Khi nhắc đến một thương hiệu công nghệ thành công và có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới có lẽ không thể bỏ quên cái tên Apple. Thương hiệu này hiện có nhiều dòng sản phẩm khác nhau đang được bày bán trên thị trường như: iPhone, Macbook, Apple Watch, iPad, iPod,.... Đồng thời, đi kèm với sự nổi tiếng của tên thương hiệu và các sản phẩm thì còn có cả hình ảnh nhận diện được nhiều người quan tâm. Vậy bạn đã biết về logo Apple - Ý nghĩa quả táo cắn dở và sự thay đổi qua các thời kỳ chưa? Hãy cùng chúng tôi khám phá về thông tin này qua những nội dung dưới đây nhé!
Tại sao logo Apple lại là quả táo cắn dở?
Không ít người thắc mắc nguồn gốc để tạo nên ý tưởng logo của Apple là từ đâu? Liệu rằng hình ảnh này có gì đặc biệt? Bạn không cần phải suy nghĩ về điều này theo hướng quá phức tạp. Bởi vì chắc chắn khi nghe về câu chuyện đằng sau sự ra đời từ chính cha đẻ của logo Apple, bạn sẽ thấy họ lấy ý tưởng theo một cách rất đơn giản.
Người trực tiếp thiết kế ra logo của thương hiệu nổi tiếng thế giới này là Rob Janoff. Ông chia sẻ rằng sở dĩ logo Apple có hình quả táo cắn dở chính là để người nhìn định hình rõ hơn đây là một trái táo chứ không phải một trái cherry. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vết cắn này chỉ mang đến tính thẩm mỹ chứ không hề có một ý nghĩa gì khác.
Trước đó, cũng có một số ý kiến cho rằng logo này được thiết kế là để tưởng nhớ đến Alan Turing. Ông chính là người đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho ngành công nghiệp máy tính hiện đại cũng như các lĩnh vực trí thông minh nhân tạo khác. Mặc dù là một người sáng dạ, tài giỏi và có nhiều phát minh, đóng góp to lớn nhưng Alan Turing lại phải trải qua một cuộc đời đầy bi kịch. Năm 1954, vì ăn phải một trái táo có chứa chất độc xyanua nên ông đã qua đời. Vậy nên, nhiều người suy đoán rằng Steve Jobs và các cộng sự đã sử dụng hình ảnh trái táo cắn dở để tưởng nhớ về Alan Turing cũng như những đóng góp của ông.
Một số người lại có quan điểm khác khi cho rằng hình ảnh trái táo chính là biểu trưng cho sự hiểu biết và kiến thức. Giống như trong câu chuyện nhà bác học Newton tìm ra động lực học khi một trái táo rơi vào đầu, hay như trong câu chuyện Adam và Eva. Mặc dù vậy, đây cũng chỉ là những lời phỏng đoán từ những người yêu thích thương hiệu này chứ chưa có một lời lý giải chính thức từ phía Apple. Mãi đến năm 2011, khi một cuốn sách viết về cuộc đời của doanh nhân thế giới Steve Jobs được xuất bản thì ông đã nêu lý do chọn tên thương hiệu là Apple chỉ vì đây là loại quả mà ông yêu thích.
Đồng thời, khi giám đốc thiết kế Rob Janoff đang lên ý tưởng để tạo nên một logo mới thì Steve Jobs đã đề nghị rằng “Đừng làm nó trở nên nhí nhố nhé”. Vậy nên, ông đã thiết kế logo đơn giản với hai phiên bản đó là một hình nguyên quả và một hình quả táo cắn dở. Với hai mẫu thiết kế này, Jobs đã chọn hình quả táo cắn dở vì hình đầu tiên nhìn khá giống quả cherry.
Nhìn lại sự thay đổi logo Apple qua các thời kỳ
Apple được biết đến là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay thì Apple đã phải trải qua rất nhiều năm mới có thể xây dựng sự trung thành của khách hàng và mức độ nhận biết thương hiệu vô cùng lớn. Bạn cũng có thể dễ dàng nhận thấy, từ cách thiết kế và bố trí các cửa hàng bán lẻ cho đến trải nghiệm đập hộp mỗi lần mua sản phẩm mới, tất cả điều này đều được gắn liền với hình ảnh logo quả táo cắn dở. Vậy thì logo của Apple đã trải qua những thời kỳ nào?
1. Logo đầu tiên của Apple từ 1976 - 1997
Nếu bạn nhìn thấy logo ban đầu của Apple sẽ thấy được một sự khác biệt hoàn toàn so với phiên bản đang được sử dụng hiện nay. Logo ban đầu được thiết kế bởi Ronald Wayne, ông đồng thời cũng là một trong những người đồng sáng lập của thương hiệu. Tuy nhiên, sự thật là logo trông khá lỗi thời và không có gì giống với logo quả táo mà chúng ta vẫn quen dùng hoặc khái niệm logo xuất hiện trong đầu chúng ta khi chúng ta nghĩ về Apple.
Logo ban đầu của Apple có một dải ruy-băng ghi tên công ty vào thời điểm đó là “Apple Computer Co.”, còn khung của tấm bảng có một câu nói của nhà thơ người Anh là William Wordsworth: “Newton… a mind forever Voyaging through strange seas of Thought, alone”. Đồng thời, bên trong đó bạn cũng có thể nhìn thấy hình ảnh minh họa Newton đang ngồi dưới gốc cây táo và phía trên đầu ông có một quả táo. Có thể nói, logo này chính là bằng chứng cho mối liên hệ giữa Apple và việc khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn.
Những khám phá của Newton có sức ảnh hưởng lớn trong việc tạo ra cuộc cách mạng khoa học. Vậy nên, người sáng lập ra Apple cũng muốn hướng đến cách mạng thế giới bằng những phát minh trong tương lai của họ. Tuy nhiên, logo đầu tiên này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn vì Jobs cho rằng thiết kế khá phức tạp, thiếu rõ ràng và đã quá lỗi thời. Không những thế, logo cũng không có được sự hài hòa và tính hiện đại mà thương hiệu muốn truyền tải. Jobs nhận thấy logo có vấn đề về khả năng mở rộng và sẽ rất khó để mọi người nhìn ra với kích thước nhỏ. Vậy nên, ông đã quyết định sẽ khám phá một điều gì đó mới mẻ, muốn logo và tên thương hiệu được hợp nhất lại thành một.
2. Logo Apple năm 1977 - 1998
Chỉ sau một năm logo đầu tiên được ra mắt trên thị trường, Steve Jobs đã tuyên bố logo này “lỗi thời” và khá khó để sử dụng. Vật nên, ông đã thuê Rob Janoff - một nhà thiết kế đồ họa với nhiệm vụ tạo ra logo có thiết kế hiện đại và có thể kết hợp tên Apple.
Toàn bộ quá trình thiết kế logo Apple của Rob Janoff chỉ mất hai tuần, quá trình này khởi đầu bằng việc ông tìm kiếm và ngắm nhìn hình dạng của quả táo thật. Khi được hỏi về cảm hứng giúp ông tạo nên logo táo Apple, Rob Janoff đã chia sẻ rằng “Nó thật sự rất đơn giản, tôi vừa mua một túi táo, cho lên trên bàn và bắt đầu phác thảo chúng trong khoảng một tuần, sau đó tối giản nó từng bước”.
Apple đã giới thiệu một logo khác mang đến cảm giác mới mẻ, hiện đại và có mối liên kết chặt chẽ với tên thương hiệu vào năm 1977. Logo là hình một quả táo với sáu đường sọc ngang, mỗi đường ngang chính là một màu khác nhau tương tự như bảy sắc cầu vồng. Sở dĩ có sự nhiều màu sắc trong thiết kế logo này cũng là vì Apple chuẩn bị cho ra mắt máy tính Apple II và đây là sản phẩm đầu tiên trên thế giới có màn hình màu.
Logo mới của Apple được ra mắt sớm hơn so với máy tính. Khi được hỏi về ý nghĩa của cách sắp xếp màu trên logo, Janoff đã nói rằng không có một quy tắc hay thông điệp nào cả. Chỉ có màu xanh lá xuất hiện trên cùng là do Jobs yêu cầu bởi vì đó là vị trí của chiếc lá.
Còn về vết cắn trên logo thì cũng chỉ là để tránh nhầm lẫn đây là quả táo thay vì quả cherry. Đồng thời, "quả táo cắn dở" trong tiếng Anh nghĩa là "an apple with a bite", tương tự với từ byte - một từ chuyên dùng trong ngành công nghệ. Mẫu thiết kế này đã được Steve Jobs phê duyệt ngay và đưa vào sản xuất trên các thiết bị.
3. Apple logo 1998
Phiên bản logo quả táo của Apple này chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn nên không có sự phổ biến. Năm 1998, mẫu thiết kế logo này xuất hiện, đây cũng là thời điểm một năm sau khi Jobs tái gia nhập công ty sau 12 năm.
Sự trở lại này đã đi kèm với những đổi mới thương hiệu của công ty và được bắt đầu từ việc thiết kế lại logo Apple cũng như bao bì sản phẩm. Hai thay đổi này đã góp phần định hình lại tính cách thương hiệu vào thời điểm đó.
Với phiên bản logo mới, Apple đã không còn sử dụng màu cầu vồng mà thay vào đó đã mang một màu xanh lam tươi mới. Tuy nhiên, thiết kế này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn giống với logo ban đầu, sau đó công ty quyết định sử dụng một màu đồng nhất tốt hơn cho vỏ kim loại của các sản phẩm.
4. Logo Apple 1998 - 2000
Apple cần một logo đơn sắc để phù hợp với thiết kế mới của các sản phẩm và iMac. Vậy nên, cũng trong năm 1998, thương hiệu này đã giới thiệu một logo mới với toàn bộ màu đen. Mẫu thiết kế này được sử dụng cho đến năm 2000 và tất nhiên vẫn giữ lại hình ảnh quả táo.
5. Logo Apple 2001 - 2007
Logo được sử dụng cho đến năm 2000, sau đó đã có sự đổi mới thêm một lần nữa, không còn là màu đen đơn sắc mà thay vào đó là một logo mới nhìn giống như thủy tinh hơn. Khi mức độ phổ biến của thương hiệu ngày càng tăng, các sản phẩm của hãng cũng trở nên đắt đỏ. Vậy nên, Apple cần một logo để đại diện cho sự thay đổi đó.
Với mẫu thiết kế trong lần thay đổi lần này, giao diện đã tượng trưng cho các mục tiêu độc đáo của Apple, mang đến cảm giác đổi mới, đẳng cấp và nghiêm túc. Đồng thời, biểu trưng thủy tinh cũng phù hợp để mang đến sự sang trọng cho thương hiệu. Bên cạnh đó, việc tạo cho logo có thêm phần đổ bóng cũng mang đến cảm giác tinh tế nên đã được thương hiệu sử dụng từ năm 2001 - 2007.
6. Logo của Apple 2007 - 2015
Năm 2007, Apple muốn thương hiện có một diện mạo với, phù hợp với sự đổi mới mà công ty hướng đến. Mặc dù việc sử dụng màu sắc của kim loại chrome không có sự thay đổi đáng kể so với thiết kế tiền nhiệm khi cả hai đều có vẻ ngoài như thủy tinh nhưng logo này có vẻ như “đắt tiền”. Đồng thời, khi xem xét thời điểm thay đổi logo thì đây cũng là lúc Apple chuyển trọng tâm sang xây dựng tòa nhà tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
7. Logo Apple 2015 - hiện nay
Sau một thời gian có sự cải tiến và thay đổi, đến năm 2015 Apple lại tiếp tục đổi mới cho logo khi hướng đến sự tối thiểu với ba màu trắng, bạc và đen. Với thiết kế này, công ty đã sử dụng những màu sắc khác nhau trong các sản phẩm như: Apple TV, Apple Watch, iPhone,.... Mặc dù có thể nói kim loại Chrome là một trong những biểu trưng đẹp nhất của Apple nhưng thiết kế này lại có vẻ ngoài tối giản đẹp nhất của thương hiệu.
Giá thiết kế logo Apple là bao nhiêu?
Để sở hữu một thiết kế logo đơn giản, đẹp mắt và ấn tượng mang đậm màu sắc thương hiệu không phải là điều đơn giản. Và tất nhiên, chi phí thiết kế logo cũng không phải là con số nhỏ, điển hình như Apple cách đây hơn 40 năm đã chi khoảng 50.000 USD để có được logo sử dụng trên các sản phẩm của hãng.
Mức độ ảnh hưởng của logo quả táo
Logo của Apple là một trong năm biểu tượng có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Không chỉ là một biểu trưng, đây cũng chính là tên công ty, nhờ vậy khi người dùng nghe thấy tên Apple, họ càng có sự liên tưởng nhiều hơn về thương hiệu và càng làm cho độ nhận diện thương hiệu của Apple càng trở nên phủ sóng. Hơn thế nữa, hình ảnh quả táo cắn dở càng làm cho logo trở nên đặc biệt và dễ nhớ.
Bên cạnh đó, sự phát triển của logo hình quả táo căn dở cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng của thương hiệu trong những năm qua. Apple tập trung vào việc lấy người dùng làm trung tâm và dù trải qua bao nhiêu năm thì đến nay vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu gợi nên kết nối cảm xúc mạnh mẽ giữa thương hiệu với người dùng. Sau nhiều năm hiện diện trên thị trường, logo quả táo cắn dở còn tạo sự khuyến khích các thương hiệu khác thiết kế biểu tượng sáng tạo và giàu trí tưởng tượng, kết nối lịch sử với sự cân bằng hiện đại.
Một số sự thật thú vị đằng sau logo quả táo của Apple
Apple là một thương hiệu cung cấp các sản phẩm công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới và luôn mang đến cho người dùng cảm giác phấn khích mỗi lần cho ra mắt sản phẩm mới. Bên cạnh đó, thương hiệu này cũng có một số sự thật thú vị mà không phải ai cũng biết như:
- Khi nói về đồng sáng lập Apple thì hai cái tên thường được nhắc đến đó là Steve Jobs và Steve Wozniak. Tuy nhiên, ít ai biết rằng thương hiệu này còn có thêm một đồng sáng lập khác đó là Ronald Wayne và ông cũng chính là người đã thiết kế ra logo đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ sau 12 ngày thành lập ông đã quyết định rời công ty và bán toàn bộ 10% cổ phần của mình với giá 800 USD.
- Apple là một thương hiệu cao cấp và không ít lần bị chỉ trích vì có giá bán khá cao. Tuy nhiên, từ những sản phẩm đầu tiên của thương hiệu đã được định giá không hề rẻ, ví dụ như máy tính Apple I ra mắt vào tháng 7 năm 1976 có giá 666,66 USD. Nếu tính đến lạm phát thì thiết bị này còn có giá cao hơn cả Macbook Air hay thậm chí là Macbook 17 inch.
- Chữ “i” trong một số dòng sản phẩm của Apple như: iPhone, iMac, iPod, iPad là đại diện cho Internet. Bên cạnh đó, chữ “i” còn thể hiện mục tiêu thương hiệu đang theo đuổi bao gồm individual (trải nghiệm cá nhân), inspire (truyền cảm hứng), instruct (điều hướng) và inform (cập nhật thông tin nhanh chóng).
- Trong cuốn sách Becoming Steve Jobs, hai tác giả Rick Tetzeli và Brent Schlender đã đề cập đến việc CEO Tim Cook từng đề nghị sẽ hiến tạng cho Steve Jobs nhưng ông đã từ chối.
- Hầu hết đồng hồ chỉ giờ trong các sản phẩm chụp của Apple từ iPhone, iMac, iPad,... đều dừng lại ở thời gian 9:41. Lý giải về điều này, đại diện của hãng là Forstall cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng thiết kế các bài phát biểu tại các lần ra mắt trong khoảng 40 phút. Ở phút thứ 41, hình ảnh lớn của sản phẩm có thời gian 9:41 sẽ xuất hiện trên màn hình, nhằm hiển thị thời gian trên hình ảnh gần đúng nhất so với thời gian trên thực tế".
- Sự ra đời của Apple III vào năm 1978 chính là thất bại đầu tiên của thương hiệu này khi đã làm cho công ty rơi vào tình trạng tổn thất tài chính, nhận về vô số lời chỉ trích vì thiết bị thường xuyên gặp các lỗi về phần mềm và phần cứng.
- Tính đến cuối năm 2020, Apple là công ty có giá trị vốn hóa cao nhất thị trường với con số lên đến 1,90 tỷ USD. Bên cạnh đó, đây cũng là công ty kỹ thuật số có lợi nhuận cao nhất với doanh thu hàng năm khoảng 260,2 tỷ USD.
Trên đây là những chia sẻ của đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h về logo Apple và sự thay đổi qua từng năm. Có thể thấy, từ lần thay đổi thứ hai thì mọi thiết kế sau này đều lấy hình ảnh quả táo cắn dở làm nền tảng. Từ đó, tạo ra những đổi mới phù hợp với thời đại cũng như định hướng của thương hiệu. Vậy thì liệu rằng trong những năm tới, Apple có còn những có sự cải tiến nào trong thiết kế nữa không? Hãy cùng chúng tôi đón chờ xem nhé!