Dù thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hay bất cứ loại hình doanh nghiệp nào thì bạn cũng cần đóng các khoản chi phí, lệ phí theo quy định của Pháp luật. Đây là điều bắt buộc phải làm, vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân để hoạt động kinh doanh được diễn ra thuận lợi. Vậy các khoản chi phí thành lập doanh nghiệp gồm những gì? Tìm hiểu để nắm rõ điều này giúp bạn có thể chuẩn bị sẵn nguồn kinh phí trước khi đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động trên thị trường.
Lệ phí đăng ký doanh nghiệp
Lệ phí đăng ký doanh nghiệp là một trong những khoản chi phí thành lập công ty mà bạn phải nộp ban đầu theo quy định tại Điều 32 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Mức lệ phí này cần được hoàn thành vào thời điểm nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp chủ doanh nghiệp thực hiện đăng ký qua cổng thông tin điện tử sẽ không phải nộp mức lệ phí này.
Theo Thông tư 47/2019/TT-BTC, mức lệ phí đăng ký doanh nghiệp được cập nhật mới nhất là 50.000 đồng. Trong trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, số tiền này sẽ được hoàn trả lại cho người đăng ký.
Chi phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Sau khi đã có được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn sẽ phải công bố nội dung này trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia. Đồng thời, bạn cũng cần đóng 100.000 đồng lệ phí cho nội dung công bố theo quy định tại Thông tư 47/2019/TT-BTC.
Chi phí khắc con dấu
Hiện nay, tùy thuộc vào đơn vị cung cấp mà mức phí khắc dấu doanh nghiệp sẽ dao động trong khoảng từ 450.000 - 500.000 đồng. Tuy nhiên, trước đó doanh nghiệp cần phải hoàn tất thủ tục và được cấp giấy phép hoạt động. Sau khi đã có con dấu, bạn phải công bố trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia trước khi đưa vào sử dụng. Đối với một số doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn Hà Nội, UBND sẽ hỗ trợ chi phí trong trường hợp này.
Chi phí mua chữ ký số
Đặt mua chữ ký số là việc cần làm của một doanh nghiệp mới thành lập để người chủ hoặc nhân viên xác nhận chứng từ trên nền tảng Internet. Hiện nay trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp chữ ký số uy tín như: Viettel, NC-CA, FPT-CA,.... Chi phí để mua chữ ký số thường dao động trong khoảng từ 1.500.000 - 2.500.000 đồng tùy thuộc vào thời hạn của nó.
Mở tài khoản ngân hàng và nộp thông báo
Bên cạnh những chi phí thành lập doanh nghiệp trước khi đi vào hoạt động thì bạn cũng cần mở tài khoản ngân hàng để nộp lệ phí môn bài qua thuế điện tử theo yêu cầu của Pháp Luật. Thủ tục để mở tài khoản ngân hàng gồm có:
- Giấy đề nghị mở tài khoản ngân hàng.
- Bản sao căn cước công dân của người chủ hoặc đại diện doanh nghiệp.
- Bản sao giấy phép kinh doanh.
- Quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng, người phụ trách của doanh nghiệp.
Bạn sẽ không phải mất tiền cho việc mở tài khoản, tuy nhiên để duy trì thẻ thì doanh nghiệp phải trả 1.000.000 đồng. Khi đã hoàn tất việc mở tài khoản ngân hàng, bạn cần công bố tại Phòng đăng ký giấy phép kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc này được thực hiện hoàn toàn miễn phí.
Lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài hay thường gọi là thuế môn bài là mức chi phí thành lập doanh nghiệp phải đóng đã được quy định tại Thông tư 302/2016/TT-BTC, Nghị định 139/2016/NĐ-CP, Nghị định 22/2020/NĐ-CP và Thông tư 65/2020/TT-BTC. Theo đó:
- Doanh nghiệp phải nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 1 hàng năm. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong năm thì lệ phí môn bài chậm nhất phải đóng là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh.
- Doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên nếu thành lập sau ngày 25/02/2020.
- Đối với những doanh nghiệp nhỏ hoặc chuyển từ hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu tiên.
- Doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng sẽ phải đóng mức lệ phí môn bài hàng năm là 3.000.000 đồng. Đối với những doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng sẽ phải đóng mức lệ phí môn bài hàng năm là 2.000.000 đồng.
Chi phí phát hành hóa đơn điện tử
Các doanh nghiệp mới thành lập cần phát hành hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Bạn có thể lựa chọn một trong những đơn vị uy tín cung cấp hóa đơn điện tử trên thị trường hiện nay như: MISA, Easy Invoice VNPT, S-invoice Viettel,.... Chi phí cho cho khoản này thường dao động từ 860.000 - 3.000.000 đồng tùy thuộc vào số lượng hóa đơn đăng ký và thời hạn sử dụng.
Một số chi phí liên quan khác
Bên cạnh những chi phí kể trên, khi mới thành lập công ty, chủ doanh nghiệp còn phải chi trả thêm các khoản tiền khác như: thiết kế và in ấn bộ nhận diện thương hiệu (logo, profile, namecard,...), dịch vụ kê khai và đăng ký thuế lần đầu, chi phí cơ sở vật chất,....
Nhìn chung, nếu chưa tính tiền cơ sở vật chất thì toàn bộ chi phí thành lập công ty bạn cần chuẩn bị sẽ nằm trong khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, việc hoàn thành đầy đủ các loại phí này có thể sẽ khiến bạn hơi mất thời gian vì cần phải di chuyển nhiều nơi làm giấy tờ thủ tục, thực hiện đóng phí theo nhiều phương thức khác nhau. Vậy nên, thay vì tự mình hoàn thành hết mọi thủ tục, hồ sơ thì bạn có thể liên hệ với dịch vụ thành lập công ty chuyên nghiệp để được hỗ trợ thực hiện một cách nhanh chóng, hợp pháp.
Trên đây là nội dung liên quan đến các khoản chi phí mở công ty mà đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h muốn chia sẻ với bạn đọc. Việc tìm hiểu rõ những điều này sẽ giúp bạn thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ khi thành lập doanh nghiệp theo yêu cầu của Pháp luật. Và đây cũng là điều kiện bắt buộc để công ty có thể hoạt động hợp pháp, lâu dài trên thị trường, giúp cho việc kinh doanh diễn ra được thuận lợi hơn.