Chắc hẳn rằng bạn đã từng một lần nghe qua cụm từ nguyên lý tảng băng trôi, đây là một thuật ngữ rất phổ biến, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, quản lý, nhân sự, marketing và thậm chí cả tình yêu và nuôi dạy con cái. Nguyên tắc này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đánh giá để đưa ra các quyết định chính xác và hiệu quả hơn, từ đó giúp bạn tránh được những sai lầm hoặc rủi ro không đáng có.
Vậy lý thuyết tảng băng trôi thực sự là gì và làm thế nào để có thể áp dụng đúng đắn vào trong các mặt của cuộc sống? Hãy cùng chúng tôi khám phá sâu hơn về chủ đề này thông qua bài viết dưới đây nhé!
- Nguyên lý tảng băng trôi là gì?
- Những ví dụ về nguyên lý tảng băng trôi
- Ứng dụng nguyên lý tảng băng trôi trong các mặt cuộc sống
- 1. Nguyên lý tảng băng trôi trong quản trị nhân sự
- 2. Ứng dụng nguyên lý tảng băng trôi trong kinh doanh
- 3. Ứng dụng nguyên lý tảng băng trôi trong tuyển dụng
- 4. Ứng dụng định luật tảng băng trôi trong marketing
- 5. Nguyên lý tảng băng trôi trong sáng tạo nội dung
- 6. Nguyên lý tảng băng trôi trong nuôi dạy con cái
- 7. Ứng dụng định luật tảng băng trôi trong tình yêu
Nguyên lý tảng băng trôi là gì?
Nguyên lý tảng băng trôi được khởi nguồn từ tiểu thuyết "Ông già và biển cả" xuất bản vào năm 1952 của nhà văn Ernest Hemingway. Trong nội dung câu chuyện đó, tác giả chỉ tập trung miêu tả một phần nhất định của tác phẩm và để lại các tầng ý nghĩa sâu sắc hơn cho độc giả tự khám phá, suy ngẫm cũng như sáng tạo theo ý muốn của mình.
Xét về thực tế, nguyên lý này là một khái niệm được sử dụng để mô tả tình trạng của tảng băng trôi khi chỉ có một phần nhỏ (1/8) hiện lên trên mặt nước nhưng phần lớn còn lại (7/8) thì chìm dưới lòng đại dương. Tương tự như vậy, mọi sự vật, sự việc trong cuộc sống cũng đều sẽ có hai mặt đối lập: mặt nổi và mặt chìm.
Trong đó, lý thuyết tảng băng trôi ám chỉ rằng mọi người nên quan sát và nhận thức vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, chú ý đến yếu tố ẩn bên trong, các khía cạnh không dễ nhìn thấy để có thể đưa ra đánh giá chính xác nhất thay vì chỉ dựa trên bề nổi bên ngoài của một vấn đề.
Ngày nay, nguyên lý tảng băng trôi thường được sử dụng để nhắc nhở rằng: đôi khi những gì chúng ta thấy và nhận thức chỉ là một phần rất nhỏ của sự thật. Vì vậy, mọi người cần phải đào sâu để khám phá cũng như tìm hiểu đa chiều, không nên đưa ra kết luận dựa trên những thông tin thiếu sót hoặc quá sơ bộ để tránh rơi vào các sai lầm đáng tiếc do nhận thức hạn chế hay chưa bao quát. Bên cạnh đó, lý thuyết này cũng khuyến khích sự mở lòng, đi sâu vào vấn đề, tăng cường khả năng đánh giá linh hoạt nhằm giúp mọi người có cái nhìn toàn diện, đưa ra những quyết định sáng suốt và đúng đắn hơn trong cuộc sống.
Những ví dụ về nguyên lý tảng băng trôi
Nguyên lý tảng băng trôi đã đem đến cho mọi người một cách nhìn toàn diện hơn về thế giới xung quanh, ám chỉ rằng chỉ có một phần nhỏ, hiển nhiên của vấn đề, tình huống hay cá nhân được nhìn thấy bên ngoài, trong khi phần còn lại chứa đựng các yếu tố quan trọng tiềm ẩn lại không dễ dàng khám phá. Vì vậy, đôi khi bạn có thể đưa ra nhiều phán đoán sai lầm khi chưa hiểu rõ điều cốt lõi của vấn đề. Để có thể hình dung rõ hơn về định luật này, hãy xem xét một số ví dụ thực tế dưới đây:
Ví dụ về nguyên lý tảng băng trôi trong Titanic
Có lẽ bạn đã từng nghe ai nhắc đến hoặc xem qua bộ phim nổi tiếng "Titanic" - một câu chuyện bi kịch đầy cảm xúc. Nội dung kể về con tàu lớn và hiện đại nhất ở thời đại đó đã gặp nạn khi va chạm vào một tảng băng trôi khổng lồ và chìm sâu xuống dưới đáy đại dương.
Hãy tưởng tượng bạn đang trên tàu Titanic, lênh đênh với sóng biển và gần như sắp va phải vào một tảng băng trôi. Nó trông thật nhỏ bé, thực tế chỉ bằng một nửa kích thước con tàu và mọi người suy nghĩ rằng không có gì đáng để lo lắng cả vì thuyền của chúng ta to lớn hơn nhiều. Chính sự tự tin và coi thường đó đã khiến Titanic bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu không cân bằng giữa phần nhìn thấy được chỉ có khoảng 15%, trong khi 85% còn lại của tảng băng nằm ẩn dưới mặt biển.
Thực tế, bề nổi của tảng băng trôi trông có vẻ vô hại, nhưng phần chìm sâu phía dưới lại tiềm ẩn những nguy hiểm không thể ngờ tới và chính điều này đã góp phần đẩy con tàu vào vận mệnh bi thảm.
Vụ việc Titanic đã trở thành một biểu tượng cho nguyên lý tảng băng trôi trong cuộc sống, nhắc nhở mỗi người không nên đánh giá quá đơn giản và chỉ dựa trên những gì thấy được bề ngoài. Đôi khi điều nhỏ bé như một cảnh báo hay dấu hiệu nhỏ có thể mang trong mình tác động lớn và không thể xem thường. Điều quan trọng là bạn cần đề cao khả năng quan sát, suy luận, khám phá các yếu tố tiềm ẩn để có thể đưa ra quyết định thông minh và tránh những hậu quả không mong muốn trong cuộc sống.
Nguyên lý tảng băng trôi trong “Ông già và biển cả”
Cuốn tiểu thuyết này xoay quanh cuộc hành trình ra khơi của ông lão Xan-tia-gô 74 tuổi, người theo đuổi và chinh phục con cá kiếm khổng lồ trên biển mênh mông. Mặc dù câu chuyện không có những cao trào hay điểm nhấn rõ ràng, nhưng lại mở ra nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc cho người đọc. Đó là một chuyến đi gian nan và đầy thử thách, khi ngư ông quyết tâm chinh phục bằng được con cá kiếm khổng lồ.
Bề nổi của tác phẩm đơn giản chỉ mô tả quá trình đánh bắt cá gian khổ, nhưng phần chìm lại tường minh hóa cuộc đấu tranh giữa con người yếu đuối với sự hùng vĩ của thiên nhiên, đồng thời cũng là hành trình theo đuổi ước mơ và chinh phục những khát vọng đầy thách thức.
Hình ảnh ông lão Xan-tia-gô không bỏ cuộc trước con cá kiếm khổng lồ trở thành biểu tượng đẹp về người anh hùng trên biển, trong khi cá kiếm đại diện cho vẻ đẹp và sức mạnh bất khuất của thiên nhiên. Ngoài ra, Ernest Hemingway còn truyền tải thông điệp nhân văn thông qua hình tượng ngư ông rằng: chỉ cần bạn kiên cường và không chịu khuất phục, thì bất kể khó khăn, trở ngại và nỗi tuyệt vọng có to lớn đến đâu cũng không thể ngăn cản bạn đạt được thành công.
Ứng dụng nguyên lý tảng băng trôi trong các mặt cuộc sống
Việc ứng dụng nguyên lý tảng băng trôi trong các các mặt của cuộc sống là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi vì chỉ khi quan sát và nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, chú ý đến những khía cạnh tiềm ẩn không dễ nhìn thấy thì mọi người mới có thể đưa ra đánh giá chính xác nhất. Điều này đòi hỏi bạn phải học cách phân tích tình huống, con người, sự vật hoặc vấn đề một cách khách quan, bao quát và toàn diện.
Dưới đây là một số lĩnh vực mà mọi người có thể áp dụng định luật tảng băng trôi để phát triển tốt hơn:
1. Nguyên lý tảng băng trôi trong quản trị nhân sự
Khi áp dụng thuyết tảng băng trôi vào quản trị nhân sự trong doanh nghiệp, ta sẽ nhận thấy rằng chỉ một cá nhân không tốt cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động và sự phát triển của tổ chức. Họ có thể tạo ra sự không ổn định, làm giảm tinh thần đồng đội hoặc thậm chí gây mất cân bằng trong quá trình làm việc. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho quản trị nhân sự, cần phải xác định và giải quyết các vấn đề liên quan đến những cá nhân không tốt để bảo đảm sự hiệu quả và thành công của tổ chức.
Phần nổi - Nhìn thấy được
Đây là phần rất dễ nhận biết, có thể được nhìn thấy dựa vào sự quan sát tinh tế, trong đó phần nổi trên cùng bao gồm các yếu tố như kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của nhân sự. Những thông tin đó sẽ được họ cung cấp trực tiếp thông qua CV ứng tuyển cũng như thể hiện rõ nét trong quá trình làm việc. Đồng thời, phần nổi cũng là yếu tố đầu tiên mà nhà tuyển dụng xem xét để đánh giá sự phù hợp của ứng viên với vị trí công việc.
Bên cạnh đó, người quản trị nguồn nhân lực cần phải quan sát nhìn kỹ hơn một chút để nhìn thấy hành vi và sở thích của mỗi nhân viên.
- Về hành vi: Bạn cần dành thời gian để quan sát, hỏi han và tương tác để đánh giá hành vi của một người, nhưng cần lưu ý 2 điểm quan trọng sau:
+ Hành vi sẽ được nhận xét từ góc nhìn của người đánh giá.
+ Hành vi được nhận định dựa trên những việc làm trong quá khứ nếu không có các biến đổi đáng kể trong cuộc sống (như kết hôn, sinh con, mất người thân,...) thì hành vi trong tương lai sẽ giống hệt trước đó.
- Về sở thích: Thực tế, không phải ai cũng có thể dễ dàng chia sẻ những gì họ yêu thích trong môi trường làm việc công sở. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc lâu, đủ thân thiết và chịu khó quan sát, bạn sẽ hiểu được thói quen, hành vi của người đó nhờ vậy biết được họ thích và không thích điều gì.
Phần dưới mặt nước - Có thể nhìn thấy hoặc không nhìn thấy
Phần thứ hai của tảng băng trôi, mặc dù không thể nhìn thấy một cách rõ ràng nhưng vẫn có thể cảm nhận được, đó là cảm xúc, tư duy và suy nghĩ của mỗi nhân sự. Không phải người nào cũng thể hiện hết những điều họ thực sự nghĩ và cảm nhận ra bên ngoài, điều này làm cho người quản lý nhân sự khó có thể nhìn thấy một cách chính xác.
- Về cảm xúc: Mặc dù nhà quản lý không thể nhìn thấy trực tiếp tâm trạng của nhân viên, nhưng có thể nhận biết qua cử chỉ, biểu cảm và lời nói. Bằng cách hiểu được cảm xúc của người khác, bạn có thể nhận biết xem họ có hứng thú, nhiệt huyết với công việc hay không.
- Xét về suy nghĩ: Rõ ràng, việc biết chính xác người đối diện đang nghĩ gì là rất khó, tuy nhiên, bạn có thể đoán được một phần. Khi người lãnh đạo lắng nghe một cách chăm chú cuộc trò chuyện, họ có thể hiểu một phần suy nghĩ của nhân viên. Ý nghĩ sẽ tạo ra cảm xúc, và từ đó sẽ ảnh hưởng đến sở thích, tiếp theo là tác động đến hành vi.
Mọi hành động thực hiện trong cuộc sống xuất phát đều từ động cơ bên trong của mỗi người, vì vậy chỉ khi hiểu rõ về nhân viên của mình, người quản lý mới có thể biết được nguyên nhân của hành vi để đưa ra các quyết định hợp lý. Ví dụ, dựa vào biểu cảm, thái độ, mức độ hoàn thành công việc, tinh thần đóng góp ý tưởng và năng suất, bạn có thể nhận biết một nhân sự có thực sự yêu thích nhiệm vụ được giao và sẵn lòng thực hiện nó hay không.
Phần chìm hoàn toàn - Không thể nhìn thấy
Ở phần này, chỉ có bản thân mỗi cá nhân mới có thể hiểu và nhận thức được, đó chính là những khát khao, mong muốn thầm kín của con người. Hơn nữa, động cơ, suy nghĩ, cảm xúc, sở thích và hành vi từng nhân sự đều xuất phát từ vấn đề này. Đây là một phần rất khó để tìm hiểu, vì đôi khi chính họ cũng không biết rõ mình khao khát và mong muốn điều gì cũng như mục tiêu tương lai trong công việc.
Để tìm hiểu phần chìm này và hiểu rõ từng người, nhà quản lý cần dành nhiều thời gian để trò chuyện và xây dựng mối quan hệ tích cực trong suốt thời gian dài. Khi đó, nhân sự sẽ trở nên cởi mở hơn và sẵn lòng chia sẻ với bạn những gì họ thực sự muốn.
2. Ứng dụng nguyên lý tảng băng trôi trong kinh doanh
Nguyên lý tảng băng trôi là một định luật kinh điển, được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống và kinh doanh cũng không phải là ngoại lệ. Nguyên tắc này có thể được áp dụng trong việc đánh giá cũng như lựa chọn đối tác, sản phẩm, dịch vụ hay phân tích thị trường.
Thay vì chỉ tập trung vào những điểm nổi bật, các phản hồi, nhận xét, ý kiến từ khách hàng, doanh nghiệp cần hiểu rõ hơn về các yếu tố bên trong chẳng hạn như tâm lý người tiêu dùng, sự thay đổi nhu cầu mua sắm hoặc mức độ cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, việc áp dụng thuyết tảng băng trôi cũng giúp công ty phát hiện và giải quyết các vấn đề tiềm ẩn, những yếu tố không rõ ràng, từ đó đưa ra các quyết định để tối ưu hóa chiến lược phát triển của mình.
Phần nổi
Trong quá trình kinh doanh, phần nổi của nguyên lý tảng băng trôi là những yếu tố mà khách hàng đang quan tâm và có thể nhìn thấy được trực tiếp, đó là các vấn đề sau:
- Giá cả hợp lý: Một trong những kỹ thuật phổ biến tác động đến hành động mua của khách hàng là "giá hấp dẫn". Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những sản phẩm được giá bán là 199,000 đồng thường bán chạy hơn rất nhiều so với mặt hàng có giá 200,000 đồng và hiện tượng này được gọi là "hiệu ứng số bên trái". Mặc khác, bạn có thể nâng giá gốc lên và tiến hành giảm giá, khuyến mãi, mua 1 tặng 1 để giữ chân người dùng.
- Lắng nghe: Hãy nhớ rằng bạn sinh ra có hai tai nhưng chỉ có một miệng, vì vậy nên dành thời gian để tập trung lắng nghe nhiều hơn là nói. Bên cạnh đó, nếu khách hàng được nhân viên chú tâm hơn trong việc giải quyết vấn đề thì họ sẽ cảm nhận được quan tâm, trân trọng của doanh nghiệp.
- Sự trải nghiệm: Người xưa có câu: "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, trăm sờ không bằng một lần được thử". Vì vậy, sự trải nghiệm trước khi ra quyết định mua sắm là việc rất quan trọng để thành công trong kinh doanh, bán hàng. Ví dụ, bạn thường sẽ được ăn một miếng nhỏ trước khi mua trái cây, quần áo thì được mặc thử, giày dép có thể mang xem vừa không và kể cả các phần mềm bán hàng cũng có phiên bản dùng thử. Việc doanh nghiệp cần làm là tạo điều kiện cho khách hàng được thỏa mái lựa chọn cũng như trải nghiệm theo ý thích của họ trước ra quyết định cuối cùng.
Phần chìm
Ngoài bề nổi bên ngoài mà khách hàng có thể nhìn thấy được đã trình bày ở trên, vẫn còn tồn tại phần chìm của tảng băng trôi mà chỉ những người bán hàng chuyên nghiệp mới có thể nhận biết, đó là:
- Nhu cầu của khách hàng: Để đạt được thành công trong lĩnh vực kinh doanh, hãy xóa bỏ khái niệm "bán hàng" ra khỏi mindset của bạn vì người tiêu dùng chỉ chào đón những ai mang đến sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị cho họ. Thế nên, hãy tập trung vào việc tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của khách hàng để có thể cung cấp những giải pháp tốt nhất cho người dùng. Bằng cách thể hiện giá trị thực sự của sản phẩm hoặc dịch vụ, bạn sẽ xây dựng được lòng tin, sự tín nhiệm và mối quan hệ vững chắc với khách hàng.
- Cảm nhận của người dùng: Khách hàng thường đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc nhất thời nhiều hơn là suy nghĩ kỹ lưỡng. Vì vậy, để thu hút và giữ chân khách hàng, doanh nghiệp cần tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của họ một cách tốt nhất. Một trong những cách hiệu quả để làm điều này là thu thập thông tin phản hồi từ khách hàng thông qua khảo sát, email hoặc mạng xã hội. Bằng cách truyền tải thông điệp về giá trị và lợi ích mà sản phẩm hoặc dịch vụ doanh nghiệp mang lại, bạn sẽ tạo được sự chú ý cũng như thu hút thêm nhiều đối tượng tiềm năng.
- Giải đáp thắc mắc - Chăm sóc hành trình mua hàng: Để xây dựng một mối quan hệ lâu dài và giữ chân khách hàng, doanh nghiệp cần sở hữu một đội ngũ nhân viên tư vấn chuyên nghiệp, am hiểu về sản phẩm / dịch vụ. Họ sẽ được trang bị kiến thức để có khả năng xử lý tốt các vấn đề, nhu cầu và thắc mắc của người dùng bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của nhân viên không chỉ tạo sự tin tưởng cho khách hàng mà còn mang đến cho họ cảm giác yên tâm khi giao dịch với doanh nghiệp. Người mua sẽ cảm thấy rằng họ đang được trân trọng, điều này góp phần giữ chân khách hàng lâu hơn, tạo nền tảng để xây dựng mối quan hệ thân thiết và bền vững.
- Kết nối: Nhà kinh doanh thành công phải làm chủ trong việc xây dựng mối quan hệ và tương tác giữa mọi người với nhau. Trong quá trình trò chuyện, hãy tìm hiểu đối tượng là người như thế nào, sở thích, tính cách, thói quen, nhu cầu, mong muốn của khách hàng là gì để dễ dàng kết nối và đưa ra giải pháp thích hợp cho họ.
3. Ứng dụng nguyên lý tảng băng trôi trong tuyển dụng
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang thực hiện một cuộc phỏng vấn để tìm kiếm nhân tài mới cho công ty. Thay vì chỉ dựa vào bề nổi như bằng cấp, kinh nghiệm thực tế, học vấn hay chuyên môn, định luật tảng băng trôi khuyến khích các nhà tuyển dụng xem xét sự phù hợp về giá trị, đạo đức, động cơ, cách nhìn nhận và tiềm năng phát triển của mỗi ứng viên.
Một người có thể có những phẩm chất tiềm ẩn bên trong như đam mê, sáng tạo, ham học hỏi hoặc kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm tốt,... đây là những gì mà bạn không thể được nhìn thấy một cách rõ ràng từ hồ sơ ứng tuyển.
Chỉ khi thông qua các câu hỏi khéo léo và sâu sắc, người phỏng vấn mới xác định được giá trị thực sự mà ứng viên có thể mang lại cho doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi khả năng nghe và quan sát tinh tế để nhận biết các dấu hiệu về tính cách, giá trị và động lực bên trong của từng người. Qua đó, giúp nhà tuyển dụng nhìn thấy tiềm năng và đóng góp thực sự của cá nhân, đồng thời tránh những sai sót trong việc đánh giá chỉ dựa trên thành tích bề nổi.
Ngoài ra, áp dụng nguyên lý tảng băng trôi trong tuyển dụng sẽ tạo ra một đội ngũ nhân sự đa dạng, góp phần xây dựng một môi trường làm việc độc đáo, sáng tạo, đầy tiềm năng, nơi mà các ứng viên được khám phá và phát triển theo mong muốn của họ.
4. Ứng dụng định luật tảng băng trôi trong marketing
Nguyên tắc tảng băng trôi có thể được áp dụng trong lĩnh vực marketing để giúp nhà tiếp thị và bộ phận sản xuất hiểu rõ hơn về cảm nhận của khách hàng đối với sản phẩm hoặc dịch vụ. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào bề nổi sẽ không đủ để nhận thức rõ hơn về vấn đề mà người dùng đang gặp phải.
Do đó, nguyên tắc tảng băng trôi có thể được áp dụng để doanh nghiệp hiểu sâu hơn về insight của khách hàng bằng cách quan sát hành vi, thu thập thông tin từ các công cụ như khảo sát, phân tích hoạt động người dùng trên trang web, theo dõi mạng xã hội, tương tác trực tiếp,.... Qua đó, các nhà tiếp thị có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu của người dùng đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của mình và xây dựng được chiến lược marketing phù hợp.
Ngoài ra, định luật tảng băng trôi còn có thể áp dụng để xây dựng lòng tin cũng như hình ảnh thương hiệu bởi vì khách hàng không chỉ tin tưởng, yêu thích doanh nghiệp dựa trên chiến dịch quảng cáo hoặc sản phẩm tốt mà còn dựa trên chất lượng lâu dài, sự tương tác, mối quan hệ thân thiết và nhiều yếu tố khác.
Nguyên lý tảng băng trôi trong marketing có phần nổi và phần chìm, đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dưới đây là phân tích về phần nổi và phần chìm của nguyên lý này trong marketing:
Phần nổi
Trong tảng băng trôi, bề nổi là "Khách hàng" - người tiếp xúc trực tiếp và sử dụng sản phẩm / dịch vụ. Họ có khả năng nhận ra rằng liệu doanh nghiệp có lắng nghe nguyện vọng cũng như đáp ứng được nhu cầu của họ hay không.
Phần chìm
Đây là phần quan trọng nhất trong tảng băng trôi, tác động trực tiếp đến hiệu quả của các chiếc lược marketing với 4 yếu tố:
- Nhu cầu của khách hàng: Để hiểu được insight thực sự của đối tượng, bạn cần trả lời các câu hỏi cốt lõi của chiến lược marketing như sau: Người tiêu dùng cần và mong muốn điều gì? Họ tìm kiếm những gì trong các mặt hàng của công ty? Làm cách nào để đối tượng tiềm năng nhận thấy giá trị của sản phẩm?
- Giá trị cảm nhận: Quyết định của người dùng thường dựa trên cảm xúc cá nhân trong một khoảnh khắc nào đó. Vì vậy, tạo nên trải nghiệm tốt trở nên ngày càng quan trọng trong môi trường cạnh tranh và điều mà các marketer cần phải làm là tìm cách thỏa mãn nhu cầu của khách hàng thông qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau.
- Giá trị sản phẩm: Trung bình thì mỗi cá nhân chỉ dành khoảng 15 giây để xem các mẫu tin tức nên các doanh nghiệp cần tận dụng mọi thứ để truyền tải hình ảnh sản phẩm một cách đơn giản và nhanh chóng nhất. Điều này đòi hỏi các marketer phải tạo ra nội dung chuyên nghiệp, ngắn gọn, hấp dẫn, đặc biệt là ghi được dấu ấn cũng như thể hiện rõ nét giá trị của sản phẩm đối với khách hàng mục tiêu.
- Giải đáp thắc mắc: Bên cạnh việc xử lý vấn đề của khách hàng, doanh nghiệp cần có kiến thức, kỹ năng để trả lời các câu hỏi mà người dùng thường gặp phải. Từ đó tìm ra cách kết nối bền vững, hiểu sâu hơn về nhu cầu của khách hàng cũng như tạo điều kiện để xây dựng mối quan hệ thân thiết lâu dài.
Bằng cách tập trung vào 4 yếu tố chìm trong nguyên lý tảng băng trôi, nhà quản lý có thể làm việc một cách rõ ràng, thống nhất và hiệu quả trong việc gắn kết suy nghĩ của các thành viên đội ngũ marketing. Điều này giúp xây dựng lòng trung thành của khách hàng, giảm chi phí và gia tăng hiệu quả trong chiến lược marketing của công ty.
5. Nguyên lý tảng băng trôi trong sáng tạo nội dung
Nguyên lý tảng băng trôi đã mang đến cho những người sáng tạo nội dung một góc nhìn đa chiều, toàn diện, bao quát hơn về thông tin và sự việc. Không chỉ dừng lại ở cái nhìn bề nổi của vấn đề, mà hãy suy nghĩ về những cơ hội, rủi ro, thách thức và ý tưởng tiềm ẩn ẩn sâu dưới mặt nước. Vậy làm thế nào để có thể áp dụng định luật này vào nghề viết? Dưới đây là một số bí quyết của tảng băng chìm sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn:
Hiểu rõ ràng những điều bạn muốn truyền tải tới độc giả
Để áp dụng nguyên lý tảng băng trôi hiệu quả, điều đầu tiên nhà sáng tạo nội dung cần làm là xác định rõ những thông điệp và cảm xúc mà họ muốn truyền đạt cho độc giả. Ví dụ như bạn muốn độc giả cảm thấy buồn bã, hoài niệm sau khi đọc bài viết? Hay bạn cần họ nhận ra giá trị tiềm ẩn của nội dung tác phẩm? Chỉ khi bạn hiểu rõ mục tiêu của bản thân cũng như thấu hiểu tâm lý của độc giả, bạn mới có thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt ý nghĩa của câu chuyện một cách đầy đủ và hiệu quả.
Buông bỏ lối diễn đạt thừa thãi
Nguyên lý tảng băng trôi trong sáng tạo nội dung tôn vinh sự ngắn gọn, đơn giản, không dư thừa hay quá rườm rà trong lối diễn đạt. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn có thể cắt xén hoặc bỏ đi tùy tiện mà chỉ cần loại bỏ những chi tiết dư thừa.
Ví dụ, trong cuốn tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng "Bạch dạ hành" của nhà văn Higashino Keigo, câu chuyện kết thúc với hình ảnh “Yukiho đang vịn cầu thang đi lên tầng, bóng lưng cô ta tựa như một bóng ma màu trắng. Yukiho không ngoảnh đầu lại, dù chỉ một lần”.
Nhìn vào đó, bạn có thể thấy tác giả đã không tập trung vào việc miêu tả sắc mặt hoảng hốt hay nỗi đau buồn của nhân vật chính mà chỉ chọn một hình ảnh đơn giản như bóng lưng để diễn đạt. Nhưng chính hình ảnh cô đơn như vậy đã khiến độc giả đủ để cảm nhận được cảm xúc của nhân vật và để lại ấn tượng day dứt lâu dài với kiệt tác của nhà văn.
Chọn lọc từ ngữ đắt giá
Trong trường hợp bạn đang muốn viết theo cách ngắn gọn và chỉ thể hiện bề nổi của tảng băng chìm trong tác phẩm, để lại phần ẩn ý cho độc giả tự suy ngẫm nên việc đầu tư chọn lọc ngôn từ là rất quan trọng. Những từ ngữ có giá trị cao giúp tạo nên sự hấp dẫn, sẽ kích thích trí tò mò, tưởng tượng, gợi lên những ý nghĩ sáng tạo và cảm xúc mạnh mẽ trong lòng người đọc.
Sử dụng hình ảnh bổ trợ
Để tạo ra sự kích thích mạnh mẽ hơn cho giác quan và trí tưởng tượng của độc giả, kết hợp sử dụng hình ảnh là một phương pháp hiệu quả giúp độc giả dễ dàng tiếp thu thông điệp mà bạn muốn truyền tải.
Ví dụ, trong quảng cáo Tết của Omo, để thể hiện sự khó khăn và mong ước đoàn tụ với con gái của nhân vật, nhãn hàng đã sử dụng một hình ảnh ý nghĩa. Đó là chiếc lọ thủy tinh có tấm ảnh của ông và con gái dán bên ngoài, trong lọ chỉ có vài đồng tiền lẻ. Hình ảnh này đơn giản và chân thực, nhưng có khả năng truyền tải thông điệp và chạm đến trái tim của nhiều người.
6. Nguyên lý tảng băng trôi trong nuôi dạy con cái
Đối với trường hợp khi con cái phạm lỗi, thuyết tảng băng trôi sẽ giúp cha mẹ nhìn nhận tình huống từ nhiều góc độ khác nhau thay vì chỉ tập trung vào hành vi sai lầm của bé. Có thể rằng trẻ đã gặp khó khăn trong việc nhận thức về vấn đề đúng sai, thiếu kỹ năng giải quyết tình huống hoặc đang trải qua cảm xúc tiêu cực nào đó. Thậm chí, một số bé có thể đang phải đối mặt với áp lực từ gia đình hoặc xã hội nên điều quan trọng là bạn phải hiểu con phạm lỗi không chỉ do một hành động đơn lẻ, mà có thể từ những yếu tố tiềm ẩn bên trong.
Nhờ áp dụng nguyên lý tảng băng trôi, cha mẹ có thể tiếp cận vấn đề một cách toàn diện hơn và thay vì tập trung trừng phạt hoặc chỉ trích trẻ, bạn có thể nói chuyện nhẹ nhàng để tìm hiểu tại sao hành vi đó lại xảy ra. Bên cạnh đó, việc biết rõ hơn về lý do ẩn sâu bên trong sẽ giúp cha mẹ có thể giải quyết vấn đề từ nguyên nhân thực sự, qua đó đưa ra các phương pháp giáo dục phù hợp và xây dựng một quan hệ gần gũi với con cái.
7. Ứng dụng định luật tảng băng trôi trong tình yêu
Tình yêu là một khía cạnh rất phức tạp và thường không tuân theo bất kỳ một nguyên tắc nào. Tuy nhiên, định luật tảng băng trôi có thể được áp dụng để giúp đôi tình nhân hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc hơn về nhau. Bởi vì đôi khi, bạn dễ dàng đánh giá và kết luận sai lầm về người mà chúng ta yêu chỉ dựa trên ngoại hình, hành động hay lời nói của họ. Tương tự như tảng băng trôi, để hiểu rõ hơn về một người trong các mối quan hệ, bạn cần khám phá sâu hơn vào tâm hồn, suy nghĩ, cảm xúc và quá trình trưởng thành của họ.
Cụ thể, định luật tảng băng trôi có thể được ứng dụng trong tình yêu với những vấn đề sau:
- Không đánh giá vội vàng: Trong tình yêu, chúng ta thường mắc phải việc đánh giá một người quá nhanh và thiếu chính xác khi chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều. Thay vì chỉ dựa vào ngoại hình hay cảm tính mà bỏ qua nhiều khía cạnh quan trọng khác, bạn hãy dùng cả trái tim và lý trí để có cái nhìn đúng đắn hơn, đồng thời tránh những sai lầm đáng tiếc trong mối quan hệ.
- Tìm hiểu kỹ lưỡng: Trước khi đưa ra quyết định yêu ai đó, hãy dành thời gian để tìm hiểu về tính cách, sở thích, giá trị sống, ước mơ và mục tiêu lâu dài của họ. Điều này giúp bạn xác định xem hai người có phù hợp không, đồng thời có cái nhìn tổng quan và đúng đắn hơn về người mình muốn xây dựng mối quan hệ trong tương lai.
- Đối mặt với sự thật: Tình yêu không chỉ có những khoảnh khắc ngọt ngào, hạnh phúc mà còn phải đối mặt với khó khăn, tranh cãi, va chạm và thử thách. Với nguyên tắc tảng băng trôi, bạn nên đánh giá tình huống một cách trung thực, xử lý vấn đề khách quan, tìm cách giải quyết xung đột hợp lý để tạo ra sự cân bằng và hài hòa trong mối quan hệ.
- Chăm sóc, nâng niu và tôn trọng: Nguyên lý này nhắc nhở cho các cặp đôi yêu nhau rằng hãy luôn quan tâm, chăm sóc người mình yêu thương, tôn trọng ý kiến và giá trị của họ để tạo dựng một mối quan hệ tích cực, hạnh phúc lâu dài cho cả hai.
Trên đây là nội dung mà Phương Nam 24h đã tổng hợp nhằm chia sẻ đến bạn đọc về khái niệm nguyên lý tảng băng trôi là gì cũng như đưa ra các ví dụ và cách áp dụng định luật này vào trong các lĩnh vực của cuộc sống. Thông qua đó, có thể thấy rằng nếu chỉ nhìn vào phần nổi của một vấn đề, sự việc hay cá nhân thì bạn sẽ không hiểu rõ được bản chất thực sự đang tiềm ẩn bên trong, mà cần phải đào sâu để khám phá những yếu tố nằm dưới tảng băng chìm. Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn có thể nhận định vấn đề một cách toàn diện và đa chiều, tránh đưa ra các phán đoán sai lầm và những thiếu sót không đáng có để chạm tới thành công trong công việc và cuộc sống.