Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và liên kết quốc tế, chiến lược toàn cầu đã trở thành một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với các tổ chức cũng như doanh nghiệp có tầm nhìn xa, vượt ra ngoài ranh giới quốc gia. Đây là một chiến lược phổ biến đối với những công ty hoạt động trong ngành sản xuất mang tính tiêu chuẩn hóa, hướng đến việc tối đa lợi nhuận và sự cạnh tranh trên thị trường dựa trên các chi phí trong phạm vi vĩ mô. Vậy chiến lược toàn cầu là gì? Phương pháp kinh doanh này có những ưu - nhược điểm nào và cách triển khai cụ thể ra sao? Hãy cùng chúng tôi khám phá để hiểu rõ hơn về những vấn đề trên trong bài viết dưới đây nhé.
Chiến lược toàn cầu là gì?
Chiến lược toàn cầu (Global strategy) là một chiến thuật cạnh tranh được nhiều tổ chức và doanh nghiệp hiện nay áp dụng nhằm gia tăng lợi nhuận thông qua việc giảm thiểu chi phí trên phạm vi toàn cầu. Thay vì tập trung vào việc tạo ra đặc thù địa phương, hình thức này nhấn mạnh vào các hoạt động kinh doanh trong môi trường tiêu chuẩn hóa và thống nhất trên tầm quốc tế nhưng vẫn đảm bảo chi phí cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện chiến lược toàn cầu coi mọi thị trường và công ty con của mình là một thực thể duy nhất, song song hỗ trợ nhau để đạt được sự đồng nhất và liên kết nội bộ ở mức độ cao.
Điểm quan trọng để theo đuổi chiến lược toàn cầu này là sự tích hợp giữa việc xây dựng và mở rộng các lợi thế cạnh tranh nhằm kết hợp các hoạt động của công ty để tạo ra một hệ thống phân phối giá trị gia tăng đồng nhất trong phạm vi toàn thế giới.
Một số đặc điểm nổi bật của chiến lược toàn cầu có thể kể đến là:
- Quy mô phát triển rộng lớn trên phạm vi toàn thế giới và trụ sở chính sẽ thực hiện việc kiểm soát tình hình hoạt động của tất cả các công ty con.
- Các doanh nghiệp thực hiện chiến lược kinh doanh toàn cầu thường phát triển và tung ra thị trường các sản phẩm tương tự nhau, đồng thời họ cũng áp dụng cùng một phương pháp marketing trên khắp mọi “mặt trận”.
- Các công ty thực hiện chiến lược kinh doanh toàn cầu thường tập trung vào các hoạt động tạo giá trị như sản xuất, marketing, quảng bá và phát triển sản phẩm tại một số quốc gia để khai thác thị trường với quy mô lớn.
- Chiến dịch này thường được sử dụng trong các công ty kinh doanh những sản phẩm chuẩn hóa, trong đó cạnh tranh chủ yếu dựa trên tối ưu chi phí, chẳng hạn như các công ty linh kiện điện tử, bán dẫn, sản phẩm công nghệ,....
- Các tập đoàn lớn nhất thế giới hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn như Intel, Motorola, Texas Instruments được coi là những ví dụ điển hình về những tổ chức thực hiện chiến lược toàn cầu.
Ưu nhược điểm của chiến lược toàn cầu
Chiến lược toàn cầu là một công cụ quan trọng giúp các tổ chức hoặc doanh nghiệp đạt được sự phát triển và thành công trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để có thể áp dụng một cách thông minh và đạt được kết quả như mong đợi, bạn cần phải hiểu rõ ưu - nhược điểm của chiến thuật này trước khi thực hiện các bước triển khai cho công ty của mình.
1. Ưu điểm của chiến lược toàn cầu
Hiện nay, chiến lược toàn cầu được nhiều doanh nghiệp cũng như các tổ chức áp dụng là do phương pháp này mang lại những lợi ích thiết thực sau:
- Tiết kiệm chi phí tối đa do việc sử dụng cùng một chiến dịch marketing cho nhiều thị trường và thực hiện quy trình tiêu chuẩn hóa.
- Cho phép sản phẩm được bán với mức giá thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh hoặc với mức giá trước đó nhờ việc sản xuất số lượng lớn đều đặn, từ đó doanh nghiệp có thể mở rộng thị phần của mình trên phạm vi toàn cầu.
- Cho phép các nhà quản trị chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thu được từ thị trường này đến các nhà kinh doanh ở những thị trường khác. Điều này tạo ra sự hợp tác gắn bó giữa các nhóm làm việc, giúp tối ưu hóa quá trình quản lý và tận dụng lợi ích từ quy chuẩn hóa toàn cầu.
- Đặc biệt phù hợp ở doanh nghiệp có áp lực giảm chi phí lớn, yêu cầu phản ứng địa phương rất nhỏ, khách hàng đối với sản phẩm không có quá nhiều khắt khe.
- Giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
2. Nhược điểm của chiến lược toàn cầu
Tương tự như bất kỳ một phương pháp nào khác, bên cạnh những ưu điểm kể trên thì chiến lược kinh doanh toàn cầu cũng có nhiều nhược điểm mà bạn nên cân nhắc trước khi thực hiện:
- Có thể làm cho các doanh nghiệp bỏ qua những sự khác biệt quan trọng về thị hiếu và sở thích của người mua trên các thị trường khác nhau.
- Hạn chế khả năng thay đổi sản phẩm của doanh nghiệp, trừ những thay đổi nhỏ không thực sự có tác động đáng kể như đóng gói hay màu sắc,....
- Tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh tiếp cận và đáp ứng những mong muốn của các nhóm khách hàng bị bỏ trống nhằm chiếm lĩnh thị trường ngách.
- Không phù hợp với những nơi có yêu cầu về sự thích ứng địa phương cao.
Phân biệt chiến lược toàn cầu và chiến lược quốc tế
Chiến lược toàn cầu và chiến lược quốc tế đều là các chiến dịch được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều công ty lớn trong phạm vi đa quốc gia. Tuy nhiên, hai hình thức này đề cao các phương pháp, mục tiêu khác nhau và không phải doanh nghiệp nào cũng phù hợp để áp dụng. Để phân biệt được hai chiến dịch này, bạn cần xem xét các yếu tố sau:
Chiến lược toàn cầu | Chiến lược quốc tế |
Tập trung vào sự thống nhất và tiêu chuẩn hóa trên toàn cầu. | Tập trung vào việc mở rộng vào các thị trường nước ngoài. |
Mục tiêu là tạo ra sản phẩm tiêu chuẩn hóa và quy trình hoạt động đồng nhất trên các thị trường khác nhau. | Mục tiêu là tận dụng các cơ hội thị trường ngách để tạo ra giá trị kinh tế bằng cách chuyển giao lợi thế về kỹ năng và sản phẩm đến các thị trường quốc tế, nơi mà các đối thủ bản xứ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. |
Các sản phẩm và quy trình hoạt động gần như thống nhất, không có nhiều sự thay đổi giữa các thị trường. | Các sản phẩm và quy trình hoạt động có thể được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu đặc thù của từng thị trường. |
Tận dụng lợi thế về quy mô và cắt giảm chi phí. | Tận dụng các cơ hội thị trường ngách. |
Xem thị trường là một thực thể duy nhất và áp dụng chiến thuật để tạo ra một hệ thống phân phối giá trị đồng nhất trên toàn cầu. | Xem các thị trường là các thực thể độc lập và tìm cách tương thích với các yếu tố địa phương như văn hóa, chính sách và quy định. |
Hoạt động trong doanh nghiệp sức ép giảm chi phí cao (giúp giảm chi phí sản xuất và có khả năng hạ giá bán sản phẩm). | Hoạt động trong lĩnh vực có sức ép giảm giá thấp (với chi phí sản xuất cao nên rất khó để giảm giá thành). |
Đòi hỏi sự hiểu biết sâu về văn hóa, pháp luật và chính trị của các quốc gia để kinh doanh hiệu quả trên toàn cầu. | Đòi hỏi nắm vững kiến thức về các thị trường cụ thể, khả năng tạo ra giá trị cạnh tranh và quản lý mối quan hệ với đối tác địa phương. |
Nhìn chung, chiến lược toàn cầu nhấn mạnh sự thống nhất và tiêu chuẩn hóa trên phạm vi vĩ mô, trong khi chiến lược quốc tế tập trung vào việc mở rộng vào các thị trường nước ngoài và tận dụng các cơ hội ở địa phương. Vì vậy, việc lựa chọn chiến lược nào là phù hợp sẽ phụ thuộc vào mục tiêu và điều kiện cụ thể của doanh nghiệp trong quá trình phát triển cũng như mở rộng quốc tế.
Điều kiện áp dụng chiến lược kinh doanh toàn cầu
Mặc dù chiến lược kinh doanh môi trường toàn cầu là cơ hội để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh trên phạm vi diện rộng nhưng không phải công ty nào cũng phù hợp và có khả năng triển khai phương pháp này một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đạt được độ tương thích cũng như tiêu chuẩn hóa toàn cầu có thể gặp khó khăn do sự đa dạng của những quy định, văn hóa và quyền lực trên các thị trường khác nhau. Dưới đây là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp của bạn có thể áp dụng chiến lược kinh doanh toàn cầu:
- Căn cứ vào tiềm lực và khả năng: Doanh nghiệp cần tập trung vào các yếu tố nội bộ như tài chính lớn mạnh, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm về thị trường quốc tế, am hiểu văn hóa, chính trị, pháp luật của các lãnh thổ.
- Phụ thuộc vào đặc tính của sản phẩm: Trong khuôn khổ chiến dịch này, hàng hóa của công ty sẽ được tiêu chuẩn hóa và đồng nhất ở các thị trường khác nhau nên đòi hỏi nhu cầu về sản phẩm từ khách hàng ở mỗi địa phương cũng không được có sự khác biệt quá lớn. Điều đó có nghĩa là chiến lược toàn cầu chỉ khả thi khi áp lực yêu cầu đáp ứng địa phương là thấp hay người tiêu dùng không quá khắt khe.
- Sức ép giảm chi phí cao: Thực hiện chiến dịch toàn cầu giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn tài chính đáng kể. Bằng cách chia sẻ sản phẩm giữa các thị trường, họ có thể tiết kiệm chi phí sản xuất và vận chuyển. Đồng thời, công ty không cần thiết phải xây dựng nhà máy sản xuất ở mỗi quốc gia mà vẫn có thể tiếp cận cũng như bán sản phẩm ở các thị trường đó một cách thuận lợi. Hơn nữa, với lợi thế chi phí thấp, chiến lược này giúp các công ty dễ dàng xâm nhập vào thị trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu quan tâm đến việc tối ưu hóa lợi nhuận.
- Điều kiện kinh doanh ở các quốc gia mục tiêu: Nếu lĩnh vực kinh doanh của công ty phù hợp với các chính sách ở các quốc gia mà bạn đang nhắm đến thì chiến lược toàn cầu sẽ vô cùng thuận lợi bởi vì doanh nghiệp không chỉ giảm bớt được nhiều rào cản thương mại mà còn nhận được các chính sách ưu đãi từ chính phủ.
Các hoạt động cơ bản khi triển khai chiến lược toàn cầu
Khi triển khai chiến lược kinh doanh môi trường toàn cầu, các công ty cần thực hiện một số hoạt động cơ bản để tận dụng cơ hội nhằm đạt được mục tiêu và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên phạm vi quốc tế, cụ thể:
1. Tiêu chuẩn hóa sản phẩm
Các công ty hoạt động trong phạm vi đa quốc gia luôn tìm cách tiêu chuẩn hóa cho thiết kế và sản phẩm của mình đến mức tối đa nhất có thể. Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của chiến lược toàn cầu, việc đồng nhất và tiêu chuẩn hóa sản phẩm là vô cùng quan trọng để gia tăng doanh số bán hàng trên các thị trường mục tiêu cũng như đạt được lợi thế cạnh tranh về chi phí dựa trên quy mô sản xuất.
Hơn nữa, tiêu chuẩn hóa sản phẩm ở mức cao cho phép doanh nghiệp thực hiện quy trình sản xuất hàng loạt trên phạm vi toàn cầu với chi phí thấp. Điều này giúp giảm gánh nặng cho công ty khi đưa ra kế hoạch sản xuất các dòng sản phẩm mới, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh khi hàng hóa có thể được bán ra với mức giá thấp hơn so với các đối thủ. Mặt khác, tiêu chuẩn hóa giúp đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm trên toàn cầu, từ đó tạo lòng tin và sự hài lòng tuyệt đối cho khách hàng.
2. Định vị cơ sở sản xuất
Doanh nghiệp phải khéo léo tận dụng tối đa hóa lợi thế cạnh tranh trên toàn bộ hệ thống vùng miền và quốc gia theo chiều rộng. Đồng thời, công ty cũng cần khai thác các công nghệ sản xuất mới nhất để thu được lợi nhuận từ kinh tế quy mô thông qua việc phục vụ tất cả các thị trường. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự hiểu biết về đặc điểm, yêu cầu của từng lãnh thổ mục tiêu kết hợp với việc phát triển và áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến. Bằng cách làm như vậy, công ty có thể định vị cơ sở sản xuất, tận dụng tiềm năng mở rộng quy mô, đảm bảo lợi nhuận và tạo ra giá trị cho tất cả các thị trường đang hoạt động.
3. Sử dụng đòn bẩy công nghệ để phát triển thị trường
Với chiến dịch toàn cầu trong nền kinh tế số, sử dụng đòn bẩy công nghệ là một yếu tố quan trọng để phát triển thị trường và tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Bởi vì kỹ thuật hiện đại không chỉ mang lại sự tiện lợi và hiệu quả trong quản lý, vận hành, mà còn mở ra những cơ hội mới cũng như tạo được giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Một số lợi ích mà công nghệ mang lại có thể kể đến là:
- Xây dựng nên các quy trình tự động hóa và công nghệ cao để tối ưu hiệu suất hoạt động, giảm thiểu lỗi trong quá trình sản xuất và phân phối. Từ đó, tăng cường khả năng cung ứng, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khách hàng và duy trì sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
- Tận dụng các đột phá công nghệ để tạo ra các sản phẩm độc đáo và độc quyền, thu hút sự quan tâm của khách hàng trên toàn cầu.
- Cung cấp khả năng tổ chức và quản lý thông tin với quy mô lớn như hệ thống quản lý dữ liệu, phân tích thu thập thông tin. Từ đó giúp công ty hiểu rõ hơn về xu hướng cũng như nhu cầu của khách hàng trên từng thị trường cụ thể để đưa ra các chiến lược tiếp thị và phân phối phù hợp.
- Có thể sử dụng các nền tảng trực tuyến như website, mạng xã hội để tiếp cận và tương tác với khách hàng trên toàn thế giới một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Tuy nhiên, sự gia tăng đáng kể về công nghệ trong sản phẩm làm cho hàng hóa trở nên đắt hơn khi phát triển và đưa vào thương mại. Vì vậy, việc sản xuất trên quy mô toàn cầu là điều cần thiết để cân bằng và giảm thiểu chi phí ban đầu do tăng cường chiều sâu công nghệ.
4. Phối hợp hệ thống tiếp thị và tiêu thụ trên toàn cầu
Hầu hết các hoạt động truyền thông marketing được thực hiện tại từng thị trường địa phương và đòi hỏi sự tiếp xúc trực tiếp để chắc chắn rằng công ty đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách hàng, nhờ đó doanh nghiệp có thể tùy chỉnh sản phẩm, thông điệp hoặc chiến lược để phù hợp với mong đợi của người dùng. Đồng thời, công ty cũng cần đảm bảo sản phẩm và thông điệp sẽ được truyền tải một cách hiệu quả cũng như nhất quán trên các thị trường khác nhau. Do đó có thể thấy rằng, việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng địa phương, xây dựng lòng tin và thu thập thông tin sẽ giúp công ty thích ứng và thành công với chiến lược toàn cầu.
5. Thực hiện chính sách hỗ trợ chéo
Thường thì các công ty theo đuổi chiến lược toàn cầu sẽ áp dụng một chính sách được gọi là hỗ trợ chéo. Trong đó họ tận dụng các nguồn lực tài chính, marketing và kỹ năng công nghệ từ một thị trường để cạnh tranh với các đối thủ ở các thị trường khác.
Đây là một quy trình mạnh mẽ cho phép doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh trên phạm vi đa quốc gia. Mục tiêu của chính sách này là xây dựng đòn bẩy thị trường bằng cách chuyển giao kỹ năng, vốn và quy trình sản xuất có chi phí thấp từ một thị trường sang các thị trường khác.
Như vậy thông qua bài viết trên, Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn đọc về khái niệm chiến lược toàn cầu là gì, ưu - nhược điểm cũng như các hoạt động cơ bản cần thực hiện để triển khai chiến dịch một cách hiệu quả. Ngày nay, do quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng nên các quốc gia và nền kinh tế phải đối diện với nhiều cơ hội và thách thức đáng kể. Trong bối cảnh đó, chiến lược toàn cầu trở thành một phương án quan trọng giúp doanh nghiệp xây dựng lợi thế và phát triển mạnh mẽ trước sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, để thành công trong việc triển khai chiến lược này, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng, thích nghi với các yếu tố địa phương, đồng thời đảm bảo sự linh hoạt cũng như mức độ tương thích giữa chiến lược toàn cầu và thị trường mục tiêu.