Ma trận SWOT là gì? Cách phân tích ma trận SWOT chi tiết nhất

Khi nhắc đến lĩnh vực kinh doanh nói chung hay marketing nói riêng, có vô số các mô hình và ma trận được áp dụng. Tuy nhiên, ma trận kinh điển nhất, giúp bạn có được một cái nhìn tổng quan để từ đó xây dựng nên chiến lược hợp lý, phù hợp với tình hình thực tại của doanh nghiệp đó chính là SWOT. Đối với những nhà quản lý, nhà chiến lược, marketer,... thì có lẽ việc áp dụng ma trận này vào trong công việc đã không còn quá xa lạ. Nhưng liệu rằng bạn đã thật sự hiểu ma trận SWOT là gì? Cách phân tích ma trận SWOT chi tiết nhất để đạt hiệu quả chưa?
 

Ma trận SWOT là gì? Cách phân tích ma trận SWOT chi tiết nhất
 

SWOT là gì?

SWOT là một mô hình theo kiểu ma trận (matrix) thường được dùng để phân tích và đánh giá yếu tố cạnh tranh của một doanh nghiệp hoặc tổ chức. Ma trận này là viết tắt của bốn từ bao gồm:

- S: Strengths (điểm mạnh)

- W: Weaknesses (điểm yếu)

- O: Opportunities (cơ hội)

- T: Threats (thách thức)

Ma trận SWOT là gì?

Vậy thì ma trận SWOT là gì? Phân tích này là một khuôn khổ chung được dùng để đánh giá về vị thế cạnh tranh dựa trên các yếu tố bên trong, bên ngoài cũng như phát hiện ra tiềm năng hiện tại và trong tương lai.

Thông qua ma trận SWOT, bạn sẽ có được cái nhìn thực tế, dựa trên dữ liệu về điểm mạnh, điểm yếu của một doanh nghiệp, tổ chức hay sáng kiến nào đó. Chính vì thế, bạn cần phải đảm bảo sao cho phân tích của mình được đưa ra một cách chính xác, tập trung vào bối cảnh thực tại, tránh việc xen lẫn vào đó những quan điểm, ý kiến, cái nhìn mang tính cá nhân. Để đạt hiệu hiệu quả tốt nhất thì bạn nên dùng mô hình này giống như một bản hướng dẫn sử dụng hơn là một công thức bắt buộc.

Ma trận SWOT là gì?

Các thành phần của mô hình SWOT

Như đã nhắc đến ở mục trước, mô hình SWOT gồm có bốn thành phần chính đó là: Strengths, Weaknesses, Opportunities, Opportunities. Vậy thì cụ thể mỗi thành phần này là gì?

1. Strength - Thế mạnh

Thế mạnh hay điểm mạnh được dùng để mô tả những điểm giúp cho doanh nghiệp bạn trở nên vượt trội hơn hoặc tách biệt bản thân khỏi đối thủ cạnh tranh. Tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, mô hình kinh doanh, bối cảnh kinh tế mà điểm mạnh đó có thể là: thương hiệu mạnh, cơ sở khách hàng trung thành, công nghệ độc đáo,....

Ví dụ như một doanh nghiệp A trên thị trường có độ nhận diện thương hiệu tốt. Nhờ vậy mà các sản phẩm của họ ngay khi ra mắt đã nhận được sự chú ý từ một nhóm khách hàng đông đảo. Hơn hết là khách hàng luôn sẵn sàng chi tiền để được là một trong những người đầu tiên trải nghiệm sản phẩm.

Khi liệt kê về điểm mạnh của sản phẩm trong mô hình SWOT, nhiều người đã mắc phải sai lầm đó là liệt kê quá đà. Họ chỉ dựa trên yếu tố đó là mạnh hơn và vượt trội hơn so với đối thủ. Tuy nhiên, một điểm mạnh đúng đắn là khi phải đáp ứng được cả yếu tố đối thủ và khách hàng. Cụ thể, ví dụ như sản phẩm của bạn tốt hơn đối thủ về mặt công nghệ, tuy nhiên đó lại không phải là điều khách hàng cần, hay có khả năng làm ảnh hưởng đến quyết định mua hàng ở của người dùng thì đây cũng không được xem là điểm mạnh.

2. Weakness - Điểm yếu

Trái ngược với điểm mạnh thì điểm yếu sẽ ngăn cản doanh nghiệp hoạt động ở mức tối ưu. Hay nói một cách dễ hiểu thì điểm yếu đề cập đến những gì mà doanh nghiệp của bạn đang thua kém hơn so với đối thủ hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng mục tiêu. Trong đó, một vài điểm yếu của doanh nghiệp có thể là: thương hiệu còn non trẻ, hệ thống phân phối nhỏ hẹp, đội ngũ nhân viên còn nhiều hạn chế,....
 

Ma trận SWOT
 

3. Opportunity - Cơ hội

Nếu như điểm mạnh và điểm yếu là các yếu tố nội lực bên trong doanh nghiệp thì cơ hội và thách thức lại nằm ngoài tầm kiểm soát vì chúng đến từ môi trường bên ngoài. Trong đó, khái niệm cơ hội được dùng để đề cập đến các yếu tố bên ngoài nhằm mang đến cho doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh. 

Ví dụ như nếu một quốc gia nào đó cắt giảm thuế quan, nhà sản xuất ô tô có thể xuất khẩu sản phẩm của mình sang một thị trường mới, hướng đến mục tiêu tăng thị phần và tăng doanh số bán hàng. Hay khi chính phủ mở rộng giao thương với một quốc gia thì đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện hiệu quả hơn hoạt động xuất khẩu hoặc hợp tác đầu tư, mở rộng thị phần.

4. Threat - Rủi ro

Thành phần cuối cùng trong ma trận SWOT đó chính là rủi ro, có nghĩa là các mối đe dọa tiềm ẩn có khả năng gây hại cho doanh nghiệp. Ví dụ như đối với các công ty chuyên sản xuất gạo, hạn hán sẽ là mối đe dọa có thể phá hủy hoặc giảm năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, một số mối đe dọa khác gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng có thể là: chi phí vật liệu tăng, sự cạnh tranh trong ngành ngày càng tăng, nguồn cung cấp lao động eo hẹp,....
 

Mô hình SWOT
 

Các bước xây dựng và phân tích SWOT

Nếu như là một nhà kinh tế hoặc thực hiện các công việc liên quan đến việc đưa ra chiến lược, có lẽ khái niệm về mô hình SWOT đã không còn quá xa lạ với bạn. Tuy nhiên, làm thế nào để áp dụng ma trận này thật hiệu quả, đưa ra những phân tích đúng đắn, đầy đủ và chi tiết thì lại chẳng hề dễ dàng. Thế nên, bạn cần phải nắm thật rõ các bước xây dựng và phân tích sơ đồ SWOT.

Bước 1: Xác định mục tiêu của bạn

Bước đầu tiên khi phân tích mô hình ma trận SWOT đó chính là bạn cần phải xác định được mục tiêu mình cần là gì? Có mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn đưa ra các yếu tố về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức một cách chi tiết và đúng đắn hơn. 

Ví dụ như nếu bạn muốn dùng mô hình phân tích này để tập trung vào việc tìm ra đáp án cho câu hỏi có nên thực hiện giới thiệu sản phẩm mới vào thời điểm này hay không? Với mục tiêu này, bạn sẽ có được định hướng, sự kỳ vọng mong muốn đạt được khi kết thúc quá trình. Như vậy, thông qua bảng SWOT bạn sẽ xác định được những điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm ở thời điểm hiện tại. Đồng thời là các tác động bên ngoài, hình thành nên cơ hội và thách thức có ảnh hưởng đến kết quả mong muốn. Từ đó dựa vào bảng SWOT để cân nhắc việc có giới thiệu sản phẩm hay không.
 

Phân tích ma trận SWOT
 

Bước 2: Thu thập tài nguyên

Không có một phân tích SWOT nào là giống nhau mà mỗi doanh nghiệp đều cần đến các bộ dữ liệu khác nhau để hỗ trợ tập hợp, tạo nên bảng này. Thế nên, trước tiên bạn cần phải bắt đầu bằng việc tìm hiểu những thông tin nội bộ bên trong, có quyền truy cập được và cả những nguồn dữ liệu từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, trong quá trình phân tích ma trận SWOT thì bạn cũng nên có sự kết hợp hiệu quả của các nhân sự thuộc những bộ phận có liên quan. Ví dụ, một nhân viên bán hàng có thể thực hiện kết nối với bên ngoài, trong khi đó các nhân viên trong bộ phận sản xuất hoặc bán hàng lại nắm bắt tốt hơn những gì đang diễn ra trong nội bộ. Thế nên, một loạt các đóng góp thông qua quá trình kết hợp làm việc nhóm hiệu quả sẽ mang lại kết quả đa dạng và chính xác hơn.

Bước 3: Biên soạn ý tưởng và tiến hành phân tích

Từ những tài nguyên đã thu thập được, tiếp đến bạn cần phải sắp xếp chúng sao cho phù hợp vào các thành phần của sơ đồ SWOT. 

Điểm mạnh và điểm yếu

Những gì đang xảy ra trong doanh nghiệp chính là nguồn thông tin tuyệt vời để điền vào trong cột điểm mạnh và điểm yếu khi thực hiện phân tích. Các yếu tố nội bộ bên trong đó có thể là: tài chính, nguồn nhân lực, tài sản hữu hình và vô hình, hiệu quả hoạt động,.... Trong đó, một vài câu hỏi tiềm năng sẽ giúp bạn liệt kê các yếu tố bên trong đó là:

- Chúng ta đang làm tốt điều gì?

- Tài sản mạnh nhất của doanh nghiệp là gì?

- Đâu là dòng sản phẩm có hiệu suất kém nhất?

- Điều gì khiến cho khách hàng không chấp nhận bạn?

Cơ hội và thách thức

Cột cơ hội và thách thức sẽ được điền dựa vào những gì xảy ra bên ngoài doanh nghiệp và đây cũng là các yếu tố không kém phần quan trọng. Trong đó, những ảnh hưởng từ bên ngoài có thể là: chính phủ, thị trường thay đổi, chính sách tiền tệ, khả năng tiếp cận nhà cung cấp, sức mạnh của đối thủ,...

Để phân tích các yếu tố bên ngoài này, bạn có thể thực hiện trả lời một số câu hỏi như:

- Thị trường đang xuất hiện những xu hướng nào?

- Có nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu nào mà bạn chưa đáp ứng tốt hay không?

- Có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh và thị phần mà họ đang nắm giữ là bao nhiêu?

- Có quy định nào mới ban hành làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay không?

Những ý tưởng cho các câu trả lời này không có đúng hay sai mà tất cả người tham gia nên được khuyến khích chia sẻ bất kỳ suy nghĩ nào của mình. Sau đó, có thể rằng ý tưởng đó sẽ bị loại bỏ, nhưng ít nhất là chúng ta cũng đã có được cái nhìn đa chiều, để tìm ra câu trả lời phù hợp nhất.
 

Phân tích SWOT
 

Bước 4: Tinh chỉnh kết quả

Sau khi đã tìm ra được một danh sách cho mỗi mục của mô hình SWOT thì giờ là lúc bạn thực hiện việc “dọn dẹp” lại các ý tưởng. Một cách bạn có thể thực hiện đó là chắt lọc những suy nghĩ, ý kiến mà mọi người đều có, tập trung những điều tốt nhất và rủi ro nhất đối với doanh nghiệp. 

Trong giai đoạn này, những người tham gia phân tích có thể đưa ra tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình. Hay trong một vài trường hợp nếu như mãi không đưa ra được sự sắp xếp thứ hạng ưu tiên cho các ý tưởng thì có thể nhờ đến sự trợ giúp của quản lý cấp cao hơn.

Bước 5: Xây dựng chiến lược

Sau khi đã được trang bị danh sách xếp hạng của các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, đã đến lúc bạn chuyển đổi sơ đồ SWOT này trở thành một kế hoạch chiến lược. Bạn có thể lấy danh sách các gạch đầu dòng của mỗi mục để tạo thành một kế hoạch tổng hợp nhằm hướng đến mục tiêu ban đầu.

Tiếp nối ví dụ về việc có nên tung ra sản phẩm mới hay không, sau khi phân tích SWOT, bạn nhận ra rằng doanh nghiệp có điểm mạnh về việc dẫn đầu thị trường cho sản phẩm hiện tại và còn có cơ hội mở rộng ra thị trường mới. Tuy nhiên, một vài điểm không tốt ở đây đó chính là chi phí nguyên vật liệu tăng, dây chuyền phân phối khó khăn, cần phải bổ sung thêm nhân viên và khó đoán được nhu cầu của người dùng về sản phẩm. Thế nên, bạn có thể xem xét dời việc ra mắt sản phẩm sau sáu tháng với hi vọng chi phí sẽ giảm và nhu cầu thị trường được minh bạch hơn.
 

Bảng SWOT
 

Tại sao việc phân tích SWOT lại quan trọng?

Tương tự như những mô hình kinh doanh khác, phân tích ma trận SWOT sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định đúng đắn hơn. Cụ thể, việc phân tích SWOT sẽ giúp bạn:

1. Hiểu rõ hơn về chính mình

Trong binh pháp Tôn Tử có dạy “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, có nghĩa là trước khi làm một điều gì thì cần phải hiểu về bản thân mình đầu tiên. Điều này cũng hoàn toàn đúng đắn trong kinh doanh. Giả sử như bạn là chủ doanh nghiệp, hay người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng dự án mới thì làm thế nào để đưa ra chiến lược phù hợp?

Có phải là bạn sẽ đi phân tích thị trường, phân tích đối thủ, khách hàng? Hay tìm kiếm những cơ hội cho doanh nghiệp mình?.... Đây đều là những điều bạn cần phải phân tích trước khi lập kế hoạch, chiến lược nhưng mọi thứ vẫn chưa đủ. Bởi vì trước tiên bạn cần phải thật sự hiểu về chính bản thân mình. Và điều đó sẽ có được trong quá trình phân tích ma trận SWOT.

Bằng cách có được sự nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh hơn, bao gồm điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, đến việc định vị doanh nghiệp với thị trường hiện tại, bạn sẽ đưa ra được cái nhìn khách quan nhất.

2. Hiểu rõ hơn về đối thủ và thị trường

Thương trường là chiến trường và khi quyết định bước đi trên con đường kinh doanh thì bạn phải chấp nhận rằng mình đang dấn thân vào một cuộc chiến đầy khốc liệt. Chính vì thế, bạn cần phải thực sự hiểu được đối thủ của mình là ai? Họ hơn ta ở điểm nào? Điều gì giúp ta trở nên vượt trội hơn?.... Đáp án cho những câu hỏi này sẽ được bạn tìm thấy thông qua việc phân tích các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Nhờ vậy mà bạn sẽ hiểu hơn về đối thủ của mình.

 

Sơ đồ SWOT
 

3. Hiểu rõ hơn về khách hàng mục tiêu

Để tìm ra các cơ hội hiện có cũng như tiềm ẩn trong tương lai thì bạn cần phải kết hợp hai yếu tố đó là khách hàng và đối thủ. Từ đó, nhìn thấy khoảng trống trong thị trường, nơi mà mình làm tốt hơn đối thủ để nhanh chóng đặt chân vào. Nhờ vào việc đào sâu phân tích sẽ giúp bạn một lần nữa càng hiểu rõ hơn về khách hàng mục tiêu của mình, thấu hiểu nhu cầu cũng như điều sẽ giúp doanh nghiệp chiếm được trái tim của họ.

4. Giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn

Những thách thức là điều mà không một doanh nghiệp nào có thể tránh khỏi. Chỉ khác là bạn có nhận ra sớm để nhanh chóng tìm cách giải quyết vấn đề sao cho phù hợp và hạn chế rủi ro trong tương lai hay không. Và điều này sẽ có được thông qua việc phân tích và nhìn nhận các yếu tố có trong ma trận SWOT.
 

SWOT là gì?
 

Ví dụ về ma trận SWOT của thương hiệu nổi tiếng 

Để giúp bạn hiểu hơn về phân tích ma trận SWOT, chúng tôi sẽ đưa ra hai ví dụ về thương hiệu mà chắc hẳn rằng không còn quá xa lạ với chúng ta đó chính là Vinamilk và Coca-Cola.

1. Ma trận SWOT của Vinamilk

Vinamilk là một thương hiệu sữa nổi tiếng tại Việt Nam với tuổi đời hơn 40 năm. Cho đến nay, thương hiệu vẫn đang trên đà phát triển vào tạo dựng được vị thế của mình đối với thị trường sữa trong nước và quốc tế. Để có được điều này, họ phải trải qua không ít khó khăn và thách thức. Nhưng nhờ vào chiến lược marketing bài bản, Vinamilk đã luôn khẳng định mình ở vị trí số 1 tại Việt Nam. Vậy thì, ma trận SWOT của Vinamilk đã được áp dụng như thế nào để tạo ra sự thành công này?

Điểm mạnh của Vinamilk

- Thương hiệu mạnh: Thương hiệu sữa Vinamilk có tuổi đời hơn 40 năm và đã khẳng định được vị trí thương hiệu sữa tươi số 1 tại Việt Nam. Các sản phẩm của Vinamilk không những được người dân trong nước tin dùng mà còn chiếm cảm tình của những khách hàng nước ngoài khó tính. Với sự lớn mạnh không ngừng, trong nhiều năm liền vẫn chưa một đối thủ nào có thể vượt mặt Vinamilk ở cuộc canh tranh trong ngành sữa.

- Sản phẩm đa dạng: Vinamilk sở hữu nhiều sản phẩm sữa hàng đầu Việt Nam như sữa đặc Ông Thọ, Ngôi sao, Dielac,... Nhờ vào dòng sản phẩm đa dạng này đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu của khách hàng. Hơn nữa, giá thành sản phẩm lại khá phù hợp với từng phân khúc. Đặc biệt là Ngôi Sao và sữa Ông Thọ là hai dòng giá rẻ đã đáp ứng được thị hiếu của đa số người dân.

- Mạng lưới phân phối rộng: Vinamilk có mạng lưới phân phối sữa rộng khắp 64 tỉnh thành, hơn 250 nhà phân phối và hơn 135.000 điểm bán trên toàn quốc. Với sự mạnh mẽ này đã giúp cho các sản phẩm của thương hiệu tiếp cận được với khách hàng, chiếm lĩnh thị trường. Hơn hết đó là mạng lưới phân phối hiện nay còn rất phát triển ở một số nước khác trên thế giới.

- Đầu tư vào trang thiết bị và công nghệ hiện đại: Tất cả các nhà máy sản xuất sữa của Vinamilk đều được đầu tư vào công nghệ hiện đại và tân tiến nhất. Máy móc được nhập khẩu từ các nước châu Âu sẽ đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt trong dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, hiện nay đây cũng là thương hiệu duy nhất tại Việt Nam sở hữu công nghệ sấy phun Niro của Đan Mạch nhằm đảm bảo tạo ra nguồn sữa chất lượng.

- Trang trại đạt chuẩn quốc tế, nguồn sữa chất lượng: Vinamilk còn nổi tiếng với nguồn sữa được lấy từ trang trại bò Organic theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, công ty còn có dự án nuôi bò tại New Zealand. Các nhà máy sản xuất sữa cũng đặt gần trang trại, cho phép Vinamilk vừa đẩy mạnh quan hệ với nhà cung cấp, vừa đảm bảo thu mua được sữa tươi chất lượng.

- Chiến lược tiếp thị bài bản, chuyên nghiệp: Với một tập đoàn lớn như Vinamilk thì chắc chắn rằng các chương trình quảng cáo, PR, marketing đều được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và đặc biệt là chạm đến trái tim khách hàng. Một số chương trình nổi tiếng của Vinamilk được nhiều người biết đến như Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, chiến dịch Quỹ một triệu cây xanh Việt Nam,.... Bên cạnh đó, thương hiệu còn rất coi trọng việc nghiên cứu thị trường, tìm hiểu khách hàng, hoạt động bán hàng, lắng nghe phản hồi để mang đến sản phẩm tốt nhất cho người dùng.

- Tài chính mạnh: Trong khi nhiều doanh nghiệp đang khó khăn thì Vinamilk lại sở hữu nguồn tài chính khá ổn định. Hơn hết đó là việc ngầm thâu tóm Mộc Châu của Vinamilk cũng đã góp phần mở rộng tài chính cho thương hiệu.
 

Ma trận SWOT của Vinamilk
 

Điểm yếu của Vinamilk

- Chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu: Do nhu cầu sử dụng sữa của người Việt không ngừng tăng cao nên nguồn nguyên liệu trong nước chỉ có thể đáp ứng được 30% cho sản xuất. Thế nên, doanh nghiệp này đã phải nhập khẩu 70% sữa còn lại từ New Zealand, Mỹ, Nhật Bản và EU. Vì chi phí đầu vào tăng cao nên giá thành sản phẩm bán ra cũng phải có sự thay đổi. Mặc dù vậy, Vinamilk hiện đang cố gắng đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu trong nước để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

- Thị phần sữa bột còn thấp: Sự xuất hiện của các dòng sữa bột ngoại nhập từ Anh, Mỹ, Hà Lan,... đã làm dao động thị phần sữa bột của Vinamilk.
 

Mô hình SWOT của Vinamilk
 

Cơ hội của thương hiệu Vinamilk

- Nguyên liệu cung cấp đang được chính phủ hỗ trợ, nguyên liệu nhập khẩu có thuế suất giảm: Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp sữa Việt Nam. Cụ thể đó là việc hỗ trợ nguồn nguyên liệu cung cấp và giảm thuế nhập khẩu. Nhờ đó mà các doanh nghiệp sữa sẽ giảm bớt về chi phí sản xuất và đây chính là một cơ hội lớn cho Vinamilk sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng.

- Khách hàng tiềm năng cao: Trung bình mỗi năm, một người sẽ tiêu thụ 14 lít sữa. Điều đó có nghĩa là nhu cầu sử dụng sữa của Việt Nam rất lớn và đây chính là cơ hội để Vinamilk vươn xa hơn trong ngành. Ngoài ra, nước ta đang bước vào thời kỳ dân số vàng và điều này cũng tác động không nhỏ vào hi vọng mở rộng thị phần của thương hiệu.

- Đối thủ cạnh tranh đang dần suy yếu: Thị trường sữa Việt Nam chứng kiến việc tham gia của nhiều thương hiệu, tạo ra sự đa dạng. Nhưng cũng chính vì thế mà đã dấy lên vấn đề về an toàn thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm kém chất lượng hòng đạt được cái lợi trước mắt. Điều đó đã khiến cho uy tín của thương hiệu nhanh chóng mất đi mà không thể lấy lại được.

- Tư duy sử dụng sữa của người Việt: Các cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” cũng đã góp phần giúp cho các sản phẩm nội địa, trong đó có sữa Vinamilk được mọi người quan tâm nhiều hơn. Đây cũng chính là cơ hội để thương hiệu tạo ra sự bứt phá.
 

Phân tích SWOT của Vinamilk
 

Thách thức của Vinamilk

- Sự tham gia của nhiều đối thủ cạnh tranh: Thị trường sữa có mức độ cạnh tranh ngành càng cao và đây chính mà một thách thức lớn mà Vinamilk phải đối mặt. Đặc biệt đó là khi các thương hiệu sữa quốc tế đang đổ bộ vào Việt Nam thì điều đó ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến thị phần của thương hiệu.

- Nguyên liệu đầu vào không ổn định: Mặc dù đầu tư khá nhiều vào trang trại nuôi bò sữa tiêu chuẩn quốc tế nhưng Vinamilk vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu khá nhiều từ nước ngoài. Chưa kể là người dân chăn nuôi bò sữa hiện cũng không còn mặn mà gì với công việc bởi vì lợi nhuận thu về không cao. Điều đó đã khiến cho Vinamilk phải cạnh tranh nguồn cung cấp nguyên liệu với các đối thủ khác.

- Thị trường xuất khẩu nhiều rủi ro: Iraq là thị trường xuất khẩu sữa chính của Vinamilk. Tuy nhiên, đây cũng là một khu vực khá bất ổn định nên lợi nhuận từ việc xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng.

- Tâm lý người dùng: Sản phẩm kinh doanh chủ yếu của Vinamilk là sữa tươi. Đây lại là mặt hàng ảnh hưởng chủ yếu đến sức khỏe người tiêu dùng nên họ rất quan tâm đến chất lượng cũng như hàm lượng dinh dưỡng. Mặt khác, tâm lý “sính ngoại” của người dùng Việt cũng là một thách thức mà Vinamilk phải đối mặt trong việc khẳng định chất lượng sản phẩm nội địa.
 

Phân tích ma trận SWOT của Vinamilk
 

2. Ma trận SWOT của Coca-Cola

Một thương hiệu tiếp theo mà chúng tôi muốn thực hiện phân tích bảng SWOT đó chính là Coca-Cola. Thương hiệu này rất nổi tiếng, được ra đời từ năm 1886 và có trụ sở tại Mỹ. Thông qua phân tích sau, bạn sẽ thấy được lý do để Coca-Cola trở thành ông lớn trong ngành nước giải khát.

Điểm mạnh của Coca-Cola

- Thương hiệu nổi tiếng: Đây là thương hiệu có độ nhận diện phủ sóng khắp thế giới. Theo khảo sát từ Business Insider, có đến 92% dân số thế giới nhận ra đỏ và trắng là màu sắc đặc trưng của Coca-Cola. Nhiều người còn biết đến thương hiệu này với danh tiếng là một hãng giải khát có lượng tiêu thụ lớn nhất.

- Lợi thế cạnh tranh: Yếu tố này nằm ở phạm vi tiếp cận sản phẩm. Hiện nay, thương hiệu Coca-Cola đã có mặt ở hơn 200 quốc gia, với hơn 500 sản phẩm đưa đến người tiêu dùng toàn cầu. Sự đa dạng về sản phẩm này đã giúp thương hiệu được đánh giá là có thể phục vụ mọi đối tượng khách hàng cũng như chinh phục cả những người khó tính nhất.

- Thị phần chiếm lĩnh cao: Nhờ vào hai điểm mạnh trên nên không quá lạ khi Coca-Cola là một thương hiệu lớn có thị phần chiếm lĩnh cao trong ngành đồ uống. Bên cạnh thương hiệu nước ngọt Coca-Cola thì công ty còn có thị nhờ nhờ vào các dòng sản phẩm khác như Sprite, Fanta, Diet Coke,.....

- Mạng lưới phân phối rộng: Theo thống kế, Coca-Cola đã bắt tay với 225 đối tác đóng chai và khoảng 900 nhà máy đóng chai toàn cầu. Điều này cũng một phần lý giải được vì sao chúng ta có thể nhìn thấy Coca-Cola ở mọi ngõ ngách.

- Khả năng thâm nhập thị trường rộng: Ngành công nghiệp nước giải khát là một thị trường khổng lồ và một thương hiệu lớn như Coca-Cola không khó để mở rộng cả ở thị trường trong nước và thế giới. Chưa kể đến Coca-Cola còn thường xuyên thực hiện chính sách mua lại, giúp thương hiệu dễ dàng mở rộng thị trường hơn.
 

Ma trận SWOT của Coca-Cola
 

Điểm yếu của Coca-Cola

- Cạnh tranh với Pepsi: Đây là câu chuyện vẫn chưa có hồi kết giữa hai ông lớn trong ngành nước giải khát. Và có lẽ, nếu như không có Pepsi thì Coca-Cola sẽ đạt đến cảnh giới chi phối toàn bộ ngành này. Dù cho thực tế, Pepsi vẫn chưa thể sánh bằng Coca-Cola nhưng đây vẫn là một sự ngáng đường của nhãn hiệu này trong nhiều năm.

- Đa dạng hóa sản phẩm: Có lẽ bạn sẽ thắc mắc tại sao điều này lại xếp vào điểm yếu. Bởi vì thực tế thì bên cạnh điểm mạnh, đây còn là con dao hai lưỡi mang lại khó khăn cho Coca-Cola. Cụ thể, thương hiệu này mới dừng lại ở việc đa dạng nước giải khát, trong khi đó đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ là Pepsi đã lấn sân sang thị phần đồ ăn nhẹ.

- Phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước giải khát: Việc chỉ chú trọng vào phát triển các dòng sản phẩm nước giải khát để đáp ứng nhu cầu khách hàng đã khiến cho Coca-Cola tụt lại ở những dòng khác mà thương hiệu này cũng có tham vọng đầu tư từ đầu.

- Rủi ro về tỷ giá ngoại tệ: Coca-Cola sẽ phải chịu những rủi ro nếu như có biến động về tỷ giá ngoại tệ tác động. Điều đó sẽ khiến cho doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bị suy giảm.

- Các vấn đề liên quan đến sức khỏe: Nước ngọt nói chung vẫn là loại thức uống khiến nhiều người cảm thấy quan ngại về các vấn đề sức khỏe khi sử dụng. Và các sản phẩm của Coca-Cola cũng không phải ngoại lệ khi đều chứa lượng đường cao. Thế nên, khi uống quá nhiều, cơ thể người dùng sẽ mắc phải các bệnh như tiểu đường, béo phì.
 

Mô hình SWOT của Coca-Cola
 

Cơ hội của Coca-Cola

- Đa dạng sản phẩm: Một lần nữa, điều này lại xuất hiện ở cả cơ hội khi phân tích mô hình SWOT của Coca-Cola. Việc làm bá chủ ở một ngách có thể lại là cơ hội cho Coca-Cola. Dựa vào điều này, thương hiệu có thể tiếp tục tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác giới thiệu đến khách hàng.

- Khai thác thị trường ở những quốc gia đang phát triển: Các quốc gia đang phát triển thường có khí hậu khá nóng. Thế nên nhu cầu tiêu thụ nước giải khát ở những nơi này cao ngất ngưởng. Với thực tại đó, chắc hẳn rằng Coca-Cola không thể bỏ qua cơ hội mở rộng thêm thị phần cho mình. Trong đó, một vài thành công đã đạt được ở quá khứ đó chính là việc đứng đầu lượng tiêu thụ nước giải khát tại Trung Đông và châu Phi.

- Mạng lưới chuỗi cung ứng tiên tiến: Coca-Cola có hệ thống kinh doanh phụ thuộc khá nhiều vào việc trung chuyển và chuỗi cung ứng. Đồng thời, chi phí vận tải lại có xu hướng tăng. Những khó khăn này lại chính là cơ hội để thương hiệu xây dựng một hệ thống phân phối tiên tiến hơn.

- Đổi mới liên tục: Sự phát triển của xã hội đã kéo theo những thay đổi trong hành vi mua của người tiêu dùng. Vậy nên, để giữ chân khách hàng thì các thương hiệu phải luôn thực hiện các đổi mới phù hợp. Và với Coca-Cola thì dường như điều này đã quá quen thuộc khi họ luôn tạo ra bao bì sản phẩm hoặc các chiến dịch tiếp thị thu hút, truyền thông vang dội, góp phần thổi một làn gió mới vào sản phẩm tưởng chừng như đã cũ.

- Tập trung vào đồ uống có lợi cho sức khỏe: Coca-Cola nên tập trung vào việc đưa ra các dòng sản phẩm ở phân khúc đồ uống mới mẻ này. Việc đầu tư kịp thời sẽ giúp thương hiệu đạt được những lợi ích về mặt doanh thu cũng như hình ảnh thương hiệu, ví dụ như cho ra mắt sản phẩm thức uống ít calo hoặc không calo.
 

Phân tích SWOT của Coca-Cola
 

Thách thức của Coca-Cola

- Tính cạnh tranh cao: Mặc dù, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Coca-Cola là Pepsi nhưng bên cạnh đó còn vô số đối thủ gián tiếp khác cũng tạo ra những ảnh hưởng thầm lặng đến khách hàng, doanh thu và thị phần thương hiệu.

- Nhiều sản phẩm lỗi thời: Coca-Cola đã có đến 136 tuổi đời và được biết đến với dòng sản phẩm nước ngọt Coca-Cola. Thế nên, cũng không thể tránh khỏi việc nhiều khách hàng đã quá nhàm chán với các sản phẩm của thương hiệu. 

- Nhu cầu dùng sản phẩm có lợi cho sức khỏe: Người tiêu dùng hiện nay ngày càng có ý thức cao hơn về việc sử dụng các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Điều này đã tạo ra trào lưu tránh xa những sản phẩm gây hại, ví dụ như nước giải khát. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu của Coca-Cola nếu như khách hàng hỏ bẳn thói quen uống nước giải khát. Đây có thể là một thách thức chí mạng mà thương hiệu cần tìm ra hướng giải quyết hiệu quả.

Phân tích ma trận SWOT của Coca-Cola

Một số câu hỏi thường gặp về ma trận SWOT

1. Nguồn gốc hình thành ma trận SWOT

Mô hình SWOT được bắt nguồn từ những năm của thập niên 60 - 70. Lúc này, các nhà khoa học đó gồm Marion Dosher, Ts. Otis Benepe, Albert Humphrey, Robert Stewart và Birger Lie đã thực hiện các nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân tạo sao có nhiều công ty lại thất bại và đó cũng là lúc mô hình ra đời.

2. SWOT có thể được áp dụng trong những lĩnh vực nào?

Bạn có thể áp dụng mô hình SWOT vào tất cả các lĩnh vực kinh doanh, dù cho đó là công nghệ, thực phẩm, thời trang, du lịch, xe,.... Thông qua đó, bạn sẽ nhận ra được tình hình cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

3. Ai nên thực hiện phân tích SWOT?

Để phân tích SWOT có hiệu quả, những người sáng lập và lãnh đạo công ty cần phải tham gia sâu sắc. Đây không phải là một nhiệm vụ có thể được ủy quyền cho người khác.

Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cũng không nên tự mình thực hiện công việc. Để có kết quả tốt nhất, bạn cần tập hợp một nhóm người có quan điểm khác nhau, có thể đại diện cho các khía cạnh khác nhau của công ty, từ bán hàng và chăm sóc khách hàng đến tiếp thị và phát triển sản phẩm. Mọi người nên cùng ngồi lại để thảo luận.

4. Những sai lầm thường gặp khi phân tích SWOT là gì?

SWOT là một công cụ mạnh để bạn đánh giá doanh nghiệp hay phân tích tính khả thi của dự án. Tất nhiên, bạn chỉ đạt được điều này nếu như đưa ra cách phân tích đúng đắn, còn nếu không thì chỉ tốn thời gian và tiền bạc. Không ít người đã gặp phải điều này, bởi vì họ thường mắc một số sai lầm sau:

- Mỗi yếu tố đều trong bảng SWOT đều có một danh sách dài nhưng không đi vào trọng tâm. Nguyên nhân dẫn đến lỗi sai này đó là vì bạn không hiểu rõ mục tiêu của mình là gì.

- Đánh giá quá cao điểm mạnh của mình mà không có sự nhìn nhận chính xác vào thực tế.

- Phân tích quá chung chung, không chỉ ra được nguyên nhân cụ thể và chính xác.

- Phân tích điểm yếu sơ sài, đơn giản bởi vì bạn chỉ muốn che đi những khuyết điểm của mình mà không biết đó có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong tương lai.

- Bỏ qua việc phân tích mô hình PEST, gồm bốn thành phần đó là yếu tố về chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ. Thế nên, bạn sẽ không có được cái nhìn, đánh giá khách quan về các yếu tố bên ngoài. Từ đó, bỏ lỡ đi các cơ hội kinh doanh tuyệt vời.
 

Sai lầm khi phân tích SWOT
 

Trên đây là những chia sẻ của đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h về ma trận SWOT. Trong việc phân tích hoạt động kinh doanh hoặc một dự án, mô hình SWOT được áp dụng rất nhiều, giúp bạn đưa ra những nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về các thay đổi nhằm phát hiện ra cơ hội cũng như hướng giải quyết hợp lý. Thế nên, bạn cần hiểu thật rõ về vai trò cũng như cách thực hiện phân tích ma trận này. Từ đó, đảm bảo rằng mình có thể kiểm soát được những gì đang diễn ra trên thị trường, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển hơn trong tương lai.

Nội dung liên quan

Tin Kinh doanh khác

Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn và những mối đe dọa tiềm tàng

Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn và những mối đe dọa tiềm tàng

Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn là ai? Học cách những thương hiệu lớn xác định và đánh giá đối thủ tiềm ẩn để áp dụng vào doanh nghiệp của bạn.
CSR là gì? Từ A - Z về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

CSR là gì? Từ A - Z về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

CSR (corporate social responsibility) là chiến lược giúp doanh nghiệp đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan và phát triển bền vững.
Cách phân tích đối thủ cạnh tranh để tối ưu hóa thị phần

Cách phân tích đối thủ cạnh tranh để tối ưu hóa thị phần

Phân tích đối thủ cạnh tranh không chỉ là thu thập thông tin mà còn cả quá trình rút ra bài học để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Lợi thế cạnh tranh là gì? Các mô hình lợi thế cạnh tranh

Lợi thế cạnh tranh là gì? Các mô hình lợi thế cạnh tranh

Trong thị trường kinh doanh, lợi thế cạnh tranh không chỉ là chìa khóa giúp doanh nghiệp tồn tại mà còn quyết định sự phát triển bền vững.
IMC là gì? Giải mã 8 công cụ truyền thông marketing tích hợp

IMC là gì? Giải mã 8 công cụ truyền thông marketing tích hợp

Giải mã IMC và cách kết hợp các phương tiện truyền thông marketing tích hợp để xây dựng thông điệp nhất quán, tạo dấu ấn khó quên.
Customer experience là gì? Các yếu tố then chốt định hình CX

Customer experience là gì? Các yếu tố then chốt định hình CX

Tại sao một số thương hiệu luôn được khách hàng yêu thích và trung thành? Bí quyết nằm ở CX - trải nghiệm khách hàng mà họ mang lại.