Với hơn 70 năm lịch sử phát triển, LG đã trở thành một biểu tượng thương hiệu vững mạnh, uy tín và đáng tin cậy trên toàn cầu. Từ lĩnh vực điện tử công nghệ đến gia dụng, tập đoàn đã xây dựng cho mình một danh tiếng vững chắc với cam kết về chất lượng và sự sáng tạo. Tuy nhiên từ khi thành lập đến nay, LG cũng đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau và phải thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của mình để phù hợp hơn. Để hiểu rõ hơn về những sự khác biệt này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu logo LG qua các năm cũng như lịch sử phát triển và ý nghĩa ẩn dấu đằng sau biểu tượng thương hiệu trong bài viết dưới đây nhé.
Lịch sử hình thành thương hiệu LG nổi tiếng
Tập đoàn LG (Lucky Goldstar) là một tập đoàn đa quốc gia có nguồn gốc và trụ sở chính ở Seoul, Hàn Quốc, được thành lập vào năm 1947 bởi ông Koo In-hwoi với tên gọi ban đầu là “Lucky”. Tại thời điểm này, Lucky tập trung vào các sản phẩm gia dụng bằng nhựa và các mặt hàng hóa chất mỹ phẩm, kem đánh răng.
Đến năm 1958, ông Koo In-hwoi chính thức tham gia vào ngành hàng điện tử tiêu dùng khi thành lập công ty “Goldstar” (tiền thân của LG Electronics ngày nay). Sau này năm 1983, ông kết hợp hai công ty lại với tên gọi là Lucky Goldstar, có ý nghĩa là "ngôi sao vàng may mắn". Nhưng đến năm 1995, chủ tập đoàn đã quyết định rút gọn tên gọi của mình thành LG. Tại thời điểm đó, các lĩnh vực hoạt động chính của thương hiệu bao gồm các sản phẩm điện tử, dầu khí, hóa chất, viễn thông, kỹ thuật, công nghệ thông tin, năng lượng điện.
Trong số các công ty con tiềm năng của LG thì LG Electronics là cái tên nổi bật nhất. Lịch sử của LG Electronics luôn đồng hành với tầm nhìn của công ty, đó là tạo ra một cuộc sống hạnh phúc hơn cho mọi người với 119 trụ sở và nhà máy trên toàn thế giới. Hiện tại, công ty tập trung vào các mảng giải trí, kết nối điện thoại, ứng dụng trong ngôi nhà và giải pháp điều hòa không khí, ngoài ra còn có linh kiện xe hơi. Bằng việc tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông qua sự đổi mới và phát triển không ngừng, LG đang trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới và dẫn đầu trong kỷ nguyên số hóa.
Sự thay đổi của logo LG qua từng thời kỳ
LG là một tập đoàn được hình thành thông qua việc hợp nhất hai công ty Hàn Quốc: Lucky và GoldStar. Do đó, để hiểu biết hơn về quá trình thay đổi logo của thương hiệu nổi tiếng này qua từng thời kỳ, bạn có thể theo dõi ngược lại từ năm 1947 - thởi điểm Lucky mới vừa được thành lập.
1. Logo LG thời kỳ tập đoàn Lucky
Tập đoàn Lucky là công ty đầu tiên mà ông Koo In-hwoi đã thành lập kể từ năm 1947 với trụ sở chính tại Hàn Quốc và đã trải qua 4 phiên bản logo khác nhau.
Logo của LG từ 1947 – 1963
Logo của thương hiệu LG thời kỳ còn là tập đoàn Lucky đã được sử dụng kể từ những năm đầu thành lập với một biểu tượng hình bầu dục nằm ngang, đặt phía trên chữ viết tay màu đen đậm tinh tế bằng tiếng Hàn. Biểu tượng này có màu đỏ thắm và tên gọi rút gọn của thương hiệu được biểu thị bằng các đường mảnh màu trắng và đã gắn bó với công ty suốt hơn một thập kỷ.
Logo LG thời kỳ 1963 – 1978
Logo ban đầu của Lucky có một biểu tượng sử dụng màu đỏ và trắng, kết hợp với một dòng chữ màu đen bằng tiếng Hàn nằm ở phía bên phải. Biểu tượng này có hình chữ nhật đỏ đậm với chữ "L" màu trắng được vẽ riêng biệt. Trong đó, thanh ngang của chữ "L" được thiết kế theo dạng zig-zag. Logo này được thực hiện với các đường nét đậm, mang tính chất góc cạnh và các đường thẳng mượt mà.
LG logo 1978 – 1983
Được thiết kế lại vào năm 1978, Lucky đã mang đến một bộ nhận diện thương hiệu độc đáo và mới mẻ. Logo này sử dụng hai tông màu là xanh và trắng, kết hợp với hình ảnh cỏ bốn lá vẽ cách diệu, ở phía bên phải là tên công ty được viết tay bằng chữ Hàn màu đen sắc nét. Phiên bản logo này đã tồn tại và đại diện cho thương hiệu trong vòng năm năm.
Logo LG 1983 - 1995
Trước khi hợp nhất logo với GoldStar thì Lucky đã sử dụng lại biểu tượng của giai đoạn 1964 - 1978 nhưng có một vài điểm khác biệt. Logo mới cập nhật bao gồm một hình vuông màu đỏ với chữ "L" của Lucky được đặt trên đó kết hợp với một vương miện GoldStar màu trắng có 5 chấm tròn được đặt phía trên một thanh zig-zag. Bên phải là tên công ty được viết bằng chữ Hàn với màu đen và có các đường thẳng sắc nét như logo giai đoạn 1978 – 1983.
2. Logo LG thời kỳ công ty GoldStar
GoldStar đã được thành lập để kinh doanh lĩnh vực công nghệ, thiết bị điện tử tiêu dùng. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, công ty có 3 thiết kế logo như sau:
Logo LG giai đoạn 1958 – 1964
Vào cuối những năm 1950, thương hiệu GoldStar đã được thiết kế với một logo đầu tiên bao gồm chữ viết tay tinh tế và một biểu tượng có dạng hình vương miện ở phía trên. Cả hai yếu tố này được thể hiện trong một mã màu logo LG đơn sắc với các đường thẳng mảnh mai của phần đồ họa hoàn hảo, cân bằng kết hợp với những chữ cái đậm mượt mà.
Logo LG 1964 – 1983
Vào năm 1964, logo được thay đổi trở thành một biểu tượng đơn giản hơn với sự kết hợp giữa màu trắng và đen. Hình tròn màu trắng được khắc trên một hình vuông đen đậm. Trong hình tròn, có một hình ảnh cách điệu của một chiếc vương miện với năm đỉnh và các chấm đen mở rộng ở hai đầu. Logo này có kèm theo chữ viết tắt "GS" được viết bằng chữ hình học in đậm và đặt ở phía dưới của biểu tượng.
LG logo 1983 – 1995
Năm 1980, thương hiệu GoldStar đã thiết kế logo mới với sự thay đổi mã màu logo LG sang màu đỏ sẫm và trắng. Biểu tượng của logo vẫn giữ nguyên, nhưng nay nó được đặt trên một vòng tròn màu trắng và được bao quanh bởi một hình vuông đỏ đậm. Hai chữ cái "GS" được viết bằng chữ in hoa màu đỏ và được đặt phía dưới vương miện. Bên phải biểu tượng là chữ “GoldStar” được viết bằng kiểu chữ sans-serif hiện đại với đường nét đậm nhưng mềm mại.
3. Logo LG thời kỳ hợp nhất Lucky - GoldStar
Vào năm 1995, công ty đã rút ngắn cái tên "Lucky - GoldStar" thành LG và đây là sự khởi đầu đánh dấu một kỷ nguyên phát triển mới cho công ty. Vì thế logo của thương hiệu đã được thiết kế lại hoàn toàn khác biệt.
LG logo 1995 – 2014
Logo LG thời kỳ 1995 - 2014 có một biểu tượng hình tròn màu đỏ kết hợp với chữ viết màu xám nhạt ở phía bên trái. Các chữ cái được thiết kế bằng phông chữ Helvetica đậm, mang lại vẻ đơn giản và khiêm tốn, tạo sự tương phản với hình ảnh tươi sáng và sáng tạo.
Trong vòng tròn màu đỏ có ba biểu tượng màu trắng được đặt trên đó: chữ "G" vẽ quanh chu vi bên trong, chữ "L" nằm ở giữa và một chấm trắng đặt bên trái chữ "L". Sự kết hợp này tạo thành một hình ảnh cách điệu sắp xếp gọn gàng giống một khuôn mặt. Logo này đã trở thành biểu tượng đại diện liên kết với công ty trong nhiều năm qua.
Vào năm 2005, logo đã trải qua một số điều chỉnh nhỏ khi được thiết kế với hiệu ứng 3D và màu của chữ được chuyển sang màu xám. Ngoài ra, vòng tròn của biểu tượng có các sắc thái chuyển màu và bề mặt được làm bóng giúp tạo ra được hiệu ứng 3D hấp dẫn. Bên cạnh đó, màu trắng của các biểu tượng đã được thay thế bằng màu bạc, điều này đã tạo nên sự hòa hợp hơn giữa chữ và hình ảnh giúp giảm bớt sự tương phản.
Logo LG 2014 – 2023
Thiết kế mới được áp dụng vào năm 2014 đã mang đến sự đơn giản hóa cho biểu tượng, thay đổi màu đỏ thành màu tươi sáng hơn, tạo thêm sự tinh tế và sang trọng cho việc nhận diện hình ảnh của LG. Đối với phần chữ, kiểu chữ đã được thay đổi thành một font hiện đại, thanh mảnh hơn, tuy nhiên vẫn giữ màu xám đậm làm chủ đạo.
- Biểu tượng 2D: Tương tự như các thiết kế trước, logo LG mới có trung tâm là một hình tròn, trong đó có sự kết hợp của các chữ cái "L" và "G". Bên trong hình tròn đó, còn có một chấm tròn nhỏ. Tổng thể logo tạo ra hiệu ứng là một khuôn mặt với nụ cười vui vẻ nhìn thẳng vào người xem. Bên cạnh hình tròn đó là tên công ty được thể hiện bằng một kiểu chữ đơn giản và tối giản.
- Biểu tượng 3D: Biểu tượng 3D được sử dụng làm nhãn hiệu, tức là xuất hiện trên các sản phẩm và bao bì để quảng cáo. Với ý tưởng này, các nhà thiết kế hy vọng rằng hình ảnh 3D sẽ thu hút sự chú ý, bởi vì nó giúp tăng cường hiệu ứng trực quan của biểu tượng và truyền đạt những giá trị cốt lõi của LG. Đồng thời, biểu tượng 3D cũng giữ lại nét giản dị của biểu tượng 2D nhưng đem đến một góc nhìn mới cho thương hiệu.
- Phông chữ: Logo LG ban đầu sử dụng phông chữ Helvetica, cụ thể là loại Helvetica Black. Vào năm 2014, công ty đã tiến hành cải tiến nhãn hiệu thay đổi font chữ, đặc biệt là hình chữ "G" được cải thiện rõ rệt. Cả hai chữ cái đều lớn hơn và nổi bật hơn so với vòng tròn màu đỏ bên cạnh. Bên cạnh đó, các chữ cái trở nên mỏng hơn và dễ đọc hơn.
- Màu sắc: Phiên bản mới của logo LG năm 2014 sử dụng màu sắc nhẹ hơn so với phiên bản trước đó. Bảng màu sắc logo của LG bao gồm ba màu chính:
+ Màu nổi bật nhất là "LG Red" - màu đỏ sẫm được công ty gọi là "màu độc nhất" của họ. Nhà thiết kế từ tập đoàn Hàn Quốc giải thích rằng màu này là màu chính của biểu tượng và mang ý nghĩa về sự thân thiện. Ngoài ra, màu đỏ còn nhấn mạnh cam kết của công ty trong việc cung cấp sản phẩm chất lượng.
+ Bên trong vòng tròn màu đỏ, tên công ty được viết cách điệu bằng màu trắng.
+ Ngoài ra, màu "LG Grey" (xám đậm) được sử dụng cho các ký tự bên cạnh biểu tượng.
- Ý nghĩa logo LG: Một vòng tròn lớn màu đỏ sẫm tượng trưng cho thương hiệu toàn cầu và công nghệ. Các yếu tố khác trong biểu tượng cũng mang tính tượng trưng: "G" đại diện cho nụ cười, "L" có dấu chấm biểu thị mũi và mắt. Hình ảnh này mang lại sự thân thiện và khả năng tiếp cận, truyền đạt mong muốn của công ty trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài và làm hài lòng khách hàng bằng những sản phẩm chất lượng. Thêm vào đó, logo LG chỉ có một con mắt và điều này thể hiện sự quyết tâm và lòng trung thành với lý tưởng duy nhất của công ty.
Logo LG 2023 – nay
Vừa qua, vào ngày 12/4/2023, logo của LG đã trải qua một quá trình thiết kế cải tiến lại, dù vẫn giữ nguyên biểu tượng đặc trưng nhưng có sự thay đổi trong bảng màu và cấu trúc đơn giản hơn. Biểu tượng mới bao gồm một hình vuông liền với tone đỏ pha hồng hiện đại cùng các đường mảnh màu trắng, tạo thành một khuôn mặt đang cười. Tương tự như những phiên bản trước đó, logo được hình thành từ các chữ cái "L" và "G", cùng với một chấm trắng bên phải chữ “L” hoàn toàn phẳng với sự đơn giản trong các sắc thái và hình khối.
Tập đoàn LG đã thực hiện thay đổi sắc độ, hiệu ứng và kiểu chữ với mục đích giúp hình ảnh thương hiệu trông thân thiện, gần gũi hơn với thế hệ khách hàng trẻ ngày nay. Thông qua biểu tượng mới, LG mong muốn có thể thu hút đa dạng khách hàng từ các vùng miền, thế hệ tuổi tác khác nhau, bao gồm cả Gen Z. Tập đoàn LG hy vọng rằng bộ nhận diện mới sẽ mang đến các giá trị cốt lõi cho khách hàng của mình như "tạo trải nghiệm mua sắm tuyệt vời", "đổi mới tập trung vào con người", "mang đến sự ấm áp và niềm vui". Mặc khác LG còn cho biết, logo mới này sẽ được áp dụng cho tất cả các điểm tiếp xúc của thương hiệu, hứa hẹn sẽ mang lại cảm giác vui tươi và tràn đầy năng lượng hơn.
Một số sự thật thú vị về thương hiệu LG
LG là một tập đoàn kinh doanh đa quốc gia và thương hiệu này đã trở nên rất quen thuộc đối với nhiều người dùng tại Việt Nam từ các sản phẩm TV, máy giặt cho đến smartphone. Tuy nhiên, tập đoàn cũng có một vài sự thật thú vị mà không phải ai cũng biết. Dưới đây là những điều mà bạn có thể chưa biết về thương hiệu này:
1. Là công ty Hàn Quốc, nhưng trụ sở lại ở...phương Tây!
Sau khi trải qua một giai đoạn phát triển và mở rộng trên quy mô toàn cầu, LG đã quyết định dời trụ sở từ Anh sang Châu Âu để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của mình. Ban đầu, họ chọn London làm địa điểm mới, nhưng sau đó quyết định chuyển đến Frankfurt, một thành phố thuộc Đức.
Việc LG quyết định dời trụ sở từ Anh sang Đức đã tạo ra nhiều lời bàn tán và có một giả thuyết đáng tin cậy nhất liên quan đến việc Vương Quốc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) khiến nhiều tập đoàn công nghệ quyết định di chuyển trụ sở ra khỏi đất nước này.
2. LG là thương hiệu đầu tiên trên thế giới tung ra smartphone màn hình cong
Trên thị trường hiện nay, có nhiều loại smartphone màn hình cong ở hai cạnh bên, như dòng Galaxy S và Galaxy Note từ năm 2016 của Samsung. Ngoài ra, còn có điện thoại hai màn hình như YotaPhone, hay dòng máy có hai màn hình có khả năng gập lại như ZTE Axon M. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết, LG là hãng đầu tiên trên thế giới đã cho ra mắt smartphone với màn hình cong (G Flex) dù không để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
G Flex đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử điện thoại thông minh với thiết kế thân máy uốn cong tinh tế. Điện thoại này nổi bật với mặt lưng được làm từ vật liệu đặc biệt, có khả năng tự phục hồi khi bị trầy xước nhẹ. Giống như nhiều "người tiên phong" khác trên thị trường điện thoại thông minh, G Flex không phải là một trong những sản phẩm tốt nhất của LG vì màn hình của nó có chất lượng hiển thị không tốt, gặp vấn đề rỗ và hiện tượng lưu ảnh.
3. "Chuyện tình" giữa LG và Samsung vẫn chưa thể hàn gắn
Nhìn vào mối quan hệ hiện tại giữa LG và Samsung, không ai có thể tưởng tượng rằng hai nhà sáng lập Lee Byung-chul (tập đoàn Samsung) và Koo In-hwoi (tập đoàn LG) từng có mối quan hệ bạn bè gắn bó thân thiết. Họ thậm chí cùng học tại cùng một trường và cùng nhau thành lập một mạng truyền hình, thậm chí họ còn từng là sui gia với nhau. Điều đáng ngạc nhiên là không lâu sau đó, hai gia tộc này đã chấm dứt mối quan hệ tình nghĩa ngắn ngủi này.
Để hiểu rõ hơn, phải kể đến thời kỳ khởi nghiệp ban đầu khi Samsung chỉ là một cửa hàng bán đồ ăn khô vào năm 1938 và LG là một công ty sản xuất mỹ phẩm năm 1947. Lúc đó, hai người sáng lập rất thân thiết với nhau do có nhiều điểm chung: cả hai lập nghiệp trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc, chọn tỉnh Gyeongsang để đặt nền móng ban đầu, cả hai còn học chung một trường, đều là những người có tầm nhìn xa và sự nhạy bén. Sau này, hai gia đình còn có mối quan hệ thông gia khi con gái thứ hai của gia đình Lee kết hôn với con trai thứ ba của ông Koo.
Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiết này bắt đầu rạn nứt khi ông chủ Samsung bắt đầu kế hoạch tiến công vào thị trường "sân nhà" của LG trong ngành điện tử tiêu dùng. Qua nhiều cuộc tranh cãi gay gắt giữa 2 nhà sáng lập, sự hữu hảo giữa hai gia đình nhanh chóng đổ vỡ và cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai thương hiệu này bắt đầu. Thậm chí, khi Samsung công bố các bài viết của Lee Byung-chul giải thích lý do tiến công vào thị trường mới, thì ngay lập tức tờ báo thuộc sở hữu của LG đã công bố các bài báo chỉ trích bước tiến của Samsung là một sự "phản bội" nghiêm trọng.
Sự cạnh tranh này đã dẫn đến nhiều vụ kiện tụng liên quan đến việc ăn cắp bí mật công nghiệp, gián điệp và các vấn đề nghiêm trọng khác giữa hai doanh nghiệp. Mức độ đối đầu đã trở nên gay go hơn đến mức nhân viên của cả hai công ty phải tránh gặp mặt nhau. Một thời gian sau đó, LG vẫn duy trì vai trò dẫn đầu trên thị trường mà họ đã chiếm ưu thế từ trước. Trong khi Samsung, mặc dù gia nhập thị trường muộn hơn nhưng đã nhanh chóng đạt được những bước tiến lớn đáng ngạc nhiên.
4. LG Chocolate là dòng điện thoại bán chạy nhất tại LG
Vào năm 2005, LG đã đưa đến thị trường Hoa Kỳ chiếc điện thoại thông minh LG Chocolate, một sản phẩm được người dùng biết đến rất nhiều trong thời điểm đó. Quá trình ra mắt và kinh doanh của điện thoại này đã rất thành công, với hơn 15 triệu bản được bán ra. Mặc dù con số này còn kém xa so với con số khổng lồ 250 triệu đơn vị của Nokia 1110 được bán ra trong cùng một năm, nhưng tập đoàn vẫn chiếm lĩnh được một thị phần đáng kể.
LG Chocolate được trang bị màn hình TFT với độ phân giải 176 x 220 pixel, bộ nhớ trong 128MB, camera 1.3MP kèm đèn flash LED, kết nối Bluetooth 1.2, cổng USB và hỗ trợ điều hướng thông qua WAP 2.0 và xHTML. Pin của điện thoại có thể hoạt động lên đến 6 giờ trong cuộc gọi, 200 giờ ở chế độ chờ và thiết bị sử dụng giao diện người dùng riêng biệt của thương hiệu.
Trên đây là nội dung mà Phương Nam 24h muốn chia sẻ đến bạn về các thiết kế của logo LG qua nhiều giai đoạn cũng như lịch sử phát triển và ý nghĩa ẩn dấu đằng sau biểu tượng thương hiệu. Logo LG không chỉ là một biểu tượng đơn thuần, mà còn mang trong mình ý nghĩa thông điệp về sự cam kết đổi mới và tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người. Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết về tập đoàn, sự tiến bộ và tầm quan trọng của LG trong ngành công nghiệp điện tử.