Một nghiên cứu nổi tiếng tại Đại học California của Cựu giáo sư tâm lý học - Albert Mehrabian đã chứng minh rằng chỉ có khoảng 7% cảm xúc thực sự của con người được truyền đạt qua lời nói, trong khi lại có đến 55% cảm xúc được truyền tải bằng ngôn ngữ cơ thể. Vì vậy, nếu nắm vững những quy tắc đọc vị ngôn ngữ cơ thể, bạn sẽ dễ dàng suy luận được cảm xúc, tính cách của người khác mà không cần họ phải diễn đạt bằng lời nói. Vậy đọc vị là gì? Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi khám phá ý nghĩa của một số ngôn ngữ cơ thể giúp bạn dễ dàng và nhanh chóng phỏng đoán được suy nghĩ của đối phương.
- Đọc vị là gì?
- Cách đọc vị người khác giúp bạn làm chủ cuộc trò chuyện
- 1. Đọc vị qua đôi mắt - cửa sổ tâm hồn
- 2. Đọc vị tâm lý qua bàn chân của người đối diện
- 3. Hàm răng nghiến chặt, nhíu lông mày
- 4. Hành động gật đầu nhiều lần
- 5. Đọc vị người khác qua ngoại hình
- 6. Đọc vị tâm lý qua nụ cười
- 7. Đọc vị sự gượng ép
- 8. Chú ý các cử chỉ tay
- 9. Khoảng cách với người đối diện
- 10. Nhướn mày khi trò chuyện
- 11. Đưa tay che miệng
- 12. Đọc vị qua từ ngữ và giọng điệu
- 13. Đọc vị tâm lý qua tư thế của mọi người
- 14. Chuyển động cơ thể của mọi người
- 15. Đọc vị dựa trên nền tảng, gốc gác
- Một số câu hỏi thường gặp về đọc vị tâm lý
Đọc vị là gì?
Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa thực sự của đọc vị là gì thì trước tiên, chúng ta cần quay ngược trở lại khám phá nguồn gốc ra đời của nó. Thực tế, đọc vị ban đầu là một biệt ngữ của xã hội, thường chỉ được sử dụng trong trò chơi xóc đĩa dân gian. Tại trò chơi này, nhà cái sẽ đặt hai đồng xu lên đĩa một cách ngẫu nhiên, úp lên một chiếc bát và sau đó xóc đĩa. Người đặt cược phải "đọc vị", tức là dự đoán trạng thái của hai đồng xu khi bát được mở ra - có thể là chúng sẽ cùng ngửa, cùng sấp hay một ngửa một sấp. Từ "vị" ở đây chỉ đến hai đồng xu đó và từ ghép "đọc vị" đề cập đến khả năng dự đoán trạng thái của các "vị" trong trò chơi.
Tuy nhiên, khi nhắc đến thuật ngữ này, người ta lại nhận thấy sự tương đồng về âm tiết với từ Hán Việt và bản thân từ "đọc vị" cũng đã thể hiện rõ sự nghệ thuật trong ngôn từ. Do đó mà ngày nay, thuật ngữ này ngày càng được sử dụng phổ biến hơn trong ngôn ngữ nói và viết để diễn tả khả năng nắm bắt, nhìn thấu suy nghĩ hay nhận biết những điều ẩn bên trong đối phương dù họ không hề nói ra. Khi mọi thứ không được biểu lộ, đọc vị trở thành công cụ để khám phá những ý nghĩa tiềm ẩn.
Sau khi hiểu rõ đọc vị là gì trong tư duy hiện đại thì cũng đã đến lúc bạn cần biết cách áp dụng chúng vào cuộc sống hiện đại. Hãy trở thành những người tinh tế, tự tin trong mọi tình huống và quan hệ bằng cách đọc vị người khác thông qua hành động lẫn cử chỉ, dù là nhỏ nhất.
Cách đọc vị người khác giúp bạn làm chủ cuộc trò chuyện
Hiểu được người khác không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên, bạn có thể trở thành một nhà tiên đoán tài tình bằng cách tự mình tinh tế quan sát hành động cũng như cử chỉ của đối phương để dự đoán ý định và mong muốn của họ. Dù kết quả có thể đúng hoặc không nhưng ít nhất, điều này sẽ giúp bạn phát triển ý thức chủ động trong mọi mối quan hệ. Nếu đọc vị đúng thì không còn gì tuyệt hơn vì những hành vi và cử chỉ mà bạn đã chuẩn bị sẽ có tác dụng tích cực nhất. Vậy nên hãy cùng chúng tôi bật mí 15 cách đọc vị người khác giúp bạn làm chủ cuộc trò chuyện ngay dưới đây nhé.
1. Đọc vị qua đôi mắt - cửa sổ tâm hồn
Bạn có thể dễ dàng đọc vị được người khác dựa trên ánh mắt của họ bởi lẽ đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn của một người và rất khó để che giấu cảm xúc. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, nếu đối phương bất chợt quay nhìn sang phải hoặc nhìn thẳng lên, có thể họ đang nói dối về một điều gì đó. Đơn giản là do trạng thái đảo mắt liên tục sẽ kích thích bộ não hoạt động, khơi dậy trí tưởng tượng và ký ức.
Mặt khác, nếu họ bắt đầu nhìn sang trái hay nhìn xuống dưới khi nói, có thể là họ đang cố hình dung chuỗi sự kiện đã xảy ra hoặc tập trung thu thập suy nghĩ của mình.
2. Đọc vị tâm lý qua bàn chân của người đối diện
Hành động nhịp chân liên tục hoặc chuyển động bàn chân qua lại thường biểu hiện người đối diện đang trải qua sự thiếu kiên nhẫn, lo lắng, bồn chồn hoặc có cảm giác bị đe dọa. Ngoài ra, nếu ai đó ngồi và bắt chéo hai bàn chân lại, điều này thường cho thấy họ đang cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
Hay nếu đối phương đang đứng thẳng nhưng hai bàn chân kẹp chặt vào nhau thì điều này có thể là họ đang cố gắng biểu hiện "sự hoàn hảo" theo một cách nào đó. Đôi khi, hai bàn chân thả lỏng cũng có thể cho thấy sự mềm mỏng và dễ dàng thuận theo theo ý của bạn.
3. Hàm răng nghiến chặt, nhíu lông mày
Khi cảm thấy căng thẳng hay gặp vấn đề nan giải, nhiều người thường có thói quen nghiến chặt hàm răng lại, đồng thời nhíu mày lên. Trong giao tiếp, nếu bạn nhận thấy biểu hiện này ở đối phương, đó có thể là dấu hiệu họ đang lo lắng cực kỳ về một vấn đề nào đó. Thỉnh thoảng, họ có lẽ không kiểm soát được hành động nghiến hàm hay nhíu lông mày của mình vì nó đến từ tiềm thức.
4. Hành động gật đầu nhiều lần
Việc gật đầu trong cuộc trò chuyện thường được coi là phép xã giao cơ bản, biểu hiện của sự tập trung và chú tâm của người nghe đến câu chuyện của đối phương. Tuy nhiên, nếu đối phương liên tục gật đầu với một tần suất "lạ", có thể người đó không hứng thú với câu chuyện nên gật đầu cho qua hoặc họ đang không theo kịp được mạch kể của bạn. Vì lẽ đó, khi bạn phát hiện đối phương có biểu hiện này thì hãy nói chậm lại một chút và thường xuyên đặt câu hỏi cho họ về vấn đề mà bạn đang nói để đảm bảo rằng họ vẫn đang nắm rõ câu chuyện của bạn.
5. Đọc vị người khác qua ngoại hình
Khi muốn đọc vị tâm lý người khác, hãy tập trung vào dáng vẻ bên ngoài của họ như cách ăn mặc, quần áo, phụ kiện, tóc,.... Chẳng hạn, nếu họ ăn mặc với dáng vẻ của người thành công, có thể họ đang mang trong mình nhiều tham vọng. Hoặc nếu họ mặc quần bò jean và áo phông thì họ có thể đang cảm thấy thoải mái. Ngoài ra, việc họ có đeo mặt dây chuyền hình thánh giá hoặc tượng Phật có thể phản ánh giá trị tinh thần của họ. Hay nếu ai đó nhuộm tóc và lựa chọn trang phục cá tính thì thường họ sẽ có quan điểm hiện đại, đồng thời cởi mở đối với mọi vấn đề trong xã hội.
Do đó, dù ngoại hình họ có trông như thế nào thì chắc chắn bạn vẫn có thể cảm nhận được một điều gì đó về nội tâm của họ. Bởi vì đây là những thứ mà họ chọn để tự biểu hiện mình như áo phông in khẩu hiệu, hình xăm hoặc nhẫn.
6. Đọc vị tâm lý qua nụ cười
Bạn biết không, có một điều rất thú vị về nụ cười đó là miệng có thể cười giả tạo nhưng đôi mắt thì không. Đa số mọi người thường sử dụng nụ cười để che giấu những suy nghĩ và cảm xúc thực sự của họ, tuy nhiên những nụ cười giả tạo này thường dễ nhận biết qua ánh mắt. Các nghiên cứu về tâm lý học đã chỉ ra rằng những nụ cười chân thành thường tạo ra dấu chân chim ở đuôi mắt và kích thước của đôi mắt cũng sẽ nhỏ lại một chút. Vì vậy, để biết liệu nụ cười của đối phương có chân thành hay không, bạn nên chú ý đến ánh mắt của họ.
7. Đọc vị sự gượng ép
Trong quá trình đối thoại, nếu một bên gương mặt của người đối diện bạn vẫn duy trì việc hoạt động liên tục thì có thể họ đang gượng ép và cố gắng giả mạo cảm xúc của bản thân. Theo nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ - Leon F. Seltzer, con người có nhiều lý do để cố gắng che giấu cảm xúc thật của mình. Đó có thể là do tổn thương về mặt cảm xúc từ những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày hoặc xuất phát từ quá khứ.
8. Chú ý các cử chỉ tay
Lưu ý đến các cử động của tay cũng là một phương pháp hiệu quả để bạn có thể đọc vị người khác. Nếu đối phương thường giơ tay ra phía trước với tư thế thoải mái, điều này thường cho thấy họ là người mạnh mẽ và quyết đoán. Ngược lại, nếu họ giơ tay dưới đầu, bạn có thể hiểu rằng họ cảm thấy bất an hoặc nhút nhát.
9. Khoảng cách với người đối diện
Hãy quan sát mức độ gần gũi, thân thiết mà một người dành cho bạn để đánh giá xem họ có cảm thấy thoải mái với bạn hay không. Nếu ai đó bất ngờ lùi lại khi bạn tiến gần hơn, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của cả hai không được xây dựng trên sự tương hỗ. Không chỉ vậy, hành động này còn chứng tỏ đối phương đang đề phòng và muốn tạo ra một khoảng cách an toàn với bạn. Do đó, hãy quan sát mức độ gần gũi mà một người dành cho bạn để đánh giá xem họ có cảm thấy thoải mái với bạn hay không.
10. Nhướn mày khi trò chuyện
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi cảm thấy ngạc nhiên, lo lắng hoặc sợ hãi, con người thường có xu hướng nhướn chân mày cao hơn so với bình thường. Vì vậy, trong cuộc trò chuyện, hãy chú ý đến chân mày của đối phương để từ đó có thể suy đoán liệu rằng họ có đang giấu diếm điều gì không. Chẳng hạn, nếu họ giới thiệu cho bạn một cơ hội mới nhưng liên tục nhướn chân mày, có thể bạn cần phải suy nghĩ kỹ về tính khả thi của cơ hội đó cũng như các rủi ro tiềm ẩn chưa được đề cập đến.
11. Đưa tay che miệng
Đưa tay che miệng là một cử chỉ thường thấy khi người ta muốn che giấu hay kiềm chế cảm xúc, suy nghĩ hoặc thông điệp mà họ không muốn người khác biết. Hành động này có thể biểu hiện sự lo lắng, không thoải mái và có thể được ngụy trang bằng việc giả vờ ho. Người ta thường sử dụng động tác này để kiểm soát thông điệp, tránh phát ra âm thanh hoặc lời nói không mong muốn. Tuy nhiên thì đôi khi, việc che miệng cũng chỉ là một thói quen tự nhiên trong những tình huống cụ thể như khi họ cảm thấy mệt mỏi hoặc cần một khoảnh khắc riêng tư.
12. Đọc vị qua từ ngữ và giọng điệu
Khi bạn tương tác với ai đó, hãy đặc biệt chú ý đến từ ngữ trong lời nói của họ, chẳng hạn nếu đối phương bảo "đây là lần thăng chức thứ hai của tôi", nghĩa là họ muốn bạn biết rằng họ đã được thăng chức một lần trước đó. Những người này thường dựa vào sự thừa nhận từ người khác để nâng cao hình tượng của mình, họ mong bạn sẽ khen ngợi để họ cảm thấy hài lòng về bản thân.
Mặt khác, âm điệu và cường độ của giọng nói cũng có thể phản ánh cảm xúc khác nhau của con người một cách rõ ràng. Nếu một người nói nhanh và hứng khởi, họ có thể đang cảm thấy vui vẻ hoặc hào hứng. Ngược lại, nếu họ nói chậm và mất hứng thú, có thể họ đang buồn chán hoặc mệt mỏi. Mặt khác, nếu giọng điệu của ai đó thay đổi đột ngột, điều này có thể là dấu hiệu của sự bất ổn hoặc căng thẳng trong tâm trạng của họ.
13. Đọc vị tâm lý qua tư thế của mọi người
Tư thế của một người có thể tiết lộ nhiều điều về thái độ của họ và Judith Orloff cũng đã chỉ ra rằng quan sát tư thế của người khác có thể giúp bạn nhận biết xem họ có tự tin hay không. Cụ thể, nếu đối phương đứng thẳng lưng và ngẩng cao đầu, điều này cho thấy họ đang trong tâm thái tự tin cũng như sẵn lòng đối diện với thách thức. Ngược lại, nếu họ uốn cong lưng hoặc cúi đầu, đây có thể là dấu hiệu của sự không chắc chắn, thiếu quyết đoán hoặc tự ti.
14. Chuyển động cơ thể của mọi người
Ngoài những cách định vị đã nêu trên thì chúng ta còn dễ dàng nhận biết tâm trạng, cảm xúc và thái độ của người khác thông qua các chuyển động cơ thể của họ. Ví dụ, con người thường sẽ có khuynh hướng nghiêng người về phía có thứ mình quan tâm và xa lánh những điều mà mình không ưa thích.
Evy Poumpouras - cựu đặc vụ của Cơ quan Mật vụ, đã chia sẻ rằng nếu ai đó nghiêng người về phía bạn, tay mở rộng ra và lòng bàn tay hướng lên trên, đó là dấu hiệu tích cực cho thấy họ đang tạo sự kết nối với bạn. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy đối phương nghiêng người ra xa, điều đó cho thấy họ đang cảm thấy không thoải mái hoặc bị đe dọa.
Một chuyển động khác mà bạn cũng nên chú ý khi muốn đọc vị ai đó là cử chỉ khoanh tay hoặc bắt chéo chân. Nếu bạn thấy một người làm điều này thì có thể họ đang phòng thủ, tức giận hoặc muốn tự bảo vệ mình. Mặc dù đối phương có thể tươi cười và tham gia vào cuộc trò chuyện nhưng hành động này đã cho thấy họ không đồng tình với ý kiến của bạn hoặc thậm chí có mong muốn phản đối. Ngoài ra, nếu bạn thấy họ cắn môi hoặc cạo lớp da chết, có thể họ đang cố gắng giải tỏa căng thẳng hoặc đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn.
15. Đọc vị dựa trên nền tảng, gốc gác
Tuổi tác, văn hóa và tín ngưỡng đều tạo nên những ảnh hưởng nhất định đối với cách mà chúng ta suy nghĩ tại mỗi thời điểm khác nhau. Do đó, tận dụng sự hiểu biết của bạn về nền tảng, gốc gác hay một số yếu tố nhân khẩu học của đối phương sẽ giúp bạn đọc vị họ một cách chính xác nhất.
Ví dụ, nếu bạn đang đàm phán một thương vụ kinh doanh với người lớn tuổi, hãy chú trọng đến việc đưa ra các phương án an toàn bởi những người lớn tuổi thường lo sợ rủi ro hơn so với các doanh nhân trẻ thích mạo hiểm. Mặt khác, một người đến từ nền văn hóa truyền thống và hướng nội có thể từ chối các cuộc tranh luận chỉ đơn giản vì họ thích giải quyết trong hòa bình.
Một số câu hỏi thường gặp về đọc vị tâm lý
Ngoài những thông tin cung cấp trên thì dưới đây, chúng tôi cũng sẽ giải đáp cho bạn một số câu hỏi thường gặp về đọc vị tâm lý, cụ thể như sau:
1. Tại sao khả năng đọc vị lại vô cùng quan trọng trong giao tiếp?
Nhiều người tin rằng lý trí chi phối quyết định nhưng các chuyên gia tâm lý đã chứng minh cảm xúc cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Chính vì vậy mà khả năng đọc vị người khác qua cử chỉ được xem là một kỹ năng hữu ích, giúp bạn có thể nắm chắc phần thắng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống và giao tiếp cũng không ngoại lệ.
Theo đó, việc đọc vị sẽ giúp bạn dễ dàng thấu hiểu người khác, từ đó tạo nên một sự kết nối mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong các hoạt động tương tác hàng ngày. Không chỉ vậy, đọc vị đúng còn mang đến cho người đối diện cảm giác được lắng nghe và quan tâm, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi tương tác với bạn, từ đó tránh những hiểu lầm hoặc xung đột không đáng có để tạo tiền đề cho những mối quan hệ hợp tác sau này.
2. Làm thế nào để nâng cao kỹ năng đọc vị người khác?
Đọc vị người khác hay hiểu biết về ngôn ngữ cơ thể là một kỹ năng đặc biệt quan trọng giúp bạn thành công trong cuộc sống và trên con đường sự nghiệp. Theo đó, số ít người may mắn có khả năng tự nhiên hiểu biết được điều này nhưng hầu hết chúng ta cần phải tập trung và nỗ lực mới có thể suy đoán được ý nghĩa của từng ngôn ngữ cơ thể. Để phát triển kỹ năng đọc vị người khác, bạn cần phải biết cách lắng nghe và thường xuyên chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm cũng như cử chỉ của người khác. Đồng thời, chú trọng đến việc thể hiện sự chân thành và quan tâm đến cảm xúc lẫn suy nghĩ chân thực của họ.
3. Những dấu hiệu nào cho thấy một người đang nói dối?
Những người nói dối chuyên nghiệp thường giỏi trong việc che giấu ngôn ngữ cơ thể của họ nhưng các chuyên gia vẫn có khả năng nhận biết một vài dấu hiệu điển hình giúp phát hiện sự không thành thật, chẳng hạn như:
- Không nhìn trực tiếp vào mắt bạn: nếu đối phương bất chợt nhìn sang phải hoặc nhìn thẳng lên trên, có thể họ đang không muốn nói sự thật. Điều này xảy ra là vì trạng thái này sẽ kích hoạt trí tưởng tượng và ký ức trong não.
- Sự bất ổn trong cơ thể: nhiều người khi nói dối sẽ có sự bất ổn trong cơ thể như rung lắc, đổi màu da hoặc đổ nhiều mồ hôi.
- Hơi thở thay đổi, khó nói: khi một người nói dối, họ thường rơi vào trạng thái thở mạnh và thở hổn hển. Thậm chí, họ sẽ cảm thấy hết hơi vì nhịp tim và lưu lượng máu thay đổi đột ngột.
- Hành động không phản ánh lời nói: nếu hành động của người đó không phản ánh những gì họ đang nói, có thể họ đang giấu điều gì đó.
- Đứng yên nhưng chân bồn chồn: vì sợ lời nói dối bị phát hiện nên họ thường rơi vào tư thế "phòng thủ", giữ cảnh giác cao. Kết quả là cơ thể của họ có xu hướng đứng yên, cứng nhắc và không thể chuyển động nhiều.
- Lặp lại từ ngữ hoặc cụm từ: người nói dối thường lặp lại từ ngữ nhiều lần để thuyết phục bạn hoặc câu giờ. Ví dụ, họ có thể nói "Tôi không làm điều đó" lần này, sau đó lại nói "Tôi thật sự không làm điều đó" ở lần khác.
- Chạm tay vào miệng hoặc che miệng: nếu họ thường xuyên che tay hay chạm vào miệng, có thể họ không muốn tiết lộ sự thật hoặc không muốn trả lời.
- Thay đổi giọng điệu hoặc tốc độ nói: khi một người đang nói dối, họ có thể thay đổi giọng điệu hoặc tốc độ nói để cố gắng thuyết phục bạn.
4. Cần lưu ý điều gì khi đọc vị người khác?
Trong quá trình đọc vị người khác, bạn cần lưu ý một số điều để đảm bảo tính chính xác và sự tôn trọng với đối phương:
- Không kết luận vội vàng dựa trên những dấu hiệu đơn lẻ: đừng nên đưa ra nhận định quá sớm dựa trên một vài biểu hiện mà thay vào đó, bạn hãy quan sát và phân tích một loạt các dấu hiệu, sau đó kết hợp chúng với nhau để có cái nhìn toàn diện hơn về đối phương.
- Kết hợp nhiều nguồn thông tin: đọc vị không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ cơ thể mà còn bao gồm cả ngữ điệu, lời nói và hoàn cảnh xã hội. Do đó, việc thu thập thông tin từ nhiều nguồn sẽ giúp bạn đánh giá chính xác hơn về cảm xúc, suy nghĩ và ý định của người đó.
- Dựa trên nguyên tắc tôn trọng, cởi mở: đừng vội đánh giá hoặc phán xét người khác dựa trên những suy luận không chắc chắn hay bị ảnh hưởng bởi định kiến cá nhân và xã hội mà thay vào đó, hãy giữ tinh thần cởi mở, luôn tôn trọng quan điểm của đối phương.
- Đặt mình vào vị trí của người khác: cố gắng đặt mình vào vị trí của đối phương sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc và suy nghĩ của họ từ góc độ của họ, tránh việc nhìn nhận một cách chủ quan.
- Xem xét yếu tố ngữ cảnh: hiểu rõ môi trường và bối cảnh xã hội mà cuộc giao tiếp đang diễn ra sẽ giúp bạn đọc vị chính xác hơn về tất cả các dấu hiệu mà họ đang biểu lộ.
- Nhận biết sự không chắc chắn: Bạn cần nhận thức rằng việc đọc vị không phải lúc nào cũng chính xác 100%. Do đó, hãy luôn tự đặt câu hỏi và cân nhắc mức độ tin cậy của những suy luận của mình dựa trên những tình huống thức tế.
- Hỏi và lắng nghe: nếu có thể, hãy tạo điều kiện cho người đó chia sẻ thêm về cảm xúc hoặc tình trạng của họ. Đây được xem là cách hiệu quả nhất để bạn hiểu được cảm xúc chân thật của đối phương thay vì đoán mò.
Qua bài viết này, Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn khái niệm đọc vị là gì cũng như 15 cách đọc vị người khác cực chuẩn. Nhiều người cho rằng đọc vị người khác là một khả năng siêu phàm mà không phải ai cũng làm được nhưng thực tế không phải như vậy. Bởi lẽ hầu hết các biểu hiện ngôn ngữ cơ thể của con người đều được phản ánh dưới dạng tiềm thức và rất khó để kiểm soát. Do đó mà bạn hoàn toàn có thể thấu hiểu được suy nghĩ người khác nếu áp dụng những phương pháp mà chúng tôi đã đề xuất ở trên. Hy vọng những thông tin cung cấp trên sẽ giúp bạn có thể cải thiện khả năng giao tiếp và đàm phán của mình.