Khi chiêm nghiệm một chiến dịch quảng cáo thành công, có lẽ bạn đã từng tự hỏi rằng: Làm sao họ có thể nảy ra một ý tưởng tuyệt vời đến vậy? Có phải là từ trên trời rơi xuống hay bỗng dưng bất chợt xuất hiện trong đầu? Và chúng ta có thể tạo ra ý tưởng “viral” tương tự như thế hay không? Trên thực tế, ý tưởng có thể được sinh ra bằng cách này hay cách khác nhưng để một idea thực sự trở thành "lớn lao" thì quá trình đó không chỉ là một chốc thoáng qua như cái cách mà ý tưởng xuất hiện.
Có thể ví big idea như sợi dây cảm xúc, kết nối người tiêu dùng với chiến dịch truyền thông thương hiệu hoặc quảng bá sản phẩm / dịch vụ của công ty thông qua một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Vậy bạn đã biết big idea là gì chưa? Và làm thế nào để xây dựng một ý tưởng lớn thực sự ấn tượng? Câu trả lời sẽ được tiết lộ trong bài viết sau đây.
Big idea là gì?
Big idea là ý tưởng lớn, điều kiện tiên quyết hay thông điệp bao quát nhất, giữ vai trò chủ đạo xuyên suốt trong một chiến dịch truyền thông marketing. Hiểu đơn giản, big idea được ví như “xương sống” của một chiến dịch, quyết định cách mà nhà tiếp thị muốn truyền tải thông điệp đến khán giả của mình dựa trên những thông điệp (key messages), ý nghĩa, giá trị cốt lõi và lời kêu gọi hành động.
Nói một cách khác, big idea là một thông điệp tổng quan có thể nói lên ý nghĩa của chiến dịch và trả lời cho hai câu hỏi "Thương hiệu này là ai?", "Chiến dịch đó nhằm mục đích gì?".
Mặc dù ý tưởng có thể bất ngờ xuất hiện nhưng một big idea thực sự sẽ chỉ được phát triển từ việc phân tích insight của đối tượng mục tiêu. Điều này đòi hỏi một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về nhóm khách hàng tiềm năng, cụ thể là hiểu biết sâu sắc về “sự thật ngầm hiểu” cũng như “nỗi đau” của họ. Có thể thấy, việc nảy ra một big idea không phải là điều dễ dàng đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt khi thị trường trở nên cạnh tranh và rối ren hơn rất nhiều.
Vai trò của big idea đối với chiến dịch marketing
Khi thực hiện một chiến dịch quảng bá tiếp thị, việc truyền tải một thông điệp mạnh mẽ và hấp dẫn đến người tiêu dùng thực sự rất quan trọng. Với vai trò là một marketer chuyên nghiệp, bạn không thể chỉ tập trung vào giá trị lợi ích của thương hiệu và cung cấp quá nhiều thông tin về sản phẩm / dịch vụ mà thiếu đi sự sáng tạo. Bởi lẽ điều này có thể dẫn đến sự nhàm chán, vô vị và thiếu điểm nhấn trong cách truyền đạt, khiến người tiêu dùng nhanh chóng lãng quên thương hiệu của bạn, thậm chí họ không muốn nghe đến với những thông điệp đó. Tuy nhiên với big idea thì mọi chuyện lại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Như đã nhấn mạnh ở trên, big idea chính là trái tim hay linh hồn của một chiến dịch truyền thông, giúp nhà tiếp thị xác định những gì họ muốn khán giả nhớ về chiến dịch của mình. Thông qua ý tưởng lớn, tất cả các hoạt động trong chiến dịch được diễn ra theo cùng một quỹ đạo với một mục tiêu nhất quán và truyền tải một thông điệp liên tục. Chính vì thế, big idea không chỉ là một ý tưởng đơn thuần mà cần phải sáng tạo và phát triển dựa trên sự độc đáo, khác biệt nhưng vẫn gần gũi với đối tượng mục tiêu để có thể khơi gợi cảm xúc cũng như đọng lại vào sâu trong tâm trí, tiềm thức của khách hàng. Chỉ khi đạt được điều này thì chiến dịch marketing mới có thể đem lại thành công cho bạn.
Các yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến big idea
Có thể bạn chưa nhận ra nhưng trên thực tế, những chiến dịch quảng cáo thành công mà chúng ta thường nhớ tới đều sẽ có một big idea mạnh mẽ. Mặt khác, nếu thiếu đi một ý tưởng lớn thì các chiến dịch marketing sẽ gặp khó khăn trong việc tạo ra tiếng vang và khả năng đọng lại sâu trong tâm trí của khách hàng. Vậy big idea bị ảnh hưởng bởi những yếu tố cốt lõi nào?
- Target audience (đối tượng mục tiêu): Điều đầu tiên là bạn phải xác định được ý tưởng của mình sẽ hướng đến đối tượng nào, có thu nhập bao nhiêu, ở đâu, hành vi, lối sống ra sao, sở thích như thế nào,....
- Insights (sự thật ngầm hiểu): Big ideas phải khai thác từ sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu, kỳ vọng, nỗi đau, mong muốn của đối tượng mục tiêu như họ cần gì, họ gặp trở ngại nào, mong muốn nhận được giá trị gì (về thông tin, cảm xúc, hoặc sản phẩm),.... Khi đã hiểu được insight, nhiệm vụ của bạn là phải tập trung vào việc đào sâu nghiên cứu và thấu hiểu nó.
- Context (ngữ cảnh): Các chi tiết liên quan đến bối cảnh không gian, câu chuyện, thời gian, nhân vật, sự kiện,... cần được lồng ghép một cách khéo léo vào ý tưởng lớn. Theo đó, big idea cũng phải làm rõ và thể hiện mối liên kết của chúng với sản phẩm / dịch vụ, thương hiệu.
- Storytelling (kể chuyện): Để tạo ra sức hấp dẫn và giữ chân khách hàng tiềm năng, bạn nên xây dựng một câu chuyện truyền cảm hứng thông qua big idea nhưng phải đảm bảo mang theo thông điệp của thương hiệu. Ngoài ra, câu chuyện đó không chỉ cuốn hút mà còn phải liên quan và khơi gợi lên cảm xúc đa dạng của khách hàng.
- Visual communication (giao tiếp hình ảnh): Đây chính là việc tiếp thị thông qua hình ảnh hay còn gọi "tiếp thị bằng thị giác". Trên các nền tảng xã hội như Facebook, hình ảnh chiếm đến 90% diện tích trong một bài viết và khách hàng bao giờ cũng sẽ chú ý đến phần hình ảnh trước tiên rồi mới quyết định đọc nội dung. Vì vậy, việc tạo ra một hình ảnh hấp dẫn, một banner cuốn hút sẽ thu hút và giữ chân khách hàng khi họ tiếp cận với thông điệp truyền tải của bạn.
Những tiêu chí đánh giá một big idea lý tưởng
Big idea là cơ sở để xây dựng thành công các chiến lược marketing quảng cáo, giúp thương hiệu nổi bật giữa đám đông đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Do đó, một ý tưởng thực sự “lớn lao” cần phải được đánh giá kỹ lưỡng dựa trên những tiêu chí sau đây:
1. Đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ
Mọi người đều thích những thông điệp ngắn gọn, dễ ghi nhớ nên vì vậy, đừng làm khán giả của bạn phải tiếp nhận quá nhiều thông tin về chiến dịch của bạn. Thay vào đó, hãy tạo ra một khẩu hiệu (slogan) đơn giản, súc tích, dễ nhớ nhưng vẫn ấn tượng và khác biệt để khiến họ "yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên".
Thực tế đã chứng minh, một thông điệp quá dài sẽ khó cạnh tranh với lượng thông tin khổng lồ mà người dùng tiếp nhận hàng ngày. Thậm chí, một ý tưởng lớn, dù hay đến đâu nhưng nếu được diễn đạt một cách dông dài, phức tạp thì cũng không thể tạo ra ấn tượng tốt đẹp với người tiêu dùng. Mặt khác, nếu bạn dành thời gian để nghiên cứu, bạn sẽ nhận thấy rằng hầu hết các chiến dịch thành công từ các thương hiệu nổi tiếng thường có những big idea ngắn gọn, dễ ghi nhớ.
2. Độc đáo, khác biệt
Trong hàng ngàn ý tưởng và chiến dịch được tạo ra mỗi ngày, cách duy nhất để thu hút sự chú ý là trở nên khác biệt và độc đáo trong mắt của khách hàng. Trên thực tế, khán giả ít khi quan tâm đến những thông điệp quen thuộc mà thay vào đó, họ dễ dàng nhận ra và ghi nhớ những điều thú vị, mới mẻ. Tuy nhiên, một big idea không nhất thiết phải là điều hoàn toàn mới mẻ và chưa từng xuất hiện mà bạn hoàn toàn có thể biến một ý tưởng bình thường thành ý tưởng lớn thông qua cách thể hiện độc đáo của mình.
3. Có khả năng thay đổi
Một big idea lý tưởng có thể thay đổi tư duy, niềm tin và hành vi của người tiêu dùng, mở ra cách nhìn nhận cũng như suy nghĩ mới mẻ về một vấn đề nào đó, đồng thời giúp doanh nghiệp tạo ra tầm ảnh hưởng trên diện rộng. Hay nói cách khác, một ý tưởng “lớn lao” thực sự xuất sắc sẽ có khả năng tác động đáng kể đến thị trường (bao gồm cả khách hàng hiện tại, tiềm năng, đối thủ,...) cũng như bản thân tổ chức kinh doanh đó. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì người làm marketing cần phải hiểu sâu về tâm lý con người và cung cấp những biện pháp phù hợp, từ đó thúc đẩy người dùng hành động theo hướng mà thương hiệu mong muốn.
4. Có mối liên hệ chặt chẽ tới thương hiệu
Big ideas đóng vai trò quan trọng trong việc định vị thương hiệu và quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Như bạn đã biết, thương hiệu không chỉ là điểm nhận biết độc nhất vô nhị của một doanh nghiệp mà còn được xem như tài sản giá trị giúp phân biệt bạn với các đối thủ khác nên vì lẽ đó, không thể có hai tổ chức có chung định vị thương hiệu.
Vậy nên để tạo ra sự khác biệt, ý tưởng lớn cần phải được gắn kết chặt chẽ với thương hiệu. Bạn nên nhớ rằng những ideas quá tổng quát và phổ biến sẽ làm cho người tiêu dùng dễ nhầm lẫn giữa các doanh nghiệp và dẫn đến việc họ dễ dàng quên mất bạn.
5. Big idea có sức hút, sức ảnh hưởng
Một big idea lý tưởng sẽ tạo nên sức hút và sự lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng người tiêu dùng, khiến họ không thể chối từ mà bị cuốn vào chiến dịch truyền thông của bạn, từ đó có ấn tượng tích cực về thương hiệu và thậm chí, sẵn sàng rút “hầu bao” để chi trả cho sản phẩm / dịch vụ.
Nhưng để đạt được sức hút này, bạn cần tập trung vào những điều mà họ yêu thích hoặc không yêu thích về thương hiệu của bạn, các nhu cầu chưa được thỏa mãn và cả nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu. Đồng thời, hãy luôn cập nhật những xu hướng, chủ đề mà người tiêu dùng quan tâm, những thách thức mà họ đang phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày vì cuối cùng, mọi big ideas đều bắt nguồn từ insight - những nhu cầu, mong muốn và ước mơ tiềm ẩn của người tiêu dùng.
6. Có khả năng lan tỏa tự nhiên
Dồn ngân sách quảng cáo vào những kênh truyền thông có khả năng tiếp cận đến lượng lớn người tiêu dùng tiềm năng được xem là một chiến lược thông minh và hiệu quả. Tuy nhiên, một big idea chỉ thực sự mạnh mẽ khi có khả năng thuyết phục người tiêu dùng chia sẻ tự nhiên với bạn bè, người thân hoặc đồng nghiệp cũng như len lỏi vào tiềm thức và trở thành một phần trong những cuộc nói chuyện hàng ngày của họ. Trường hợp big idea thiếu đi khả năng lan tỏa tự nhiên thì marketer sẽ phải dùng ngân sách quảng cáo để “kích hoạt” ý tưởng đó và đây rõ ràng không phải là một chiến lược bền vững về lâu về dài.
Trên thực tế, khả năng lan tỏa tự nhiên có thể được coi là một tiêu chí tổng hợp của nhiều yếu tố đã được đề cập. Bởi ý tưởng lớn độc đáo, khác biệt, được trình bày một cách ngắn gọn, đơn giản và phù hợp với tâm lý của người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội được lan truyền rộng rãi một cách tự nhiên.
Trên các mạng xã hội như TikTok hoặc Facebook, bạn sẽ thường thấy các cụm từ viral được giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Z, sử dụng nhiều trong trò chuyện và giao tiếp. Mặc dù có thể khập khiễng khi so sánh big idea với các cụm từ hot trend đó nhưng nhìn chung, ý tưởng lớn của bạn cũng cần phải có tính lan tỏa tương tự thay vì chỉ phụ thuộc vào quảng cáo.
7. Khơi gợi câu chuyện của đối tượng mục tiêu
Cá nhân hóa (Personalization) đang trở thành một yếu tố không thể thiếu trong lĩnh vực truyền thông marketing và kinh doanh. Chính vì thế mà việc tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa đã trở thành một mục tiêu quan trọng mà nhiều doanh nghiệp đang hướng đến để thu hút cũng như giữ chân khách hàng và điều này thường được kết nối với big ideas.
Về bản chất, con người chúng ta thường dễ xúc động và cảm thông với những điều gần gũi, tương tự như trong chính bản thân mình. Do đó, một ý tưởng “lớn lao” mà mỗi cá nhân đều có thể liên kết với câu chuyện của người tiêu dùng sẽ dễ dàng được họ tiếp nhận và đồng thuận hơn. Thay vì chỉ đăm đăm vào việc kể câu chuyện thương hiệu, hãy tập trung khơi gợi câu chuyện của đối tượng mục tiêu bởi lẽ đó mới là điều mà khách hàng muốn nghe.
Cách thức xây dựng big idea hiệu quả, ấn tượng khó quên
Thường thì quá trình phát triển một big idea đột phá đi liền với hai giai đoạn chính là giai đoạn sáng tạo ý tưởng (brainstorming) và giai đoạn thực hiện (execution). Cụ thể, cách thức xây dựng big idea hoàn hảo, ấn tượng sẽ gồm 4 bước như sau:
1. Xác định các yếu tố cốt lõi của chiến dịch
Nếu bạn và đội nhóm của mình đang đắn đo suy nghĩ không biết làm thế nào để tìm ra một big idea lý tưởng thì hãy dừng lại và xem xét liệu rằng bạn đã xác định rõ rằng các yếu tố cốt lõi của chiến dịch hay chưa. Trong giai đoạn này, các yếu tố quan trọng của một chiến dịch sẽ bao gồm:
- Mục tiêu cuối cùng mà bạn muốn đạt được là gì? Đó có thể là tạo ra cuộc tranh luận, tăng khả năng tiếp cận, thu hút sự tương tác hay tăng doanh số,... Và nên nhớ rằng mục tiêu càng rõ ràng thì bạn càng có thể tập trung hơn để đạt được giá trị đó.
- Đối tượng mục tiêu của chiến dịch là ai? Họ quan tâm đến những gì, không thích điều gì và lối sống của họ như thế nào? Việc nghiên cứu kỹ lưỡng đối tượng mục tiêu sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến việc tạo ra một big idea thực sự “viral”.
Nếu bạn chưa đáp ứng đầy đủ các câu hỏi này mà đã bắt đầu suy nghĩ thì bạn có thể bị rối và khó lòng tìm ra một big idea độc đáo. Do đó, hãy lập một bản tóm tắt chiến dịch với hai yếu tố trên một cách rõ ràng. Một bản brief sáng tỏ sẽ giúp bạn xác định chân dung đối tượng mục tiêu và mô tả chi tiết những thách thức mà thương hiệu của bạn đang phải đối mặt.
2. Đào sâu insight khách hàng
Như đã nhấn mạnh ở trên, big ideas thực chất là sợi dây cảm xúc liên kết giữa khách hàng và thương hiệu, giải quyết những thắc mắc mà người tiêu dùng đang phải đối diện. Do đó, để tạo ra một big idea có khả năng “hút hồn” thì bạn cần bắt đầu từ một insight thực sự “chạm đáy”.
Bước này sẽ giúp bạn hiểu sâu về tâm lý của khách hàng, nắm bắt rõ hơn về đối tượng mục tiêu, từ đó nhận ra những nhu cầu và xu hướng của thị trường cũng như xác định “nỗi đau” cần giải quyết cho người tiêu dùng là gì. Lưu ý rằng, các giải pháp bạn đưa ra phải thực tế, có tính khả thi và mang lại giá trị cho khách hàng, quan trọng hơn là có thể phản ánh tinh thần của thương hiệu - bản chất của big idea. Ngoài ra, một giải pháp mà chỉ thương hiệu của bạn mới có thể thỏa mãn người dùng chính là vũ khí mạnh mẽ, đầy quyền năng cho một ý tưởng đầy tham vọng.
3. Tìm sự kết nối giữa thương hiệu và khách hàng
Thiết lập sợi dây liên kết thương hiệu trong big idea không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng những chiến dịch truyền thông tiếp thị độc đáo mà còn tăng cường giá trị của thương hiệu, tạo nên điểm khác biệt và thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Từ những “sự thấu hiểu” được phân tích trong bước trên, bạn có thể liên kết mọi điểm chung để tìm ra mối quan hệ giữa khách hàng với thương hiệu. Qua đó, có cái nhìn sâu sắc về những băn khoăn của khách hàng mục tiêu để phát triển các chiến dịch phù hợp với nhu cầu của họ bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
- Thương hiệu / sản phẩm của bạn có thể giải quyết vấn đề gì cho khách hàng?
- Thương hiệu / sản phẩm của bạn sẽ mang lại những giá trị độc đáo gì cho người dùng mà không thương hiệu / sản phẩm nào khác có thể thỏa mãn hoặc cung cấp?
4. Phát triển big idea
Một khi đã xác định được big idea cho chiến dịch của mình, hãy thử chia sẻ ý tưởng với đồng đội, bạn bè hoặc gia đình để đánh giá liệu rằng idea đó có mang đến sức lan tỏa mạnh mẽ như mong đợi của bạn hay không. Nếu bạn cảm thấy big idea đã hoàn hảo, bước tiếp theo là diễn đạt ý tưởng đó thông qua sự tinh chỉnh ngôn ngữ để biến ý tưởng lớn thành một chủ đề rõ ràng, súc tích, gần gũi và đi vào lòng người. Theo đó, bạn cần:
- Xác định các yếu tố kết nối của big ideas như tên gọi, ý nghĩa, câu chuyện cá nhân hóa, liên kết thương hiệu và lựa chọn kênh quảng bá để giới thiệu.
- Xác định thông điệp chính (key message) để giải quyết “nỗi đau” của khách hàng và giúp công chúng nhớ đến điểm độc nhất vô nhị của big idea. Key message cần phải đánh sâu vào trong tâm lý của khách hàng và phản ánh đúng tính cách thương hiệu cũng như lợi ích của sản phẩm.
Ví dụ về big idea của các thương hiệu nổi tiếng
Nếu không có một ý tưởng “lớn lao” được khái quát rõ ràng thì chiến dịch truyền thông tiếp thị sẽ khó gây được ấn tượng, tạo tiếng vang và đọng lại chút gì đó trong tâm trí của khán giả mục tiêu. Vì vậy, để hiểu rõ hơn big idea là gì và cách xây dựng big idea trong thực tế, tránh chỉ chăm chăm dựa vào lý thuyết suông thì dưới đây là một số case study điển hình về big idea của các thương hiệu nổi tiếng mà bạn nên tham khảo:
1. Đi để trở về – Biti’s Hunter
Trong chiến dịch quảng bá cho sản phẩm mới Biti’s Hunter - dòng sản phẩm giày sneaker dành cho giới trẻ thích đi phượt, Biti’s đã xây dựng nên một big idea vô cùng ấn tượng, độc đáo. Ý tưởng chính là "Đi để trở về" - một chủ đề “nóng” đã tạo ra hơn 87.000 cuộc trò chuyện trên mạng xã hội, xoay quanh việc liệu nên du lịch hay ở lại với gia đình trong dịp Tết đến xuân về. Đặc biệt, chiến dịch đã đánh sâu vào trái tim của những đứa con xa xứ bị cách ly, dù muốn cũng không thể trở về trong thời điểm đại dịch bùng nổ.
Thông điệp “Có đi mới có trở về. Đi thật xa, để khám phá, để trải nghiệm, để trưởng thành hơn và trân trọng sự trở về, trân trọng hành trình trở về hơn. Đi thật xa để trở về!” đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng trẻ, sau đó trở thành một thông điệp nổi bật trong mùa 1, mùa 2, mùa 3 và các mùa chiến dịch sau của thương hiệu Biti’s.
Thay vì tập trung chỉ vào quảng bá sản phẩm theo cách truyền thống, "Đi để trở về" cùng Biti’s Hunter là một ví dụ điển hình cho việc chọn lựa một big idea độc đáo và xây dựng nên các chiến dịch truyền thông vang đội.
2. Just Do It – Nike
Chỉ bằng 3 từ đơn giản "Just Do It" - Cứ làm đi, chiến dịch của Nike đã thành công phủ sóng trên phạm vi toàn cầu với thông điệp sâu sắc, giúp mọi người vực dậy tinh thần: hãy dũng cảm làm những điều mình thích và đừng sợ hãi bất kỳ điều gì.
Tất nhiên, một big idea không chỉ thành công nhờ vào một câu khẩu hiệu mà còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các video quảng cáo, những bài viết truyền tải thông điệp và việc kể một câu chuyện theo nhiều góc độ khác nhau. Việc lan truyền câu chuyện mà Nike muốn kể thông qua các video quảng cáo và bài viết đã giúp chiến dịch đạt được những thành công rực rỡ, tạo nên một lịch sử vĩ đại, đi sâu vào tâm trí của người tiêu dùng và trở thành một ví dụ về big idea đáng học hỏi đối với nhiều nhà tiếp thị, dù đã hơn 30 năm kể từ khi chiến dịch này ra đời.
3. Yêu thương thành lời - Vinacafe
Ngược dòng thời gian trở lại năm 2015, Vinacafe cho ra mắt chiến dịch Tết mang tựa đề “Yêu thương thành lời” và đã gặt hái được những thành công vang dội, đồng thời trở thành nội dung quảng cáo thành công nhất trên YouTube Tết của Việt Nam giai đoạn đó. Chiến dịch này bắt nguồn từ một bối cảnh kinh doanh: Mặc dù đã chiếm vị thế hàng đầu trên thị trường nhưng Vinacafe vẫn chưa thực sự thu hút được sự ưa chuộng của giới trẻ. Chính vì vậy, thương hiệu đã quyết định tạo nên dấu ấn khác biệt bằng một chiến dịch Tết để thu hút nhóm đối tượng trẻ này.
Một insight đắt giá chính là cơ sở của toàn bộ mọi hoạt động và đem lại thành công cho chiến dịch “Yêu thương thành lời”. Insight này bắt nguồn tâm lý của giới trẻ sống tại các thành phố lớn, nằm trong độ tuổi nổi loạn từ 18 đến 25 với nhận thức rằng họ luôn yêu thương và tôn trọng cha mẹ của mình nhưng lại ngần ngại diễn đạt điều đó bằng lời. Trong khi cha mẹ lại mong muốn nghe những lời thổ lộ “Con thương ba, con thương mẹ” của các con như thời thơ ấu.
Thông qua ý tưởng đó, Vinacafe đã trở thành một "đại sứ" kết nối sự yêu thương giữa cha mẹ với con cái ngay trong bối cảnh mà tình cảm và những khoảnh khắc sum họp gia đình được đề cao hơn bao giờ hết. Với big idea “The cup of love”, mỗi sản phẩm của Vinacafe đều đi kèm với một tách cà phê in những lời tỏ bày dễ thương, đong đầy và rất trẻ trung như “Ba khó gần nhưng con cần là có”, “Mẹ hay càm ràm nhưng vì con mà làm tất cả”,.... Tách cà phê này đã trở thành một phương tiện giao tiếp để tạo ra không khí ấm cúng, chan hòa giữa các thành viên trong gia đình, vượt qua những phút giây ban đầu còn ngượng ngùng.
4. Dirt Is Good - OMO
Trong quá khứ, sạch sẽ và trắng sáng đã trở thành câu chuyện thường thấy trên các phương tiện truyền thông từ các thương hiệu khác nhau. Khi mọi thứ dần trở nên quá quen thuộc nên đã đến lúc Omo cần phải tạo ra điều gì độc đáo hơn và big idea "Dirt Is Good" chính là câu trả lời cho vấn đề đó.
Họ đã phát hiện ra một insight thú vị của các bà mẹ, đó là mong muốn cho năng động, làm những gì con thích và thậm chí là nghịch bẩn nhưng họ lại lo lắng về việc quần áo bị dơ. Tuy nhiên, nếu không được phép chơi, trẻ sẽ bị thiếu trải nghiệm và không phát triển như "con nhà người ta".
"Tinh thần dơ bẩn" ở đây không phải là việc bị đánh giá tiêu cực theo quan điểm xã hội mà đại diện cho một phần quan trọng trong sự phát triển và khám phá thế giới của trẻ.
Từ big idea "Dirt Is Good", OMO đã triển khai những chiến dịch với nhiều ý tưởng và nội dung khác nhau trên nhiều nền tảng từ online đến offline, bao gồm quảng cáo truyền hình, sự kiện, kích hoạt, quảng cáo trên giấy, truyền thông ngoài trời, video viral,… dựa trên khung cốt của ý tưởng đề ra.
Nhờ những chiến dịch thành công, big idea này đã mang lại cho họ nhiều thành tựu đáng kể cho OMO, điển hình là:
- Doanh số bán hàng tại Châu Á tăng lên gấp 10 lần.
- Tăng cường sự nhận biết thương hiệu, tăng cường sự nhận thức về thương hiệu, tăng sự trung thành với thương hiệu.
- Có tác động tích cực đến văn hóa nuôi dạy trẻ em ở khu vực Châu Á.
- Thay đổi suy nghĩ và hành vi của bậc phụ huynh.
Như vậy qua bài viết này, Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn định nghĩa big idea là gì, các tiêu chí đánh giá và bí quyết để tạo ra một big idea bùng nổ trong thế giới truyền thông. Theo đó, muốn sáng tạo một big idea tốt, bạn cần phối hợp cùng đội ngũ marketing của mình để tập trung vào việc đào sâu insight khách hàng, tìm sự kết nối giữa thương hiệu với đối tượng mục tiêu và đưa ra quyết định cuối cùng. Hãy nhớ rằng không có tiêu chuẩn tuyệt đối nào được dùng để đánh giá một big idea là tốt hay không, chỉ có đánh giá xem big idea đó có phù hợp hay không. Hy vọng bạn và đội ngũ marketing của mình sẽ tìm ra những big idea đột phá và độc đáo nhất khi triển khai các chiến dịch quảng cáo.