Sự trì hoãn là một thách thức mà mỗi chúng ta đều phải đối mặt. Kể cả khi con người đang tồn tại hàng ngày thì vẫn luôn phải vật lộn với việc trì hoãn, trốn tránh các vấn đề quan trọng. Đây là một thói quen không tốt, nhưng không phải ai cũng có thể khắc phục được. Bởi vì có một sự thật rằng các yếu tố xung quanh rất dễ để tác động, làm gián đoạn đến công việc và những dự định của chúng ta.
Bạn có bao giờ đang nằm lướt Facebook và nghĩ rằng 10 phút nữa sẽ đứng dậy làm việc không? Nhưng kết quả thì không phải 10 phút mà là 30 phút, 1 tiếng hay thậm chí là hơn thế nữa mới có thể rời bỏ được chiếc điện thoại và đây chính là sự trì hoãn. Vậy thì trì hoãn là gì? Nguyên nhân, tác hại và làm sao để loại bỏ được sự trì hoãn?
- Trì hoãn là gì?
- Sự trì hoãn trong công việc là gì?
- Phân biệt trì hoãn với các khái niệm khác
- Những biểu hiện của sự trì hoãn
- Các loại trì hoãn thường gặp
- Nguyên nhân dẫn đến thói quen trì hoãn là gì?
- Tác hại của thói quen trì hoãn công việc và cuộc sống
- Cách khắc phục sự trì hoãn ngay lập tức
- Một số thói quen để tránh sự trì hoãn
Trì hoãn là gì?
Trì hoãn là việc ngừng thực hiện các quyết định hoặc hành động một cách không cần thiết. Ví dụ, có người chỉ thực hiện nhiệm vụ ngay trước hạn chót mà không có lý do, mặc dù họ biết rằng nếu như mình bắt đầu từ sớm thì sẽ tốt hơn. Hay cũng có người trì hoãn để tránh suy nghĩ về một nhiệm vụ khiến cho họ cảm thấy lo lắng, trong khi cũng có những người khác trì hoãn bởi sự phân tâm của mạng xã hội.
Sự trì hoãn trong công việc là gì?
Trì hoãn trong công việc chính là sự chậm trễ, chần chừ khi giải quyết một công việc nào đó. Điều này sẽ khiến cho bạn lãng phí thời gian và hơn hết là còn làm ảnh hưởng đến mục tiêu đã đặt ra ban đầu. Đây là một thói quen không tốt, có rất nhiều người mắc phải nhưng họ không nhận ra hoặc dù cho có nhận ra cũng khó có thể thay đổi được.
Thói quen trì hoãn công việc thường được bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Đó có thể là đôi ba phút cho đến suy nghĩ ngày mai làm cũng được. Nhưng chính điều này lại mang đến những ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với bản thân mà còn cả với những người đồng nghiệp, nhất là khi bạn đang thực hiện công việc chung của nhóm, tập thể.
Phân biệt trì hoãn với các khái niệm khác
Chúng ta thường dùng từ trì hoãn rất nhiều hàng ngày, tuy nhiên đôi khi ý nghĩa của từ này cũng bị hiểu sai, hiểu nhầm với một vài khái niệm khác như lười biếng và thư giãn. Vậy thì trì hoãn khác với hai khái niệm này như thế nào?
1. Trì hoãn không phải là lười biếng
Những người trì hoãn thường sẽ làm công việc khi sắp đến hạn chót, đó có thể là những giây phút cuối cùng. Tuy nhiên, trì hoãn sẽ không đồng nghĩa với lười biếng. Bởi vì người lười biếng chỉ đơn giản là không có ý định làm và cũng không bắt tay vào thực hiện công việc. Còn người trì hoãn thì có mong muốn thực sự làm nhưng vẫn chưa thể thúc ép bản thân bắt đầu.
2. Thư giãn không phải là trì hoãn
Bạn cũng đừng nhầm lẫn giữa bệnh trì hoãn với thư giãn. Bởi vì thư giãn chính là giúp cho bản thân được nạp thêm năng lượng, còn sự trì hoãn sẽ rút cạn năng lượng của bạn. Khi cơ thể không có năng lượng thì bạn sẽ càng dễ bị căng thẳng, thậm chí là trầm cảm. Lúc này, khả năng bạn trì hoãn nhiệm vụ của mình sẽ lại càng tăng cao.
Những biểu hiện của sự trì hoãn
Vẫn có rất nhiều người không nhận ra rằng bản thân mình đang bị trì hoãn trong công việc. Nhưng khi nhìn vào những biểu hiện cụ thể sau đây, bạn sẽ biết được mình có thói quen trì hoãn hay không:
- Không thực hiện công việc theo đúng với kế hoạch đã được đề ra ban đầu.
- Chậm trễ, thoái thác trách nhiệm thực hiện mặc dù bạn có thể làm điều đó ngay lập tức.
- Thường xuyên chậm deadline và số lượng công việc chưa hoàn thành ngày một nhiều thêm.
- Bị những thứ không liên quan như: việc riêng, game, phim ảnh,... làm gián đoạn công việc.
Các loại trì hoãn thường gặp
Các nhà nghiên cứu đã phân tích và chỉ ra rằng có hai loại trì hoãn của con người đó là trì hoãn chủ động và trì hoãn thụ động. Trong đó:
- Trì hoãn chủ động: là việc trì hoãn công việc một cách có chủ đích. Có thể họ cảm thấy rằng làm việc dưới áp lực sẽ giúp cho bản thân cảm thấy có động lực hơn.
- Trì hoãn thụ động: là việc hoãn nhiệm vụ vì họ gặp phải khó khăn khi đưa ra quyết định và thực hiện hành động.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể phân biệt các loại trì hoãn thường gặp dựa trên kiểu hành vi, bao gồm:
- Người cầu toàn trì hoãn nhiệm vụ vì sợ không thể hoàn thành một cách hoàn hảo.
- Người mơ mộng trì hoãn nhiệm vụ vì họ thường không chú ý đến chi tiết.
- Người lo lắng trì hoãn nhiệm vụ vì sợ thay đổi hoặc muốn có được sự thoải mái.
- Người tạo ra khủng hoảng trì hoãn nhiệm vụ vì họ thích làm việc dưới áp lực.
- Người bận rộn đảm nhận quá nhiều việc và gặp khó khăn để tìm thời gian bắt đầu cũng như hoàn thành nhiệm vụ.
Nguyên nhân dẫn đến thói quen trì hoãn là gì?
Chúng ta thường đưa ra một số lời bào chữa hoặc lý do hợp lý hóa để biện minh cho hành vi của mình. Nhưng theo như các nghiên cứu từ chuyên gia, có một vài lý do sẽ khiến cho mọi người bị bệnh trì hoãn đó là:
- Cảm thấy choáng ngợp khi có quá nhiều việc phải làm và không biết nên bắt đầu từ đâu.
- Ưu tiên tâm trạng ngắn hạn, nghĩa là chỉ khi cảm thấy hứng thú thì mới làm.
- Không thích làm vì nghĩ rằng đó là công việc nhàm chán và cảm thấy khó chịu.
- Lo lắng và sợ hãi, ví dụ như khi làm sai sẽ bị chỉ trích.
- Trì hoãn do tính cầu toàn nên phải làm mọi việc thật cẩn thận, tỉ mỉ.
- Không có sự hấp dẫn về điều sẽ nhận được khi công việc được hoàn thành.
- Kết quả có giá trị thấp nên không có động lực.
- Nhiệm vụ quá khó khăn, thiếu ý tưởng để bắt đầu, không biết phải làm gì hay làm thế nào, cần thời gian để suy nghĩ về nhiệm vụ.
- Do quán tính, tiếp tục thực hiện điều mình đang làm mà quên mất nhiệm vụ.
- Mục tiêu trừu tượng, không được xác định rõ ràng hoặc bất khả thi.
- Do thành kiến nhận thức, bi quan về tỷ lệ thành công khi thực hiện công việc.
- Không có kỹ năng quản lý thời gian, không biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho nhiệm vụ.
- Có hành vi nổi loạn chống lại một người nào đó, có thể là cấp trên, đồng nghiệp.
- Năng lượng cơ thể thấp, có thể là do thiếu ngủ, bệnh tật, trầm cảm hoặc không có tâm trạng để hoàn thành công việc.
- Ảnh hưởng từ môi trường, ví dụ như sự phiền nhiễu hoặc tác động của bạn bè.
- Có thói quen đợi đến phút cuối cùng, nghĩ rằng mình có thể hoàn thành công việc vào phút cuối, tin rằng mình làm việc tốt hơn dưới áp lực.
- Trì hoãn một nhiệm vụ để làm việc khác hoặc chờ đợi thời điểm thích hợp.
- Do tính cách hay quên.
Tác hại của thói quen trì hoãn công việc và cuộc sống
Như những điều đã nói ở trên thì trì hoãn công việc chính là một thói quen xấu mà bạn cần phải sớm loại bỏ. Đương nhiên, đã là một thói quen xấu thì chắc chắn sẽ mang đến cho chúng ra những tác hại trong cả cuộc sống và công việc, cụ thể như:
1. Lãng phí thời gian
Bạn hãy suy nghĩ xem, nếu như bản thân hoàn thành công việc theo đúng thời hạn gì sẽ còn có thể làm được biết bao nhiêu công việc bổ ích nữa? Ngược lại, nếu như bạn cứ mãi trì hoãn, luôn trong tình trạng nước đến chân mới nhảy thì điều đó chỉ gây lãng phí thời gian. Không những vậy, bạn còn có thể sẽ bị bỏ lỡ vô số công việc quan trọng khác cần phải giải quyết.
2. Đánh mất nhiều cơ hội tốt
Một trong những tác hại của sự trì hoãn công việc đó chính là đánh mất đi những cơ hội quý báu. Bởi vì sao? Khi bạn còn đang mải miết chơi game, lướt Facebook, xem phim thì những người khác đã hoàn thành xong công việc. Đến khi bạn bắt tay được vào khởi động thì họ đã chuyển sang thực hiện những hoạt động khác nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng mềm cũng nhưng kỹ năng cứng cho bản thân. Tất nhiên, thời gian của mỗi người là như nhau và khi họ về đích rồi thì bạn mới đi được một phần nhỏ của cuộc hành trình.
3. Đánh mất niềm tin và sự tôn trọng từ mọi người
Sai lệch về thời gian hoàn thành công việc sẽ khiến cho bạn bị mất đi niềm tin và sự tôn trọng từ những người khác. Bởi vì không ai cảm thấy nể phục một người không tôn trọng cũng như chẳng thể tự thiết lập kỷ luật cho bản thân.
Để có thể tạo được niềm tin từ mọi người là điều rất khó. Bởi niềm tin đó cần phải xây dựng, vun đắp mỗi ngày bằng những hành động cụ thể. Chính vì thế, hãy trân trọng thời gian và đừng để mọi người phải e ngại, lo lắng khi giao cho bạn bất kỳ một công việc nào đó.
Cách khắc phục sự trì hoãn ngay lập tức
Trì hoãn là một thói quen, mà đã là thói quen thì không thể loại bỏ chỉ trong ngày một ngày hai. Thay vào đó, bạn cần phải có sự kiên trì, quyết tâm thay đổi bản thân. Có như vậy mới trở thành một con người tốt hơn mỗi ngày bằng cách:
1. Nhận biết bản thân đang trì hoãn
Trước tiên, để xử lý vấn đề nào đó hiệu quả thì bạn cần phải biết được gốc rễ, ngay cả bệnh trì hoãn cũng vậy. Điều gì đã khiến cho bạn trì hoãn công việc? Đó có thể là do bạn đang không biết mình phải bắt đầu thực hiện từ đâu? Bạn cảm thấy không hứng thú khi thực hiện công việc? Bạn sợ bản thân sẽ thất bại? Hay do một yếu tố ngoại cảnh tác động dẫn đến sự trì hoãn?
Mỗi nguyên nhân sẽ có một cách tiếp cận và cách giải quyết khác nhau. Vậy nên, trước tiên bạn cần phải biết được rằng lý do gì đã khiến mình trở nên trì hoãn thì mới có thể xóa tan điều đó được.
2. Đặt mục tiêu cụ thể và thực tế
Một trong những nguyên nhân khác khiến cho bạn rất dễ rơi vào trạng thái trì hoãn đó chính là vì không có mục tiêu, cảm thấy mơ hồ về tương lai. Vậy nên, thay vì mơ về một đích đến quá xa và chắc chắn không thể thực hiện được thì bạn nên thay đổi suy nghĩ của mình. Hãy bắt đầu bằng việc đặt mục tiêu ngắn hạn, khả thi và phù hợp với từng giai đoạn. Điều đó sẽ giúp cho công việc của bạn trông đỡ “đáng sợ” hơn.
Ví dụ như bạn muốn tập thể dục, mục tiêu tốt nhất nên đặt ra có thể là chạy được 1km vào cuối tháng. Bạn không nên chỉ đặt mục tiêu một cách chung chung, không cụ thể như mỗi ngày chạy một chút hay mục tiêu không thực tế là chạy quãng đường marathon vào ngày cuối tháng.
3. Lập danh sách các việc cần làm
Bước tiếp theo bạn cần làm để ngăn cản sự trì hoãn của bản thân đó chính là lập kế hoạch thật chi tiết các công việc cần làm, thời gian thực hiện. Cách hiệu quả nhất đó chính là bạn hãy chia nhỏ các đầu công việc của mình như: nghiên cứu, lên timeline, thực hiện chi tiết từng hạng mục,... và tập trung vào các tác vụ đó.
Nếu như cảm thấy trong quá trình thực hiện, những đầu công việc nhỏ khiến cho bạn cảm thấy nhàm chán thì việc nhìn vào bức tranh tổng thể sẽ tiếp thêm cho bạn rất nhiều động lực.
4. Loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng
Bạn không nên để những yếu tố xao nhãng bên ngoài làm ảnh hưởng đến việc bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ của mình. Bàn làm việc bừa bộn, không gian ồn ào, mạng xã hội, điện thoại liên tục reo lên,... đều là những tác nhân khiến cho bạn mất tập trung.
Chính vì thế, để đạt được hiệu quả tốt nhất thì bạn cần phải loại bỏ hoàn toàn chúng. Hãy sắp xếp bàn làm việc thật gọn gàng, ngăn nắp, tắt chuông điện thoại, báo thức và lựa chọn một nơi yên tĩnh. Khi đó, bạn sẽ thấy rằng mình làm việc năng suất hơn rất nhiều, công việc cũng được hoàn thành tốt và trong thời gian nhanh chóng.
5. Thực hiện kế hoạch và theo dõi tiến độ
Bạn không thể chỉ lập một bản kế hoạch rồi để phủ bụi mà cần phải dựa theo đó để theo dõi tiến độ và tuân thủ theo đúng deadline đã đề ra. Điều này nhằm đảm bảo việc quản lý thời gian hiệu quả hơn rất nhiều, để công việc trước đó không ảnh hưởng đến những hoạt động phía sau.
Bên canh đó, thông qua việc theo dõi tiến độ, bạn cũng có thể nhanh chóng phát hiện ra lỗi sai, điều bất hợp lý để từ đó đưa ra biện pháp khắc phục, sửa chữa cần thiết.
6. Tự thưởng cho bản thân
Khi đã cố gắng cho công việc, bạn đừng tiếc lời khen hoặc một món quà dành cho bản thân. Dù cho đó có là mục tiêu lớn hay nhỏ thì cũng hãy để cho mình cảm thấy được thư giãn và tận hưởng thành quả đã đạt được.
Ví dụ như sau một tuần miệt mài chạy dự án trên công ty, bạn có thể tự thưởng cho mình bằng một bữa ăn cuối tuần vui vẻ bên ngoài cùng người thân, bạn bè, hay mua một món đồ mà mình yêu thích. Khi nhận được thành quả này, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp, giúp bạn có thêm năng lượng và động lực để cố gắng hơn nữa.
Một số thói quen để tránh sự trì hoãn
Các thói quen của bản thân cũng sẽ giúp bạn tránh được sự trì hoãn. Chính vì thế, bạn cần phải không ngừng rèn luyện những thói quen tốt, loại bỏ thói quen xấu để công việc được hoàn thành một cách xuất sắc nhất.
1. Thói quen quản lý thời gian
Mỗi người chúng ta hãy là một người thủ quỹ, nhưng thay vì quản lý tiền bạc, bạn hãy quan tâm đến thời gian của mình. Mỗi ngày chúng ta đều có 24 giờ đồng hồ như nhau, nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng quỹ thời gian của mình một cách hợp lý. Và hơn hết, còn có rất nhiều công việc hàng ngày mà bạn cần phải thực hiện như: nấu ăn, dọn nhà, giặt đồ,....
Nếu như không biết cách quản lý thời gian hiệu quả, bạn sẽ không thể thực hiện được hết những công việc cần thiết. Cứ thế, mọi thứ dần dần sẽ bị tích tụ lại. Chính vì thế, khi có trong tay một danh sách dài nhiệm vụ, bạn hãy biết cách điều chỉnh sao cho hợp lý.
2. Thói quen tuân thủ kế hoạch
Khi đã đặt được mục tiêu cụ thể, bạn cần phải theo sát với bản kế hoạch và tuân thủ để đảm bảo mọi công việc đều được thực hiện trong một khung thời gian phù hợp đã được dự tính trước đó. Tất nhiên điều đó cũng không đồng nghĩa với việc bạn trở nên cứng nhắc mà phải có sự linh hoạt khi cần thiết.
Bạn có thể đặt mục tiêu hoàn thành công việc trong ngày để buổi tối được thư giãn, hay sắp xếp việc quan trọng, cần nhiều thời gian hoàn thành trước,.... Nói chung, công việc của mỗi người là khác nhau và những điều này không có một quy tắc cụ thể nào mà sẽ còn phục thuộc vào chính bản thân bạn.
3. Thói quen sử dụng ghi chú
Sử dụng ghi chú cũng là một thói quen cần có để luôn kiểm soát được nhiệm vụ mình cần làm là gì cũng như gạch bỏ chúng nếu như đã hoàn thành. Việc thường xuyên kiểm tra ghi chú sẽ giúp cho bạn trở nên có trách nhiệm với bản thân mình hơn. Đồng thời, cũng là nhằm đảm bảo công việc đang được thực hiện một cách đúng hướng.
Hiện nay, nhờ vào sự phát triển của công nghệ đã giúp cho bạn có thêm nhiều phương tiện để thực hiện ghi chú, không còn chỉ là những tờ giấy nhớ hay cuốn sổ mà bạn có thể viết trong điện thoại và mở ra xem, chỉnh sửa bất cứ lúc nào.
4. Tận dụng các quãng nghỉ ngắn
Khi chuyển tiếp giữa các nhiệm vụ lớn, sẽ có những khoảng thời gian ngắn rảnh rỗi từ 10 - 15 phút. Nếu như tận dụng được khoảng thời gian này để thực hiện các công việc nhỏ nhặt khác thì bạn sẽ dư ra được thêm khá nhiều thời gian trong một ngày. Vậy nên, nếu như muốn tránh sự trì hoãn thì bạn nên tận dụng tối đa thời gian của mình, dù cho có là ngắn hay dài.
5. Giới hạn thời gian hoàn thành mỗi công việc
Giới hạn thời gian hoàn thành mỗi công việc chính là cách hiệu quả để bạn có thể kiểm soát tốt quỹ thời gian của mình. Điều này sẽ tạo ra động lực giúp bạn nghiêm túc, tập trung làm việc. Đồng thời, bạn cũng không nên hy sinh quá nhiều thời gian cho những cho những công việc không thật sự cần thiết.
6. Chuyển trọng tâm vào những thành tựu dài hạn
Hầu như ai cũng mong muốn thực hiện công việc kết thúc nhanh chóng và mang đến niềm vui nhất thời. Còn với những công việc dài hạn thường sẽ gây ra tâm lý dễ nản lòng nên sẽ chọn né tránh.
Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi, thử chuyển trọng tâm vào những thành tựu dài hạn. Khi đó, bạn sẽ nhận ra rằng điều này mang đến cho mình rất nhiều thành công bất ngờ, từ đó giúp cho bản thân cảm thấy hứng thú và loại bỏ dần thói quen trì hoãn trong công việc.
Trên đây là những chia sẻ của đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h để bạn hiểu hơn về trì hoãn là gì? Đây là một thói quen không tốt mà rất nhiều người gặp phải. Nhưng để có thể loại bỏ hoàn toàn thì không phải điều đơn giản mà cần có phương pháp phù hợp cũng như sự kiên trì của bản thân. Hi vọng rằng qua bài viết, nếu bạn cũng đang là người trì hoãn thì hay nhanh chóng loại bỏ thói quen xấu này, có như vậy mới giúp cho công việc được hoàn thành đúng thời gian, đạt hiệu quả và tạo thành công trong sự nghiệp.