Xác định đúng tầm nhìn và sứ mệnh cho một doanh nghiệp là bước vô cùng quan trọng bởi vì hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững cũng như thành công của tổ chức trong tương lai. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng đều có khả năng hiểu và định hướng rõ ràng về tầm nhìn, sứ mệnh của mình một cách chính xác. Do đó nên trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin hữu ích nhằm mang đến cho bạn một cái nhìn đúng đắn hơn về tầm nhìn là gì, sứ mệnh là gì cũng như vai trò quan trọng của hai giá trị này trong ngữ cảnh doanh nghiệp.
Tầm nhìn là gì?
Tầm nhìn (vision) là khả năng nhìn xa trông rộng, hình dung một cách rõ ràng về bức tranh toàn cảnh của tổ chức, cá nhân hoặc dự án trong tương lai. Khái niệm này đề cập đến các khía cạnh của tương lai trong ngữ cảnh của doanh nghiệp, bao gồm ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, cơ hội, thách thức,... từ đó hỗ trợ quá trình ra quyết định và thực hiện các hành động thông minh nhằm tối ưu hóa tiềm năng cũng như đạt được thành công trong tương lai.
Mục tiêu của tầm nhìn là tập trung vào nguyện vọng và giá trị mà công ty đang hướng tới, thậm chí khi chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp có sự thay đổi thì tầm nhìn cũng thường sẽ giữ nguyên để duy trì tính nhất quán. Chưa kể, một tuyên bố tầm nhìn thực tế, đáng tin cậy và hấp dẫn sẽ thu hút sự cam kết của nhân viên, đồng thời cung cấp động lực để họ hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Sứ mệnh là gì?
Sứ mệnh (mission) là những nhiệm vụ quan trọng và lớn lao có tính chất ngắn hạn mà tổ chức hoặc doanh nghiệp phải thực hiện nhằm tạo ra giá trị cho khách hàng, cộng đồng, xã hội, từ đó đạt được mục tiêu trong tầm nhìn. Do đo, sứ mệnh giúp tổ chức hiểu rõ hơn về những gì mình cần làm, cách thực hiện như thế nào và đối tượng phục vụ là ai.
Theo quan điểm của Stephen Covey: "Nếu bạn không xác định mục tiêu dựa trên tuyên bố sứ mệnh, bạn có thể vẫn sẽ leo lên được đến bậc thang cuối cùng nhưng khi đó, bạn sẽ nhận ra rằng mình đã đi nhầm đường"
Chẳng hạn, một tổ chức có tầm nhìn trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sữa tại Việt Nam, với sứ mệnh là cung cấp các sản phẩm sữa chất lượng và đa dạng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần thực hiện các hoạt động như mở chuỗi cửa hàng, nhập khẩu máy móc, phân phối sản phẩm đến các siêu thị và triển khai các chương trình khuyến mãi,....
Phân biệt tầm nhìn và sứ mệnh
Dù tầm nhìn và sứ mệnh mang theo những ý nghĩa độc lập nhưng rất nhiều người, bao gồm cả các nhà lãnh đạo, quản lý cũng thường gặp khó khăn trong việc phân biệt hai khái niệm này. Dưới đây là những khác biệt chủ yếu mà chúng tôi đã tổng hợp để phân định giữa sứ mệnh và tầm nhìn:
So sánh | Tầm nhìn | Sứ mệnh |
Vai trò | - Hỗ trợ định rõ hướng đi và lộ trình của doanh nghiệp. - Khẳng định giá trị và lý do tồn tại của doanh nghiệp. | - Giúp doanh nghiệp tìm ra cách để đạt được mục tiêu mong muốn. - Khẳng định giá trị cho doanh nghiệp |
Chức năng | Mang lại tầm nhìn về vị thế mà doanh nghiệp sẽ đạt được trong tương lai, khuyến khích mọi người nỗ lực làm việc để gặt hái mục tiêu, đồng thời giúp hiểu rõ hơn về lý do cần phải cống hiến mọi sức lực. | Giúp doanh nghiệp xác định được những mục tiêu cụ thể, từ đó vạch ra những bước cần thực hiện để đạt được mục tiêu và tiến đến thành công |
Tính chất | Là động cơ để giải thích lý do tồn tại của doanh nghiệp, vì lẽ đó mà nếu không thực sự cần thiết thì hãy giữ nguyên tầm nhìn. | Các nhà lãnh đạo có thể thay đổi sứ mệnh để phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng tầm nhìn bám sát giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cũng như nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng |
Thời gian | Hướng đến những bức tranh toàn cảnh trong tương lai | Tập trung vào thực tế hiện tại |
Trả lời cho câu hỏi | Doanh nghiệp sẽ đi đến đâu? Phát triển như thế nào? Sẽ ở đâu trong tương lai? | Làm thế nào để thành công? Cách để trở nên khác biệt và phù hợp? |
Ý nghĩa của tầm nhìn và sứ mệnh trong doanh nghiệp
Để giúp bạn có cái nhìn chi tiết hơn về sức mạnh của tầm nhìn và sứ mệnh, chúng tôi sẽ phân tích những ý nghĩa tích cực mà hai yếu tố này mang lại cho tổ chức, công ty hoặc doanh nghiệp, cụ thể:
1. Chiếc la bàn giúp doanh nghiệp đi đúng hướng
Tầm nhìn có thể được ví như một chiếc la bàn, giúp các nhà lãnh đạo xác định mục tiêu cho công ty cũng như hiểu rõ về những thách thức, khó khăn và cơ hội mà họ sẽ phải đối mặt. Không chỉ vậy, tầm nhìn còn cung cấp cơ hội cho bạn để đưa ra những quyết định chính xác về đường đi nước bước cho doanh nghiệp của mình. Nhờ đó, khi bắt đầu hành trình phát triển, bạn sẽ có thể chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ để vượt qua những thách thức, tình huống khó khăn và duy trì mục tiêu trên con đường đã chọn.
2. Giúp nhân viên biết được mục đích tồn tại của bản thân và tổ chức
Sứ mệnh giúp mọi thành viên trong công ty hiểu được giá trị của bản thân và lý do tại sao tổ chức lại tồn tại. Được ví như một bản tuyên ngôn, sứ mệnh chứa đựng những giá trị, ý nghĩa và mục tiêu phát triển mà doanh nghiệp cam kết mang lại cho khách hàng, cộng đồng, xã hội. Không chỉ vậy, sứ mệnh còn góp phần củng cố các chiến lược tiếp cận đến mục tiêu trong tương lai, đồng thời đưa ra hướng dẫn cho nhà lãnh đạo về những bước tiếp theo cần thực hiện.
3. Tạo nên tổ chức chặt chẽ, chuyên nghiệp
Tầm nhìn và sứ mệnh cho phép người lãnh đạo phân chia nguồn lực một cách hiệu quả trong tổ chức kinh doanh, hướng dẫn sự phát triển của từng bộ phận theo các nhiệm vụ và chuyên môn cụ thể. Qua đó, hình thành một tổ chức chuyên nghiệp, chặt chẽ và liên kết. Hơn nữa, việc công bố tầm nhìn và sứ mệnh còn có tác dụng trong việc đánh giá kết quả triển khai các mục tiêu dựa trên những tiêu chí như thời gian, chi phí hay những chỉ số đã đạt được.
Cách xác định tầm nhìn và sứ mệnh cho doanh nghiệp
Tầm nhìn, sứ mệnh là nền tảng cốt lõi định hình chiến lược và mô tả mục tiêu phát triển mà doanh nghiệp hướng đến. Đây được xem là một cuộc hành trình đòi hỏi sự tập trung, tư duy chiến lược và hiểu rõ về môi trường kinh doanh. Do đó, để tạo ra một tuyên bố về tầm nhìn và sứ mệnh có hiệu quả thì bạn cần triển khai theo 4 bước bài bản sau đây:
1. Nghiên cứu thị trường
Thị trường kinh doanh là một trong những yếu tố hàng đầu có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Vì vậy, hãy thực hiện một nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng đến ngay từ khi tổ chức mới bắt đầu đi vào hoạt động. Để làm được điều này, bạn cần phải trả lời các câu hỏi sau:
- Sản phẩm bạn bán là gì? Liệu sản phẩm đó có phù hợp và giải quyết được "nỗi đau" của khách hàng mục tiêu không?
- Các mặt hàng mà doanh nghiệp cung cấp đáp ứng những nhu cầu nào của người tiêu dùng?
- Tại sao khách hàng nên lựa chọn sản phẩm / dịch vụ của bạn? Doanh nghiệp sẽ mang lại những giá trị gì cho họ?
Với xu hướng thị trường, sự thay đổi liên tục của kỳ vọng và nhu cầu từ phía khách hàng như ngày nay, việc nghiên cứu thị trường không chỉ là cơ sở vững chắc mà còn giúp doanh nghiệp nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng, xác định đúng hướng đi của mình trong tương lai.
2. Xác định giá trị doanh nghiệp mang lại cho khách hàng
Sau khi tiến hành nghiên cứu và có cái nhìn tổng quan về thị trường, bạn cần định rõ những giá trị tốt nhất mà doanh nghiệp có thể mang lại cho khách hàng.
- Đối với tầm nhìn: bạn cần vẽ ra một bức tranh chi tiết về tương lai của doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định, có thể là 10, 15 năm hoặc hơn.
- Đối với sứ mệnh: đừng chỉ chăm chăm đề cập đến những thế mạnh nổi bật của doanh nghiệp bởi lẽ khách hàng ngày nay thường có những yêu cầu cao và họ trở nên khó tính hơn trong quá trình lựa chọn. Do đó, họ sẽ không đánh giá cao những vẻ ngoại hình lòe loẹt, hào nhoáng mà bên trong lại rỗng tuếch và không có sự khác biệt. Đặc biệt là những doanh nghiệp startup hay công ty chưa có nhiều danh tiếng thì hãy nên giữ sự khiêm tốn khi trình bày về tổ chức và đồng thời tìm kiếm sự độc đáo, sự mới mẻ, khác biệt so với những gì thị trường đang sẵn có hiện nay.
3. Khuyến khích sự sáng tạo và brainstorming ý tưởng
Thực tế cho thấy, xác định tầm nhìn và sứ mệnh phù hợp cho doanh nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp còn non trẻ. Tuy nhiên, điều mà họ có thể thực hiện là kích thích sự sáng tạo, tìm kiếm điểm độc đáo và mới mẻ thông qua việc sử dụng phương pháp brainstorming. Với sự tham gia ngày càng tăng của thế hệ Gen Z trong lực lượng lao động, doanh nghiệp có thể tận dụng những trí óc sáng tạo này để định rõ tầm nhìn và sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và sự chỉn chu để duy trì một hình ảnh tích cực, uy tín trên thị trường.
Tiếp theo, bạn hãy bắt đầu một cuộc brainstorming với những ý tưởng sáng tạo, trình bày chúng một cách rõ ràng và có lý giải chi tiết đến tất cả thành viên trong công ty. Mọi người cần tham gia thảo luận tích cực với hiểu biết sâu sắc về công ty để tạo ra tầm nhìn và sứ mệnh đúng đắn nhất vì đây là nền tảng quyết định mọi thành công của doanh nghiệp trong tương lai.
4. Ban hành, lắng nghe và thực hiện điều chỉnh
Sau khi đạt được sự đồng thuận từ toàn bộ đội ngũ nhân viên, doanh nghiệp nên công bố thông tin cho tất cả mọi người. Bạn có thể sử dụng các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội,... để đảm bảo rằng mọi thành viên đều có cơ hội lắng nghe và hiểu rõ những thông điệp mà công ty muốn truyền tải.
Sau đó, hãy quan sát trải nghiệm của khách hàng và tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp để thực hiện một số điều chỉnh sao cho phù hợp nhất về tầm nhìn, sứ mệnh. Có thể nói, mọi hoạt động tập thể nên dựa trên tinh thần lắng nghe, chia sẻ và phát triển thông qua tư duy sáng tạo, phản biện, thảo luận, góp ý. Bởi lẽ điều này giúp tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp trở nên vững chắc hơn, từ đó tạo dựng nên nền tảng cho sự thành công trong tương lai.
Ví dụ về tầm nhìn và sứ mệnh của các doanh nghiệp hàng đầu
Những thương hiệu hàng đầu thường sở hữu tầm nhìn và sứ mệnh rõ ràng, là động lực mạnh mẽ đưa họ vươn lên cũng như giữ vững vị thế của mình trong thị trường cạnh tranh. Sau đây, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số ví dụ tiêu biểu về tầm nhìn và sứ mệnh của các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới.
1. Tầm nhìn và sứ mệnh của Vinamilk
Với hơn 40 năm hoạt động, công ty sữa Vinamilk không chỉ là ngôi sao sáng trong ngành công nghiệp thực phẩm mà còn mang trong mình biểu tượng của sự đổi mới, chất lượng và sự cam kết với khách hàng và đồng thời, Vinamilk luôn nằm trong top những công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam.
- Tầm nhìn: “Trở thành biểu tượng niềm tin hàng đầu Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người”
- Sứ mệnh: “Vinamilk cam kết mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng và chất lượng cao cấp hàng đầu bằng chính sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm cao của mình với cuộc sống con người và xã hội”
2. Tầm nhìn và sứ mệnh của Viettel
Luôn coi mỗi khách hàng là một một cá thể riêng biệt, cần được tôn trọng, quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu và phục vụ một cách riêng biệt, Viettel hoạt động dựa trên tầm nhìn sứ mệnh sau:
- Tầm nhìn: “Sáng tạo vì con người”
- Sứ mệnh: “Tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số”
3. Tầm nhìn và sứ mệnh của Vingroup
Vingroup không ngừng đổi mới, sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam và nâng tầm vị thế của thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế thông qua tầm nhìn và sứ mệnh sau:
- Tầm nhìn: “Định hướng phát triển thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại Dịch vụ hàng đầu khu vực”
- Sứ mệnh: “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”
4. Tầm nhìn và sứ mệnh của Coca-Cola
Trong hơn một thế kỷ tồn tại, Coca‑Cola đã đặt nền móng để trở thành một công ty nước giải khát toàn diện và không ngừng theo đuổi giá trị tầm nhìn và sứ mệnh sau:
- Tầm nhìn: “Our vision is to craft the brands and choice of drinks that people love, to refresh them in body & spirit. And done in ways that create a more sustainable business and better shared future that makes a difference in people’s lives, communities and our planet.” Tạm dịch là “Tầm nhìn của Coca-Cola là trở thành thương hiệu đồ uống được nhiều người yêu thích bằng cách mang lại cho khách hàng trải nghiệm sảng khoái cả về thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời, chúng tôi cam kết thực hiện điều này thông qua việc xây dựng một doanh nghiệp bền vững và tạo ra một tương lai mà mọi người có thể chia sẻ tốt hơn, từ đó tác động tích cực đến cộng đồng, xã hội và hành tinh”
- Sứ mệnh: “Refresh the world. Make a difference” tạm dịch “Đổi mới thế giới và làm nên điều khác biệt”
5. Tầm nhìn và sứ mệnh của Samsung
Là một tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu, Samsung nổi tiếng với những sản phẩm mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Vậy công ty hoạt động dựa trên tầm nhìn và sứ mệnh nào?
- Tầm nhìn: “Together for Tomorrow! Enabling People” (Cùng nhau vì ngày mai! Trao quyền cho mọi người).
- Sứ mệnh: “Cống hiến tài năng và công nghệ của mình để tạo ra những sản phẩm xuất sắc, góp phần làm cho cộng đồng toàn cầu trở nên tốt đẹp hơn”
6. Tầm nhìn và sứ mệnh của Apple
Tầm nhìn và sứ mệnh của Apple là nguồn động viên quan trọng đằng sau sự đổi mới cũng như thành công của họ trong ngành công nghệ và giúp Apple trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, cụ thể:
- Tầm nhìn: “Thử thách hiện trạng, thay đổi góc độ suy nghĩ”
- Sứ mệnh: “Tạo ra những sản phẩm công nghệ mang tính thay đổi cách mọi người sống, học tập, làm việc và chơi”
Một số câu hỏi thường gặp về tầm nhìn và sứ mệnh
Ngoài những thông tin chia sẻ trên thì dưới đây chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn một số thắc mắc mà người dùng thường gặp phải về tầm nhìn và sứ mệnh, cụ thể như sau:
1. Tại sao tầm nhìn và sứ mệnh luôn song hành cùng nhau?
Tầm nhìn, sứ mệnh là hai khái niệm quan trọng và có mối quan hệ mật thiết với nhau bởi lẽ muốn đạt được tầm nhìn thì tổ chức hoặc doanh nghiệp cần phải sở hữu một sứ mệnh rõ ràng nhằm hướng dẫn hành động cũng như giúp công ty đạt được mục tiêu. Theo đó, sứ mệnh không chỉ phản ánh tầm nhìn mà còn được ví như bản đồ cung cấp lộ trình hướng dẫn để giúp bạn đi đến tầm nhìn đó.
Nhìn chung, tầm nhìn và sứ mệnh luôn song hành cùng nhau để xây dựng một khung cảnh tổng thể cũng như hỗ trợ tổ chức hay doanh nghiệp đạt được sự phát triển bền vững, từ đó tạo ra giá trị tốt đẹp cho xã hội, cộng đồng.
2. Nên tạo tầm nhìn hay sứ mệnh trước tiên?
Hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn đang đau đầu với việc không biết nên bắt đầu tạo sứ mệnh hay tầm nhìn trước. Trên thực tế thì quyết định này sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của công ty: đã tồn tại trong thị trường từ lâu hay mới chỉ bắt đầu hoạt động.
Trong trường hợp của doanh nghiệp mới, việc xây dựng tầm nhìn trước là quan trọng. Từ tầm nhìn đó thì sứ mệnh sẽ tự nảy sinh, hỗ trợ việc đưa ra kế hoạch và hành động để thực hiện mục tiêu mà tầm nhìn đã đặt ra. Ngược lại, nếu doanh nghiệp đã tồn tại một thời gian mà vẫn chưa có tầm nhìn rõ ràng thì việc tạo ra sứ mệnh tại thời điểm hiện tại là quan trọng. Sứ mệnh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tầm nhìn và thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch hướng tới tương lai nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.
3. Sứ mệnh và tầm nhìn cái nào quan trọng hơn?
Dù là tầm nhìn hay sứ mệnh thì đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng chiến lược và kế hoạch cho doanh nghiệp. Do đó, không thể khẳng định chắc chắn rằng tầm nhìn hoặc sứ mệnh, cái nào có độ quan trọng cao hơn bởi lẽ cả hai đều góp phần không nhỏ vào thành công tổng thể của công ty.
Theo đó, tầm nhìn định hướng cho quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp, làm tăng động lực phấn đấu cho nhân viên và hỗ trợ thu hút đối tác cũng như khách hàng trong tương lai. Ngược lại, sứ mệnh là một tuyên bố ngắn gọn, đơn giản, giúp làm rõ lý do tồn tại của tổ chức và mô tả nhiệm vụ chính mà nó đang thực hiện.
Như vậy qua bài viết này, Phương Nam 24h đã chia sẻ đến bạn khái niệm tầm nhìn là gì, sứ mệnh là gì cũng như cách để phân biệt sự khác nhau giữa chúng. Nhìn chung, dù có sự khác biệt trong bản chất nhưng tầm nhìn, sứ mệnh lại hoạt động chặt chẽ và cùng nhau tạo nên một khung cảnh tổng thể, hỗ trợ định hình chiến lược hành động, giúp doanh nghiệp đạt được những thành công bền vững cũng như đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp trên đã giúp ích cho bạn trong việc xác định tầm nhìn và sứ mệnh cho công ty của mình.