách hàng không thể trải nghiệm trực tiếp sản phẩm. Do đó, để không phải nản chí giữa chừng thì bạn cần phải rèn luyện cho mình tính kiên nhẫn và bền bỉ trong việc tư vấn khách hàng.

- Kiểm soát cảm xúc: Trong quá trình làm việc, nhân viên telesale sẽ phải đối mặt với nhiều loại người khác nhau và dĩ nhiên, cuộc nói chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Một số khách hàng có thể khó tính, bực bội hoặc thậm chí là thô lỗ, chửi bới hay cắt ngang điện thoại giữa chừng và việc bạn bị hàng trăm khách hàng từ chối mỗi ngày là hết sức bình thường. Trong những tình huống như vậy, việc kiểm soát cảm xúc và giữ bình tĩnh là điều quan trọng. Điều này giúp nhân viên telesales luôn duy trì được sự chuyên nghiệp cũng như không tạo nên ấn tượng xấu cho khách hàng về hình ảnh của công ty.
 

Làm telesale
 

Một số sai lầm thường gặp khi làm telesale

Nếu đang quan tâm đến công việc telesale hoặc đam mê với vị trí này thì bạn nên lưu ý và tránh những sai lầm mà không ít saler thường gặp sau đây:

1. Giọng không chuẩn, sử dụng tiếng địa phương nhiều

Với vai trò là một telesales, cách bạn sử dụng giọng điệu có thể ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng về việc có nên mua sản phẩm / dịch vụ mà bạn đang chào bán hay không. Do đó việc bạn sử dụng ngôn ngữ địa phương trong suốt cuộc gọi có thể làm cho thông điệp truyền tải trở nên khó hiểu, gây khó chịu cho khách hàng và làm giảm khả năng chốt đơn thành công.

2. Không chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi gọi khách hàng

Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ trước, nhân viên có thể thiếu thông tin quan trọng về sản phẩm, dịch vụ khi trao đổi với khách hàng. Điều này có thể dẫn đến việc cung cấp nội dung không đầy đủ hoặc không chính xác, từ đó gây ảnh hưởng đến sự tin tưởng cũng như hình ảnh của thương hiệu trong lòng khách hàng. Mặt khác, việc chuẩn bị trước cũng sẽ giúp bạn tự tin hơn khi trả lời các câu hỏi và đối mặt với các tình huống khó khăn bất ngờ từ khách hàng.

3. Đọc kịch bản một cách máy móc

Việc tiếp cận khách hàng một cách cứng nhắc như đọc kịch bản sẽ không thể tạo ra sự cá nhân hóa trong giao tiếp cũng như gây thiện cảm cho đối phương. Bởi lẽ khách hàng thường muốn cảm nhận rằng họ đang trò chuyện với con người thực sự hơn là một cuộc gọi tự động. 

Vậy nên đừng quá phụ thuộc mà hãy sử dụng kịch bản như một cuốn sách hướng dẫn và linh hoạt điều chỉnh nó sao cho phù hợp với từng khách hàng. Bằng cách tạo ra sự tương tác tự nhiên và thân thiện, nhân viên telesales có thể làm cho khách hàng hứng thú với cuộc nói chuyện hơn thay vì cảm thấy bị làm phiền.

4. Ngắt lời khách hàng

Việc đột ngột ngắt lời khách hàng có thể làm họ cảm thấy bản thân không được tôn trọng và khiến họ nảy sinh ấn tượng xấu đối với thương hiệu. Kết quả là có đến 90% khách hàng bực bội và tắt máy ngang, thậm chí không bao giờ lựa chọn doanh nghiệp đó nữa. Vì vậy, hãy tạo ra một không gian thoải mái để khách hàng có cơ hội nói và chia sẻ ý kiến, nhu cầu hoặc vấn đề nang giải mà họ đang gặp phải.

Tuy nhiên thì trong một số trường hợp, việc ngắt lời khách hàng có thể cần thiết để đính chính hoặc làm rõ thông tin. Tuy nhiên, hãy thực hiện điều này một cách lịch sự, tôn trọng và chuyên nghiệp.

5. Tỏ thái độ khi khách hàng từ chối

Một trong những sai lầm phổ biến trong telesales là không chấp nhận được lời từ chối của khách hàng. Tuy nhiên, việc tỏ thái độ không chỉ bộc lộ tính không chuyên nghiệp của bạn mà còn có thể gây tổn hại cho uy tín của doanh nghiệp và mối quan hệ với khách hàng. Do đó, bạn nên học cách khống chế cảm xúc, rèn luyện tính kiên nhẫn, tôn trọng nhằm xây dựng mối quan hệ lâu dài để làm tiền đề nếu có cơ hội hợp tác trong tương lai.
 

Mô tả công việc telesales
 

Tại sao nên lựa chọn nghề telesales?

Hiện nay, vẫn có rất nhiều người cảm thấy phân vân và không biết rằng khi chọn nghề telesales, họ sẽ được hưởng những lợi ích gì. Để trả lời cho câu hỏi này thì bạn có thể đọc nội dung dưới đây:

1. Cơ hội phát triển bản thân

Mặt dù công việc telesale thường mang đến áp lực lớn từ phía khách hàng, công ty và thậm chí là cả đồng nghiệp nhưng nếu bạn có khả năng vượt qua những trở ngại này thì đó sẽ là một môi trường tuyệt vời để phát triển bản thân. Telesales không chỉ mang đến cho bạn cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp mà còn là nơi để mở rộng mối quan hệ, phát triển kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và hiểu biết về tâm lý khách hàng, cũng như rèn luyện tính kiên nhẫn không bao giờ từ bỏ. Đây cũng là nguyên nhân tại sao mà những người bán hàng thành công thường được nhận biết thông qua hình ảnh của một cá nhân linh hoạt, tự tin và bản lĩnh. 

Hơn nữa, phát triển trong lĩnh vực telesales còn đem đến những kỹ năng và trải nghiệm quý báu, mở ra cánh cửa cho sự thành công trong bất kỳ ngành nghề nào bạn chọn trong tương lai.

2. Mức thu nhập cạnh tranh

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng vị trí telesale đang ngày càng tăng lên trong hầu hết các doanh nghiệp với mục đích phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa rằng cơ hội việc làm trong lĩnh vực này là rất rộng mở. Do đó, nếu yêu thích công việc này thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm vì bạn chắc chắn sẽ tìm được một cơ hội việc làm phù hợp với mình.

Thu nhập của nhân viên Telesales thường được tính giống như nhân viên kinh doanh với hai loại lương chính: cố định và biến động. 

- Lương cố định là một khoản tiền cố định mà nhân viên telesale nhận được mỗi tháng, miễn là họ hoàn thành công việc được giao. 

- Lương biến động bao gồm phần trăm hoa hồng từ việc chốt đơn thành công cùng với các phần thưởng bổ sung khi hoàn thành công việc một cách xuất sắc.

Trong thực tế, mức thu nhập trung bình của một nhân viên telesale hiện nay sẽ dao động khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên thì đối với một số ngành nghề, mức lương có thể biến động từ 3 đến 30 triệu đồng / tháng tùy thuộc vào khả năng đạt được các chỉ tiêu KPIs và những yếu tố phụ thuộc khác như quy mô doanh nghiệp, hoa hồng hay khoản phụ cấp khác. Vì vậy, nếu bạn làm việc chăm chỉ và hiệu quả trong vị trí này, thu nhập mà bạn nhận được có thể đạt đến một con số đáng ngưỡng mộ.

3. Mở rộng các mối quan hệ

Khi tham gia vào lĩnh vực telesales, nhân viên sẽ được tiếp xúc với nhiều đa dạng các cá nhân trong cộng đồng xã hội với những tính cách, sở trường khác nhau. Điều này tạo ra những cơ hội "vàng" cho sự phát triển trong công việc, bởi bạn vừa có thể mở rộng mạng lưới quan hệ vừa học hỏi được nhiều thứ từ những người có tài năng và giàu kinh nghiệm. 
 

Mô tả công việc telesale
 

Một số lĩnh vực cần telesales nhất hiện nay

Hiện nay, có nhiều lĩnh vực đang rất cần nhận sự cho vị trí telesales và dưới đây là một số ngành nghề vô cùng “hot” trên thị trường với nhu cầu tuyển dụng rất cao:

- Bảo hiểm: Lĩnh vực này đang cần rất nhiều nhân viên telesales có tiềm năng vì đây là một ngành nghề đặc biệt đòi hỏi sự tư vấn và giải thích kỹ lưỡng về các sản phẩm / dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng, chẳng hạn như điều kiện, cơ chế hoạt động, lợi ích sẽ nhận được, giá cả,.... Qua đó, nhân viên telesale có thể cung cấp lời khuyên phù hợp, giúp khách hàng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm.

- Bất động sản: Đây là lĩnh vực thường xuyên tuyển dụng nhân viên tư vấn qua điện thoại nhất bởi đội ngũ telesales đóng vai trò nòng cốt trong việc tạo ra doanh số cho ngành này. Họ sẽ tư vấn và giải thích chi tiết về các sản phẩm nhà đất, dự án, vị trí, địa hình, giá cả,.... Bằng cách truyền đạt thông tin về cơ hội đầu tư, tiềm năng tăng giá và các lợi ích khác, nhân viên telesale giúp khách hàng hiểu rõ hơn về bất động sản.

- Thực phẩm chức năng: Trong thời đại hiện nay thì hầu hết mỗi người đều sẽ sử dụng thực phẩm chức năng để cải thiện tình trạng sức khỏe nhưng ít ai có thể hiểu rõ những sản phẩm này, từ chức năng đến cách sử dụng. Do đó, doanh nghiệp cần có một đội ngũ telesales để giải thích thông tin, công dụng và giá cả của sản phẩm cũng như quảng bá brand đến khách hàng.

- Giáo dục: Nhân viên telesales có thể tiếp thị các chương trình đào tạo, khóa học online - offline hoặc sự kiện giáo dục cho khách hàng tiềm năng. Họ sẽ gọi điện thoại để tư vấn, thuyết phục và giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến chương trình học, quy trình đăng ký, nộp học phí, cách thức học,.... Vì vậy, ngành giáo dục cũng cần những nhân viên telesale chuyên nghiệp để có thể bán được nhiều khóa học hơn.

- Ngân hàng: Đây cũng là một trong những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân viên tư vấn qua điện thoại cao. Trong đó, nhân viên telesales sẽ gọi điện trực tiếp đến người dùng để quảng cáo về các ưu đãi của ngân hàng hoặc sắp xếp cuộc hẹn để hỗ trợ các nhân viên tại chi nhánh như nhân viên tín dụng, nhân viên kinh doanh,.... Thường thì, nhân viên Telesales sẽ được cung cấp một bộ dữ liệu khách hàng có sẵn để thực hiện công việc này.
 

Nghề telesale
 

Như vậy qua bài viết này, Phương Nam 24h đã giải đáp cho bạn telesales là gì, mô tả công việc và một số tố chất cần có để trở thành một telesales chuyên nghiệp. Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vị trí này để có thể xác định được hướng đi nghề nghiệp của mình trong tương lai. Và nếu bạn đam mê telesales, hãy ứng tuyển ngay để có cơ hội phát triển bản thân và đạt được mức thu nhập như mong đợi nhé. Chúc bạn thành công!

Nội dung liên quan

Tin Kinh doanh khác

Target là gì? Hướng dẫn target thị trường mục tiêu hiệu quả

Target là gì? Hướng dẫn target thị trường mục tiêu hiệu quả

Target là bước quan trọng mà mọi doanh nghiệp không nên bỏ qua để định hình chiến lược kinh doanh cũng như tối ưu hóa hiệu quả tiếp thị.
Cross selling là gì? Bí quyết cross sell trong bán hàng

Cross selling là gì? Bí quyết cross sell trong bán hàng

Dù cross selling không phải là kỹ thuật mới trong bán hàng nhưng để triển khai hiệu quả thì bạn cần nắm rõ một số nguyên tắc nhất định.  
Mở rộng thị trường là gì? Top 3 chiến lược mở rộng thị trường

Mở rộng thị trường là gì? Top 3 chiến lược mở rộng thị trường

Khi thị trường hiện tại đã “bão hòa” thì doanh nghiệp cần phải tìm kiếm những cơ hội mới để phát triển hoạt động kinh doanh của mình.  
Marketing 5.0 là gì? Khám phá sự trỗi dậy của marketing 5.0

Marketing 5.0 là gì? Khám phá sự trỗi dậy của marketing 5.0

Với sự bùng nổ của công nghệ, marketing 5.0 đã nổi lên như một cách tiếp cận mạnh mẽ để đáp ứng, làm hài lòng người tiêu dùng hiện đại.  
Doanh thu là gì? Cách tính doanh thu bán hàng chi tiết

Doanh thu là gì? Cách tính doanh thu bán hàng chi tiết

Doanh thu là gì? Tìm hiểu cách tính doanh thu bán hàng chi tiết sẽ giúp bạn dễ dàng đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty.  
Doanh số là gì? 7 tuyệt chiêu thúc đẩy doanh số bán hàng

Doanh số là gì? 7 tuyệt chiêu thúc đẩy doanh số bán hàng

Doanh số là thước đo quan trọng cho hoạt động kinh doanh và có tác động đáng kể đến chiến lược dài hạn của mọi doanh nghiệp.